Kông Kông
23-8-2016
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nạn nhân tại bệnh viện. Ảnh: EPA |
Về bài viết: Nổ súng ở Yên Bái: việc đảng hay việc dân? của tác giả Nguyễn An Dân đăng trên BBC ngày 22-8-2016.
1) “Im lặng 3 ngày để tôn trọng nỗi đau của gia đình nghi can và gia đình các nạn nhân đã tử vong”
Câu hỏi: Ai tôn trọng số nạn nhân (nghi can) đã chết trong đồn công an từ Nam chí Bắc? Ai tôn trọng những người chết tức tưởi vì đã tán gia bại sản do đánh “tư sản mại bản”? Ai tôn trọng những người đã vì đấu tranh cho Dân chủ Tự do mà bị trù dập không nương tay? Đặc biệt là những Tù nhân Lương tâm chết dần mòn trong các trại tù, có trường hợp khi biết chắc tù nhân không còn thể sống lâu hơn nữa nên chế độ vội vã cho về chết tại nhà để tránh tiếng?
Đạo lý làm người, không riêng người Việt Nam, là phải tôn trọng sự đau khổ của gia đình người quá cố nhưng sau những cuộc cách mạng đổ máu người dân vẫn đổ ra đường hoan hô, như thời điểm 30/4 tại miền Nam, thử hỏi ai là người nhân danh đạo đức “tôn trọng nỗi đau của gia đình nạn nhân vô tội”? Đã thế, hàng năm vẫn ca ngợi “chiến thắng hoành tráng”! Vấn đề Yên Bái là “nạn nhân” đã sống như thế nào trước khi bi thanh toán! Thí dụ rất đơn giản, cứ thử nhìn cơ ngơi đang có của 3 người vừa chết so với lương căn bản, thì họ là “người lương thiện” hay không? Và sự giàu có (chỉ cái nhìn thấy rõ bằng mắt thôi) thì gia sản đó từ đâu đến? Rồi so sánh với người dân tại địa phương để tìm câu trả lời!
2) Việc “tán dương” hành động của ông Đỗ Cường Minh không có nghĩa là xúi giục người khác hành động như ông Minh, chỉ nói tổng thể, không nói về cá nhân!
Vì vô số nạn nhân oan khiên mà không biết kêu cứu vào đâu, nên những phát súng của quan chức đầu não thanh toán nhau như là sự bùng nổ tất yếu của uất ức bỗng dưng có cơ hội được trào ra! Ví dụ, hành động ông Đặng Ngọc Viết vào cơ quan bắn chết nhân viên, rồi tự sát! Gia đình vợ con của ông Đặng Ngọc Viết có đau đớn không? Ai cảm thông? Thế nhưng tại sao báo chí chính thống lên án “hành động bạo lực” và tiếp tục bêu xấu người chết, dù không có bằng chứng xác thực? 3 quan chức vừa chết dẫu gì thì gia đình cũng đang giàu có, người thân có thể thừa hưởng, còn gia đình ông Đặng Ngọc Viết như thế nào? Hoàn cảnh nào đáng thương, đáng cảm thông hơn?
Hãy nhớ tiếng súng vụ án “đồng Nọc Nạn”, thời Pháp đô hộ, mà người cùng đường phải dùng bạo lực, được tha bổng!
Câu hỏi: Khi người dân bất lực trước thảm họa do chế độ gây ra mà bản thân và gia đình họ không thể kêu cứu ở bất cứ nơi nào, lê lết đầu đường xó chợ từ năm nầy đến năm khác, đến nỗi chết ngay tại vườn hoa thì có cán bộ nào “cảm thông”, chứ nói gì đến “tôn trọng”? Như vậy, nếu họ suốt đời cam chịu sẽ được “khen ngợi”? Còn trả thù thì sẽ bị lên án là “xúi giục bạo động”? Vì thế, sự trả thù phải hiểu là cùng đường. Cùng chết! Nhưng vụ Yên Bái là cán bộ cấp cao với nhau trong đảng chứ không phải thường dân! Vì nếu là thường dân chắc chắn hung thủ không là “Việt Tân” thì cũng do bọn khủng bố của “thế lực thù địch”, của “bọn diễn biến hòa bình” thực hiện!
Nhìn kỹ, cho đến lúc nầy, “người dân chủ” chưa hề chủ trương bạo lực! Nhưng tại sao “người dân chủ” luôn luôn là nạn nhân của bạo lực do chế độ hành động? Như vậy “Nói với người dân chủ” là đang nói với ai?
Do đó không thể lấy sự “hả hê” trước việc chứng kiến đảng viên cấp cao thanh toán nhau là của “người dân chủ” mà phải hiểu đó là phản ứng tất yếu của người dân bị trị khắp nước đang bày tỏ thái độ! Đó là kết quả đương nhiên của một chế độ độc tài, tham nhũng.
