Bùi Tín
Ban Đối ngoại Trung Ương Đảng CS cùng Bộ Ngoại giao chắc đang chuẩn bị tặng phẩm để ông Trọng đưa sang Mỹ. Sẽ là cảnh đẹp Hồ Hoàn Kiếm, Ba cô gái Bắc Trung Nam trong áo dài truyền thống, hay Ngôi chùa Hương Tích cổ kính? Đều tốt cả. Chỉ xin đừng có dại dột như ông Phạm Quang Nghị từng vác sang Mỹ 2 bức ảnh lớn chụp cảnh Thiếu tá McCain bị tên lửa (do một chuyên gia Nga bấm nút) bắn rơi, nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch, để tặng cho chính Thượng Nghị sỹ McCain. Còn hơn là lăng nhục người ta, vì đó chính là cái cảnh mà ông ta muốn quên đi nhất trong đời mình. Chửi xéo như thế không gì thâm, ngu, dại bằng. Thử hỏi 2 bức ảnh ấy, ông McCain lưu giữ ở đâu? Mới đây khi qua Hà Nội, ông McCain chẳng buồn hỏi thăm ông Nghị lấy một câu! Khéo mà ông Trọng lại học theo ông Nghị vác sang một mảnh máy bay B52 đồ sộ, thì hay đáo để, sẽ không gì «lú» bằng.
Thật
ra, không có món quà nào quý hơn là ông Trọng trao tay cho Tổng thống Obama
danh sách kha khá dài các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị đã hay sắp được
trả tự do ngay, trong đó đại thể, không thể thiếu cô Tạ Phong Tần, gầy ốm
sau 5 tuần nhịn ăn ; cô Hồ Thị Bích Khương, ốm nặng do bị tra tấn và đối
xử tàn tệ; cô Bùi Minh Hằng, anh Trần Huỳnh Duy Thức, anh Đoàn Huy Chương, anh
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn, anh Đặng Xuân Diệu, anh Hồ Đức
Hòa, 2 nhạc sỹ Trần Vũ Anh Bình và Việt Khang, nhà báo Nguyễn Ngọc Già - Nguyễn
Đình Ngọc, nhà báo Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh…
Đây
là 13 nhà đấu tranh chống bành trướng TQ và dành tự do dân chủ cho toàn dân,
không hề phạm một tội hình sự nào, đều đã được công luận Hoa Kỳ, chính giới Hoa
Kỳ hiểu rõ từng người, được nhiều Thượng nghị sỹ, Dân biểu Hoa Kỳ đỡ đầu, yểm
trợ tích cực nhất.
Không
có lý do gì khi chính quyền quân sự Miến Điện đã trả tự do cho hơn 200 tù chính
trị, khi chính quyền CS Cuba trả tự do một lúc cho 53 tù chính trị để bình
thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ mà chính quyền CS Việt Nam không trả tự do ngay
lúc này cho tối thiểu là 13 nhân vật trên đây theo yêu cầu của phía Hoa Kỳ. Đây
là món quà tối thiểu, không thể thiếu, không thể nhỏ hơn, mà Tòa Bạch Ốc mong
chờ, vì «có qua có lại» như thế mới thật «toại lòng nhau».
Tổng
thống Obama đã nói rõ nhân quyền là yêu cầu hàng đầu trong cải thiện, nâng cao
quan hệ với VN. Ý này được tô đậm thêm khi nhà lãnh đạo Mỹ tiếp đặc biệt thân
mật và cởi mở nhà báo kiên cường Điếu Cày trong Tòa Bạch Ốc. Mong rằng ông
Trọng hiểu cho thật rõ điều này.
Phía
Hoa Kỳ rất quan tâm đến chuyến đi của ông Trọng sang Hoa Kỳ. Chưa bao giờ nhiều
khách quý từ Hoa Kỳ sang VN dồn dập như vừa qua, đủ các loại quan chức ngoại
giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, giáo dục, thượng nghị sỹ, dân biểu, cùng
với thái độ đi đôi với hành động mạnh mẽ lên án phía Trung Quốc xây dựng các cơ
sở quân sự trên các đảo họ lấn chiếm và bồi đắp rộng thêm ở biển Đông. Lời nhắn
quan trọng nhất của phía Hoa Kỳ với Hà Nội trước khi ông Trọng lên đường là
«Việt Nam cần Hoa Kỳ hơn là Hoa Kỳ cần Việt Nam». Thật vậy, đây dù sao chỉ một
vấn đề ở xa, bên lề của nước Mỹ, còn đây là vấn đề sinh tử của VN, cũng là vấn
đề sinh tử của Đảng CS trong quan hệ với nhân dân VN, với dân tộc Việt Nam.
Ông
Trọng đã quá tuổi để hy vọng làm Tổng Bí thư thêm 5 năm nữa. Đây là chuyến đi
lịch sử, chuyến đi dối già của ông, chuyến đi hệ trọng nhất trong đời ông. Ông
hãy theo đúng nguyện vọng sâu sắc của đại đa số nhân dân, được thể hiện trong
nhiều tuyên ngôn, kiến nghị tâm huyết của đông đảo trí thức dân tôc, trong đó
không ít là đảng viên CS lâu năm, là phải biết cầm lái, bẻ lái, lựa chọn bạn
tốt đáng tin cậy để kết thân, thậm chí để liên minh toàn diện.
Ông
hãy có sáng kiến mạnh mẽ triệu tập một phiên họp đặc biệt của Bộ Chính trị, rồi
một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Quốc phòng trước khi lên đường để chuyến đi
của ông có trọng lượng ngoại giao đáng tin cậy, một chuyến đi có thể gọi là
lịch sử, xoay chuyển tình thế có lợi cho quê hương, đất nước, một chuyến đi làm
cho kẻ bành trướng phương Bắc phải vì nể và co vòi xâm lược vì thấy rõ cái thế
mới của Việt Nam, cả nước chung một lòng, quân và dân chung một ý chí, được thế
giới dân chủ tận lực ủng hộ, trong một mối quan hệ chiến lược toàn diện và thân
thiết nhất. Tất cả đều trong tầm tay lúc này.
Xin
chớ để cho nhân dân phải thất vọng cay đắng do Bộ Chính trị ù lỳ, chia rẽ, để
mất một thời cơ quý hơn vàng, khiến dân ta lại lỡ một chuyến tàu lịch sử không
bao giờ trở lại, đất nước ta đắm chìm trong bóng đen của phụ thuộc và lạc hậu,
của bất công và chia rẽ, khó lòng ngóc đầu lên nổi trong một tương lai mờ mịt.
Nhân dân ta không đáng chịu và không thể chịu nổi một nỗi bất hạnh vô lý như
thế.
Bùi Tín