16 juin 2015

GÓP Ý KIẾN VÀO QUÁ TRÌNH TIẾN ĐẾN ĐẠI HỘI LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG: Về Chủ nghĩa xã hội”.

Tương Lai


Thời điểm Đại Hội 12 đầu năm 2016 sắp tới đòi hỏi chúng ta phải nói thẳng, nói thật, nói hết với quảng đại quần chúng, với toàn thể đảng viên, với niềm hy vọng áp lực lên Đảng cầm quyền toàn trị để mong thoát khỏi sự tụt hậu ngày càng trầm trọng về mọi mặt của đất nước, đồng thời xây dựng một nước VN hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải.

Các bài góp ý đã đăng :
- ông Lê Công Giàu : Thư đảng viên, không phải “Thế lực thù địch”!
- ông Võ văn Thôn : GÓP Ý VĂN KIÊN ĐẠI HỘI ĐẢNG CỘNG SẢN VN.
- ông Tống Văn Công : GÓP Ý VĂN KIÊN ĐẠI HỘI ĐẢNG CỘNG SẢN VN.
- ông Lê Thân : Bản góp ý “ Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12 “
- NguyễnThu Giang, nguyên Phó GĐ Sở Tư Pháp Tp/ HCM : “QUY CHẾ BẦU CỬ ỨNG CỬ TẠI ĐẠI HỘI 12 “ ĐCSVN THEO QUYẾT ĐỊNH 244-QĐ/TW"

Chúng tôi giới thiệu bài "GÓP Ý KIẾN VÀO QUÁ TRÌNH TIẾN ĐẾN ĐẠI HỘI LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG" của Giáo sư Tương Lai, một nhà nghiên cứu rất sâu sát chủ nghĩa Mác. Giáo sư Tương Lai là đảng viên và là người rất khâm phục và luôn làm theo lời Chù tịch Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên kiểu "làm theo" của ông mang đậm thực tế xã hội, trái hẳn với kiểu "học tập theo gương Bác" của ông Nông Đức Mạnh trong cung điện nguy nga.
Giáo sư Tương Lai, bằng bài góp ý rất dài với nhiều lý luận rất đáng đọc, chỉ giản dị đề nghị ba điểm:
1- Từ bỏ mô hình Xã hội Chủ nghĩa.
2- Dứt khoát loại bỏ cái gọi là Chủ nghĩa Mác-Lênin.
3- Thực hiện bằng được “điều mong muốn cuối cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” chứ không phải là xây dựng Chủ nghĩa Xã hội.



GS Tương Lai: "Với tư cách một người làm nghiên cứu, tôi sẽ cố gắng tiếp cận từ bình diện lý luận gắn với thực tiễn để trình bày ý kiến đóng với Đảng và cũng qua đó mong nhận được sự thẩm định của công luận về những ý tưởng đã trình bày và những kiến nghị với Đại hội XII."

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Đã có khá nhiều ý kiến đóng góp về Văn kiện sẽ đưa trong Đại hội XII của Đảng, về quy trình bầu cử và chuẩn bị nhân sự cũng như nhiều vấn đề cụ thể khác. Tôi không có điều kiện đọc hết, nhưng qua một số bài tìm thấy trên mạng, đã có rất nhiều những ý kiến sâu sắc và rất thuyết phục như ý kiến của ô. Nguyễn Thu Giang – Đoàn luật sư Tp HCM, nguyên phó GĐ Sở Tư Pháp Tp HCM về ng cử, đề cử của cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư hay ý kiến của ô. Lê Công Giàu ở  Chi bộ Ấp 4B, KDC Trung sơn, Xã B.Hưng, H.Bình Chánh, TpHCM cô đọng, ngắn gọn mà rất sâu sắc.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp thiết thực và cụ thể hết cần thiết rất đáng trân trọng đó, cũng rất cần những đóng góp về cơ sở lý luận của việc xây dựng Báo cáo chính trị và Quy chế lựa chọn nhân sự với những quy trình ứng cử, bầu cử từ cơ sở đến Đại hội thì tôi chưa đọc được, cũng có thể đã có nhưng tôi chưa tìm thấy. Vì thế, trong ý kiến đóng góp với quá trình chuẩn bị tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII, tôi muốn góp thêm vào chủ đề này. Với tư cách một người làm nghiên cứu, tôi sẽ cố gắng tiếp cận từ bình diện lý luận gắn với thực tiễn để trình bày ý kiến đóng với Đảng và cũng qua đó mong nhận được sự thẩm định của công luận về những ý tưởng đã trình bày và những kiến nghị với Đại hội XII. Tôi sẽ tập trung trình bày mấy vấn đề sau đây: 

