08 novembre 2015

Tâm sự với người đồng hương


Thiện Tùng (Đào văn Tùng)  
 

Võ Viết Thanh, anh hùng lực lượng vũ trang, trung tướng, trung ương ủy viên, thứ trưởng Bộ Công An ở tuổi 43, nhưng tụt dốc do “biết” quá nhiều sự thật chẳng “thơm tho” gì trong “thượng tầng”  đảng của ông. Nguồn ảnh: internet

Tuy tuổi đời có chênh đôi chút, tôi sinh 1939, Võ Viết Thanh (V.Thanh) sinh năm 1943, cùng sinh ra trên quê hương 3 đảo dừa - Bến Tre, cùng trải qua hết oanh rồi liệt . 
V.Thanh thăng tiến như diều gặp gió, hạ cánh như diều đứt dây ở tuổi 58 (1943-2001) với hàm trung tướng.


Khi để câu nói của ông Võ Viết Thanh trong đề mục "Nói thẳng, nói thật" chúng tôi nghĩ rằng ông VVThanh tuy vậy mà biết "tự diễn biến" hơn bao nhiêu "lão thành cách mạng" hiện nay vẫn còn ngậm miệng ăn hưu.
 
Ông VVThanh có quyền xem cái đảng trong tiềm thức của ông là thần thánh, nhưng quan trọng hơn, ông đã "tự chuyển hóa" khi thấy cái đảng này không còn giống cái đảng ông hằng mơ ước nên mới thốt ra: “Nếu trong Đảng mà không có dân chủ, không tôn trọng đảng viên thì xã hội còn lâu mới có dân chủ”.

Rất nhiều đảng viên, lão thành cách mạng, đang hy vọng làm tốt đảng, để đảng làm tốt cho đất nước. Hy vọng như vậy cũng là mặc nhiên thừa nhận đảng này hiện nay không tốt, đất nước hiện nay không tốt.

Khác với những thành phần xem chống cộng là thần thánh, chúng tôi nghĩ rằng bất cứ ai có ý tưởng làm tốt cho đất nước thì chúng tôi hoan nghênh, khuyến khích, và chúng tôi không đòi hỏi họ phải hoàn hão. 
 
Đất nước đã tụt hậu, đã lệ thuộc, đã bị hủy hoại đến mức không ai có thể tưởng tượng được. Sự việc này đòi hỏi mỗi người chúng ta tạm để dị đồng qua một bên hoan hĩ chào đón những ai có ý tưởng nói nôm na là "làm tốt cho đất nước".


Dân Quyền





Dưới thể chế “Độc tài Cộng sản trị” nói chung, Việt Nam nói riêng, việc phe phái tranh giành quyền lợi sát phạt lẫn nhau, mạnh thắng yếu thua, nay “lên voi” mai “ xuống chó” âu cũng là chuyện thường tình. Trung tướng V.Thanh đột ngột vắng bóng trên chính trường không phải là người đầu tiên và cũng chẳng phải là người cuối cùng.    

Suốt 14 năm qua (2001-2015) sống ẩn vật, im hơi lặng tiếng, chẳng biết bị ép hay muốn tỏ lòng thành với đảng của mình, ngày 27/10/2015, V.Thanh bất thần ực móng trên báo Tuổi Trẻ với bài trả lời phỏng vấn “Điều cần đổi mới là dân chủ trong bầu cử”. Trong bài trả lời phỏng vấn nầy, V.Thanh cố đồ đậm Dân chủ và Đổi mới, hai việc tối cần đối với hiện tình đất nước. Đòi hỏi gì hơn đối với một vị tướng quân chuyên nghề bóp cò súng và bị buộc hạ cánh sống ẩn suốt 14 năm qua, V.Thanh đột nhiên xuất hiện, cố nói ra những điều cần nói như thế là đã thể hiện được tấm lòng của mình đối với nước với dân. Trong bài trả lời phỏng vấn, V.Thanh nhấn mạnh 2 vấn đề: Một là Nếu trong Đảng mà không có dân chủ, không tôn trọng đảng viên thì xã hội còn lâu mới có dân chủ”. Hai là “Đảng chúng ta đã đủ trưởng thành và từng trải để chủ động đổi mới một cách trí tuệ, không chờ đợi hoặc bị tác động tiêu cực từ bất cứ đâu”. Tôi buộc phải hơi dài dòng kể những điều tai nghe mắt thấy không ngoài 2 nội dung V.Thanh đặt ra nhằm góp phần thẩm định đâu đúng, đâu sai. 

