22 mars 2016

Indonesia có thể kiện Trung Quốc ra tòa vì phá hoại Biển Đông


Hồng Thủy

(GDVN) - Khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển, thiết nghĩ đó là một cách ứng xử cần thiết, văn minh trước hành động cường quyền.

The Straits Times ngày 21/3 đưa tin, Indonesia cảm thấy các nỗ lực của quốc gia này nhằm thúc đẩy hòa bình ổn định ở Biển Đông đang bị phá hoại. Jakarta có thể kiện Trung Quốc ra một tòa án quốc tế vì những hành vi phá hoại này.
 
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi trong buổi họp báo về vụ tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế mà Indonesia yêu sách ở Natuna, phía Nam Biển Đông, ngày 21/3. Nguồn: Reurters.


Trước đó Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết, một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền của Indonesia trong khu vực nước này yêu sách vùng đặc quyền kinh tế ở quần đảo Natuna phía Nam Biển Đông, khi ngăn cản lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ một tàu cá Trung Quốc đánh bắt trộm.


Bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Indonesia nói với báo giới: "Nhiều năm qua Indonesia theo đuổi và thúc đẩy hòa bình trên Biển Đông. Với vụ việc ngày hôm qua, chúng tôi cảm thấy những nỗ lực của mình bị phá hoại và gián đoạn".

Ngoại trưởng Retno Marsudi đã triệu kiến đại diện đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta sau vụ việc. Bà Marsudi nói: "Trong cuộc họp, chúng tôi đã chuyển tải thông điệp phản đối mạnh mẽ của mình với hành vi vi phạm quyền chủ quyền Indonesia mà Cảnh sát biển Trung Quốc đã gây ra."

"Chúng tôi có thể đưa việc này ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển", Reuters ngày 21/3 dẫn lời bà Bộ trưởng Bộ Thủy sản Susi Pudjiastuti tuyên bố.

Còn Phó Tư lệnh Hải quân Indonesia Arie Henrycus Sembiring khẳng định trước báo giới, hải quân nước này sẽ điều tàu lớn hơn để bảo vệ các tàu tuần tra của Bộ Thủy sản trong vùng đặc quyền kinh tế mà Indonesia yêu sách.

Xung quanh câu chuyện này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm nay nói với báo giới: "Chủ quyền của quần đảo Natuna thuộc Indonesia, Trung Quốc không phản đối điều này. Bất kỳ tranh chấp hàng hải nào cần được giải quyết bằng đàm phán và Trung Quốc cũng phản đối việc đánh bắt trái phép".
 
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trong khi đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn khăng khăng nói rằng, tàu cá Trung Quốc (bị Indonesia bắt giữ bất thành) đang hoạt động "trong ngư trường truyền thống của Trung Quốc". 

Người viết cho rằng, với cách nói lập lờ này của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh đang định lừa các bên liên quan mà trong trường hợp này là Indoesia phải thừa nhận, toàn bộ vùng biển nằm trong phạm vi đường lưỡi bò Trung Quốc tự vẽ ra khoảng 85% diện tích Biển Đông là "ngư trường truyền thống" của Trung Quốc rồi đàm phán gì thì đàm phán.

Bởi thế, phát biểu của bà Bộ trưởng Thủy sản Indonesia về khả năng khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển, thiết nghĩ đó là một cách ứng xử cần thiết, văn minh trước hành động cường quyền.

Hành vi tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tông vào tàu kiểm ngư Indonesia để giải vây cho tàu cá vi phạm nghiêm trọng hơn rất nhiều bản chất vụ tàu cá Trung Quốc đánh bắt trộm, bởi nó mang bản chất nhà nước, có bóng dáng nhà nước Trung Quốc chứ không phải hành vi cá nhân.

Hành vi này của phía Trung Quốc không chỉ xâm phạm, thách thức quyền chủ quyền của Indonesia đối với khu vực nước này yêu sách vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, mà còn là sự thách thức, chà đạp trực tiếp lên Công ước.

Hồng Thủy

Nguồn: Theo GDVN