                  Từ bỏ mô hình đã lựa chọn sai, mô hình Xã hội chủ nghĩa.
                  Từ bỏ cái gọi là “Chủ nghĩa Mác-Lênin
                  Trung thực và nghiêm túc thực hiện “Điều mong muốn cuối cùng” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

1.               Về Chủ nghĩa xã hội”.

 
Cách đây 6 năm, năm 2009, theo lời mời của ô. Chủ tịch Hội đồng lý luận TƯ, trong một tham luận gửi đến Hội thảo về “Phương pháp luận nghiên cứu “Chủ thuyết phát triển” và “Tư tưởng Hồ Chí Minh” do Hội đồng này tổ chức tại tpHCM, tôi đã trình bày rõ: “hiện nay, loài người không còn chủ nghĩa tư bản nguyên nghĩa nữa, mà cũng chưa từng có chủ nghĩa xã hội đích thực. Hai thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản” và “chủ nghĩa xã hội”, thì một không còn phản ánh một thực tế nào nữa, và một thì chưa hề phản ánh một thực tế nào cả. Cái thứ nhất là “chủ nghĩa tư bản”, cái thứ hai là “chủ nghĩa xã hội”! *

Cũng có nghĩa là mục tiêu mà chúng ta, nói đúng hơn là Đảng áp đặt cho cả dân tộc ta, cho toàn xã hội phải hướng tới một mục tiêu mù mờ để ra sức xây dựng. Sự mù mờ đó thì chính ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói ra chứ chẳng phải ai khác khi ông phát biểu rằng không biết đến hết thế kỷ XXI thì liệu đã có CNXH chưa! Cho dù vậy, ông vẫn áp đặt cái “Cuơng lĩnh xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, gọi tắt là Cương lĩnh 91” vào trong Hiến pháp 2013 vì ông ta đặt Cương lĩnh của Đảng cao hơn Hiếp pháp! Chuyện này thì báo Tuổi Trẻ đã đưa rất rành rọt, “thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi” như sau "Tại cuộc tiếp xúc cử tri này, Tổng bí thư cho biết trong kỳ họp sắp tới Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận, xem xét thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đây là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng nhất sau cương lĩnh của Đảng, là đạo luật gốc...”.

Có lẽ sẵn cái trớn này và cũng là noi gương ông, có vị bộ trưởng, Uỷ viên TƯ Đảng trong buổi nói chuyện với các vị lãnh đạo Thành phố tại Học viện Chính trị Quốc gia TPHCM đã nói thẳng thừng “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”!

Một vị Thứ trưởng phát biểu tại hội thảo khoa học “Xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới, và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 22/12/2014) cũng nói lên một băn khoăn rất thật: Tôi cứ suy nghĩ mãi một điều, nếu chúng ta đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến… thì không bao giờ chúng ta đi nhanh và bền vững được”. Nói là “rất thật”, sau nhiều thập kỷ đi theo cái gọi là ‘kinh tế thị trường định hướng XHCN’ mà càng đi càng không biết nó là cái gì thì làm sao mà đi tới được.

