Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Một vài ngày
gần đây, trên các mạng xã hội người ta đã chia sẻ và bình luận về một bài viết với tựa đề "Kỷ niệm
ba năm ngày thành lập Đảng cộng sản Đông Dương*", được trên trang
website Tạp chí Cộng sản (TCCS) liên quan đến việc lãnh tụ đảng Cộng sản Đông
dương bị ám sát vào năm 1932 tại nhà tù Hongkong. Chủ đề này đã và đang được
người ta chia sẻ và bàn tán rất nhiều trên các mạng xã hội.
Qua tìm hiểu, được biết bài viết này đã được đăng từ ngày 10/06/2003, trong mục
"Văn kiện đảng toàn tập", phần - Tập 4 (1932-1934). Đây là bức
thư của Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương gửi Đông phương bộ và các thuộc
địa (từ trang 49 đến trang 63), xin trích nguyên văn: "Được lập
nên từ những nhóm nhỏ qua các cuộc tranh đấu không thương xót chống các kẻ tử
thù của giai cấp vô sản, Đảng Cộng sản Đông Dương vừa được thống nhất vào đêm
trước của cuộc bãi công có tính chất khởi nghĩa của các phu đồn điền Phú Riềng,
bởi ba nhóm cộng sản của Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ dưới sự lãnh đạo của người
sáng lập của nó là đồng chí Nguyễn ái Quốc, đã bị ám sát vào giữa năm 1932
trong các nhà tù địa ngục của Hồng Công." (xem hình dưới
đây).
Hình chụp bài viết trên web site TCCS |
Đây là một thông tin liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh, người được sách sử Việt nam ghi nhận và khẳng định rằng từng mang tên Nguyễn Ái Quốc trước khi sử dụng tên là Hồ Chí Minh. Thông tin này được rất nhiều người quan tâm chia sẻ và bình luận, một phần cũng vì nó trở thành một bằng chứng góp phần khẳng định một luồng thông tin mà lâu nay dư luận vẫn đồn đoán khi cho rằng ông Hồ Chí Minh đã chết, và đã được tình báo Trung quốc thay bằng một người khác. Điều này được dư luận của cộng đồng người Việt nam sống ở hải ngoại cho rằng, xác người đang được bảo quản trong Lăng ở Ba đình hiện nay là xác một người Trung quốc đóng giả.
Có một thực tế chúng ta không thể phủ nhận đó là, niềm tin của dân chúng đối với đảng CSVN và chính quyền ở Việt nam hiện nay đã xuống tới mức thấp nhất chưa từng có trong lịch sử cầm quyền của họ; song hình ảnh của ông Hồ Chí Minh vẫn là thần tượng của đông đảo các tầng lớp dân chúng từ Bắc chí Nam, đồng thời hình ảnh ông Hồ Chí Minh vẫn là thứ mà người ta dùng để loè bịp mọi người và cũng vẫn còn nhiều người tin tưởng hoặc ngại đụng chạm đến nhất. Do đó có ý kiến cho rằng sự "vô tình" của Tạp chí Cộng sản trong vấn đề này là việc làm có chủ đích, chứng tỏ sự "tha hóa" của đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo và tư tưởng trong đảng CSVN, hòng đón đường để chuẩn bị cho sự chuyển đổi thể chế chính trị của Việt nam trong thời gian sắp tới. Theo họ, đã có nhiều dấu hiệu trong chính trường ở Việt nam chứng tỏ cho thấy điều đó rất có thể xảy, song nếu như biết rằng bài viết này đã được đăng từ ngày 10/06/2003 thì sẽ thấy đó là điều hoàn toàn không có cở sở.
Theo trang Wikipedia cũng đã dẫn thông tin từ tờ L'Humanité số ra ngày 9 tháng 8 năm 1932 đưa tin Nguyễn Ái Quốc đã chết vì bệnh lao phổi trong trạm xá nhà tù tại Hồng Kông, đồng thời tố cáo đây là âm mưu của thực dân Pháp câu kết với thực dân Anh nhằm ám sát người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Thông tin này phù hợp với tài liệu (sách in) "Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo" của tác giả Hồ Tuấn Hùng, một người Khách gia (Hẹ) ở Đài loan đã tự nhận mình là cháu của người có tên là Hồ Tập Chương, khẳng định người này đã đóng vai thay thế Nguyễn Ái Quốc kể từ năm 1932. Và sau này đã trở thành Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh.
