Tháp truyền hình Tokyo Skytree
cao nhất thế giới hiện nay (634m).
Dự án tháp truyền hình VN
sẽ cao hơn 2m! -
Ảnh: Tokyoskytree
cao nhất thế giới hiện nay (634m).
Dự án tháp truyền hình VN
sẽ cao hơn 2m! -
Ảnh: Tokyoskytree
THƯ NGỎ
KÍNH GỬI ÔNG TỔNG GIÁM ĐỐC TRUYỀN HÌNH VN
VỀ VIỆC XÂY DỰNG “THÁP TRUYỀN HÌNH CAO NHẤT THẾ GIỚI”
Kính thưa ông Tổng giám đốc
Dư luận cả nước và thế giới đang vô cùng kinh ngạc nếu không muốn nói là phẫn nộ về việc Việt Nam tàn sát môi trường bằng chiến dịch chặt cây lâu năm trên các đường phố Hà Nội và dự án lấp sông Đồng Nai xây khu đô thị mới, thì lại rộn lên về dự án Tháp truyền hình… “cao nhất thế giới”!
Đông đảo người dân đã phản ứng trước hội chứng “nhất thế giới”, “nhất châu Á”, “nhất Đông Nam Á” từ chiếc bánh chưng, tô hủ tiếu, cho đến pho tượng Phật, ngôi chùa, đài kỷ niệm… nay không khỏi hoài nghi Tháp truyền hình sắp xây tổn phí khoảng 1 tỷ đô la liệu có công dụng thiết thực hay chỉ tô đậm thêm bộ mặt hãnh tiến của một quốc gia vừa thoát khỏi đói nghèo, đang chật vật cầu mong ngoại viện để ra khỏi cơn khủng hoảng kinh tế, trong khi người dân còn vô cùng thiếu thốn về mọi mặt, từ cái ăn hàng ngày đến trường học cho trẻ em, giường bệnh cho người đau ốm.
Chỉ nói về mặt công nghệ, nhiều chuyên gia đầu ngành, bao gồm những người từng ở cương vị lãnh đạo của ngành thông tin truyền thông, cũng không thấy được lý do chính đáng để Việt Nam phải xây một tháp truyền hình mới “cao nhất thế giới”!
Vì vậy, chúng tôi, những người tham gia truyền thông và những người quan tâm đến truyền thông quốc gia, xin gửi đến ông TGĐ mấy câu hỏi sau và yêu cầu ông trả lời công khai trước công luận:
1/ Tháp truyền hình tương lai có thực sự phục vụ yêu cầu phủ sóng toàn lãnh thổ trong khi nó chỉ phục vụ cho công nghệ analog, mà công nghệ này tới năm 2020 sẽ không được áp dụng trên diện rộng ở VN theo quy họach của ngành Truyền hình? Được biết hiện nay đa số chương trình truyền hình được truyền qua đường cáp và vệ tinh.
2/ Truyền hình dùng công nghệ analog có ưu điểm là phát sóng được tới các vùng xa xôi hẻo lánh với chất lượng cao, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết như qua vệ tinh. Nhưng địa hình nước ta dài nên nếu Tháp đặt tại Hà Nội thì chỉ Lào và Trung Quốc là tiếp nhận tốt. Có người đặt câu hỏi: hay VTV định dùng tháp này để truyền tiếp các đài truyền hình Trung Quốc chăng?
3/ Hiện nay 63 tỉnh thành đều có tháp truyền hình riêng. Chưa có nước nào trên thế giới mà mỗi tỉnh nhỏ đều có một đài truyền hình (hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre cách nhau có 20km cũng có tháp truyền hình, phát thanh riêng). Vậy những đài truyền tiếp VTV ở các địa phương đã hoạt động hết công suất chưa? Đường trục cáp quang quân đội và VNTP có dung lượng rất lớn đã được sử dụng tối ưu chưa? Cần điều tra xem có bao nhiêu phần trăm người xem truyền hình đang dùng truyền hình cáp (có thông tin cho rằng phần lớn cư dân các đô thị đã chuyển sang dịch vụ này).
4/ Nếu những lý do chính trị, kinh tế, kỹ thuật để xây tháp truyền hình “cao nhất thế giới” đều không thuyết phục, phải chăng mục đích thật sự của Tháp truyền hình “cao nhất thế giới” là kinh doanh du lịch giải trí, hay quý đài còn ý đồ gì khác?