Đúng là cái mô hình XHCN mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”, thế nhưng suốt mấy thập kỷ qua, Đảng vẫn áp đặt cái mô hình đó lên toàn xã hội, chẳng những thế lại đòi hỏi tất cả mọi người Việt Nam, kể cả những người Việt Nam đang sống ở nước ngoài muốn Yêu nước thì phải Yêu chủ nghĩa xã hội. Oái oăm hơn nữa, áp đặt một cách hết sức khiên cưỡng lên tôn giáo, tín ngưỡng khi đòi hỏi Phật tử Phật giáo Việt Nam phải phát huy truyền thống “hộ quốc an dân” với phương châm Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội . Thử hỏi còn gì quá ngớ ngẩn hơn không và cái “Chủ nghĩa xã hội” gắn với “Đạo pháp” là thứ “Chủ nghĩa xã hội” gì, hình thù, diện mạo ra sao? Các nhà lý luận chính thống chắc cũng khó rao giảng về cái “chủ nghĩa xã hội” tạp pí lù này!

Gs Trần Phương, một nhà lý luận của Đảng, nguyên Chủ nhiệm Uỷ Ban Khoa học Xã hội Việt Nam [nay là Viện Hàn lâm KHXHVN], nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, trong một Hội thảo của Hội Kinh tế Việt Nam đóng góp ý kiến vào Văn Kiện Đại hội XI trước đây, đã đề cập đến chủ đề trên một cách dung dị, thẳng băng không úp mở, đúng hơn là “huỵch toẹt” ra cho dễ hiểu như sau:

Thế bây giờ cái CNXH của ông là cái gì đây? Thật ra mà nói, chúng ta nói và chúng ta biết là chúng ta bịp người khác! Đến tôi bây giờ, tôi cũng không biết cái CNXH mà chúng ta sẽ đi là cái CNXH gì đây? Có nhiều người bảo rằng thôi thì ta cứ đành lấy khẩu hiệu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng, văn minh", đó là CNXH.

Tôi xin lỗi ông. Đấy không phải CNXH! Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tôi hỏi anh: anh đã bằng [ ] Thụy Điển và [ ] Na Uy chưa? Nó không xã hội chủ nghĩa cũng công bằng, mà công bằng hơn ông, mà văn minh thì tất nhiên là hơn ông rồi. Thế thì cái CNXH mà anh bảo rằng là lấy cái khẩu hiệu "dân giàu, nước mạnh" mấy cái câu đó mà thay thế cho CNXH, đấy là CNXH của tớ đấy! Tôi nghĩ không đúng. Ông bịp thiên hạ với cái chữ CNXH của ông”!

Trên thực tế thì hệ thống XHCN đã sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu, chỉ còn lại cái hình hài đã biến dạng tại Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cuba và Bắc Triều Tiên! Mà sụp đổ là do đã chọn cái gọi là Chủ Nghĩa Mác-Lênin làm “kim chỉ nam”. Trong tham luận nói trên, tôi đã trình bày rõ: “trong quãng thời gian từ tháng 5/1975 đến nay [2009], đất nước ta đã tụt hậu như thế nào so với những nước châu Á có cùng một trình độ kinh tế như nước ta, thậm chí xuất phát điểm của họ còn thấp hơn của ta, nhưng vì họ không cần đến “kim chỉ nam” như ta nên họ đã vượt xa ta. Mà với “kim chỉ nam” đó, để đuổi kịp Hàn Quốc hay Singapore, ta phải phấn đấu liên tục trong 30 năm với giả dụ trong thời gian đó họ dậm chân tại chỗ để đợi ta! *

Thế rồi oái oăm hơn khi chỉ còn lại có mấy nước “anh em” vừa liệt kê ra trên đây, thì một ông lãnh tụ trẻ cũng ở bán cầu phía Đông đang bận rộn thanh toán đối thủ chính trị bằng những thủ đoạn tàn khốc như tử hình đại tướng bộ trưởng Quốc phòng bằng đại bác khiến cả nước và thế giới khiếp vía với cái “Chủ nghĩa xã hội” của ông lãnh tụ tối cao, hậu duệ của hai đời lãnh tụ tối cao lão thành đã quy tiên đang kiên trì xây dựng còn một ông lãnh tụ khác ở bán cầu phía Tây thì lại đang “xoay trục”.

