Huỳnh Ngọc Chênh
Lý Quang Diệu |
Và rất nguy hiểm khi có một số kẻ suy diễn ra rằng, không cần thể chế dân chủ đa đảng, độc tài mà có người lãnh đạo tài đức như ông Lý Quang Diệu thì rất tốt.
Nhưng cần phải xem kỹ lại Singgapore có độc đảng hay không và ông Lý có độc tài gia đình trị hay không?
Singapore là một nước cộng hòa nghị viện, có chính phủ nghị viện nhất viện theo hệ thống Westminster đại diện cho các khu vực bầu cử. Hiến pháp của quốc gia thiết lập hệ thống chính trị dân chủ đại diện. Chỉ số dân chủ ở mức trung bình, xếp hạng 82/167 quốc gia (đứng đầu là Thụy Điển, chót bảng là Triều Tiên, VN xếp thứ 145). Qua đó thấy rằng, Singgapore có thể chế dân chủ chưa toàn diện chứ không phải là quốc gia chuyên chế.
Ông Lý lên đứng đầu đất nước thông qua bầu cử đa đảng mà đảng PAP của ông chiếm đa số phiếu chứ không phải do bạo lực đứng lên cướp chính quyền.Trong cuộc bầu cử toàn quốc ngày 1 tháng 6 năm 1959, PAP giành được 43 trong tổng số 51 ghế trong hội đồng lập pháp, Lý Quang Diệu trở thành thủ tướng thay thế thủ tướng Lim Yew Hock.
Tiếp theo sau đó, nhờ uy tín cá nhân và nhờ tài năng lãnh đạo của mình, ông Lý đã giúp đảng PAP liên tục giành đa số phiếu tuyệt đối qua hầu hết các cuộc bầu cử tự do đa đảng.
Ngay tác giả Nguyễn Hưng Quốc qua bài viết "Lý Quang Diệu, nhà độc tài được yêu mến và ngưỡng mộ nhất thế giới" cũng đã thừa nhận rằng : "Thành công thứ hai của Lý Quang Diệu là ông đã làm cho đảng Hành động Nhân dân (People’s Action Party – PAP) do ông sáng lập với một số bạn bè từ năm 1954 trở thành một đảng cầm quyền có uy tín và sức mạnh hầu như vô địch tại Singapore trong suốt 60 năm qua.
Trong cuộc bầu cử năm 1963, đảng của ông chiếm 37 trên tổng số 51 chiếc ghế Quốc hội; trong các cuộc bầu cử sau đó, từ năm 1968 đến 1980, đảng của ông chiếm toàn bộ số ghế.
Chỉ từ năm 1984 trở đi, trong Quốc hội mới thấp thoáng có vài ba chiếc ghế thuộc phe đối lập. Cho đến nay, đảng Hành động Nhân dân vẫn giữ ưu thế tuyệt đối trong Quốc hội".
Như vậy thì làm sao bảo ông Lý là một nhà độc tài. Đảng PAP thắng cử thì đương nhiên thủ lĩnh đảng làm thủ tướng. Sau năm 1990, ông nghỉ hưu, chức vụ đứng đầu đảng PAP bàn giao qua cho Ngô Tác Đống (Goh Chok Tong) và ông nầy trở thành thủ tướng tiếp theo khi PAP giành thắng lợi qua bầu cử. Rồi nhiệm kỳ tiếp theo Lý Hiển Long lại được làm thủ tướng nhờ thắng lợi của PAP. Nói rằng ông Lý Hiển Long được truyền ngôi nhờ thể chế độc tài gia đình trị thì cũng y chang khi nói rằng Bush con của Mỹ lên làm tổng thống là do Bush cha truyền ngôi lại !
Còn tại sao đảng PAP liên tục giành thắng lợi qua các cuộc bầu cử tự do thì nhìn những gì đảng nầy làm được cho Singgapore dưới quyền lãnh đạo của ông Lý chúng ta thấy ngay ra câu trả lời.
Cử tri Sing không dại gì phiêu lưu chọn lựa đảng khác khi mà đảng PAP đã quá sức tốt trong sự nghiệp đưa đất nước tiến lên đỉnh cao như ngày hôm nay. Cũng như cử tri Mỹ không dại gì phiêu lưu chọn lựa đảng thứ ba ngoài hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, một khi hai đảng đó, qua gần 250 năm, thay phiên nhau đưa nước Mỹ lên vị trí độc tôn ở hầu hết các phương diện như ngày hôm nay.
Thể chế độc tài thì không thể nào sản sinh ra nhà lãnh đạo tài đức và nhà độc tài thì không thể nào là một người tốt. Hitler nhất thời làm cho nước Đức vươn lên siêu cường, nhưng cũng chính cái đầu óc bệnh hoạn do độc tài của Hitler đã nhanh chóng vùi dập nước Đức xuống bùn nhơ ngay sau đó. Gia đình họ Kim có thể đưa Triều Tiên lên thành một cường quốc hạt nhân, nhưng nhân dân Triều Tiên và đất nước đó đang như thế nào thì không ai không thấy kinh khủng đến rùng mình. Phác Chung Hi đặt nền móng cơ sở cho Hàn Quốc cất cánh nhưng nếu chế độ độc tài của ông ấy không được thay thế bằng một thể chế dân chủ thì Hàn Quốc cũng khó mà cất cánh thành một quốc gia văn minh giàu mạnh như hiện nay.
Đừng bao giờ mơ thể chế độc tài mà có người tốt lãnh đạo thì vẫn tốt. Đừng bao giờ mơ thể chế độc tài thì sản sinh ra con người tốt. Đó là chân lý.
Fidel Castro là một trí thức, là một nhà yêu nước, nhưng chế độ độc tài đã làm hỏng ông ngay sau đó và làm hỏng hết những tầng lớp kế thừa tiếp theo.
Người dân Việt Nam đã qua 70 năm trải nghiệm và trả giá. Nhìn vào tài đức của những nhà lãnh đạo của đất nước ngày hôm nay, những kẻ được sản sinh ra trọn vẹn từ thể chế, để hiểu rằng chân lý ấy không bao giờ thay đổi.
HNC