Phạm Hồng Phước
(TNO) Nghĩ mà thương em Bphone đứt ruột
đứt gan. Liệu có ở một đất nước nào khác mà một sản phẩm do người nước đó làm
ra lại bị chính những người dân nước mình vùi dập lên bờ xuống ruộng như chiếc
smartphone đầu tiên của Bkav đang phải hứng chịu.
CEO Nguyễn Tử Quảng giới thiệu chiếc Bphone hôm 26.5 tại Hà Nội - Ảnh: T.Luân |
Chẳng lẽ chỉ vì từng được đặt cho cái nickname "bom phone" mà nó bị liệt vào danh sách vũ khí giết người hàng loạt cần phải bị lên án và loại bỏ? Khi chưa ra đời, chỉ cần bị đoán mò, Bphone đã bị ném đá thiếu điều nếu như không đủ can đảm và bản lĩnh thì cha mẹ của nó đã phải vô bệnh viện phụ sản mà phá thai. Sau khi vừa chào đời, Bphone bắt đầu bị soi từng chân lông kẽ tóc theo kiểu "bới lông tìm vết" để tìm cho ra những khuyết tật của nó, thậm chí chỉ cần một sợi tóc khác màu hơn những sợi còn lại, hòng ném đá cho sướng tay.
Thiệt tình xét một cách công tâm và dựa
theo công nghệ, nếu như một smartphone mới của một hãng nào khác mà làm được
như Bphone, nó đã được tung hô lên tới tận trời cao như một "siêu
phẩm" (theo cách các ông lớn công nghệ quen gọi những sản phẩm flagship
mới của mình). Số con rận là Bphone không thể chọn cửa mà sinh ra, phải chịu
làm sản phẩm của Bkav nên mới bị làm tình làm tội như vậy.
Tất nhiên trong cớ sự này cũng có lỗi của
Bkav, có lẽ bởi họ "sướng" quá, và phần nào cũng do phong cách cá
nhân, nhà sản xuất đã chẳng ngần ngại sử dụng những chiêu trò sốc dễ mua thù
chuốc oán, những từ ngữ "có cánh", thậm chí "đầy chất nổ"
khi quảng bá cho sản phẩm tâm huyết và đầu tư nhiều công sức, tiền bạc của
mình. Lẽ ra trong thời gian trước đây khi mọi chuyện còn mờ mờ ảo ảo và úp úp
mở mở, có "dao to búa lớn" cũng đành, tới trong sự kiện chính thức ra
mắt quan trên làng dưới, các diễn giả của Bkav biết tiết chế cảm xúc để chừng
mực hơn thì sẽ thuyết phục hơn và Bphone đỡ bị "giận cá chém thớt"
hơn.
Bphone là Bphone
Sự kiện ra mắt Bphone có rất nhiều người quan tâm đến - Ảnh: T.Luân
|
Cũng may, Bphone thực sự là một sản phẩm
công nghệ đáng giá. Bkav đã thành công trong việc làm ra được một sản phẩm có
nhiều thứ đúng như những gì họ nói và bị rò rỉ cho thiên hạ đồn đoán.
Nói chung, bất cứ người tiêu dùng nào cũng
muốn có được một sản phẩm tụ hội đầy đủ các công nghệ và tính năng tốt nhất ở
các sản phẩm lại với nhau để xài cho nó sướng. Bphone thật sự là một sản phẩm
như thế. Không chỉ chau chuốt từ dung mạo cho tới phần mềm, phần cứng, Bkav đã
tích hợp cho Bphone nhiều công nghệ, tính năng cao cấp, thời thượng và thậm chí
"cầm đèn chạy trước ô tô". Cứ xem thông số cấu hình của Bphone, người
ta thấy ngay nó chẳng phải là dạng vừa đâu.
Khó có thể so sánh giữa Bphone với iPhone
6 và Galaxy S6 coi ai đẹp hơn vì cái vụ đẹp xấu chủ yếu tùy theo cái nhìn và
cái gu thẩm mỹ chủ quan của từng người. Tranh cãi mất công lắm. Chỉ biết hai
sản phẩm của hai thương hiệu quốc tế kia được tạo dáng bởi những nhà thiết kế
đẳng cấp quốc tế và đã được thử lửa trên thị trường quốc tế. Trong khi đó,
Bphone cũng đã thực hiện được yêu cầu "thoát nhựa" mà phần lớn người
dùng đòi hỏi ở các smartphone high-end. Nó chỉ gồm 2 vật liệu hàng đầu và thời
thượng hiện nay là nhôm nguyên khối và kính cường lực ở cả hai mặt trước sau.
Nó hơi bị dày (7,5 mm) so với iPhone 6 (6,9 mm) và Galaxy S6 (6,8 mm), cũng như
nặng hơn (145 g) so với 138 g (Galaxy S6) và 129 g (iPhone 6). Nhưng Bphone cầm
gọn trong lòng bàn tay với bề rộng 69 mm, so với 67 mm (iPhone 6) và 70,5 mm
(Galaxy S6).
Để tạo nét riêng và có thể tối ưu hóa với
các công nghệ và giải pháp hiện có của mình, Bkav đã tùy biến hệ điều hành
riêng BOS (mà phiên bản đầu tiên dựa trên hệ điều hành Android 5.0). Trước đây
đã có một số hãng sản xuất smartphone làm như vậy như Xiaomi có hệ điều hành
MIUI, Oppo có ColorOS, OnePlus có Cyanogen,… Bkav nói rằng họ cần một hệ điều
hành cũng được tối ưu hóa và theo triết lý "tối giản hóa" thiết kế
của Bphone.
Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch phụ trách mảng phòng chống mã độc của Bkav cho rằng Bphone là chiếc smartphone an toàn nhất thế giới |
Như vậy, dù có muốn hay không, người ta
cũng phải thừa nhận rằng Bphone đã có được hình bóng Bkav từ trong ra ngoài.
Made in Vietnam theo
nghĩa "sản phẩm của Việt Nam"
Bphone với mặt sau khắc cả dòng chữ "Made in Việt Nam" - Ảnh: T.Luân |
Trước nay hầu hết các sản phẩm công nghệ
được cho là của những nhà sản xuất Việt Nam thực sự chỉ là hàng gia công ở nước
ngoài, thậm chí phổ biến hơn là đặt mua những sản phẩm mẫu sản xuất nhiều như
quân Nguyên của một xưởng nước ngoài rồi in thương hiệu của mình lên. Những
chiếc smartphone lâu nay vẫn được giới thiệu là sản phẩm của Việt Nam thực chất
là như vậy.
Riêng với Bphone, Bkav đã tăng được hàm
lượng chất Việt Nam trong sản phẩm rất cao. Ngoài phần mềm như đã nói ở trên,
họ còn tham gia cả phần cứng. Dựa trên chuẩn mực chung của sản phẩm smartphone,
đội ngũ Bkav đã thật sự thiết kế một sản phẩm theo ý muốn của mình. Sau đó, họ mua
các linh kiện (tới hơn 800 linh kiện) của 82 nhà cung cấp linh kiện ở nhiều
nước trên thế giới về lắp ráp thành phẩm hoàn chỉnh ngay xưởng của mình ở Việt
Nam. Như vậy có thể nói Bphone là smartphone đầu tiên thật sự là của Việt Nam
hơn cả.
Thật ra, chỉ cần Bkav thiết kế được bản
mẫu một chiếc Bphone rồi đem ra nước ngoài gia công OEM, cho dù phải ghi nhãn
là làm ở nước ngoài, nhưng sản phẩm vẫn có thể được coi là sản phẩm của Việt
Nam. Apple trước nay vẫn làm như vậy với iPhone.
Bphone sẽ thành công vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp - Ảnh: T.Luân
|
Những nhà sản xuất Việt làm theo cách của
Bkav với Bphone rất cần được nhà nước và cộng đồng người Việt hết lòng (kể cả
rộng lòng) khuyến khích. Chỉ có như vậy thì Việt Nam mới có thể có được những
sản phẩm ngon cơm của mình.
Điều bất lợi cho Bkav là việc ứng dụng
những tính năng và công nghệ hàng đầu khác đã có trên các sản phẩm khác ắt được
cộng đồng khen là biết cải tiến, chịu học hỏi, thì ở Bphone lại bị chê là bắt
chước, copy của thiên hạ. Ngay cả những chi tiết thiết kế bên ngoài cũng dính
chưởng tương tự. Trong khi thực tế, kiểu dáng smartphone thì chỉ quanh đi quẩn
lại như vậy. Bao năm nay, hai ông lớn Apple và Samsung vẫn phải kiện tụng lẫn
nhau trong cuộc chiến pháp lý hầu như bất tận vì những chi tiết kiểu dáng và
phần mềm ứng dụng bị cho là ăn cắp ý tưởng của nhau. Có lẽ, Bphone chỉ không bị
chê là copy, bắt chước người khác khi nó có thiết kế hình tam giác hay tròn như
quả trứng gà (miễn là deal được với mấy bà gà mái chớ có kiện)!
Hi vọng rằng sau khi bình tâm lại, cộng
đồng sẽ dành cho Bphone sự ưu ái mà nó đáng có được. Chắc chắn sẽ có nhiều thứ
chưa thể hoàn chỉnh hay còn bị thiếu vắng ngay trong những phiên bản đầu tiên.
Thậm chí có vẻ Bkav quá tham khi bắt Bphone phải ôm đồm quá nhiều thứ. Bất luận
thế nào, sau 1.500 ngày luyện võ công với 200 đệ tử lớn nhỏ và gửi gió cho mây
ngàn bay nhiều triệu USD, cuối cùng Bkav đã luyện thành một bảo bối của họ mà
họ không tự hào mới là chuyện lạ. Hãy thông cảm cho cái kiểu tự sướng quá ồn ào
của họ. Trong sự kiện ra mắt Bphone, anh Nguyễn Tử Quảng, chưởng môn Bkav, bằng
giọng xúc động nói rằng Bkav làm ra Bphone không phải chỉ cho họ mà là với khát
vọng muốn làm được một cái gì đó tốt đẹp nhất cho cộng đồng người dùng và cho
nước Việt. Anh đã kết phần trình diễn của mình bằng câu: "Tôi yêu Việt
Nam". Vậy đó, Quảng vẫn mãi là Quảng của thời Bkav cho cộng đồng.
Con đường phía trước của Bkav với Bphone
còn quá nhiều khó khăn khi cha con họ dù võ công tới đâu cũng chỉ là một ma mới
trên cái chốn giang hồ di động vốn đã có những danh thủ võ lâm trấn giữ nắm
quyền sinh sát và đằng đằng sát khí cạnh tranh nhau. Đã vậy, họ còn nhảy phóc
vào cái tầng nấc cõi trên vốn dành cho giới đẳng cấp nhiều ngân lượng, lắm
chảnh chọe. Họ đã thành công, cho dù chắc chắc chưa hoàn hảo, trong việc luyện
được bảo bối. Nhưng việc có đem cái bảo bối đó ra chinh phục được bá tánh quần
hùng và kiếm được tiền từ nó không lại là chuyện khác - còn đau đầu nhức óc hơn
là chuyện làm ra được nó.
Phạm Hồng Phước
Nguồn: Theo Thanh Niên