1/ Về Dân chủ: Độc tài tối kỵ với Dân chủ, bao giờ chúng cũng dối lập nhau gay gắt, một mất một còn. Độc tài vì lợi ích cục bộ băng đảng, Dân chủ vì lợi ích toàn bộ cộng đồng dân tộc. Từ khi ra đời, Đảng CSVN (Đảng) luôn hành xử theo lối tập quyền, theo nguyên tắc “tập trung dân chủ”, quyền lực tập trung nơi Bộ Chính trị, dân chủ theo kiểu ban phát  xin – cho từ trên xuống, đối lập với “dân chủ tập trung” từ dưới lên, từ dân mà ra. Bởi vậy, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn văn An, một trong tứ trụ triều đình, buộc phải thốt ra đại ý: Nói Đảng lãnh đạo chớ kỳ thực là cấp ủy, nói cấp ủy chớ kỳ thực là một ít người, nói một ít người chớ kỳ thực là một người, trở thành độc tài chuyên chế làm cho nhân dân oán ghét”. 

V.Thanh nói “Nếu trong Đảng mà không có dân chủ, không tôn trọng đảng viên thì xã hội còn lâu mới có dân chủ”. Theo tôi nghĩ, cần nhận rõ hơn khái niệm chung – riêng. Đứng góc độ một đất nước, “Dân tộc Việt Nam” là khái niệm chung vì nó bao hàm cả hơn 3 triệu đảng viên cộng sản trong đó? Còn “Đảng CSVN” là khái niệm riêng vì nó không bao hàm hơn 90 triệu dân Việt Nam trong đó. Trong trả lời phỏng vấn, V.Thanh có nói “trước tiên phải dân chủ trong Đảng”.Theo tôi nên nói: “trước tiên phải bình đẳng trong Đảng” thì thuyết phục hơn, bởi vì, có bao giờ người ta cho dân xía vào việc riêng của Đảng. Từ nhận thức như vậy, tôi đã viết bài đăng trên trang Bauxite Việt Nam với tựa đề “Phần sân ai nấy đá”, với dẫn giải: Đảng CSVN được quyền đá tự do trên sân riêng của mình (Đại hội Đảng), nhưng khi vào sân chung (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp), Đảng CSVN chỉ được chọn một số ứng cử viên  trong đảng của mình ra thi đấu với số ứng cử viên ngoài Đảng CSVN – tất nhiên ai thắng  chấp chánh, ai thua thì tham chính, theo lối chính trị thị trường (dân chủ đa, nguyên). 

Cũng trong bài trả lời phỏng vấn, V. Thanh có nêu vấn đề: Phải thay đổi “Đảng cử Dân bầu” bằng “Dân bầu Đảng cử”. Nói như thế chỉ tráo từ chớ không đổi ngữ (nghĩa). Bởi vì Dân bầu cho ai khi Đảng chưa cử người ?!. 

 2/ Về Đảng CSVN: Trong trả lời phỏng vấn, V.Thanh khẳng định: “Đãng chúng ta đã đủ trưởng thành và từng trải để chủ động đổi mới một cách trí tuệ, không chờ đợi hoặc bị tác động tiêu cực từ bất cứ đâu”. Viết Thanh hơi thần thánh hóa “Đảng ta” rồi đó. 

Hai chữ “Đổi mới” nghe sao quá mơ hồ!. Đổi mới thứ gì cần phải nói rõ chớ?. 

