Dệt may sẽ được hưởng lợi, dù chịu rủi ro từ điều khoản quy tắc xuất xứ trong TPP - Ảnh TL |
(TBKTSG Online) - Ngân hàng Thế giới trong báo cáo Cập nhật kinh tế Việt Nam công bố sáng 2-12 nhấn mạnh rằng “thực hiện các cam kết TPP cũng đồng nghĩa với thực hiện một chương trình cải cách trong nước toàn diện và quyết liệt”.
Báo cáo nhấn mạnh, Việt Nam cần
chú ý đến các vấn đề nội bộ. Ví dụ, các cam kết sẽ ảnh hưởng tới vấn đề
quản lý doanh nghiệp nhà nước, tăng cường minh bạch trong các chương trình
mua sắm của nhà nước, nâng cao chất lượng và thực thi luật pháp, chính sách
cạnh tranh, tiêu chuẩn lao động và môi trường.
Ngân hàng Thế giới nhận định,
TPP sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu trong nước của Việt Nam.
TPP không chỉ loại bỏ rào cản
thương mại, tăng cường tiếp cận các thị trường lớn mà còn góp phần nâng cao
chất lượng luật pháp, quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhà đầu tư, nâng cao
cạnh tranh, quản lý doanh nghiệp nhà nước, tiêu chuẩn lao động và môi
trường, an toàn thực phẩm, mua sắm công, tự do hóa thương mại và dịch vụ,
kể cả dịch vụ tài chính và viễn thông.
Trong TPP có nhiều chương có các
qui định khuyến khích cải cách thể chế nhằm tăng cường và chuẩn hóa các qui
định, minh bạch, và hỗ trợ xây dựng thể chế hiện đại tại Việt Nam.
Thực hiện các cam kết này sẽ là
thách thức lớn đối với Việt Nam do Việt Nam lựa chọn con đường cải cách từ
từ và bởi một số yếu tố lịch sử để lại (khu vực doanh nghiệp nhà nước lớn,
thể chế thị trường không hoàn chỉnh, v.v.), nhưng Việt Nam cũng đã chứng tỏ
khả năng có thể tận dụng các cam kết quốc tế để thúc đẩy cải cách trong
nước khi gia nhập WTO, nhất là trong những lĩnh vực khó thực hiện.
Về cam kết lao động
TPP bao gồm một cam kết chung
của các nước về tôn trọng quyền của người lao động được ghi trong Tuyên
ngôn về Nguyên tắc và Quyền lợi cơ bản tại nơi làm việc của Tổ chức Lao động
Quốc tế (ILO). Việt Nam còn cam kết cụ thể hơn trong một hiệp ước phụ, Kế
hoạch Tăng cường Quan hệ Công đoàn và Công nhân Hoa Kỳ - Việt Nam.
Ngân hàng Thế giới cho rằng, nếu
thực hiện đầy đủ các cam kết này sẽ đánh dấu một sự chuyển hướng mạnh trong
cơ cấu công đoàn hiện nay, cho phép tự do liên kết thay vì toàn bộ các công
đoàn đều nằm dưới sự quản lý của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL).
Điều khoản chính qui định như
sau: Việt Nam sẽ đảm bảo rằng luật pháp và qui định cho phép người lao động
do doanh nghiệp tuyển dụng được thành lập tổ chức người lao động của riêng
mình mà không cần sự cho phép từ trước.
Một tổ chức của người lao động
đã đăng ký với với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ được quyền tự bầu ra
đại diện của mình, xây dựng qui chế và qui tắc của mình, tổ chức quản lý,
kể cả quản lý tài chính và tài sản của mình, đàm phán tập thể, tổ chức và
lãnh đạo đình công và các hành động tập thể khác liên quan đến quyền lợi
nghề nghiệp, kinh tế-xã hội của người lao động trong doanh nghiệp.
Ngân hàng Thế giới cho biết,
theo cam kết thì Việt Nam phải công nhận hiệu lực của điều khoản này trước
ngày TPP có hiệu lực.
Bên cạnh đó, trong một điều
khoản khác, Việt Nam cũng đã cam kết cho phép tổ chức cơ sở của người lao
động được thành lập các tổ chức lớn hơn giữa các doanh nghiệp trong vòng 5
năm kể từ ngày TPP có hiệu lực.
Quy tắc xuất xứ
Do hiện nay Việt Nam đang phụ
thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, và với qui chế xuất xứ nghiêm
ngặt của TPP nên trước mắt Việt Nam sẽ không tận dụng được tối đa cơ hội do
TPP mang lại.
