19 décembre 2014

Bái biệt nhà văn Bùi Ngọc Tấn


Bauxite Viet Nam 


clip_image001
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại Hải Phòng, bắt đầu viết văn, viết báo từ 1954.
Là phóng viên báo Tiền phong ở Hà Nội đến 1959 với bút danh Tân Sắc.
Bị tù cải tạo 5 năm trong vụ án "xét lại chống Đảng" (1968 đến 1973).
Sau đó làm công chức ở xí nghiệp đánh cá Hạ Long hơn 20 năm. Ông trở lại văn đàn qua bài viết "Nguyên Hồng, thời đã mất" đăng trên tạp chí Cửa biển tại Hải Phòng tháng 3/1990.

Bùi Ngọc Tấn qua đời vào lúc 6g15 ngày 18/12/2014 tại nhà riêng vì bệnh ung thư phổi.
 
Hưởng thọ 80 tuổi.

Lễ nhập quan lúc 10 giờ ngày 19/12 tại 30 ngõ 800 đường Thiên Lôi, Hải Phòng. Lễ viếng bắt đầu lúc 11 giờ cùng ngày. Lễ động quan và di quan lúc 10 giờ ngày 20/12, mai táng tại nghĩa trang Ninh Hải.

Những tác phẩm chính của nhà văn Bùi Ngọc Tấn:
Nguyên Hồng, thời đã mất, 1993
Một thời để mất, hồi ký, 1995
Một ngày dài đằng đẵng, tập truyện ngắn
Những người rách việc, tập truyện ngắn, 1996
Chuyện kể năm 2000, tiểu thuyết, 2000 (đã được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh)
Rừng xưa xanh lá, ký chân dung, 2004
Kiếp chó, tập truyện ngắn, 2007
Biển và chim bói cá, tiểu thuyết, 2008 (đã được dịch ra tiếng Pháp, đoạt giải Henri Queffelec năm 2012)
Viết về bè bạn, ký, 2012 (in gộp Rừng xưa xanh láMột thời để mất và phụ lục)
Ra mắt trong tháng 12/2014: Hậu chuyện kể năm 2000 (hay Thời biến đổi gien)

Tháng 3/2014, ông tham gia Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, được tín nhiệm cử vào Ban Đại diện của tổ chức này.

Viết là để mình được có dịp đối thoại với cái vĩnh cửu, là cố làm cho ra được vài trang sách chống chọi lại được với thời gian, là cố gắng không để mình bị "đo ván" dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Văn nghệ, theo tôi, quý trước hết vẫn là ở lòng nhân, là tình yêu thương con người. Tôi viết văn không phải để "cạnh khóe" ai, không phải viết cho bõ tức. Với tôi mỗi lần viết là để mình tốt hơn lên”.
(BNT trả lời báo Tuổi trẻ online, 23/01/2005)

Bùi Ngọc Tấn là một trong số không nhiều cây bút Việt Nam đương đại chiếm trọn lòng yêu quý và kính trọng của giới cầm bút cũng như bạn đọc người Việt trong, ngoài nước. Là một hình ảnh tiêu biểu cho các nạn nhân của chế độ toàn trị, ông đã sống gan góc, âm thầm biến những trải nghiệm đen tối của riêng mình thành những dòng viết tỏa ánh sáng nhân văn đến mọi người. Những trang viết trữ tình thâm thúy, hài hước đến cười ra nước mắt đã vượt lên trên mọi giá trị thông thường – sự điềm tĩnh kỳ lạ chứa đựng trong nó một sức mạnh ghê gớm đối diện với toàn bộ thiết chế của “cái Ác” trên đất nước ta, đạt tới cõi cao xanh là lòng yêu cuộc sống, yêu con người, yêu cái Đẹp đến đắm say.

Tình cảm của đồng nghiệp, bạn đọc, của giới văn hóa dành cho nhà văn đã thể hiện ở sự cưu mang tác phẩm Chuyện kể năm 2000, bất chấp những ngăn cản, sách nhiễu, trừng phạt của chính quyền; ở sự chăm sóc tận tình trong những tháng ngày ông lâm trọng bệnh.