Thì chẳng phải vừa rồi ở Cuba, Chủ tịch Raul Castro, em ruột của lãnh tụ tối cao Phiđen đang là “thái thượng hoàng”, đã nắm chặt tay Tổng thống Hoa Kỳ khi Obama đi một nước cờ cao, đã chìa tay ra với người cộng sản kiên định ở sát cạnh mình, thế rồi nhân dân Cuba vỗ tay rầm rầm chào đón sự kiện động trời này sau hơn nửa thế kỷ chờ đợi đó sao?

Nhưng còn “động trời” không kém khi người cộng sản Cuba kiên định Raul Castro kia đã sẵn sàng từ bỏ nguyên tắc để sẽ “sẽ trở về với giáo hội”. Xin trích nguyên văn phát biểu của Chủ tịch Cuba vào sáng chúa nhật 10.5.2015, sau khi Giáo hoàng Francis tiếp và hội kiến riêng hơn 50 phút đồng hồ như sau :

Tôi đã đọc tất cả những bài diễn văn và các văn kiện của Đức Giáo Hoàng, và tôi nói với Thủ Tướng rằng nếu Đức Giáo Hoàng tiếp tục con đường đó, tôi sẽ trở lại cầu nguyện và tôi sẽ trở về với giáo hội, và tôi không nói đừa đâu.” (if the pope continues this way, I will go back to praying and go back to the church, and I'm not joking). Ông nói tiếp: "Tôi xuất thân từ đảng Cộng sản Cuba, là đảng không cho phép các đảng viên theo đạo, nhưng bây giờ chúng tôi đã bỏ cấm đoán này, đó là một bước quan trọng". (I am from the Cuban Communist Party, that doesn't allow (religious) believers, but now we are allowing it, it's an important step).

Sự kiện trên gợi nhớ lại cái mệnh đề bốc đồng của một thời về hai nước XHCN Việt Nam và Cuba, hai pháo đài của CNXH ở Đông và Tây bán cầu với sứ mệnh cao cả là hai pháo đài vững chắc của thành trì XHCN thế giới, vì thế mà tự nhận nhiệm vụ “anh thức tôi ngủ” để canh cho sự an toàn của hệ thống XHCN. Có lẽ cả hai thức trắng đêm canh gác quá lâu cho sự an toàn của chủ nghĩa xã hội đã ngủ gật nên để cho hệ thống sụp đổ tan tành! Thế là hình như chỉ còn lại 3 nước kiên định XHCN là Lào, Trung Quốc và Việt Nam chúng ta, những nước “núi liền núi, sông liền sông”.

Khoan hãy nói đến Lào và Việt Nam, chi xin gợi lên vài nét về nước XHCN khổng lồ, người bạn láng giềng cùng chung ý thức hệ với cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thời Đặng và đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thời Tập.

Với lý thuyết “mèo trắng mèo đen” của Đặng, rồi luận điểm “nhất quốc lưỡng chế, một nước hai chế độ, nền kinh tế Trung Quốc đã dần dần trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 của thế giới để đến thời Tập Cận Bình với “giấc mơ Trung Hoa”, siêu cường mới tự giới thiệu với thế giới một “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” nhưng thực chất là một “Chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc”.

Theo Financial Times hôm 1.6.2015 dẫn lời François Godement của European Council on Foreign Relation, một chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc cho rằng : Từ hai năm qua, Tập Cận Bình đã chứng tỏ quyền uy cả trong nước lẫn ngoài nước. Trong một Trung Quốc toàn cầu hóa, ông ta cao giọng rao giảng những luận điệu vốn đã dân tộc chủ nghĩa đến cực độ. Mượn danh chống tham nhũng, Tập Cận Bình trừ khử tất cả các đối thủ thực sự hay tiềm năng. Lo sợ sự tương phản quá mức trong một nền kinh tế đang cải cách, vừa tạo ra của cải vừa gây thêm bất bình đẳng, hay một « xã hội dân sự » được thúc đẩy bởi những làn gió mới bên ngoài, Tập Cận Bình bóp nghẹt tất cả phong trào đối lập, biện minh bằng « chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Quốc ».