Như đã nói, mọi thứ xuất phát từ Bộ Chình trị Đảng CSVN hay hẹp hơn nữa như ông An đã nói. Khi cầm quyền (ở miền Bắc sau 1954, với cả nước sau 1975) trung tâm quyền lực chủ trương “đổi mới” kinh tế từ kinh tế thị trường vốn có sang  kinh tế Xã hội Chủ nghĩa (gọi là cải tạo XHCN) theo kiểu tập trung bao cấp, làm cho nền kinh tế lụn bại thê thảm, nhân dân đói khổ, nhưng Bộ Chính trị có chịu “nhả” ra đâu ?!. Bởi vậy, sau khi Cụ Tôn Đức Thắng qua đời (30/03/1980), có ai đó nhạy cảm phịa ra chuyện: Sau khi chết, Bác Tôn gặp Bác Hồ. Cụ Hồ hỏi:
 
-       Trên ấy làm ăn ra sao?
-       Làm được một phần ba (1/3) di huấn của Cụ – Bác Tôn đáp.
-       Di huấn nào? - Cụ Hồ hỏi.
-       Không có gì quý hơn độc lập tự do” – tức là làm được 3 chữ đầu trong 9 chữ   câu nói ấy của  Cụ  “không có gì”.

-        

Hãy nhớ lại xem, từ năm 1975 -1986, ông Lê Duẫn còn tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư Đảng CS VN. Với bộ ba Cộng sản thứ thiệt Lê Duẩn, Lê Đức Tho, Tố Hữu khư khư bám lấy học thuyết Cộng sản, tiếp tục tiến hành cải tạo XHCN về mọi mặt ở Miền Nam để gọi là “tiến kịp  Miền Bắc”, làm cho kinh tế Miền Nam tuột dốc nhanh chóng.  

Trước khó khăn về kinh tế, chiến tranh biên giới Tay Nam và biên giới phía Bắc, một số người được xem là cấp tiến, đa số là đảng viên “có máu mặt”, tỏ ra bất đồng chính kiến về đường lối chính trị và kinh tế bảo thủ của TW Đảng như các ông: Nguyễn Hộ (Sáu Hộ), Võ văn Kiệt (Sáu Dân), Nguyễn Thành Thơ (Mười Thơ), Nguyễn văn Chính (Chín Cần), Lê Phước Thọ (Sáu Hậu), Nguyễn văn Trấn (Bảy Trấn), Tạ Bá Tòng, Trần văn Trà, Trần Bạch Đằng, Trần Độ, Trần Xuân Bách  .v.v.và.v.v.. Họ táo bạo đặt vấn đề “Đổi mới hay là chết”. Phái bảo thủ xem những người cấp tiến nầy như những “phần tử xét lại chống Đảng” trước đây, tìm mọi cách trừng phạt, hạ bệ. 

Đầu năm 1985, ông Lê Duẫn lâm bịnh nặng, vẫn giữ chức Tổng Bí thư, nhưng giao quyền điều hành đất nước cho ông Trường Chinh. Nhân cơ hội nầy, những người cấp tiến ở miền Nam lần lượt “xé rào”- lén xóa bỏ những yếu tố kinh tế XHCN lạc hậu vừa áp đặt, khôi phục lại kinh tế thị trường – tức là trở lại kinh tế thị trường mà “Đảng ta” chê xỏa bỏ trước đó .   

Ở TP Hồ Chí Minh, Bí thư Võ văn Kiệt chủ trương: Làm ngơ để cho tiểu thủ công nghiệp tư nhân tự do hoạt động; phân tán dân đến những vùng có nhiều lúa gạo làm mướn sinh sống; cử bà Ba Thi dùng công xa đi các tỉnh đồng bằng Nam bộ mua chui gạo với giá thỏa thuận về bán không lãi cho dân TP HCM. Ông Kiệt kể chuyện nầy cho tôi nghe:  Tao bảo cô Thi dùng công xa đi mua gạo chui. Làm được ít chuyến cô ấy than: “Làm kiểu nầy chắc có ngày em đi tù quá anh Sáu!”. Tao nói: “Nếu cô ở tù tôi dem cơm”. Thế là cô ấy vui vẻ đi tiếp và làm được việc, gỡ được nạn đói cho Thanh phố đông dân nhứt nước nầy.  

Ở tỉnh Long An, Bí thư Nguyễn văn Chính chủ trương toàn tỉnh “bù giá vào lương, thực hiện thuận mua vừa bán”, từng bước xóa bỏ cơ chế tập trung bao cấp. Việc làm nầy gây hưng phấn đối với mọi người, còn tăng nguồn thu đáng kể cho địa phương tỉnh Long An. 

Ở các tỉnh khác, ngoài việc học tập noi theo TP HCM và tỉnh Long An, còn dần dần xóa bỏ việc “cấm chợ ngăn sông”, xóa dần các trạm kiểm soát trên các trục giao thông thủy bộ. Nhờ vậy, hàng hóa công nông dần dần đến được với người tiêu dùng theo cơ chế thị trường “thuận mua, vừa bán”. 

