PHẠM ĐÌNH TRỌNG
1. HÀI HƯỚC HAY VÔ LIÊM SỈ
Tổng tuyệt thực chỉ là cách người dân nặng lòng
yêu nước thương nòi ôn hòa bộc lộ chính kiến, bộc lộ mong muốn chính đáng bằng
cách bảo nhau cùng nhịn ăn để được dư luận và những người có trách nhiệm quan
tâm đến mong muốn chính đáng của họ.
Tổng tuyệt thực cũng là quyền tự do ngôn luận của
người dân, một thứ ngôn luận vô thanh, một hành vi mang triết lí khổ hạnh của
nhà Phật, mang đức hi sinh âm thầm khổ nạn của đấng cứu thế.
Âm thầm bộc lộ mong muốn chính đáng và khẩn thiết
bằng nhịn ăn khổ nạn trong lặng lẽ hiền hòa, trong không gian riêng tư khép
kín, chẳng động chạm đến ai, chẳng gây hại gì cho chính quyền, thể chế. Theo dự
định, thứ bảy ngày 25 tháng bảy, 2015, tổng tuyệt thực mới diễn ra. Vậy mà ở
Sài Gòn, từ ngày 23. 7. 2015 công an đã huy động tổng lực lượng đến tận nhà nhiều
người đã đăng kí tham gia tổng tuyệt thực bủa vây, ngăn chặn không cho họ ra khỏi
nhà. Ngôi chùa khuất nẻo cô quạnh rìa thành phố được chọn là nơi những người
tham gia tổng tuyệt thực đến đó cùng nhịn ăn cũng bị phong tỏa tầng tầng, lớp lớp.
Vậy mà mới mấy ngày trước có người Việt Nam đến
nước Mĩ, mảnh đất của tự do dân chủ, hùng hồn trên diễn đàn: Chưa bao giờ người
dân Việt Nam được sống trong không khí dân chủ như hiện nay. Nhơn nhơn nói như
vậy là người có tính hài hước hay là người vô liêm sỉ?
2. NHÌN LẠI TỒNG TUYỆT THỰC
25.7.2015
Cuộc tổng tuyệt thực 24 giờ của người Việt Nam
trên toàn cầu đã kết thúc. Nếu nhìn nhận theo tư duy và ngôn từ của tuyên truyền
nhà nước cộng sản thì có thể viết: Cuộc tổng tuyệt thực ngày 25.7.2015 của người
Việt trên toàn thế giới đòi nhà nước cộng sản Việt Nam trả tự do cho những người
tù chính trị đã kết thúc thắng lợi, thành công rực rỡ. Người trung thực và
lương thiện không cần thứ thắng lợi AQ như vậy nhưng cũng có thể nói rằng cuộc
tổng tuyệt thực đã kết thúc đẹp, trọn vẹn và đạt yêu cầu.
Tuy tiêu chí đưa ra là đòi nhà nước cộng sản Việt
Nam trả tư do vô điều kiện cho những người
tù chính trị, những người sử dụng quyền tư do ngôn luận được Hiến pháp bảo đảm,
đấu tranh ôn hòa cho đời sống đất nước có tự do, dân chủ đã bị những bản án phi
pháp cầm tù, nhưng những người khởi xướng cuộc tổng tuyệt thực không ngây thơ đến
mức tin rằng cuộc tổng tuyệt thực sẽ lay động được lòng trắc ẩn của nhà nước ra
đời từ bạo lực, tồn tại bằng bạo lực, quen xài bạo lực đến thành nghiền như con
bệnh nghiền ma túy.