Từ sau khi thời đại Mao chấm dứt, Trung Quốc chưa bao giờ trong tình cảnh bị siết chặt đến thế về an ninh và ý thức hệ. Dự luật an ninh quốc gia vừa được công bố gồm cả chống lại « những giá trị phương Tây » và « ảnh hưởng nước ngoài ». Tập Cận Bình bị ám ảnh bởi sự sụp đổ của Liên Xô với cơn ác mộng Gorbachev.

François Godement nhận định rằng : ông Tập vừa muốn « hiện đại hóa Nhà nước độc đảng » hay chính xác hơn là « tái khẳng định quyền lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước ».Theo ông, chủ trương của Tập Cận Bình: « Chấp nhận chủ nghĩa cá nhân, xã hội tiêu thụ và một số biện pháp tự do hóa nền kinh tế, miễn là không đụng chạm đến Nhà nước độc đảng». Đó là những nghịch lý của “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”.

Xem ra những ai đó trong bộ máy quyền lực, ngưỡng mộ cái mô hình XHCN này của Tập, đang cố áp đặt mô hình ấy vào nước ta khi mà uy tín của Đảng trong dân, kể cả trong nhiều đảng viên hiểu rõ về thời cuộc, đã xuống đến tận đáy. Liệu có phải họ cũng muốn đi theo những chỉ dẫn của Tập, mượn danh chống tham nhũng, trừ khử tất cả các đối thủ chính trị thực sự hay đang ở dạng tiềm năng. Họ sợ sự tương phản quá mức trong một nền kinh tế đang cải cách, vừa tạo ra của cải vừa gây thêm bất bình đẳng kéo theo sự mất ổn định xã hội, họ sợ một « xã hội dân sự » được thúc đẩy bởi những làn gió mới bên ngoài, nên chủ trương bóp nghẹt tất cả những xu hướng dân chủ hoá chống lại sự độc tài phản dân chủ, phản tiến bộ rồi biện minh bằng luận điệu hàm hồ là “kiên định con đường mà Bác Hồ đã chọn! Bác chọn cái gì, xin sẽ nói tiếp ở mục thứ ba.

Nhân chuyện Cuba và những điều vừa dẫn ra, tôi lẩn thẩn tự đặt câu hỏi, không hiểu vào dịp sắp tới khi ông Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ, câu chuyện của Raul Castro vừa gợi lên đây có khiến ông phải cân nhắc giữa viện kiên trì định hướng XHCN với “nhà nước pháp quyền định hướng XHCN” mà ông từng kiên quyết không chấp nhận trong đó có “tam quyền phân lập”. Thậm chí những ai đòi hỏi cần phải có nguyên tắc cơ bản đó thì mới có nhà nước pháp quyền đúng với nghĩa của nó thì ông quy vào tội suy thoái tư tưởng, đạo đức và phải “quan tâm xử lý” 1. Đăc biệt là đối với sự vận hành cái gọi là kinh tế trị trường định hướng XHCN thì chắc cái định hướng này sẽ buộc phải xem xét lại với luật chơi mới của TPP khi Việt Nam đang phấn đấu quyết liệt để trở thành một thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương đó. Xin dẫn ra đây một mẩu tin vừa đọc được trên “Thời báo Kinh tế Sài Gòn” :  Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mai vừa trở về từ cuộc đàm phán song phương Việt Nam - Hoa Kỳ về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở Washinton DC hôm Chủ nhật 27-4, nói ông lo ngại thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay không tương thích với TPP. Ông giải thích: “Ví dụ, trong TPP đề cao vai trò của xã hội dân sự, đề cao sự tự do thành lập các hiệp hội. Đây là vấn đề rất nhạy cảm về chính trị với chúng ta”.Nếu vì về vấn đề rất nhạy cảm về chính trị” này động chạm đến sự kiên định mục tiêu XHCN mà ông Tổng Bí thư lại để vuột mất thời cơ một đi không trở lại để tạo ra một bước đột phá, đưa đất nước đi tới trong bối cảnh mới thì chưa chừng, để tránh được xem là tội dồ của lịch sử mà là người thúc đấy lịch sử, ông phải tham khảo bước đi của ông Raul để nhìn nhận lại về mô hình Chủ nghĩa Xã hội mà ông đang kiên trì áp đặt trên đất nước mình.