Biết được việc xé rào nầy,  Trung ương (TW) Đảng phái những đoàn kiểm tra, thanh tra vào cuộc. Biết rõ cớ sự, TW kết luận: “Những việc làm nầy sai trái với đường lối XHCN, nhưng đã lỡ làm, giải quyết được những khó khăn trước mắt về kinh tế, tạm không truy cứu, nhưng xem đây là thí điểm”.  

Được nước, các địa phương bắt chước làm theo, diện mỗi ngày một rộng ra không đợi TW cho phép. Đã chịu bung thì chẳng khác vỡ đê, không lực nào có thể cản nổi. Hơn nữa, cản là trái quy luật, ngược lại lòng dân – đố dám. Hàng hóa công nông lưu thông dễ dàng, mua bán theo giá thỏa thuận, công nông nghiệp và dịch vụ phát triển, không mấy chốc hình thành cơ cế thị trường  trên phạm vi ngày một rộng. 

Về cải tạo Nông nghiệp, khi va vào như vướng phải khối bầy nhầy, mới thấm thía câu “nhứt hậu hôn, nhì điền thổ”. 

Cùng một thời điểm, TW chủ trương cải tạo XHCN về nông nghiệp theo mô hình Hợp Tác Xã (HTX) trên toàn cõi Nam Việt Nam - từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau. TW chọn tỉnh Tiền Giang làm trước một bước. Tỉnh Tiền Giang chọn xã Tân Hội – xã Anh hùng trong chiến tranh làm HTX thí điểm. Cách tiến hành theo mẫu Miền Bắc.

Nông dân ở xã Tân Hội nầy hầu như ai cũng có công ít nhiều với Cách mạng. Khi đụng vào ruộng đất của họ, họ chẳng sợ gì ai, phản úng không chừa cặn. Ngoài cố vấn từ Miền Bắc kè bên, cán bộ tỉnh, huyện đều là võ tướng, văn tướng quầng nhau như trâu đạp lúa mà chẳng ăn thua. Sau “hội chẩn”, Tỉnh ủy Tiền Giang quyết định dời thí điểm đến ấp Phú Quới, xã Yên Luông (Gò Công) – vùng trọng điểm Bình định của Việt Nam Cộng hòa trước đây, giao cho tôi trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Có lẽ Tỉnh ủy nghĩ rắng, dân vùng địch hậu họ sợ, sẽ ngoan ngoản vâng theo. Chẳng biết có phải do sợ không, vận động họ đưa đất vào HTX làm ăn tập thể không mấy khó, nhưng với lý nầy, cớ nọ, họ lao động chiếu lệ, sau một mùa vụ cũng đỗ vỡ. 

Ở Gò Công, chúng tôi “phản chiến”, ngưng làm HTX nông nghiệp, tiến hành làm đại trà “Tổ Đoàn kết sản xuất” nông nghiệp, ổn dịnh được đời sống nông dân, đủ sản phẩm nông nghiệp giao nộp cho Nhà nước theo quy định. Thấy Gò Công là vùng đất nhiễm mặn mà “ăn nên làm ra”, ông Võ văn Kiệt, Bí thư TP HCM đến Gò Công tham quan, ông hỏi tôi: “Đòan kết sản xuất” là làm thế nào?. Tôi trả lời:  Thì cũng bắt chước các anh làm “Vần đổi công” thời kháng Pháp. Ông Kiệt vỗ vai tôi nói “Thì ra...”. 

Có lẽ để nung các địa phương khác, tỉnh Tiền Giang làm HTX nông nghiệp chẳng ra hồn gì, thế mà TW Đảng chỉ đạo tỉnh Tiền Giang mở Đại hội công bố hoàn thành về cơ bản hợp tác hóa Nông nghiệp. Khách TW Đảng mời gồm những đoàn đại biểu các Tỉnh, Thành thuộc khu vực Nam bộ, có báo giới, văn giới và 6  Ủy viên TW Đảng CSVN đến hội tụ. Làm chẳng ra đâu, nhưng tổng kết nghe cũng khá, từng hồi từng chập pháo tay nổ giòn. Do “quái thai lại sinh non”, những đứa con nào ra trước chết trước..., không lâu sau, chúng chết phủi tay. 