Bùi Ngọc Tấn đã sống trọn vẹn cuộc đời khổ nạn và cống hiến, ông là hình ảnh của một dân tộc bị bạo quyền vùi dập, tước quyền sống, nhưng không khuất phục, vẫn bền gan nuôi ngọn lửa tự do nội tâm và khát vọng làm CON NGƯỜI đích thực. Ông là minh chứng cho chân lý: SỰ THẬT có thể bị bóng tối che phủ một thời gian, thậm chí dài, nhưng dứt khoát sẽ có ngày bùng lên tỏa sáng; con người có thể bị nỗi sợ cầm tù, nhưng rồi sẽ có ngày vùng thoát ra được để sống hiên ngang ngẩng đầu. Yếu tố thúc đẩy cái ngày ấy đến nhanh chính là những tiếng nói chân thực nhìn suốt đến đáy tâm khảm, những trang viết vắt kiệt cùng tâm huyết, chinh phục lòng người như của Bùi Ngọc Tấn.

Anh Tấn ơi!

Từ tận đáy lòng, tất cả chúng tôi cầu mong Anh ra đi thanh thản, vì Anh đã ở cõi đời này đủ để nếm trải hết cay đắng ngọt bùi và trả xong cho đời món nợ của mình. Anh ra đi trong vòng tay của người vợ thủy chung, của những đứa con hiếu nghĩa, của bạn bè gần xa không nguôi thương tiếc Anh.

Xin Anh nhận từ những người làm và đọc Bauxite Việt Nam một nén nhang thành kính.
Bauxite Việt Nam
*
Bùi Ngọc Tấn để lại gì?
Phạm Toàn

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã từ biệt chúng ta mãi mãi từ lúc đồng hồ điểm 6 giờ 15 phút sáng thứ Năm 18 tháng 12 năm 2014. Khối u ở phổi phát triển nhanh và có làm anh đau đớn nhiều trong tháng cuối cùng – nhưng ngoài sự đau thể xác đó ra, bè bạn vẫn có thể chứng kiến Bùi Ngọc Tấn ra đi thanh thản.

Tháng cuối cùng, gia đình chuyển anh từ căn gác nhỏ ở đường Điện Biên Phủ sang nhà con trai để tiện chăm sóc hơn, và nhất là để có chỗ rộng hơn đón tiếp những người thương yêu anh từ rất xa cũng tới nắm tay anh một lần mà tất cả đều biết chắc đó là lần cuối. Riêng bạn Dương Tường trong mấy tháng qua đã tới với anh vài bốn lần. Cháu Văn con anh Trần Dần cũng tới quay thêm những đoạn băng cuối cùng. Hôm thứ Ba, Dương Tường gọi cho bè bạn thân, bảo “Tấn nặng lắm rồi”. Hôm thứ Tư, Dương Tường gọi lần nữa, “cái Yến từ trong Nam đã ra rồi, phải chuẩn bị điếu văn thôi”. Một vài bạn sắp đi công tác xa, chuẩn bị hôm nay, thứ Năm, đi thăm Bùi Ngọc Tấn lần nữa. Nhưng trước khi lên đường lại có điện của Dương Tường giọng ngàn ngạt “Tấn đi rồi… Sáu giờ mười lăm sáng nay”…

Bùi Ngọc Tấn ra đi để lại gì? Những tác phẩm. Những tình cảm. Những đóng góp hiển nhiên cao giá cho nền văn học nước nhà. Một giọng văn hừng hực tinh thần cách mạng đầu những năm 1960 ca ngợi người anh hùng Phùng Văn Bằng giữ cây đèn biển ngoài cửa Nam Triệu. Một giọng văn kể chuyện chi li để ai ai cũng được nếm trải cảnh đời “kể năm Hai Nghìn” nhưng đã được dịch thật đủ ý sang tiếng Pháp “chuyện kể cho những thế kỷ đang tới”. Không riêng cuốn tiểu thuyết đó đáng để đời cho nhiều thế kỷ đang tới. Còn có giọng văn vừa chi li vừa hóm hỉnh, hài hước trong những “chuyện kể về bè bạn”. Những chuyện về “những người rách việc”. Những chuyện kể về “người chăn kiến”. Những chuyện về “Biển và chim bói cá”. Và gần đây nhất, chuyện kể về một thời “biến đổi gien”…

Bùi Ngọc Tấn ra đi không chỉ để lại vỏn vẹn bấy nhiêu chữ nghĩa. Con người Việt Nam hôm nay còn thấy ở Bùi Ngọc Tấn những di sản khác nữa. Trong cuộc vật lộn để dân chủ hóa đất nước hôm nay, người Việt Nam chúng ta sẽ từng bước không để trên đất nước thương yêu này còn tồn tại những lò sản sinh ra những “người chăn kiến” – những “trại người” tiêu phí thì giờ và sức thanh xuân trong những nhà giam giữ không xét xử hoặc có xét xử với những bản án bỏ túi – nơi tạo ra những thầy giáo Đinh Đăng Định và biết bao người không thể lưu danh khác, ra tù chưa kịp sống thêm trong nhà tù lớn, đã phải đem cái thân xác bị hủy hoại trong những nhà tù được “xây nhiều hơn và đẹp hơn trường học”, rồi sớm về với nhà tù vĩnh viễn trong lòng đất.