Nhân dân vốn rất tỉnh táo và sáng suốt, vì thế mà rất bao dung và công minh khi nhìn nhận những người lãnh đạo. Họ biết bỏ qua những sai lầm, khiếm khuyết do sự bất cập của trí tuệ bản thân và sự khiên cưỡng của cơ chế tuyển chọn, để sẵn sàng ghi nhận những đóng góp của những người, do sự đưa đẩy của số phận và thời cuộc, đã được trao cho những sứ mệnh qúa lớn vượt khỏi tầm vóc của người phải nhận sứ mệnh đó. Lịch sử vốn rất song phẳng trong sự khoan dung và công bằng.

Đã có những tấm gương tày liếp về chuyện kiên định lập trường xây dựng XHCN mà đã đẩy đất nước rơi vào thảm hoạ như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có ảo tưởng dựa vào Trung Quốc để cố níu kéo mấy nước XHCN còn lại sau khi Bức tường Berlin đã bị phá vỡ khỏi sụp đổ. Chính cái ảo tưởng đó, hệ quả trực tiếp của một tầm tư duy hạn hẹp và thiển cận đã dẫn đến Hội nghị Thành Đô năm 1990 với hệ luỵ khủng khiếp mà mọi người đã thấy. Nếu Chủ nghĩa là sản phẩm của một ảo tưởng duy ý chí thì cái gọng kìm Trung Quốc với Hội nghị Thành Đô siết chặt con mồi Việt Nam lại là một hiện thực trực tiếp đau đớn mà ai cũng thấy được.

Ấy vậy mà, “trong lịch sử chưa có một mô hình xã hội chủ nghĩa nào”, mà ngay cả những nhà sáng lập ra học thuyết Mác “cũng chưa bao giờ đề ra một định nghĩa có tính chất hình mẫu về chủ nghĩa xã hội khoa học cả, chính khoa học là ở chỗ đó”, nhận định đó được đưa ra từ hơn 20 năm trước *. Thời gian đã đủ để chứng minh rằng việc áp đặt mô hình XHCN cho mục tiêu phấn đấu xây dựng đất nước là một sai lầm, không chỉ là phản khoa học mà còn là phản tiến hoá. Đã quá muộn để dứt khoát từ bỏ mô hình đó. Nhưng muộn còn hơn là ngoan cố duy trì một lựa chọn sai lầm đã đẩy đất nước đi vào ngõ cụt. Điều có ý nghĩ thuyết phục mạnh mẽ hơn cả là không có “Chủ nghĩa Xã hội” trong “Điều mong muốn cuối cùng” của Hồ Chí Minh trong Di chúc.


Từ những vấn đề cơ bản đã trình bày, tôi kiến nghị với Đảng: quá trình tiến tới Đại hội lần thứ XII phải là quá trình chuẩn bị một cách quyết liệt để Đại hội ra Nghị quyết về 3 vấn đề sau đây :

1.    Từng bước từ bỏ mô hình Xã hội Chủ nghĩa, nghiêm túc và mạnh dạn tiếp thu những thành công của mô hình xã hội dân chủ ở các nước Bắc Âu để vận dụng vào việc định hình một thể chế dân chủ phù hợp với đặc điểm của Việt Nam.

2.    Dứt khoát loại bỏ cái gọi là Chủ nghĩa Mác-Lênin, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng lý luận để định hướng mục tiêu, đề ra chủ trương đường lối xây dựng và bảo vệ đất nước.