Báo cáo ghi nhận, các nhà sản
xuất dệt may Việt Nam sử dụng hầu hết xơ sợi nhập khẩu từ các nước ngoài
TPP. Khoảng 60-90% vải được nhập khẩu từ các thị trường khác, chủ yếu là từ
Trung Quốc và Đài Loan.
Do đó, một phần lớn lượng hàng
xuất khẩu hiện nay của Việt Nam sẽ không đáp ứng được các qui định về xuất
xứ của TPP. Ngành dệt may sẽ phải tái cơ cấu theo hướng liên kết ngược thì
mới có thể tận dụng được tối đa lợi thế của TPP.
Trước mắt, đây là một thách thức
lớn, nhưng dự kiến Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều nguồn vốn FDI vào khu vực
thượng nguồn để mở rộng năng lực sản xuất.
Khu vực kinh tế tư nhân đã phản
ứng rất nhanh nhạy để tận dụng cơ hội do TPP mang lại, với hàng loạt doanh
nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đang thực hiện đầu tư lớn vào ngành
sợi Việt Nam.
Ví dụ, Tập đoàn dệt may Texhong
(Hồng Kông) đầu tư 300 triệu đô la Mỹ giai đoạn 1 một nhà máy sợi tại Quảng
Ninh, công ty Kyungbang (Hàn Quốc) đầu tư một nhà máy kéo sợi 100% vốn nước
ngoài giá trị 40 triệu đô la Mỹ tại Bình Dương, nhà máy dệt VINATEX Kiên
Giang trị giá 150 tỉ dồng tại Bình Dương, và khoảng 1 tỉ đô la Mỹ FDI khác
đang lên kế hoạch.
Ngành dệt may, phụ kiện và da
(bao gồm cả giày dép) dự kiến sẽ hưởng lợi rất nhiều và tăng mạnh xuất
khẩu. Thuế suất các sản phẩm này tại các nước TPP thuộc hàng cao nhất, ví
dụ Hoa Kỳ áp thuế 17,1% đối với sản phẩm từ Việt Nam, các nước châu Á tham
gia TPP áp thuế 7,7% và các nước TPP khác áp mức 20,6%.
Vì vậy, dự kiến xuất khẩu thực
tế hàng dệt may và phụ kiện của Việt Nam sẽ tăng khoảng 60% so với đường cơ
sở vào năm 2035. Hoa Kỳ sẽ là đích đến chủ yếu trong khối TPP (20,9%) và
mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất (218,8%). Tỷ lệ sử dụng lao động cao và
chính sách hướng xuất khẩu mạnh làm cho dệt may và phụ kiện trở thành nguồn
tạo việc làm quan trọng.
Hiệp hội dệt may Việt Nam
(VITAS) ước tính, cứ tăng thêm 1 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu sẽ tạo thêm được
150.000 đến 200.000 nghìn việc làm. Vì vậy, đây là ngành chiến lược về xuất
khẩu và tạo việc làm.
Dù vậy, Ngân hàng Thế giới cảnh
báo, qui tắc xuất xứ có thể sẽ hạn chế đáng kể những tác động tích cực này.
Các ngành khác đều hưởng lợi
Trong số các nước tham gia TPP
hiện nay Việt Nam là nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất và có
một số lợi thế so sánh đặc biệt mà không nước nào có được, cụ thể là ngành
công nghiệp chế tạo thâm dụng lao động và các ngành hiện nay đang chịu thuế
suất cao như dệt may.
Tính toán của Ngân hàng Thế giới
cho biết, TPP có thể sẽ bổ sung thêm 8% GDP, 17% giá trị xuất khẩu thực tế,
và 12% lượng tích lũy tài sản trong vòng 20 năm tới.
TPP sẽ làm tăng thêm GDP thực tế
của Việt Nam khoảng trên 8% (lũy kế ) vào năm 2030. Phần đóng góp chính vào
con số này chính là mức giảm thuế quan đánh vào hàng xuất khẩu vào các nước
trong khối, nhất là dệt may và phụ kiện. Thuế suất của Hoa Kỳ vẫn là 17%
tính trên giá trị.
Cắt giảm các biện pháp phi thuế
quan cũng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đầu tư dự kiến
sẽ tăng trên 20% khi TPP đi vào thực hiện và sẽ làm tăng đáng kể lượng vốn
đầu tư và tăng trưởng dài hạn. Tiền lương năm nhóm ngành dự kiến cũng sẽ
tăng trong giai đoạn 2020-2035, trong đó tiền lương nhóm tay nghề thấp tăng
nhanh nhất
Nguồn: Theo Thời Báo Kinh Tế Saigon
Nguồn: Theo Thời Báo Kinh Tế Saigon