Bùi Tín
Trong
các đại hội đảng trước đây, khi còn cách Đại hội Đảng toàn quốc 7 hay 8 tháng
là các đại hội đảng bộ cơ sở và cấp quận, huyện đã được tiến hành để thảo luận
góp ý vào các văn kiện trình Đại hội toàn quốc và bầu đoàn đại biểu đi dự đại
hội cấp trên.
Năm nay tình hình khác hẳn. Tháng 6 rồi mà các đại
hội đảng bộ cơ sở chưa động tĩnh gì. Một điều khác hẳn các đại hội trước là Bộ
Chính trị lần này chỉ tập trung lo về vấn đề nhân sự, về số lượng, tiêu chuẩn bầu
cấp ủy các cấp và các đoàn đại biểu đi dự đại hội cấp trên, tiêu chuẩn ủy viên
Trung ương và ủy viên Bộ Chính trị nhiệm kỳ mới, gần như không nhắc đến việc thảo
luận, góp ý, thông qua nội dung các văn kiện
quan trọng sẽ trình Đại hội toàn quốc.
Cũng chưa thấy Bộ Chính trị đưa ra lời kêu gọi cán bộ, trí thức dân tộc, nhân sỹ ngoài đảng và toàn dân góp ý vào các văn kiện đã được dự thảo.
Theo
báo Nhân Dân ngày 10/5, nhân dịp này, khi gặp các cử tri thủ đô, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng cho rằng các văn kiện trình Đại hội XII đã được sự nhất trí
cao, đồng thuận sâu sắc, ngụ ý rằng nội dung các văn kiện không còn thành vấn
đề, chỉ còn có vấn đề nhân sự mà thôi.
Điều
Bộ Chính trị cố tình che dấu toàn đảng CS và toàn dân VN lúc này là nội dung
các văn kiện quan trọng sẽ trình Đại hội đang vấp phải sự chống đối dữ dội của
một số hơn 60 đảng viên trí thức tiêu biểu, của tất cả các nhà báo tự do, của
hơn 30 tổ chức xã hội dân sự, của đông đảo nông dân trong cả nước, của hầu hết
các nhà doanh nghiệp tự do vừa và nhỏ không có chân trong các nhóm lợi ích
riêng ăn bám vào kinh tế quốc doanh. Sự phản kháng chưa từng có này có thể cản
trở cho Đại hội XII tiến hành được trôi chảy.
Nỗi
lo cực lớn của Bộ Chính trị là do tác động của dư luận xã hội, nếu như lần này,
từ đại hội đảng bộ cơ sở, các đại biểu được phát biểu ý kiến thật sự dân chủ,
như Bộ Chính trị từng xác định, được tự do nói lên chính kiến của mình, thì
tình hình chắc chắn sẽ có nhiều điều khác trước. Đó là vì trong các văn kiện
được dự thảo có quá nhiều điều phi lý, trái lẽ phải và thực tiễn, quá lạc hậu
và sai lầm mà một con người bình thường cũng có thể nhận ra, nhưng Bộ Chính trị
bảo thủ, giáo điều vẫn cố tình ép buộc toàn Đảng phải nhắm mắt chấp nhận là
chân lý.
Đó
là học thuyết Mác - Lênin, đó là chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Xã hội kiểu
mác-xít đã bị toàn thế giới lên án, bác bỏ, cũng như đã bị nhiều nước đặt ra
ngoài vòng pháp luật, coi là tội ác chống nhân loại. Vậy thì còn có lý do gì mà
bắt toàn đảng CS và toàn dân phải kiên trì áp dụng?
Không
phải ai khác mà chính Giáo sư Trần Phương, từng là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó
Thủ tướng, nay là Hiệu trưởng một trường Đại học, từng góp ý vào các văn kiện
Đại hội rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là hoàn toàn sai lầm về cả lý luận và thực
tiễn, hoàn toàn có hại do cổ suý cực đoan bạo lực và chiến tranh, cần từ bỏ dứt
khoát vì tương lai dân tộc, hạnh phúc toàn dân. Hơn 60 trí thức CS gạo cội cũng
đồng tình như thế. Vậy mà Bộ Chính trị vẫn kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin trong
các văn kiện gốc là tỏ ra thông minh, sáng tạo, có trách nhiệm với dân tộc và
nhân dân ở chỗ nào ?
Cũng
không phải ai khác mà chính một cán bộ cao cấp đương quyền là Bộ trưởng Kế
hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, cũng nhiều lần nói
thẳng ra trước công luận rằng «Cái chủ nghĩa Xã hội và cái định hướng Xã
hội chủ nghĩa làm gì có trong thực tế mà đi tìm cho mất công?». Vậy mà Bộ Chính
trị vẫn cứ cưỡng bách toàn đảng và toàn dân kiên trì chủ nghĩa Xã hội và thực
hiện cái định hướng Xã hội chủ nghĩa không có thật, thì đó là khôn ngoan, sáng
suốt, có tính sáng tạo, có trách nhiệm với dân tộc và đất nước ư? Vậy mà Bộ
Chính trị vẫn cưỡng ép đại hội Đảng các cấp phải thông qua các văn kiện chứa
đựng những sai lầm, lẩm cẩm to lớn khủng khiếp như thế.
Rồi
các văn kiện trình Đại hội XII vẫn còn kiên trì chế độ độc đảng phi dân chủ cổ
lỗ bế tắc, với cái ngụy biện trâng tráo rằng «một đảng vẫn có dân chủ,
nhiều đảng vẫn không có dân chủ», ngang nhiên phủ nhận chân lý phổ cập của nền
chính trị dân chủ hiện đại.