Một nhà nước đã chà đạp lên Hiến pháp do chính họ
soạn thảo để bỏ tù những tiếng nói tự do dân chủ thì cuộc tổng tuyệt thực của
đám dân thường dù có đến vài triệu người Việt trên khắp thế giới cũng chẳng có
ý nghĩa gì với nhà nước đó. Trong thời đại văn minh, con người được giải phóng,
quyền con người được nhìn nhận, những con sóng dân chủ đang dồn dập và mạnh mẽ
xô tới, buộc nhà nước cộng sản Việt Nam phải xác nhận quyền tự do ngôn luận của
người dân trong Hiến pháp. Cực chẳng đã phải run rảy xác nhận vài quyền cơ bản,
thông thường của người dân trong Hiến pháp rồi nhà nước đó liền đưa ngay vào bộ
luật Tố tụng hình sự điều 79; 88; 258 buộc tội người dân sử dụng quyền tư do
ngôn luận mà Hiến pháp đã ghi nhận. Chà đạp lên Hiến pháp bằng những điều luật
vi Hiến. Chà đạp lên Hiến pháp bằng cả bộ máy công cụ bạo lực khổng lồ không biết
đến Hiến pháp, pháp luật. Nhà nước đó nào có coi ra gì tiếng nói của người dân!
Nhưng không thể không ghi nhận tác động xã hội
tích cực của tổng tuyệt thực.
. Cuộc tổng tuyệt thực đã đánh
thức, lay động, nhắc nhở cả xã hội về hiện thực ngục tù ngột ngạt, tăm tối của
đất nước, của nhân dân trong chế độ độc tài cộng sản.
Từ ngàn xưa dân gian đã có câu “Được ăn, được
nói, được gói, được mở” Được ăn là quyền được sống. Được nói là quyền được bộc
lộ chính kiến, được biểu đạt tư tưởng, tình cảm. Được gói là quyền được giữ bí
mật riêng tư. Được mở là quyền được giao lưu, tiếp nhận thông tin, quyền được
xê dịch, di chuyển, đi lại ở trong nước và ra thế giới. Tất cả những quyền cơ bản,
đương nhiên này của con người đã được Hiến pháp của nhà nước cộng sản Việt Nam,
từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 2013 ghi nhận, bảo hộ. Tự do ngôn luận, tự do bộc
lộ chính kiến là quyền cơ bản, đương nhiên của con người. Nhưng với những điều
luật vi Hiến 79; 88; 258, mọi người dân Việt Nam đều có thể bị bắt, bị kết án
tù bất cứ lúc nào vì bộc lộ tư tưởng chính kiến khác biệt với nhà nước độc tài.
Thực tế trong suốt lịch sử cầm quyền của đảng cộng
sản, hàng triệu người dân Việt Nam, phần lớn là trí thức ưu tú, tinh hoa của
dân tộc Việt Nam vì biểu đạt chính kiến, tư tưởng đúng đắn, khác biệt với lí tưởng
xã hội chủ nghĩa sai lầm tệ hại của đảng cộng sản cầm quyền mà bị bắt bớ, tù
đày, đàn áp, thủ tiêu. Với ý chí của nhà nước cộng sản Việt Nam quyết dùng sức
mạnh bạo lực đàn áp những tiếng nói đòi tự do dân chủ, đòi đa nguyên đa đảng,
giữ độc quyền thống trị xã hội của đảng cộng sản Việt Nam, những người tù vì tự
do ngôn luận, vì ôn hòa đòi tự do dân chủ là một con số khá lớn. Đó là nỗi đau
của dân tộc Việt Nam, nỗi nhục của lịch sử Việt Nam.
Tạo ra cuộc sống ngột ngạt, khốn cùng, không có tự
do, dân chủ, nhà nước cộng sản Việt Nam đã tạo ra dòng người bỏ nước ra đi, liều
chết vượt hàng ngàn cây số biển thẳm trên những con thuyền mỏng manh, giao mạng
sống cho sóng dữ và cướp biển. Dòng người Việt Nam khốn khổ tị nạn nối dài trong
thời gian cuối thế kỉ 20 đã tạo cho ngôn ngữ loài người một từ ngữ mới: boat
people, thuyền người. Và dòng người tù vì những điều luật vi Hiến nối dài trong
các nhà tù trên khắp đất nước Việt Nam lại bổ xung, làm phong phú thêm khái niệm
về một từ ngữ mới của loài người: Prisoner of conscience, tù nhân lương tâm. Tù
nhân lương tâm là những người bị nhà nước độc tài kết án tù vì ôn hòa bộc lộ niềm
tin theo khát vọng, lương tâm của họ. Thành ngữ “tù nhân lương tâm” xuất hiện từ
giữa thế kỉ 20, thời độc tại hiện đại, trên đất nước độc tài, nhà tù mọc lên
như nấm. Tôi không muốn dùng từ “tù nhân lương tâm” vì nó vừa loảng xoảng âm
Hán Việt, vừa chung chung, trừu tượng, không cụ thể, rõ ràng. Ở Việt Nam, những
người tù bởi những điều luật 79; 88; 258 phải được gọi đúng tên là người tù
chính trị.
