20 juillet 2015

Bài 3: Sức tàn lực kiệt


Gánh nặng quê nghèo
 
Phóng sự điều tra đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam, từ 6/7/2015

 
 
Bài 3:  Sức tàn lực kiệt

 
Thực trạng lạm thu trong các chiến dịch thu nộp sản phẩm quả khiến người nông dân ở nhiều vùng quê thuộc huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) điêu đứng.



Trưởng thôn Nguyễn Hải Sơn và Chủ nhiệm HTX Trần Văn Thái

Bức xúc đến nỗi, có ông trưởng thôn, dù nằm trong đội ngũ những người thực thi “chiến dịch” cũng phải thốt lên, có những khoản thu rất vô lý...

Xã thu, thôn thu, HTX cũng thu…

Kim Lộc là xã thuần nông, một vùng đất học nổi tiếng ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Bao thế hệ giáo sư, tiến sĩ, bao bậc hiền tài trong thiên hạ được nuôi nấng từ hạt lúa, củ khoai ở miền quê rát bỏng gió Lào này. Ruộng đồng, thóc lúa là lẽ sống.

Người nông dân ở đây sẵn sàng đi cày từ lúc nửa đêm, mang áo tơi ra đồng đội cái nắng chang chang rát bỏng để có được những hạt thóc cơ cực, nhọc nhằn. Tưởng đã là khổ lắm, những hạt thóc thẫm mặn mồ hôi ấy nào có dễ ăn.

Nó phải gánh chịu bao nhiêu là khoản thu của xã, của thôn, của HTX dịch vụ nông nghiệp mỗi kỳ chính quyền địa phương thực hiện "chiến dịch thu nộp sản phẩm". Hạt thóc chưa kịp đổ bồ tiếng loa gọi đóng nộp sản phẩm đã kêu ra rả.

Chiến dịch thu nộp ngân sách năm nay ở xã Kim Lộc bắt đầu từ ngày 12/6 kéo dài đến 22/6/2015. Một trong những “chiến dịch” dài hơi nhất so với các địa phương khác trong huyện Can Lộc.

Nắng hạn tháng Bảy. Công sở xã Kim Lộc nằm chơ vơ giữa cánh đồng ba bề đều là ruộng. Sức nóng từ kết quả thu nộp sản phẩm thậm chí còn muốn lấn át cả cái nóng của ông trời.

Đã hơn mười ngày từ thời điểm “chiến dịch” thu nộp sản phẩm lớn nhất trong năm kết thúc, vậy mà những người thực thi nhiệm vụ vẫn chưa thể tổ chức sơ kết để báo cáo kết quả. Nguyên nhân rất rõ, còn khá nhiều hộ gia đình chưa thực hiện việc đóng nộp đầy đủ, “gây cản trở” cho công tác thu ngân sách. 

Chủ tịch UBND xã Trần Văn Hữu dù ngồi phòng điều hòa mát lạnh nhưng giọng vẫn đầy vẻ lo âu: “Mới chỉ đạt được khoảng 70% so với chỉ tiêu, cán bộ xã, thôn đang tiếp tục vận động các hộ dân còn lại”. Kể cũng lạ.

Nông dân Kim Lộc vốn rất cách mạng, chấp hành đầy đủ mọi chủ trương, chính sách Nhà nước. Vậy thì tại sao chỉ có 70% số dân trong xã thực thi việc đóng nộp sản phẩm đúng thời hạn “chiến dịch”? Vì sao vẫn còn hàng trăm hộ dân đang "chống đối" chủ trương thu nộp sản phẩm của xã?

Bảng tổng hợp phương án thu các quỹ năm 2015 của UBND xã Kim Lộc do Trưởng ban Tài chính xã Lê Thanh Tâm tổng hợp, Chủ tịch UBND xã Trần Văn Hữu ký duyệt đã đề ra mục tiêu, nhất định phải thu được số tiền 672.287.098 đồng trong “chiến dịch” lần này.

Từng cột thu chi tiết, rõ ràng như muốn thể hiện tính quyết liệt của chính quyền địa phương. Chúng tôi cũng xin mạn phép không đánh giá con số trên nhiều hay ít.

Chỉ biết cả Kim Lộc có 1.184 hộ, gần 3.400 nhân khẩu, 6,4% hộ nghèo, 6,7% hộ cận nghèo, đời sống người dân chủ yếu dựa vào 420 ha đất lúa, năng suất vụ được mùa khoảng 2,5 tạ/sào và giá lúa chưa đầy 6 ngàn đồng/kg...

Có người buột miệng than thở, ở vùng đất học này, nếu không thoát ly được thì chỉ có làm ruộng và làm thuê là khả dĩ.