Còn nói “người dân chủ” “nên cổ động những người đang ở trong hoàn cảnh như ông Minh đứng ra thừa nhận cái sai…” thì một trùm cộng sản đã nói rõ rồi: “cộng sản chỉ có thể bị thay thế chứ không thể tự sửa đổi”!
3) “Người dân chủ” là Nhân Dân, không phải là “dựa” vào nhân dân. “Người dân chủ” là số người dám vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình để nói tiếng nói của nhân dân. Vì “người dân chủ” không phải đảng phái, cũng không có ai lãnh đạo! Là tự phát! “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”, nếu người dân không bị áp bức làm gì có “người dân chủ”? Cho nên sự “hả hê” phải được coi như tiếng nói của Trưng cầu Dân ý!
Đánh đồng “sự hả hê” đó của công luận với “người dân chủ” là vô tình xúi giục chế độ thẳng tay đàn áp người yêu nước mạnh hơn nữa!
Còn những gì “cố vấn” cho đảng cộng sản thì xin không có ý kiến!
Nguồn : ANH BA SAM
__________
Nổ súng Yên Bái: việc Đảng hay việc dân?
Nguyễn An Dân
Tôi im lặng ba ngày là để tôn trọng nỗi đau của gia đình nghi can, gia đình các nạn nhân đã tử vong.
Ai cũng là con người, dù người nằm xuống có sai trái hay ra sao thì cũng nỗi buồn đau của người thân nhân ở lại cũng cần được tôn trọng.
Chúng ta đang ở trong thời bình chứ không phải thời chiến, tiếng súng nổ thanh toán nhau một cách công khai như thế cũng là điều không nên khuyến khích dù đến từ tư duy nào.Nói về nghi can Đỗ Cường Minh
Trước tiên, quan sát trong mấy ngày qua, thấy có nhiều người tán dương hành động của nghi can Đỗ Cường Minh, thậm chí gọi ông ấy là anh hùng, theo tôi thì không đúng và cũng không nên quan niệm như thế.
Tôi có thể thông cảm với ông Minh chứ không thể tán dương ông Minh, hai cảm xúc đó cần phân biệt rõ ràng với nhau.
Bất chấp động cơ gây án là gì, mâu thuẫn cá nhân hay mâu thuẫn quan trường… dẫn đến phải thanh toán nhau thì từ một tới ba ông cũng đã sai, lại thanh toán nhau, nghĩa là dùng cái sai này đi giải quyết kết thúc cho những cái sai khác, là việc cộng đồng không nên khuyến khích.
Bây giờ ông Minh đi rồi, những nỗi uất ức vì oan ức (nếu có) của ông ai sẽ thanh minh cho ông, một khi sự minh bạch, công khai của thể chế là điều mà dư luận hay chỉ trích là còn yếu ở Việt Nam. Ai sẽ thay ông Minh đấu tranh để giữ công bằng cho thân phận của ông (nếu có), ai hiểu bản chất sự việc và đầy đủ thông tin như chính ông?
Nói với người dân chủ
Ở những người đang tranh đấu dân chủ thì theo tôi càng không nên khuyến khích hay cổ động cho những tư duy như ông Minh, mà là chúng ta chỉ nên cổ động những người đang ở trong hoàn cảnh như ông Minh đứng ra thừa nhận cái sai (nếu bản thân có) và dựa vào nhân dân, cùng với nhân dân và những đảng viên tiến bộ tranh đấu vạch ra cái sai của hệ thống mà ông ấy đang công tác để đòi công lý-công bằng cho mình (nếu bị oan khuất theo giả định của quần chúng là “quít làm cam chịu”) dựa trên đạo đức-pháp luật và quy tắc ứng xử xã hội.
Tư duy đối lập phải xây dựng trên tư thế hợp pháp. có như vậy mới đủ sức thuyết phục quần chúng đi theo. Chúng ta không nên và không thể vì cổ vũ dân chủ mà ủng hộ những việc làm phi pháp và sai trái đạo lý như vậy.
Nếu khuyến khích việc đòi công bằng- công lý của một cá nhân bằng những phát súng thì sẽ mãi mãi không bao giờ có hòa bình và công lý vì ai cũng có những uất ức cá nhân của mình người khác, với thể chế và với xã hội, ngay cả ở xứ sở dân chủ tốt như Mỹ.
Nhìn rộng hơn, nếu một nền dân chủ được tái lập sau những phát súng thì nhân dân là nơi chịu hậu quả nặng nề nhất. Lúc đó trách nhiệm nằm ở tất cả các nhân tố tham gia dùng vũ trang để tranh giành quyền lực với nhau.
Chúng ta phát ngôn là chủ trương ôn hòa bất bạo động nhưng vì sao chúng ta cổ vũ các phe khác bạo động ? Như vậy quần chúng có tin là chúng ta sẽ bất bạo động hoàn toàn hay không ?