Số người tù chính trị trong nhà nước cộng sản Việt
Nam, từ những người đầu tiên như ông Tôn Thất Tần đến những người bị bắt gần
đây nhất như ông Nguyễn Hữu Vinh, bà Nguyễn Thị Minh Thúy là một con số không
nhỏ với những số phận vô cùng oan khiên, bi tráng nhưng nhà nước cộng sản Việt
Nam tìm mọi cách bưng bít, xóa dấu vết cuộc đời của họ, coi như họ không có mặt
trên cõi đời, coi như không có tù chính trị và xã hội cứ vô tư, thờ ơ, vô cảm
chấp nhận. Tổng tuyệt thực đòi tự do cho những người tù chính trị đã đánh thức
dư luận xã hội về những trái tim yêu nước, về những khí phách hiên ngang đang bị
lãng quên trong ngục tối của nhà nước cộng sản Việt Nam, đưa những số phận oan
khiên bi tráng đó trở về với đời sống chính trị đất nước, trở về có mặt trong
xã hội, có mặt trong đội ngũ những người đấu tranh cho tự do dân chủ.
. Tổng tuyệt thực thực sự là
cuộc tập dượt tập hợp nhân dân. Người dân Việt Nam đang bị áp bức nặng nề. Quyền
con người, quyền công dân bị tước đoạt. Quyền công dân quan trọng nhất là quyền
tự do ứng cử, bầu cử, người dân không có. Quyền tư hữu quan trọng nhất, cơ bản
nhất là quyền tư hữu đất đai, người dân cũng không có. Không có quyền tự do ứng
cử, bầu cử, người dân thực chất chỉ là nô lệ, là công cụ của lực lượng thống trị
xã hội. Không có quyền tư hữu đất đai, người dân như sống tạm, sống nhờ trong
chính căn nhà của mình và có thể bị cưỡng chế đuổi ra khỏi nhà bất cứ lúc nào.
Khắp đất nước Việt Nam hôm nay nơi nào cũng có những đám đông người dân mất đất,
mất nhà đi khiếu kiện vật vờ trước cửa quan như những hồn ma. Người dân Việt
Nam đang bị áp bức cả đời sống vật chất, cả đời sống tinh thần.
Có áp bức, có đấu tranh. Đấu tranh dù ôn hòa, bất bạo động cũng là một
hoạt động chính trị. Tổ chức, tập hợp nhân dân thành đội ngũ, thành sức mạnh là
một quá trình từ nhỏ đến lớn cần được thực tế cuộc sống thử thách, rèn luyện để
phát triển. Không có thực tế thử thách, tập dượt, không thể có sự lớn mạnh.
Cuộc tổng tuyệt thực ngày 25.7.2015 đã diễn ra rộng khắp cả ba miền Bắc,
Trung, Nam và người trẻ tham gia có tỉ lệ khá cao. Đây là nét rất tích cực của
tổng tuyệt thực 25.7.2015. Tổng tuyệt thực là bài học vỡ lòng về đấu tranh
chính trị của những người trẻ, giúp họ vượt qua tuyên truyền lừa dối của hệ thống
giáo dục và truyền thông nhà nước cộng sản để nhận ra hiện trạng đau buồn của đất
nước, thân phận ai oán của dân tộc và giúp họ nhận ra trách nhiệm lịch sử của
thế hệ trẻ hôm nay.