Những người dân tộc chân chất ngày ngày cặm cụi với nương
rẫy, giờ lại mang tiếng phá rừng. Họ cần một lời xin lỗi công khai từ những
người thực hiện chương trình “Chuyển động 24h” của Đài Truyền hình Việt Nam
Sau khi chương trình “Chuyển động 24h” (CĐ 24h, thuộc Đài
Truyền hình Việt Nam - VTV) phát sóng phóng sự về phá rừng ở tỉnh Đắk Lắk, một
số người dân nghèo ở thôn Giang Đông, xã Ea Đáh, huyện Krông Năng đã bị gán cho
tai tiếng “lâm tặc”, cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn.
Bà Sùng Thị Mao buồn rầu khi hàng xóm bàn tán bà là “lâm tặc” sau khi xem phóng sự về phá rừng của chương trình "Chuyển động 24h" Ảnh: NHƯ PHÚ |
“Tôi rất đau lòng!”
Trong căn nhà xập xệ của vợ chồng ông Vừ Dũ Dinh và bà
Sùng Thị Mao, đã hơn 15 giờ mà bà vẫn nằm chèo queo trên giường. Bên cạnh là đứa
con trai út 8 tuổi đang bưng tô cơm chan nước trắng lùa vội. Thấy khách, bà Mao
ngồi dậy, thở dài: “Đang yên ổn làm ăn, giờ họ bảo mình phá rừng như vậy. Người
trong làng cũng đến đây nói như vậy. Buồn lắm! Mấy phóng viên ấy có học, còn
mình không biết chữ, mình ngu nên mới bị họ lừa như vậy”.
Đưa chúng tôi ra hiện trường hạ cây trong rẫy, chốc chốc ông Vừ Dũ Dinh lại giật giật cánh tay, giọng đầy bực dọc: “Chừng này tuổi rồi. Cháu nội, cháu ngoại nhiều rồi. Còn sức đâu nữa mà họ bảo mình phá rừng. Mà xưa giờ mình có phá rừng bao giờ đâu mà họ nói như vậy”. Ông Dinh bảo nhiều ngày qua, ông không làm được gì vì nhiều người đến hỏi ông về chuyện phá rừng.
Trong khi đó, dù ngồi bên cạnh mẹ nhưng em Vàng A Tu (14
tuổi, một nhân vật khác xuất hiện trong phóng sự phá rừng của CĐ24h) vẫn không
giấu nỗi lo lắng. “Em không biết gì hết mà những người kia lại đưa em vào chuyện
này. Em rất sợ!” - Tu bộc bạch.
Bà Hờ Thị Cha (mẹ em Vàng A Tu) cho hay hôm đó, con bà bị
“dụ dỗ” chặt cây mà bà không hay biết gì. Giờ xảy ra việc như vậy, bà không vừa
lòng.
“Tôi không cho phép ai làm gì với con tôi. Tôi thấy rất
đau lòng với những gì người ta làm với con tôi. Nếu người ta không trả lại công
bằng cho con tôi thì tôi có thể làm những việc mà tôi không muốn. Tôi thương
con tôi. Dù nhà có ăn cơm với nước lã cũng vui. Đừng làm với con tôi như vậy” -
bà Cha bức xúc.
Ông Đinh Xuân Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Đáh, cho hay hơn
10 năm trước, việc phá rừng ở đây có xảy ra. “Tôi chẳng hiểu mục đích của việc
dàn dựng này là gì, phải chăng nói xấu chính quyền địa phương? Họ nói vậy là vấn
đề quan tâm công tác bảo vệ rừng của địa phương không có. Chúng tôi đang phản
ánh việc đó. Từ xã đến huyện, đến tỉnh cũng đang có phản hồi” - ông Hạnh khẳng
định.
Cần bồi thường và xin lỗi công khai
Theo luật sư (LS) Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng Đoàn LS tỉnh
Khánh Hòa, vụ việc này cần điều chỉnh theo Luật Báo chí. Trước mắt, chi tiết
đưa lên không đúng sự thật đã vi phạm Luật Báo chí là phản ánh không đúng sự thật,
ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người khác. Nếu bình thường sẽ xử phạt vi phạm
hành chính, thu hồi tác phẩm, bồi thường, buộc xin lỗi công khai.
Bên cạnh đó là việc lợi dụng quyền tự do dân chủ, trong
đó có quyền tự do báo chí xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác theo điều
258 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, LS Hà cho rằng đó là điều không ai muốn.
Luật sư Phạm Công Út (Đoàn LS TP HCM) khẳng định: “Xâm hại
đến quyền và lợi ích hợp pháp, tức là người ta (những người dân tộc thiểu số -
PV) không phải như vậy nhưng anh lợi dụng chương trình của mình để đẩy người ta
vào rủi ro mà họ phải chịu trong khi họ không phải là lâm tặc. Họ đốn cây trong
đất rẫy nhà mình nhưng anh la toán lên đây là phá rừng. Nếu họ bị khởi tố (về
hành vi phá rừng - PV) và sau đó được xác định là khởi tố oan thì anh (tức nhóm
PV dàn dựng - PV) bị điều chỉnh bởi điều 258 Bộ Luật Hình sự” - LS Út phân
tích.
Theo LS Út, hình sự một vụ việc tương tự như thế là chưa
có tiền lệ. Tuy nhiên, LS Út khẳng định: Người chặt cây ban đầu không biết mục
đích người quay phim là quay để làm gì, thông điệp đưa ra là gì nhưng sau khi
xem truyền hình, họ mới biết mình là diễn viên đóng thế vai lâm tặc. Đây là
phóng sự truyền hình chứ không phải phim truyện nên người xem nhìn họ ở vai phản
diện là lâm tặc. Do đó, họ có quyền yêu cầu đính chính, xin lỗi công khai trên
truyền hình theo Luật Báo chí, thậm chí nếu có thiệt hại thì có thể yêu cầu bồi
thường tổn thất về danh dự, uy tín.
Ông Trần Trung Hiển, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông
tỉnh Đắk Lắk, cho hay các cơ quan chức năng tỉnh đang khẩn trương làm rõ một số
chi tiết không đúng và không khách quan trong phóng sự phá rừng của CĐ24h như
điều tra ban đầu của công an tỉnh.
Ông Dinh không vũ phu,
nghiện rượu
Về thông tin ông Vừ Dũ Dinh nghiện rượu, hay đánh vợ,
đánh con như trong một số bản tin CĐ24h gần đây, ông Giàng A Nụ - Trưởng thôn
Giang Đông, xã Ea Đáh - khẳng định là lần đầu tiên ông nghe như vậy.
Ông Nụ quả quyết: “Lâu nay, tôi ở đây chưa bao giờ thấy
và cũng chưa bao giờ nghe nói ông Dinh đánh vợ, đánh con. Ông Dinh chưa vi phạm
bất cứ điều gì trong thôn cả. Chuyện uống rượu thì thỉnh thoảng ông Dinh có uống
nhưng cũng uống như những người trong thôn thôi. Làm gì có chuyện nghiện rượu!
Nghiện rượu thì làm sao ông nuôi nổi 9 người con của mình?”.
HỒNG ÁNH -
NHƯ PHÚ - CAO NGUYÊN - THANH LONG