Ông Chủ tịch UBND xã Kim Lộc có vẻ hơi lạc quan khi nhận định “mức thu này thấp so với các xã khác”, bởi có một ông trưởng thôn khi làm việc với chúng tôi đã phải thốt lên rằng, có những khoản thu ông cảm thấy vô lý và tội dân.

Chủ tịch UBND xã Kim Lộc Trần Văn Hữu

Hết chiến dịch rồi nhưng các bản phương án thu của xã Kim Lộc bây giờ vẫn đang nằm rải rác khắp 6 thôn Thượng Xá, Phúc Tân, Kim Thịnh, Yên Tràng, Lũy và Đình Hồ. Việc vận động nhân dân đóng nộp chắc chắn sẽ còn phải tiếp tục bởi mục tiêu do xã đề ra chưa đạt.

Để tìm hiểu kỹ càng hơn về các khoản thu, chúng tôi vào thôn Kim Thịnh giữa trưa nắng vô cùng khủng khiếp, dễ chừng phải hơn 40 độ C. Nắng đến mức người với người gặp nhau chẳng thèm bắt chuyện. Vậy mà khi nhắc đến chiến dịch thu nộp sản phẩm, bức xúc như thể bị dồn nén lâu ngày được thể tuôn ào ào kể cả khi chưa biết chúng tôi là nhà báo.

Cầm phương án thu nộp được phóng to do xã phát về trên tay, trưởng thôn Kim Thịnh, ông Nguyễn Hải Sơn đồng thời chìa luôn bản danh sách hàng chục hộ dân trong thôn đang nợ sản. Bản danh sách mà ông bảo “toàn những trường hợp không có gì”.

Quả thật, có tận mắt chứng kiến các loại khoản thu mà nông dân nơi vùng quê khó nhọc này phải nộp mới thật sự hãi. Quỹ, phí, thuế trên các bảng phương án được chia thành hai cột ghi đầy đủ tên các hộ dân, số nhân khẩu, các loại quỹ và số thóc, số tiền cần phải đóng nộp… Một cột tính các khoản thu bằng tiền còn một cột tính bằng thóc quy tiền.

Nặng nề nhất vẫn là phần thu của xã. Ở cột tính các khoản thu bằng thóc, một hộ dân Kim Lộc phải đóng 3 loại quỹ: Quỹ tình nghĩa (2kg/lao động); Quỹ phòng chống thiên tai (1kg/lao động); Quỹ bảo vệ trẻ em (2kg/lao động).

Đặc biệt ở chỗ, có những hộ gia đình không có ruộng, nhưng vẫn phải gánh chịu các khoản thu bằng thóc như thường. Giá thóc rẻ nên các khoản thu trên thực tế không nhiều lắm, có lẽ, những khoản thu tính bằng tiền mới đẩy người nông dân đến mức điêu đứng.

Tổng cộng có các loại, quỹ an ninh quốc phòng (40.000 đồng/hộ); tu bổ giao thông (5.000 đồng/khẩu); khuyến học (3.000 đồng/khẩu); trả cán bộ không chuyên trách (30.000 đồng/khẩu); xây dựng trường mầm non (100.000 đồng/khẩu); khuyến nông (5.000 đồng/sào) và cả thuế đất phi nông nghiệp...

Rồi đến phần HTX, phần thôn. Ở thôn bây giờ khoản thu xây dựng rất nặng. Xây hội quán, xây dựng đường bê tông. Toàn tính theo khẩu cả. Ở xã Kim Lộc có thôn thu đến 300.000 đồng mỗi khẩu để xây hội quán.

Xã có 6 thôn nhưng có đến ba HTX nông nghiệp hoạt động. Cột kẻ ô thu bằng thóc lúa chi chít phần phải nộp. Nhà ít hai ba chục cân, nhà nhiều bảy tám chục cân, không thôn nào được thoát.

Thôn Kim Thịnh có 222 hộ dân, 557 nhân khẩu trong độ tuổi phải thu (từ 6 tháng tuổi đến 60 tuổi). Mục tiêu phải thu đủ 203.518.636 đồng. "Có những khoản thu như xây dựng trường học, không chỉ người dân trong thôn mà nông dân cả xã không đồng tình và kịch liệt phản đối. Nhưng rồi họ vẫn phải đóng.

Nghị quyết HĐND xã đã thông qua, bất cứ người nào có khẩu ở trên địa bàn đều nằm trong diện phải thu, những hộ xin giấy tạm vắng bỏ đi miền Nam làm ăn cả gia đình, kể cả hộ có ruộng hay không có ruộng. Bắt thu thì chúng tôi thu, tội dân thôi chứ chúng tôi cũng chẳng được gì ", trưởng thôn Nguyễn Hải Sơn phàn nàn.

Trường hợp hộ Phan Đình Công quả là đáng tội. Nhà Công có 6 người, không có ruộng chia nên phải mượn của bà Xanh Y 1,8 sào cấy lúa lấy gạo ăn.