Thực ra các tin tức đồn đoán về cái chết của ông Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc không chỉ có một lần. Cũng theo Wikipedia, thì ngày 13 tháng 8 năm 1942, là ngày cái tên Hồ Chí Minh lần đầu tiên được sử dụng trong các giấy tờ cá nhân của người này. Sau đó ông Hồ Chí Minh đã bị chính quyền của Trung Hoa Dân quốc bắt ngày 29/8/1942 khi đang đi cùng một người Trung Quốc dẫn đường và giam hơn một năm, trải qua khoảng 30 nhà tù. "Trong thời gian này, các đồng chí của ông như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh... ở Việt Nam tưởng lầm là ông đã chết (sau này nguyên nhân được làm rõ là do một cán bộ Cộng sản tên Cáp nghe và hiểu sai ngữ nghĩa). Họ thậm chí đã tổ chức đám tang và đọc điếu văn cho ông (Phạm Văn Đồng làm văn điếu) cũng như "mở chiếc va-li mây của Bác ra tìm xem còn những gì có thể giữ lại làm kỉ niệm" (lời của Võ Nguyên Giáp). Vài tháng sau họ mới biết được tình hình thực của ông sau khi nhận được thư do ông viết và bí mật nhờ chuyển về."
Nói chung luận điểm cho rằng Nguyễn Ái Quốc đã chết và được một người Trung quốc, thiếu tá Bát lộ quân Hồ Quang đóng thế là khó đứng vững, vì trong trang Wikipedia trong mục "Từ năm 1938 đến đầu năm 1941" từ lâu đã ghi rõ rằng: "Năm 1938, ông trở lại Trung Quốc. Trong vai thiếu tá Bát Lộ quân Hồ Quang, Nguyễn Ái Quốc đến công tác tại văn phòng Bát Lộ quân Quế Lâm, sau đó đi Quý Dương, Côn Minh rồi đến Diên An, căn cứ đầu não của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hồng quân Trung Quốc mùa đông 1938 đến đầu 1939". Điều mà dư luận của cộng đồng người Việt nam ở Hải ngoại có lẽ mới biết qua các tài liệu của Trung quốc và họ nghĩ rằng đây là điều mới mẻ.
Một nhân chứng đã từng được gặp ông Hồ Chí Minh nhiều lần và tương đối gần gũi với ông Hồ Chí Minh thời còn bé là nhà văn Vũ Thư Hiên, tác giả cuốn "Đêm giữa ban ngày", là một trong những nhân vật của Vụ án Xét lại Chống Đảng. Ông vốn là con của cụ Vũ Đình Huỳnh, nguyên Bí thư của ông Hồ Chí Minh trong thời gian dài. Được biết, cụ Vũ Đình Huỳnh sau làm Vụ trưởng Vụ Lễ Tân Bộ Ngoại giao, vụ trưởng trong Ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Trên trang facebook của mình, nhà văn Vũ Thư Hiên đã nhiều lần khẳng định ông Hồ Chí Minh mà ông từng được gặp là một người Nghệ An chính gốc.
Tuy vậy, sự phản ứng về vấn đề này của TCCS cũng hết sức nhanh chóng và kịp thời, theo cách lý giải mới nhất ngày 17/7/2015 đăng trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam thì, chi tiết "đồng chí Nguyễn ái Quốc đã bị ám sát vào giữa năm 1932 trong các nhà tù địa ngục của Hồng Công" trong tập 4 Văn kiện đảng toàn tập đăng trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 10/6/2003, nguyên nhân là do:"Chính quyền thực dân Anh đã đánh lạc hướng dư luận thỉnh thoảng lại tung tin Tống Văn Sơ đã chết" và "nhiều người cộng sản Việt Nam cũng tưởng rằng Nguyễn Ái Quốc đã bị sát hại trong nhà tù thực dân".
Đáng tiếc rằng cách giải thích như trên đã không đúng với thông tin trên báo Văn hóa Nghệ An và nhiều trang điện tử khác từ lâu nay vẫn cho rằng "Sau khi Tống Văn Sơ thoát khỏi Hương Cảng, luật sư Loseby vẫn chưa cảm thấy yên tâm, ông liền nghĩ ra một “diệu kế” là tung tin Tống Văn Sơ tức lãnh tụ An Nam Nguyễn Ái Quốc đã chết trong bệnh viện ở Hương Cảng" . Nếu căn cứ vào cách giải thích mới nhất của Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam như vậy, thì hoàn toàn không có chuyện lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bị "ám sát", cũng như không có "diệu kế" của luật sư Loseby như truyền thông nhà nước vẫn thông tin lâu nay.