3.    Quyết tâm thực hiện bằng được “điều mong muốn cuối cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Muốn thế, cần trở lại với tên nước là Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trở lại với tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam, trở lại với những nội dung cơ bản của Hiến pháp 1946 dể xây dựng Hiến pháp mới thể hiện được khát vọng và ý chí của cả dân tộc, đẩy tới tiến trình dân chủ hoá nhằm thực hiện quyền làm chủ đích thực của nhân dân, dựa vào dân để đổi mới Đảng phù hợp với quy luật phát triển trong thời đại của nền văn minh trí tuệ và kinh tế tri thức thế kỷ XXI.

TP Hồ Chí Minh ngày 11.6.2015

Viết để tưởng nhớ đến Võ Văn Kiệt nhân 7 năm ngày mất của ông, người cộng sản chân chính, noi gương khí phách của ông, sự trung thực và quyết liệt của ông trong cuộc đấu tranh nhằm đẩy tới quá trình dân chủ hoá trong việc chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng. 

_______________

Chú thích :
* Đây là bản tham luận không được trình bày. Mặc dầu khi nhận được thư mời của ô. Tô Huy Rứa, chủ tịch Hội đồng lý luận TƯ, tôi đã từ chối vì biết rằng khó có thể trình bày thẳng thắn ý kiến của mình, cho dù đây là “một hội thảo khoa học”! Tuy nhiên, nhiều tháng sau, 5 ngày trước khi khai mạc Hội thảo “khoa học” đó, tôi lại nhận được thư mời của ô. Hoàng Chí Bảo, hình như là người chịu trách nhiệm trong Ban tổ chức Hội thảo giục gửi tham luận , từ chối nữa thì không tiện, tôi đã tạm gạt bỏ những công việc đang làm để kịp viết gửi đến Hội thảo ngày 6.4.2009. Và rồi chiều ngày 8.4.2009 tôi nhận được điện thoại của Ban Tổ chức Hội thảo khuyên là tôi “không nên đến vì không tiện” cho tôi. Tôi có gửi mấy câu chất vấn nhưng không hề nhận được trả lời. 
Nay tôi in tham luận đó trong cuốn sách “CẢM NHẬN VÀ SUY TƯ” vừa ra mắt bạn đọc đầu tháng 6 này. Những đoạn có dấu * là trích từ cuốn sách này, lần lượt tại các trang  23, 31, 30, 323, 350, 148, 232. Tại các trang ấy đã có xuất xứ của những ý, những đoạn trích buộc phải dẫn ra trong bản “Góp ý” này để tiện cho những người làm công tác lý luận tiện xem xét, thẩm định. Vì vậy bài viết hơi nặng nề, mong được thông cảm. TL
**Kiến nghị này tôi đã trình bày trong Tiểu luận có nhân đề “CHÂN LÝ LÀ CỤ THỂ” hoàn thành cách đây 10 năm vào dịp 19.8.2005 gửi những người có trách nhiệm : một số Uỷ viên Bộ Chính trị, Hội đồng Lý luận TƯ [qua Tổng biên tập báo Đại Đoàn kết với tư cách là Uỷ viên UBTU7MTTQVN] và một số nhà Nghiên cứu tôi quen biết.  Anh Sáu Dân đã dành 1 buổi trao đổi kỹ và yêu cầu tôi chỉnh sửa đôi chỗ để đưa in nhưng làm sao in được. Ngày 27.9.2006, tôi nhận được sự động viêncủa Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua câu đề tặng ghi ở trang đầu Tổng tâp Hồi ký của Đại tướng tặng tôi : “Chúc đồng chí Tương Lai có những đóng góp mới vào lý luận của Đảng” [xem “Cảm nhận và Suy tư” trang 119]. Báo Đại Đoàn Kết thời Lý Tiến Dũng làm TBT có trích đăng một chương trên Tuần San Đại Đoàn Kết vào dịp ấy. GS Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại doc Kinh tế TPHCM có in mấy chục cuốn [ 102 trang khổ giấy  A4] để gửi một số bạn bè thân quen.
Nay tôi nhắc lại những kiến nghị đó trong bản “GÓP Ý” này.