22 mars 2015

Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường lên tiếng về dự án đốn cây xanh ở Hà Nội



Trà Mi


Lần đầu tiên tại Việt Nam sự phản đối của công chúng đối với các chính sách công của nhà nước được hồi đáp tức thì khi Hà Nội hôm nay ra lệnh đình chỉ kế hoạch đốn bỏ hàng ngàn cây xanh của thành phố trước những bức xúc và chỉ trích mạnh mẽ từ người dân.

Thủ đô Hà Nội vốn nổi tiếng vì nét đẹp cổ kính với những ngõ phố rợp cây xanh bóng mát, trong số này có nhiều loại cây được xem là ‘di sản’ lâu đời.
Ủy ban Nhân dân Hà Nội nói gần 6% trên tổng số 120 ngàn cây xanh nội thành đã bị sâu mục làm xấu mỹ quan và không an toàn, cần thay thế cho phù hợp ‘quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh đô thị đã được phê duyệt.’
Tuy nhiên, dự án hàng chục tỉ đồng theo đề xuất của Sở Xây dựng chặt bỏ 6.700 cây xanh từ nay đến năm 2017 để trồng cây mới thay thế vừa khởi sự đã gây bão công luận khiến Chủ tịch thành phố hôm nay phải loan báo dừng lại và đề nghị ‘kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện.’
Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ tối 20/3, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường, GS-TS Bùi Cách Tuyến, nhấn mạnh đề án cải tạo cây xanh đô thị là cần thiết nhưng phải lấy ý kiến công chúng và được tiến hành từng bước ‘hợp lý’ với ‘sự đồng thuận’ của nhân dân. 
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Việc này chúng tôi cũng mới biết trên báo, cũng chưa nắm một cách cụ thể những cây mà Sở Xây dựng chủ trương chặt là những cây gì. Theo báo cáo họ đăng tải trên báo, họ muốn trồng lại chính quy những cây giá trị đáp ứng các tiêu chí về cây xanh đô thị để tạo vẻ đẹp. Báo cáo của Sở Xây dựng nói cây trước đây do dân trồng không chăm sóc chính quy nên bị biến dạng, méo, không phù hợp an toàn giao thông. Về mặt môi trường, chặt cây cũng phải rất cẩn trọng. Chúng tôi đang nghiên cứu xem tình hình cụ thể là chặt như thế nào. Nếu cây tạp chặt để trồng lại cây có giá trị thì tốt. Nếu cây có niên hạn cao hoặc thuộc chủng loại quý thì phải chọn lọc để lại. Nhưng hiện nay cũng chưa rõ số lượng, chủng loại chính xác là như thế nào. Còn phải bàn luận nhiều.
VOA: Lý do họ nêu xem ra không thuyết phục quần chúng và đã có những phản đối dữ dội từ dân chúng, từ giới chuyên gia, khoa học. Ông nghĩ thế nào về lý do đó, vì sao nó không thuyết phục được công chúng?
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Cái này chắc phải để xem lại, vì họ đình lại rồi mà. Những lý do Sở Xây dựng đưa ra với ý tốt đẹp như vậy thì cũng dễ chấp nhận, nhưng trên thực tế phải có một sự công bố cho công chúng người ta hiểu. Khi người dân có thông tin đầy đủ, họ cũng sẽ dễ dàng chấp thuận hơn. Còn việc này bên Sở làm cũng thiếu sự chuẩn bị cho ý thức của công chúng, nên dân phản đối.
VOA: Trước nay vẫn duy trì công tác tu bổ mỹ quan cây xanh nhưng chưa có chiến dịch chặt cây như lần này. Việc chặt cây trồng lại như vậy có ảnh hưởng lâu dài đến sự đồng bộ mỹ quan của thành phố?
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Mới đầu thì nó sẽ làm cho thành phố mất đẹp. Cây xanh hiện giờ có đó nhưng cũng lộn xộn. Những người có ý muốn tạo các loại cây đẹp, thuần loại, ra hoa tốt thì đó cũng là ý thức tốt, nhưng cái lúc mới chặt dĩ nhiên nó sẽ gây sốc vì làm cảnh quan đô thị bị ảnh hưởng. Cái đó  phải có sự vận động.