Một câu hỏi được đặt ra là từ hai cách giải thích về cái chết của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc của truyền thông nhà nước thì đâu là thông tin đúng sự thật và đâu là thông tin không đúng ? Và từ chuyện lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kể trên khiến chúng ta sẽ có thể đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn, để tìm sự thật. Đó là: Trước hết là ông Hồ Chí Minh có phải là Nguyễn Ái Quốc hay không? Thứ 2 là ông Hồ Chí Minh, người có xác đang nằm trong Lăng ở Ba Đình có phải là người có gốc quê ở Nghệ An, thuộc về dòng họ Nguyễn Sinh ... nổi tiếng hiện nay hay không? v.v... và v.v...
Các câu hỏi này không khó để tìm câu trả lời nhưng sẽ mất nhiều thời gian, song nếu như người ta chỉ cần tiến hành kiểm tra DNA của những người có liên quan đến ông Hồ Chí Minh thì mọi việc sẽ nhanh chóng được xác định rõ ràng. Theo ngu ý của tác giả, thì nên sử dụng DNA của cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (hoặc con cháu của ông này) là đối chứng dưới sự giám sát của một hội đồng các chuyên gia độc lập, mà đại diện là những người có uy tín trong xã hội. Điều này nếu được thực hiện, thì sẽ là một cách "một mũi tên trúng hai đích", để đập tan những luận điệu "xuyên tạc" của các thế lực thù địch nhằm bôi nhọ ông Hồ Chí Minh, đồng thời để bảo vệ uy tín của lãnh tụ.
Về mục đích của bài viết này, tác giả không có ý đi vào tìm hiểu sự thật từ việc dư luận đồn đoán và cho rằng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chết. Và ông Hồ Chí Minh, người có xác đang để trong Lăng là một người Trung quốc hay không? Vì sự thật chỉ có một, người ta có thể lừa dối cả một dân tộc trong một thời gian dài nhưng không thể lừa dối được lịch sử. Và chắc chắn, mọi sự thật sẽ được lịch sử bóc trần, không mau thì chậm, vấn đề chỉ còn là thời gian. Mà mục đích chỉ là để cảnh báo và nhắc nhở các bạn đọc, những thành viên của các mạng xã hội hãy tỉnh táo trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin.
Theo thống kê mới nhất của Facebook, tại Việt Nam hiện có 30 triệu người dùng mạng xã hội này (trong đó có 27 triệu người sử dụng trên thiết bị di động). Tính riêng mỗi ngày cũng có đến 20 triệu người dùng (17 triệu người hoạt động trên di động). Và bình quân người Việt bỏ ra 2,5 giờ mỗi ngày để lướt Facebook. Qua đó để thấy, vai trò phát tán, truyền tải thông tin và khả năng định hướng dư luận của các mạng xã hội hiện nay là điều khó có thể chối bỏ, nhiều vấn đề nóng được nhiều người quan tâm và phản ảnh trên mạng xã hội đã được các cấp chính quyền nhanh chóng đưa ra các lời giải thích hoặc kết luận đã chứng minh điều đó.
Vấn đề tại sao một tin về cái chết của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được đăng trên web site Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đăng từ ngày 10/06/2003 lại được dư luận quan tâm đến như vậy? Trong lúc tình hình trong nước đang có những diễn biến hết sức quan trọng và phức tạp, việc sẽ nổ ra chiến tranh một lần nữa là vấn đề chỉ trong gang tấc. Mà bằng chứng mới nhất là ngày 17/7/2015, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố các Lệnh của Chủ tịch nước về việc"Tăng thời hạn nhập ngũ, tăng tuổi người gọi nhập ngũ lên 27".
Câu hỏi đặt ra là, phải chăng có một thế lực chính trị nào đó đã và đang cố tính đưa vấn đề cái chết của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào lúc này để đánh lạc hướng và sự quan tâm của dư luận đến các diễn biến chính trị trong nội bộ của ban lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN? Mà đó chính là nguyên nhân có thể nổ ra xung đột quân sự giữa Việt nam và Trung quốc cũng như Campuchia. Đó là điều mà chúng ta thường thấy trong một xã hội, khi mọi thông tin bị bưng bít và độc quyền bởi một chính quyền độc tài như ở Việt nam
Ngày 18/7/2015
© Kami
(Blog Kami)