Xin ông TGĐ trả lời những câu hỏi trên. Nếu ông thấy khó trả lời hoặc trả lời không thuyết phục, thì mong ông, với lòng tự trọng của một người có trách nhiệm cao của bộ máy truyền thông nước nhà, hãy cho dừng ngay dự án “cao nhất thế giới” này trước khi nó trở thành điều “bị chê cười nhất thế giới”.
Kính chúc ông dồi dào sức khỏe và minh mẫn.
1/ Nguyên Ngọc – nhà văn (Đại diện những người ký tên). Địa chỉ: Số 2 Trần Hưng Đạo, Hội An, Quảng Nam.
2/ Phạm Duy Hiển, kĩ sư đã về hưu, dịch giả, bút danh Phạm Nguyên Trường, 8 Yên Bái, Vũng Tàu.
3/ Hoàng Hưng – nhà thơ, dịch giả, nhà báo (nguyên Trưởng ban Văn hóa báo Lao Động Thời Đổi Mới), TP.HCM.
4/ Phạm Gia Minh – TS kinh tế, Phó Tổng thư ký Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, nguyên Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt nam, Hà Nội.
5/ Chu Hảo – nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ & Môi trường, Hà Nội.
6/ Lê Phú Khải – nhà báo, nguyên Phóng viên Đài Truyền hình Trung ương, Đài Tiếng Nói VN, TP. HCM.
7/ Hoàng Dũng – PGS TS Ngữ văn, Đại học Sư phạm TPHCM.
8/ Bùi Minh Quốc – nhà thơ, nguyên biên tập viên Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, hiện sống và viết tại Đà Lạt.
9/ Phạm Toàn – nhà giáo dục, nhà văn, dịch giả, Hà Nội.
10/ Dương Tường – nhà thơ, dịch giả, Hà Nội.
11/ Nguyễn Thanh Giang – TS Khoa học, số nhà 5 ngõ 341, đường Trung Văn, Hà Nội.
12/ Võ Văn Tạo – nhà báo, 95/2d Bạch Đằng, Nha Trang, Khánh Hòa.
13/ Vũ Thế Khôi – Nhà giáo ưu tú, nguyên Trưởng khoa tiếng Nga Đại học Hà Nội, Hà Nội.
14/ Tô Lê Sơn- kỹ sư, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TPHCM.
15/ Vũ Hồng Ánh – nghệ sĩ đàn Cello, nguyên BTV Đài Truyền hình TPHCM,TP.HCM.
16/ Ý Nhi – nhà thơ, TP HCM.
17/ Vũ Ngọc Tiến – nhà văn, nhà báo, Hà Nội.
18/ Phạm Duy Hiển – Giáo sư vật lý, 12A02, nhà 34T, Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội.
19/ Trần Tiến Đức – nhà báo, đạo diễn phim tài liệu và đạo diễn truyền hình, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục-Truyền thông UBQG DS và KHH Gia đình, Hà Nội.
20/ Bùi Quốc Huy – BS, Bình Phước.
21/ Trần Minh Thảo – viết văn, Bảo Lộc, Lâm Đồng.
22/ Tiêu Dao Bảo Cự – nhà văn tự do, Đà Lạt.
23/ Trần Đồng Minh – nhà giáo, nhà văn, Hà Nội.
24/ Nguyễn Huệ Chi – GS, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Văn học Việt Nam, Hà Nội.
25/ Nguyễn Đăng Hưng – Giáo sư Danh dự trường ĐH Liège, Bỉ, Tổng biên tập tạp chí quốc tế APJCEN, hiện cư trú ở TPHCM.
26/ Tống Văn Công – nhà báo, nguyên TBT báo Lao Động, TP HCM.
27/ Nguyễn Quang A – Tiến sĩ khoa học, Hà Nội.
28/ Nguyễn Xuân Diện – Tiến sĩ Ngữ văn, Hà Nội.
29/ Lê Hoài Nguyên – nhà thơ, nguyên Giám đốc Điện ảnh Công an, Hà Nội.
30/ André Menras, Hồ Cương Quyết – nhà giáo, Pháp.
31/ Vũ Trọng Khải – PGS TS Kinh tế, nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp & Phát triển nông thôn II, TP HCM.
32/ Phạm Đình Trọng – nhà văn, TPHCM.
33/ JB Nguyễn Hữu Vinh – Kỹ sư Xây dựng, Nhà báo tự do, Giáo dân Công giáo, Hà Nội.
34/ Hà Sĩ Phu – viết văn tự do, Đà Lạt.
35/ Lê Khánh Luận – TS Toán, nhà thơ, nguyên giảng viên trường ĐHKTế TP.HCM, thường trú 402/13 An Dương Vương, F4, Q5, TP. HCM.
