05 juillet 2015

Chọn mục tiêu vừa tầm: Sẽ đoàn kết được tất cả những ai yêu Việt Nam



Thời điểm Đại Hội 12 đầu năm 2016 sắp tới đòi hỏi chúng ta phải nói thẳng, nói thật, nói hết với quảng đại quần chúng, với toàn thể đảng viên, với niềm hy vọng áp lực lên Đảng cầm quyền toàn trị để mong thoát khỏi sự tụt hậu ngày càng trầm trọng về mọi mặt của đất nước, đồng thời xây dựng một nước VN hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải.

Các bài góp ý đã đăng :
- ông Lê Công Giàu : Thư đảng viên, không phải “Thế lực thù địch
- ông Võ văn Thôn : GÓP Ý VĂN KIÊN ĐẠI HỘI ĐẢNG CỘNG SẢN VN.
- ông Tống Văn Công : GÓP Ý VĂN KIÊN ĐẠI HỘI ĐẢNG CỘNG SẢN VN.
- ông Lê Thân : Bản góp ý “ Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12 “
- Ông NguyễnThu Giang, nguyên Phó GĐ Sở Tư Pháp Tp/ HCM : “QUY CHẾ BẦU CỬ ỨNG CỬ TẠI ĐẠI HỘI 12 “ ĐCSVN THEO QUYẾT ĐỊNH 244-QĐ/TW"
- GS Tương Lai : “Từ bỏ mô hình đã lựa chọn sai, mô hình Xã hội chủ nghĩa.”."
“Từ bỏ cái gọi là “Chủ nghĩa Mác-Lênin ”."
“Trung thực và nghiêm túc thực hiện “Điều mong muốn cuối cùng” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ”."
- ông Hà Tuấn Trung : KIẾN NGHỊ VỀ SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ VÀ CƯƠNG LĨNH CỦA ĐẢNG“

Chúng tôi giới thiệu bài "Chọn mục tiêu vừa tầm - Sẽ đoàn kết được tất cả những ai yêu Việt Nam" của ông Vũ Duy Phú

Ông Vũ Duy Phú: " Đảng CSVN chỉ có thể sửa chữa căn bệnh thể chế sai lầm đã làm cho VN suy thoái đạo đức xã hội trầm trọng, dân mất lòng tin vào Đảng CSVN . . .bằng cách tốt nhất là từ bỏ cái tên XHCN cũ đi, từ bỏ ý thức hệ CN Mác – Lê mà toàn thế giới đã đưa vào phạm trù nghiên cứu khoa học ấy đi . . .nói khác đi là phải áp dụng thể chế Tự do Dân chủ Nhân quyền thực lòng, không “nói một đằng, làm một nẻo” dưới chiêu bài sách lược nữa. Dân làm chủ không thể chỉ nói mồm và hứa hẹn mà dân tin được. "





Chọn mục tiêu vừa tầm

Sẽ đoàn kết được tất cả những ai yêu Việt Nam

(Tư duy phục vụ chuẩn bị Đại hội Đảng XII) 

            Mấy chục năm qua, nhân dân Việt Nam ta ao ước và đổ bao xương máu hy sinh quên mình để có được một xã hội tốt đẹp hơn chế độ thực dân – nửa Phong kiến mà thực dân Pháp và phát xít Nhật đã để lại trên đất nước ta. Đi đường nào, chọn mô hình chính trị - xã hội nào đây ? Thủa ban đầu ấy, một bộ phận người dân Miền Nam đã chọn CNTB. Đại đa số nhân dân Miền Bắc thì đã chọn CNXH.