Có thể nói, trong chiến tranh Nông dân nhiệt tình đi theo Đảng bao nhiêu, giờ đây họ nhiệt tình chống lại chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng bấy nhiêu Từng nơi, từng lúc, họ phản ứng gần như tử thủ, thí mạng cùi giữ đất như người điên loạn. 

Có lẽ thấy không ổn, Đảng CSVN buộc phải xuống thang, chủ trương khoán sản phẩm trong nông nghiệp, có tên là “khoán 100” – có nghĩa là trả 100% đất lại cho xã viên (không phải chỉ 10% như Kim Ngọc khoán ở Vĩnh Phúc trước kia) rồi căn cứ vào chất đất, giao khoán sản phẩm trên đầu mẫu (ha) – có lẽ để vừa xả căng, vừa khắc phục nạn thiếu lương thực trầm trọng. Nói đến đây tôi lại nhớ Tổng Bí thư Đảng CSVN Lê Duẩn nói trên diễn đàn về việc bức xúc lương thực lúc bấy giờ: “Nếu giao tôi làm tổng kho lương thực, tôi sẽ buộc được mọi người quỳ gối trước tôi...”. 

Ấy thế, lúc bấy giờ, ông Lê Đức Thọ, ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tổ chức TW Đảng, còn nói trên diễn đàn: “Khoán sản phẩm trong nông nghiệp là bước thụt lùi cần thiết”. Khi nghe ông Thọ nói thế, tôi liên tưởng đến vở “Tiếng trống Mê Linh”, lúc tướng Tàu thách thi bắn tên, các nữ tướng hăng hái vào cuộc thi, Trưng Trắc nhắc khéo các nữ tướng: “Con Hổ trước khi vồ mồi nó thu hình lại”. Vậy có nghĩa là ông Thọ ngầm nhắc nhở mọi người kiên định lập trường XHCN chớ gì?. Có lẽ từ đó, khi chuyền sang kinh tế thị trường, Đảng CSVN quyết giữ cái đuôi “định hướng XHCN”. Và gần đây, Tổng Bí thư Trọng cũng luôn nhắc nhở các đồng chí của mình: “Đổi mới nhưng không để lệch tâm”.
 
Võ Viết Thanh về vườn từ năm 2001 nhưng không hề oán trách đảng và vẫn khen đảng ông trí tuệ và bản lãnh hơn mọi cá nhân, tổ chức chính trị nào hết để tự đổi mới – Ảnh: Tự Trung. Báo Tuổi Trẻ

Xin lỗi đọc giả tôi phải dài dòng quá đáng như thế, cốt để nói với người bạn đồng hương Võ Viết Thanh của mình những vấn đề mang tính chất lý luận và thực tiễn: Còn độc tài thì không thể có dân chủ. Trung ương Đảng chưa bao giơ là tác giả “Đổi mới kinh tế” – kềm hãm thì có. Đảng CSVN hiện vẫn chưa chịu “Đổi mới chính trị”, đang cố giữ thể chế Chính trị Độc tài để  tiếp tục trục lợi. Những người bị Đảng CSVN xem là “những phần tử xét lại chống Đảng” lại là những người cung cấp “nguyên liệu” cho trung tâm quyền lực – cụ thể là ông Trường Chinh, tạo ra sản phẩm “Đổi mới kinh tế” vùa qua. Những phần tử gọi là “Xét lại chống Đảng” lại là những hiệp sĩ “cứu nhân độ thế”, và đã cứu Đảng CSVN những bàn thua trông thấy. Vì muốn đổi mới chính trị, kinh tế cho đất nước, dân tộc thoát khỏi hiểm nghèo, họ bị Đảng CSVN kết án oan, lớp chết, lớp bị thương, lớp ngồi tù,lớp chạy bỏ xứ, lớp bị trục xuất, thật rất đáng thương.   Đúng là: “Chợ đời thật giả đâu chân lý/ Hàng hóa lương tâm vẫn thiếu thừa?!” (Tố Hữu). 

07/11/2015

   T.T

-------
Phụ ghi: V.Thanh để khỏi lộn với Bá Thanh, Phùng Thanh...