36/ Kha Lương Ngãi – nguyên Phó TBT báo Sài Gòn Giải phóng, TPHCM.
37/ Nguyễn Thị Khánh Trâm – nghiên cứu viên văn hóa, TP HCM.
38/ Mai Thái Lĩnh – nhà giáo, nhà nghiên cứu độc lập, Đà Lạt.
39/ Hồ Ngọc Nhuận – nguyên chủ bút nhật báo Tin Sáng, Sài Gòn (1968-1972; 1975-1981), TPHCM.
40/ Nguyễn Đăng Quang – Đại tá, nguyên Cán bộ Bộ Công an, Hà Nội.
41/ Trần Quang Thành – cựu phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, hiện định cư tại Braatislava, Cộng hòa Slovakia.
42/ Nguyễn Gia Hảo – chuyên gia Tư vấn độc lập, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, hiện sống tại Hà Nội.
43/ Tôn Quang Trí – Phó giám đốc Sở công Thương TP Hồ Chí Minh.
44/ Hồ Uy Liêm – nguyên Quyền Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học – kỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.
45/ Đào Tiến Thi – nhà nghiên cứu văn học & ngôn ngữ, uỷ viên BCH Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội.
Ngày 30/3/2015
T/M những người ký tên
Nguyên Ngọc
Phải làm cho thiên hạ lé mắt chơi!
30-03-2015
Chuyện kể rằng, có một gia đình nọ, hai vợ chồng đã nghèo, không được học hành tử tế, lại lười lao động, suốt ngày chỉ lo tính chuyện mánh mung, lường gạt mọi người. Gia đình đông con, lại không chịu khó làm lụng nên không đủ tiền nuôi đàn con, luôn phải giật gấu vá vai, vay của người này trả nợ cho người kia.
Thương cho đàn con vô tội, nên thỉnh thoảng hàng xóm cũng cho họ vay ít tiền để có vốn làm ăn. Nhưng do mặc cảm với sự nghèo kém của mình, nên hai vợ chồng luôn thích chơi trội, muốn khoe khoang, chứng tỏ ta đây không phải hạng bần cùng. Một hôm được vài người tốt bụng ở xóm dưới cho vay số tiền khá lớn, hai vợ chồng bàn nhau mua chiếc xe Lamborghini Veneno Roadster của Ý, để cho hàng xóm lé mắt vì cả làng chưa ai có đủ tiền mua chiếc xe này.
Bầy con can ngăn: chúng con đói khát bao nhiêu năm nay, thiếu ăn, thiếu mặc, vả lại gia đình ta còn thiếu nhiều món nợ đã vay ở xóm trên chưa trả, bây giờ vay được tiền ở xóm dưới, bố mẹ không để dành số tiền này làm ăn sinh lợi, có tiền nuôi chúng con, dư tiền trả nợ cho bà con ở xóm trên, lại đi mua chiếc xe đắt tiền như thế, các chủ nợ xóm trên biết được sẽ tới bao vây nhà ta. Bố mẹ nên suy nghĩ lại.
Hai vợ chồng chẳng những không nghe lời khuyên của con cái mà còn mắng chửi chúng: Chúng mày con nít biết gì, tao muốn làm cho cả nhà mình nở mặt, nở mày với lối xóm, xưa nay họ luôn khinh gia đình mình đã nghèo lại dốt, với chiếc xe sắp mua này, gia đình ta sẽ không còn bị ai khinh khi nữa. Chúng bây ngăn không cho mua xe, hay chúng bây là “thế lực thù địch”, không muốn gia đình mình nở mày, nở mặt với lối xóm?
Đứa con lớn bảo: Nhưng số tiền kia bố mẹ đi vay của thiên hạ, có phải tiền của bố mẹ làm ra đâu mà xài phí như thế, sau này nợ nần đổ lên đầu chúng con, bố mẹ qua đời rồi, chúng con ôm khối nợ này biết bao giờ trả xong. Ông bố bảo: lúc đó chúng tao chết mất rồi, lo gì, chúng bay ở lại trả món nợ này!
Mặc cho bầy con can ngăn, hai vợ chồng vẫn không nghe. Hôm sau họ đi mua ngay chiếc xe nói trên. Dẫu biết rằng những món nợ kia sẽ đổ lên đầu những người con trong gia đình và con cái của chúng, nhưng chúng không còn cách nào khác để thoát khỏi số nợ này. Những đứa con chỉ biết khóc ròng bởi chúng không thể chọn lựa được người cha, người mẹ tử tế để sinh ra chúng.