Trong “chiến dịch” lần này tính tổng cộng gia đình Công phải đóng tới 3.991.000 đồng. Nặng nề nhất là các khoản, xây hội quán 1.200.000 đồng, xây dựng trường mầm non 500.000 đồng, trả công cho cán bộ không chuyên trách 150.000 đồng...

Sức tàn lực kiệt

Vì sao nông dân Kim Lộc có những trường hợp cả gia đình phải dắt díu nhau rời làng vào tận miền Nam kiếm miếng cơm manh áo? Vì sao có những trường hợp nợ tiền sản triền miên gần như không có khả năng đóng nộp?

Nhằm nhen nhóm hi vọng phần nào trả lời được những câu hỏi ấy, nhóm PVNNVN đã nhờ ông Trần Văn Thái, Chủ nhiệm HTX Đông Trường, ông Nguyễn Hải Sơn, Trưởng thôn Kim Thịnh và bà Lưu Thị Hải, Kế toán HTX Đông Trường làm một phép tính chi tiết về một hộ nông dân làm ruộng thuần túy ở địa phương để xem thử họ có gánh nổi các khoản thu trong "chiến dịch thu nộp sản phẩm" hay không. Xin lưu ý, phép tính được lập thành biên bản vào ngày 1/7/2015 tại Hội trường HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Trường.

Phương án thu các loại quỹ năm 2015 ở xã Kim Lộc

Gia đình ông Phan Nhân Thuyết (1948) và vợ Nguyễn Thị Phúc (1953) là một hộ nông dân thuần túy ở thôn Kim Thịnh. Hai ông bà sống nhờ đồng ruộng cùng con trai, con dâu và cháu. Họ được chia 7,5 sào. Phép tính của ông chủ nhiệm HTX, ông trưởng thôn và bà kế toán như sau:


Danh sách nợ sản của trưởng thôn Kim Thịnh, ông Nguyễn Hải Sơn có hơn 20 hộ dân. Đáng ra phải gửi bản danh sách này cho đài truyền thanh thông báo rộng rãi các trường hợp chậm nộp cho toàn dân được biêt, nhưng ông Sơn ậm ờ cho qua chuyện.
“Báo cáo của thường trực HĐND xã đến năm 2020, bình quân thu nhập 60 triệu đồng/người, họ lấy mô ra thì tui nỏ biết, chứ làm ruộng bây giờ khó sống lắm", ông Sơn kể thế.

Chi phí đầu tư cho một sào ruộng ở xã Kim Lộc thông thường cần 10kg đạm u rê, nhân giá mỗi cân 10.600 đồng = 106.000 đồng, 5kg kali giá 40.000 đồng, 100.000 đồng thuốc BVTV, 150.000 đồng công làm đất, 70.000 đồng tiền tuốt, 120.000 đồng tiền máy gặt, 2kg giống lúa thuần 60.000 đồng, 300.000 đồng tiền công cấy…

Chưa kể công, để đầu tư sản xuất 7,5 sào ruộng, gia đình ông Thuyết cần ít nhất 8.482.000 đồng. Trong trường hợp được mùa, năng suất vào khoảng 250kg thóc/sào, bán sạch sành sanh theo giá lúa hiện thời sẽ được 8.400.000 đồng. 

Theo phương án thu của xã Kim Lộc năm nay, gia đình ông Thuyết phải gánh thêm 6kg quỹ tình nghĩa, 3 kg quỹ phòng chống thiên tai, 6kg quỹ bảo vệ trẻ em, 40.000 đồng quỹ ANQP, 30.000 đồng quỹ tu bổ giao thông, 30.000 đồng quỹ khuyến học, 500.000 đồng tiền xây dựng trường học, 63.000 đồng quỹ khuyến nông, 30.000 đồng thuế nhà đất, 180.000 đồng quỹ cán bộ không chuyên trách, 1.200.000 đồng xây dựng nhà văn hóa…

Tổng cộng hết 2.163.000 đồng. Đấy là còn chưa cộng 405.000 đồng cho các khoản thu của xóm và 124.000 đồng từ HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Trường.

Cuối cùng, phép tính của ông chủ nhiệm, bà kế toán và ông trưởng thôn cho kết quả: Lấy tổng thu nhập trừ chi phí đầu tư và đóng nộp cho xã, thôn, HTX thì âm 2.658.000 đồng. Xin thưa rằng, với một gia đình nông dân thuần túy, không vay mượn, làm thuê, làm mướn thì chỉ có nước bỏ làng đi biệt xứ.

Thế đấy. Nên xin đừng hỏi vì sao người nông dân viết đơn trả ruộng, tại sao có những ngôi nhà hoang, cả gia đình bỏ đi tha phương cầu thực, có khi biền biệt đến mấy năm mới về lại một lần.
 
 
HOÀNG ANH – THIỆN NHÂN