Một
sai lầm dai dẳng của Bộ Chính trị trong nhiều khóa liên tiếp còn là «kiên trì
lấy kinh tế quốc doanh, lấy kinh tế chỉ huy làm chủ đạo cho nền kinh tế», bóp
chết nền kinh tế tự do cạnh tranh của tư nhân, làm phá sản các doanh nghiệp vừa
và nhỏ, làm điêu đứng tầng lớp trung lưu vốn là đòn bẩy năng động nhất của phát
triển, công bằng và phồn vinh xã hội.
Chủ
nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội Mác-xít, chế độ độc quyền đảng trị và nền
kinh tế quốc doanh làm chủ đạo là 4 chiếc gông choàng lên cổ dân ta quá nặng nề
quá lâu dài, đến nay toàn dân ta không còn có thể chịu đựng thêm nữa.
Nhân
dân Việt Nam vốn có truyền thống oanh liệt, bất khuất trước bạo quyền, hoàn
toàn không đáng bị lâm vào tình trạng lạc hậu thê thảm, thiếu tự do, bất công,
không có nền pháp trị như hiện nay. Đây là điều phi lý tai ác nhất mà nhân dân
lương thiện không thể chịu nổi nữa.
Đại
hội đảng CS các cấp từ các đảng bộ cơ sở lên đến đại hội các tỉnh, thành và các
ngành, cơ quan trung ương, quân đội, công an…nếu như còn có mối quan hệ ruột
thịt với nhân dân, nếu như biết thật lòng yêu nước thương dân, sẽ sử dụng quyền
dân chủ của mình, bác bỏ dứt khoát 4 chiếc gông nguy hiểm nói trên, loại bỏ Bốn
điều kiên định nói trên ra khỏi các văn kiện Đại hội với những lập luận chặt
chẽ mà khá đông bà con ta đã rõ.
Tất
cả các lực lượng tự cho là lành mạnh, trong sáng còn ở trong Đảng CS hãy bật
dậy, dám nói lên tiếng nói trung thành với nhân dân, với dân tộc, nói lên lời
chính nghĩa một lần cuối giữa các đại hội Đảng, nếu không xin hãy mạnh dạn ra
đảng, thoát đảng, gia nhập đại khối dân tộc, đòi lại bằng được cuộc sống tự do
trong nhân phẩm.
Các
Đại hội đảng từ đảng bộ cơ sở trở lên phải đòi quyền thảo luận dân chủ các văn
kiện chủ yếu của Đại hội toàn quốc, góp ý cụ thể, biểu quyết đàng hoàng khi
thông qua, không thể qua loa, hình thức, vì nội dung văn kiện, đường lối, chính
sách là sinh mệnh của đảng và lẽ sống của dân, nội dung các văn kiện sai thì dù
cho chọn nhân sự tài giỏi trong sạch đến đâu cũng là thừa, là vô dụng. Mỗi đại
biểu dự đại hội các cấp cần đinh ninh điều ấy.
Tôi
rất tâm đắc và tán thành ý kiến của Giáo sư Lê Xuân Khoa, một nhân sỹ không
đảng phái sống ở Nam California (Hoa Kỳ) vừa đưa ra là nội dung thảo luận về
tình hình nước ta ở các cuộc họp quan trọng cần phải có một phần bàn kỹ đến
Trung Quốc, những mưu đồ của TQ đối với nền độc lập và an ninh nước ta cũng như
những đối sách của nhân dân ta. Đề nghị thứ hai của Giáo sư Khoa là tất cả các
tổ chức yêu nước trong và ngoài nước nên cùng nhau phối hợp, liên kết để mở một
Đại hội Dân tộc để bàn luận về tình hình khẩn cấp và các giải pháp cần thiết
cho Đất nước ta. Đây nên là một mối quan tâm chung của mỗi người Việt Nam lúc
này.
Bộ
Chính trị làm ra vẻ như nội dung các văn kiện đã giải quyết xong, không cần bàn
gì thêm, chỉ còn vấn đề nhân sự ở các đại hội các cấp. Đây là một quả lừa nguy
hiểm, đánh tráo vấn đề. Đại hội đảng bộ cơ sở sắp bắt đầu về nguyên tắc phải
thảo luận kỹ Báo cáo Chính trị và các văn kiện trình Đại hội Toàn quốc, với
những biểu quyết với số phiếu tán thành và phản đối nghiêm minh, với biên bản
đầy đủ. Nội dung các văn kiện là linh hồn của Đại hội, gắn liền với vận mệnh
của dân tộc và nhân dân, vì đảng tự nhận quyền lãnh đạo đất nước qua cương
lĩnh, đường lối, chính sách của đảng CS.
Mong
rằng các anh chị em trí thức trong và ngoài đảng CS tổ chức những cuộc họp sôi
nổi, nghiêm túc, góp ý kỹ lưỡng vào các văn kiện sẽ được chính thức công bố,
phê phán có lý lẽ vững chắc từng sai lầm, thiếu sót, và đề nghị những điều đúng
đắn, chuẩn xác để bổ sung, điều chỉnh các văn kiện đó.
Đây
là một sinh hoạt chính trị sôi động rộng khắp, hệ trọng nhất trong năm nay, để
phân biệt đúng sai, phải trái trong việc xác định đường lối chính trị, kinh tế,
đối ngoại, văn hóa đạo đức cho toàn xã hội trong một thời gian dài là năm, mười
năm tới.
Bùi Tín