            Chủ nghĩa Tư bản tại Mỹ Anh Pháp Nhật và Bắc Âu .v .v . . .tuy còn một số khuyết nhược điểm, nhưng đã là một mẫu hình chính trị - xã hội sáng giá nhất trên thế giới hiện nay. Còn CNXH được coi là mô hình xã hội tốt đẹp trong tương lai của Loài người mà nhiều nhà tư tưởng nổi tiếng phương Tây đã đưa ra từ thế kỷ 16, 17, đã được Liên Xô và khối  Đông Âu thử nghiệm và thất bại; Trung Quốc, với trên 1 tỷ dân, cũng đã xây dựng CNXH, tuy vậy cũng còn rất nhiều vấn đề chưa thể vượt qua được, nên đã phải đổi hướng. Về “CNXH” ở nước ta, thì như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói công khai, rằng có thể đến hết thế kỷ này cũng chưa chắc vượt qua được “thời kỳ quá độ” (!). Dù có nhiều lý do và cách hiểu khác nhau, tuy nhiên thực tế đã chứng tỏ, CNXH đích thực – dù có tốt đẹp thật - vẫn chưa thể phù hợp với điều kiện con người nói chung trên Trái Đất ngay trong thế kỷ này. 

            Số phận trớ trêu: về CNXH , thì như đã nói: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố công khai, rằng có thể đến cuối thế kỷ này cũng chưa qua được “thời kỳ quá độ”, điều đó làm mọi người VN buồn lòng. Còn lịch sử cũng không quên: Do sai lầm thế kỷ của đế quốc xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ, những thế lực này đã tự bôi nhọ CNTB ở chính quốc, nên những người quyết tâm chọn CNTB ở Miền Nam, thì đại bộ phận hiện nay họ vẫn còn đang sinh sống ở nước ngoài, chưa có tiếng nói gì đáng kể ở trong nước. Hơn thế, nhiều người thuộc hai phía nói trên còn tỏ thái độ rất cực đoan, quyết tâm “tiêu diệt” lẫn nhau đến cùng, trong khi an ninh chủ quyền đất nước còn đang bị đe dọa. Thật là tồi tệ ! Khi nói về Dân tộc, về Đất nước thì hai bên đều nói rất hay. Nhưng có một câu châm ngôn cửa miệng của Người Việt:

“Nhiễu điều phủ lấy giá hương
Người trong một nước phải thương nhau cùng !”

thì họ lại quên !

            Có nên để mâu thuẫn “ý thức hệ” tiêu diệt tình thương đồng bào máu mủ ruột thịt của mình hay không ? Ngồi viết những dòng chữ này, không hề nói sai, tôi đã không cầm được nước mắt. . . .(dễ xúc động là nhược điểm của khá nhiều những người cao tuổi). Ngẫm cho thật sâu, thế giới văn minh rồi sẽ kết luận: Những kẻ dầy xéo tàn sát dã man Dân tộc Việt Nam nhỏ bé anh hùng này hàng mấy thế kỷ cho đến tận hôm nay chắc chắn là những kẻ còn tồi tệ hơn cả vô nhân đạo. Vì vậy chính người Việt Nam chúng ta, dù quan điểm, chính kiến có khác nhau, hãy quên chúng đi, hãy “Đoàn kết – sáng tạo” để tìm con đường ngắn nhất đưa những ngày hạnh phúc muộn màng đến cho nhân dân mình.

            Số phận nhân dân, quyền lợi Dân tộc không cho phép chúng ta yếu hèn. Chúng ta hãy tinh tấn chọn một con đường sống khả dĩ hạnh phúc hơn cho Đất nước, và khi làm việc này, không nên quên một câu Đức Phật Thích ca đã dậy: “Kẻ thù lớn nhất của mỗi đời người là chính mình”.

            Con đường ấy chính là CON ĐƯỜNG mà cả hai lớp người khác nhau trên đất nước ta nói trên, chính xác hơn là toàn dân, không phân biệt trẻ già, trai gái, tôn giáo, dân tộc, giai cấp, giầu nghèo, chính kiến “ý thức hệ’ . . .đã đoàn kết nhất tề đứng lên đấu tranh để lựa chọn, đó là CON ĐƯỜNG:

Lập quốc VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Độc lập Tự do Hạnh phúc