Có một bài học lớn Bùi Ngọc Tấn gửi tới những nhà cầm quyền độc đảng toàn trị nhưng chẳng hiểu họ có nhận ra không. Bài học đó là: họ đã vô tình đào tạo ra biết bao người tài nhờ được họ vô tình đào tạo thành những kẻ đối lập. Phải thấy là thế hệ Bùi Ngọc Tấn vốn dĩ là thế hệ xung phong đi đầu xây dựng cái “xã hội mới” theo như lời hứa hẹn gửi đã lâu trong vô vàn chữ nghĩa được thế hệ đó vơ vào cho chính những thân phận lãng mạn ấy sau này gặm nhấm trong tù. Trong khi Bùi Ngọc Tấn lăn lộn trong Thanh niên Xung phong, thì Dương Tường và Mạc Lân chẳng hạn lại là Tình nguyện quân sang chiến đấu tận bên Lào lúc Lê Khả Phiêu chỉ mới là cán bộ cấp tiểu đoàn hay đại đội gì gì đó.

Ai đã làm cho họ thất vọng? Những thực tại nào đã khiến họ đi từ những hoài nghi nho nhỏ để rồi đến với nỗi tuyệt vọng to đùng cho một tương lai “ở đâu đâu cũng có chủ nghĩa xã hội” nhưng “chẳng thấy chủ nghĩa xã hội ở đâu cả” – câu đùa bằng tiếng Pháp thế hệ này vẫn nói vui với nhau từ cuối những năm 1960: “Le socialisme? C’est partout, et nulle part”.

Thế hệ đó cũng tự rèn cho mình một nghị lực để càng tuyệt vọng lại càng có những đóng góp cao đẹp cho Dân tộc, cho Nhân dân. Người ta chẳng vào Đảng của các anh, mà các anh cũng vơ lấy người ta để hạch tội “chống Đảng”. Thấy được sự vô duyên ấy, nên thế hệ ấy tự rèn cho mình một áo giáp chống phỉ báng, và họ lẳng lặng làm việc. Nào, ai trong số TẤT CẢ các anh trong dăm chục năm đã MỘT MÌNH dịch đến 50 (năm mươi, tôi nhắc lại: năm chục) cuốn tiểu thuyết, cuốn nào cũng được chào đón, chứ không bị ghẻ lạnh như những trang báo ngày nào nhân dân cũng chẳng thèm ngó qua! Nào, ai trong tất cả các anh trong những năm tháng vất vả ở tù ra song đã kịp để lại cho Đời những “Chuyện kể năm Hai nghìn”, những “Biển và chim bói cá”, những “Cún” và “Người chăn kiến”, những “Kể về bè bạn”, … và biết bao tình cảm yêu thương nồng thắm! Nói thật nhé: khi các anh trên giường bệnh như Bùi Ngọc Tấn, đừng có mơ những bàn tay bè bạn tới xoa xoa và truyền năng lượng tinh thần sang cho tấm thân kiệt sức của mình. Biết sao không? Có ma nào sẽ nhận được trở lại tí năng lượng an ủi nào từ những tấm thân tham nhũng, luồn cúi, và tha hóa của các anh?

Bài học to lớn nhất cho các anh là: hãy biết nhìn lại lịch sử đi! Cái lịch sử không mấy xa xôi, cái lịch sử không cần đến những cặp kính xập xệ tra cứu tờ A tờ B, hãy giương mắt ra mà rút kinh nghiệm từ những chuyện rất gần.

Nói thì dễ, làm thì khó, vì việc học hỏi đó cần đến một vài đức tính các anh hoàn toàn thiếu: trung thực, không tham lam, không hèn.

Thách đấy!

Ôi, xin lỗi Tấn nhé, mình chợt bỏ cậu một lát để lan man sang đôi ba chuyện chẳng xứng đáng chút nào với cậu.

Mình nhớ và yêu cậu mãi mãi. Hẹn gặp cậu ở nơi cậu đang tới. Nơi đó khi đó chúng ta chẳng còn phải nhìn thấy những điều ti tiện nữa. Nơi đó mới đúng là Thiên đường, chứ không phải cái thiên đường “ở đâu đâu cũng có” nhưng “chẳng thấy ở đâu sất”.

Hẹn gặp!

Hà Nội, 18 tháng 12 năm 2014


Nguồn: : Bauxite Viet Nam