VOA: Như vậy theo ông vẫn cần thiết chặt những cây cũ đi để thay cây mới làm đẹp thành phố, vẫn cần thiết làm việc này?
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Nhưng mà phải có chọn lọc và theo kế hoạch hợp lý được nhân dân góp ý. Có sự đồng thuận trong xã hội thì làm nó sẽ hay hơn. Chứ còn bất thần làm như thế thì…Nếu muốn những thành phố Sài Gòn, Hà Nội của Việt Nam đẹp như những con đường ở Mỹ hay Hy Lạp thì ta phải chỉnh trang, đúng là như vậy, nhưng phải làm có kế hoạch hợp lý, được sự đồng thuận. Kế hoạch phải được công khai để dân Hà Nội biết và góp ý chứ. Phải có kế hoạch làm tuần tự thì hay hơn. Cùng một lúc làm cái ào thì nó sẽ gây sốc là đúng rồi.
VOA: Có ý kiến cho rằng cây xanh không phải là yếu tố duy nhất làm xấu bộ mặt thành phố, còn nhiều cái khác quan trọng hơn mà không được cân nhắc?
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Thì cái đó cũng là một trong số những khía cạnh thôi. Bây giờ muốn tiến tới một đô thị văn minh, sạch đẹp thì phải tiến hành nhiều chuyện. Vấn đề là lựa chọn thôi, cái nào làm trước cái nào làm sao. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, nếu mình đòi hỏi một loạt hết thì cũng không thể được vì ngân sách cũng không đầy đủ.
Ngay khi đề án chặt bỏ cây xanh Hà Nội được công chúng biết đến, một cư dân Hà thành tên Dương Ngọc Trà đã lập trang ‘6700 người vì 6700 cây’ kêu gọi cộng đồng lên tiếng bảo vệ môi trường và mỹ quan thủ đô.
Chưa đầy 24 giờ đồng hồ, trang này đã thu hút sự tham gia của hơn 20 ngàn người. Sau đó, những người cùng quan tâm đã viết thư ngỏ gửi chính quyền thành phố yêu cầu tôn trọng Quyền tiếp cận thông tin, Quyền của công dân tham gia quản lý nhà nước-xã hội và nghĩa vụ tương ứng của Nhà nước, Luật Bảo vệ Môi trường và Pháp lệnh về Thực hiện Dân chủ ở các cấp.
Cô Trà cho biết dù người dân thành phố vui mừng đón nhận quyết định đình chỉ dự án hôm nay nhưng chưa hẳn yên tâm và sẽ tiếp tục có các hoạt động để bảo đảm ‘sự minh bạch’ từ chính quyền.  
“Thấy kế hoạch được tạm dừng, tụi em cũng vui mừng vì yêu cầu được đáp ứng. Nhưng với những câu trả lời bỏ ngỏ trong cuộc họp báo chiều nay của thành ủy Hà Nội, tụi em không thể yên tâm. Với những gì có thể làm được như tổ chức các hoạt động cộng đồng, bọn em vẫn tiếp tục làm vì Hà Nội xanh và minh bạch. Cần phải có những bước tiếp theo như giải trình về việc đã chặt cây, những cây đã chặt nằm trong danh mục nào có những khảo sát nào. Những cây sắp chặt được khảo sát thế nào, mời những chuyên gia nào, có sự giám sát gì từ người dân. Ít có tiền lệ ở Việt Nam khi người dân lên tiếng phản đối mạnh mẽ thì dừng sự việc lại. Qua sự việc này, chúng ta thấy hiệu quả của sự lên tiếng tập thể và sự phát triển, tốc độ lan truyền thông tin hiệu quả của mạng xã hội. Chúng tôi mong qua việc này mọi người có ý thức cao hơn về môi trường, về tham gia các vấn đề xã hội. Ít nhất qua việc này có thể thấy được sự tham gia của người dân không hoàn toàn là xa vời hay vô vọng.’
Chưa rõ những bước tiếp theo sau khi dừng kế hoạch chặt cây xanh sẽ như thế nào, nhưng chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội cam kết ‘việc chỉnh trang trồng bổ sung thay thế cây xanh đô thị phải thực hiện theo đúng quy trình quy định’, phải ‘thông tin kịp thời’, ‘công khai minh bạch’ và tiếp thu ý kiến đóng góp’ của nhân dân, ‘tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện.’