            Với hiến pháp năm 1946, với Chính phủ liên hiệp đa đảng phái, bao gồm cả Vua Bảo Đại vừa thoái vị, rất nhiều quan lại Triều đình Huế, rất nhiều nhân sĩ trí thức từ Pháp về, và một số cán bộ Việt Minh. Nếu chú ý, ta sẽ thấy có cả các đảng viên 2 đảng Dân chủ và Xã hội (đại diện cho các tầng lớp nhân sĩ trí thức và công thương cùng tham gia). Chính phủ VNDCCH khi đó đã đề xuất ý muốn gia nhập Liên Hiệp Pháp, đã có 3 lần mời Hoa Kỳ vào đầu tư phát kinh tế tại VNDCCH. Đó là một sự thật 100%, dù ai giải thích kiểu gì, ưng ý hay phản đối, đều không thể phủ nhận ! Nếu cần nhân chứng, vật chứng thì hiện nay thậm chí người thật việc thật còn tồn tại cũng không ít và các kho tư liệu quốc tế vẫn còn lưu trữ.

            Tôi chưa biết rõ, phe De Gaulle ở Pháp vì lý do gì mà phản đối lời đề nghị của Chính phủ Hồ Chí Minh, ngoài lòng tham chiếm đất thuộc địa một lần nữa và đánh giá sai thời cuộc. Còn lý do Hoa Kỳ từ chối lời đề nghị của Chính phủ VNDCCH thì ai cũng rõ: Để ngăn chặn CNCS lan tràn xuống ĐNÁ. Quyết sách sai lầm chiến lược ấy của Mỹ ngày càng được chứng minh, bởi mấy chục năm sau, mà Hoa Kỳ vẫn kéo luồng tư bản hùng hậu chưa từng có của nước này đầu tư vào Trung Quốc để hy vọng “ngăn chặn được Cộng sản” (*) !

            Vậy tư duy về việc trở về với điểm xuất phát về thể chế chính trị - xã hội của nước Việt Nam chúng ta sau khi dành được Độc lập năm 1945 thí sẽ đoàn kết được toàn dân và đoàn kết VN với thế giới mạnh nhất, vì mục tiêu này là hợp lý nhất:

Một là, VNDCCH, qua cấu trúc chính trị của nó, là thể chế của một xã hội Tự do Dân chủ, sau này có muốn phát triển theo mô hình TBCN phương Tây, hay “Hậu Tư bản” cũng rất thuận lợi;

Hai là, VNDCCH, qua cấu trúc chính trị của nó, là thể chế lấy Dân làm gốc rất rõ ràng, đi lên từ Mặt trận Việt minh đại đoàn kết dân tộc, với Hiến pháp 46 theo mẫu hiến pháp của Pháp và Hoa Kỳ, đã từng trưng cầu ý kiến của Dân, mà nay Đảng CSVN đang muốn phục hồi vị trí của Mặt trận Tổ quốc VN và bàn thảo trong dân việc sửa đổi Hiến pháp;

Ba là, CHXHCNVN, như trên đã phân tích, còn quá mơ hồ, hầu như chỉ có một mình VN là do trì trệ hết chỗ nói nên vẫn bám vào. Vì vậy từ bỏ danh hiệu CHXHCNVN là biết vận dụng phép biện chứng Mác và là thức thời sáng suốt ;

Bốn là, ngay hiện nay, nếu để nhân dân lập lại 2 đảng phái đã từng có, hay các đảng phái mới, thì đấy cũng chỉ là thực hiện cái điều mà các bạn đồng minh cũ của VN như Nga, các nước Đông Âu XHCN cũ, và Trung Quốc hiện nay đang thực hiện. Vấn đề là, Đảng CSVN không nên lo ngại bị tranh mất quyền lãnh đạo, bới mấy lý do sau:

-         Đảng CSVN đã có thành tích chiến đấu cũ oanh liệt, nhân dân ta và thế giới văn minh đều còn nhớ cả (chính vì vậy LHQ và các nước tư bản trên thế giới, kể cả Nga, mới đang “hợp tác chiến lược” hay “hợp tác toàn diện” với CSVN;

-         Đảng CSVN chỉ có thể sửa chữa căn bệnh thể chế sai lầm đã làm cho VN suy thoái đạo đức xã hội trầm trọng, dân mất lòng tin vào Đảng CSVN . . .bằng cách tốt nhất là từ bỏ cái tên XHCN cũ đi, từ bỏ ý thức hệ CN Mác – Lê mà toàn thế giới đã đưa vào phạm trù nghiên cứu khoa học ấy đi . . .nói khác đi là phải áp dụng thể chế Tự do Dân chủ Nhân quyền thực lòng, không “nói một đằng, làm một nẻo” dưới chiêu bài sách lược nữa. Dân làm chủ không thể chỉ nói mồm và hứa hẹn mà dân tin được.