Nói về Đảng Cộng sản Việt Nam
Đảng phải có trách nhiệm vì thiếu giám sát nội bộ. Việc ông Minh hành động như thế trong khi bản thân ông ta là người thành đạt (đủ sức cho con đi du học và mua nhà ở nơi này nơi kia) chứng tỏ đây là mâu thuẫn tích tụ lâu dài, không phải vì bế tắc cuộc sống mà làm càn.
Thêm nữa, gia đình ông Minh là gia đình cán bộ nòi (cha vợ là cựu bí thư tỉnh ủy, vợ là cán bộ lãnh đạo đoàn thể), ông là quan chức hàm trưởng phòng, không thể không biết pháp luật và quy chế của Đảng, nhưng ông Minh ứng xử như vậy chứng tỏ ông không còn tin vào pháp luật (do Đảng vận hành) và quy chế xử lý sai phạm trong nội bộ Đảng nữa.
Quan chức Đảng mà còn không tin Đảng sẽ bảo vệ được mình, thì nhân dân liệu còn tin Đảng sẽ bảo vệ được mình vào bảo vệ được đất nước?
Đảng cũng đừng trách nhân dân vì sao bày tỏ “niềm vui hể hả”, đã từ lâu rồi dưới sự cầm quyền của đảng, khi quan chức ra quyết định chính trị thì chưa hẳn là lợi ích của đất nước, nhân dân và dân tộc được cân nhắc, xem trọng hàng đầu ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực…
Dù trong Đảng có nhiều người tốt và nhiều người không tốt, nhưng Đảng là đảng chung của mọi đảng viên, nên đừng trách sao nhân dân khi bày tỏ cảm xúc thì họ phản cảm hết toàn bộ Đảng.
Nhân dân không chỉ cần cơm ăn áo mặc như ông Hồ Chí Minh đã nói, mà nhân dân là nơi sinh ra và nuôi dưỡng chính quyền, nhân dân còn muốn giám sát và chế tài chính quyền nếu chính quyền có sai trái. Nhân dân là ông chủ, chính quyền là đầy tớ, trong việc này đầy tớ tự làm tự sai chứ ông chủ không xúi giục, thì ông chủ cười vài tiếng cũng là cái có thể hiểu được
Bí thư đương nhiệm, chủ tịch HĐND đương nhiệm (hai nạn nhân) cũng phải chịu trách nhiệm trong chính cái chết của mình, cùng với cha vợ nghi can là nguyên bí thư tỉnh ủy Yên Bái. Các báo cáo tổng kết đánh giá tỉnh ủy Yên Bái là đảng bộ trong sạch vững mạnh hàng năm do các vị ấy ký thông qua chính là góp phần lớn dẫn đến thảm họa hôm nay.
Chuyện các quan chức có đảng tịch thanh toán nhau kiểu xã hội đen không mới và càng ngày càng lên cao về cấp bậc và chức vụ cho thấy khủng hoảng chính trị trong Đảng càng ngày càng sâu sắc và trầm trọng.
Nó cũng cho thấy Đảng không thể dùng các quy trình và cơ chế như lâu nay để giải quyết mà phải có sự thay đổi triệt để từ tư duy và đến hành xử quản trị trong nội bộ Đảng và ra ngoài xã hội mới hi vọng giải quyết tận gốc vấn đề
Quan chức cấp tỉnh (trung cấp) nếu đã có ngày dùng một tay súng để xử nhau thì không thể loại trừ nguy cơ quan chức cấp cao (trung ương) sẽ dùng nhiều tay súng để loại nhau, đó là điều không ai mong muốn, nhưng nguy cơ hóa ra là có thật.
Đảng cần nhớ chuyện của Đảng không còn là của Đảng, vì Đảng lãnh đạo xã hội, nên chuyện của Đảng còn là chuyện của dân và ảnh hưởng đến dân.
Mong hương hồn những người đã khuất yên nghỉ và những người đang thụ lý xử lý vụ án này vì bình yên của xã hội, vì an ninh của đảng và của chính bản thân mình về sau mà xử lý công khai, minh bạch, đúng pháp luật, công bố rõ ràng tiền căn hậu quả với nhân dân.
Chúng ta cần nhớ là trong ngắn và trung hạn, nếu Việt Nam hỗn loạn thì chỉ có Trung Quốc đủ sức ảnh hưởng tiếp và hưởng lợi, chính Mỹ đã nhiều lần lưu ý rằng Mỹ không muốn thấy Việt Nam hỗn loạn lúc này.
Vì Việt Nam lúc này chưa có bất kỳ hiệp ước bảo hộ- liên minh với bất kỳ người bạn lớn nào, thì việc xảy ra bạo loạn vũ trang tên bay súng nổ chỉ làm đất nước thêm suy yếu, và những âm mưu đang bành trướng – đồng hóa từ thế lực thù địch của đất nước-dân tộc sẽ tận dụng điều này để thúc đẩy nó mạnh thêm.
Bài phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, sống tại Sài Gòn.