Năm là, nếu VN đi theo con đường “Quay lại thể chế chính tri – xã hội 1945 Tự do, Dân chủ, Cộng hòa” thì tự nhiên sẽ gạt bỏ được mục đích đấu tranh “Lật đổ chính quyền Cộng sản” của một bộ phận người Việt yêu nước đang sinh sống ở nước ngoài. CSVN vẫn tâm niệm khẩu hiệu Đại đoàn kết, thì dù chỉ đoàn kết thêm được mấy trăm ngàn, một triệu người VN này ở nước ngoài, cũng rất có ý nghĩa tốt đẹp. Hơn nữa, dù sao, khối người này cũng là một bộ phận “tinh hoa” của chính quyền cũ, nên trí tuệ, nghề nghiệp và ý thức Tự do Dân chủ Nhân quyền của họ rất hữu ích cho việc xây dựng một nước VN mới.

Sáu là, chúng ta đang muốn đoàn kết hữu nghị thật lòng với các nước ĐNÁ, đang muốn gia nhập TPP, nhưng trong cạnh tranh phát triển có hiệu quả đương nhiên không thể tránh khỏi va chạm với các đối tác. Để khi có va chạm mẫu thuẫn trong làm ăn kinh tế sẽ không bị bế tắc do xa vào cái nguyên nhân  khác biệt “ý thức hệ”, chúng ta hãy cương quyết, “dũng cảm” tham gia “Cùng hội cùng thuyền” (cùng ý thức hệ) với họ.

Bẩy là, về nhiệm vụ chiến lược bảo vệ tổ quốc, chúng ta không bị chặn trên bởi “ý thức hệ” CSCN hình thức. Lúc này, chúng ta hoàn toàn có thể “Nói đi đôi với làm” trước quân thù. Điều đó giúp chúng ta tiếp thu tự do được sự giúp đỡ của sức mạnh chính nghĩa trên toàn thế giới văn minh.

            Tóm lại: Chúng ta không thể “kiên trì” một thứ mà nhân dân ta và toàn thế giới chưa thấy bóng dáng nó đâu cả (không chỉ TBT Nguyễn Phú Trọng, người có trọng trách nhất tại VN hiện nay, mà còn hàng loạt quan chức cao cấp khác, các nhân sĩ trí thức nổi tiếng khác cũng liên tục nêu ra như vậy), trong khi cái tên tuổi của nó đã gây ra bao khó khăn trắc trở cho Dân tộc này ?

            Chọn mục tiêu vừa tầm cũng được rất nhiều dân tộc thực hiện, ví dụ rât rõ: Trung quốc là nước mà ta vẫn có quan hệ hữu nghị và học tập. Họ đành phải để “Một đất nước hai chế độ” ngay trên đại lục; họ cũng phải hoãn sáp nhập Đài Loan vào đại lục để chờ thời điểm thích hợp ! Nhân dân Nga cũng đã mơ mộng quá cao tới một xã hội văn minh hơn xã hội TBCN, nay cũng đang quay về với mục tiêu vừa với Tầm với của mình!

            Vì vậy, trở về với chính mình khi nhân dân ta còn chủ động, độc lập, tự chủ đứng ra thành lập nước năm 1945, chính là đáp án thực tế, hợp lý có nhiều hứa hẹn nhất cho toàn thể nhân dân ta hiện nay, và cũng đáp ứng sự chờ mong của tất cả bạn bè thành tâm trên thế giới. 

            Cùng một con đường, cùng một tấm lòng, dù quan điểm cụ thể có khác nhau, sẽ tạo sức mạnh đoàn kết cần thiết nhất để Dân tộc Việt Nam anh hùng tồn tại và phát triển.

 

Hà Nội, ngày 25 tháng 6, năm 2015
 
Vũ Duy Phú