Tuấn Khanh
Đầu tuần này, có một chuyện khá thú vị
diễn ra ở Viện đại học Virginia, Hoa Kỳ. Có gần 500 sinh viên và giảng viên của
Viện đại học này cùng ký tên vào một bức thư phản đối bà giám đốc của trường là
Terasa Sullivan, vì đã phát đi một bức thư kêu gọi sự hợp nhất của toàn Viện
đại học, nhưng trích dẫn trong đó ý văn của tổng thống đời thứ 3 của Hoa Kỳ là
Thomas Jefferson.
Mục đích của sự phản đối, là các sinh viên
lo ngại về việc giớ thiệu các tư tưởng của tổng thống Thomas Jefferson vào lúc
này, có thể bị coi là gợi ý “liên quan sâu sắc về lịch sử phân biệt chủng tộc”.
Từ bản tin của The Richmond Time Dispatch, người đọc có thể rằng trong bối cảnh
tổng thống Mỹ Donald Trump vừa nhậm chức, khuynh hướng dân tộc cực đoan đang
lan đi, việc trích dẫn bị coi là đầy ngụ ý này có thể làm ảnh hưởng tinh thần
của Viện đại học nên hàng trăm sinh viên đã cùng ký vào thư phản đối này. Hoàn
toàn không ai kich động hay xúi giục họ cả.
Sự phản ứng tức thì này khiến bà giám đốc
Teresa Sullivan đã phải viết một lá thư trần tình, giải thích rằng “mọi việc
trích dẫn đều không có nghĩa là ngầm tán thành các cấu trúc xã hội hay niềm tin
của thời đại đó, chẳng hạn như về chế độ nô lệ, xem thường phụ nữ và không cho
người da màu vào trường đại học”. Trong một khung cảnh văn minh, giám đốc của
một trường đại học đã phải minh bạch, như một cách tôn trọng thế hệ của tương
lai, thay vì coi mình là “người lớn”, và sinh viên chỉ là “kẻ nhỏ” và đến chỉ
để đóng tiền học phí.
Sự kiện này nhắc tôi về những gì đang diễn
ra ở đại học Hoa Sen, Saigon, vài ngày trước, nơi có các cuộc tranh chấp giữa
các Hội đồng quản trị mới và cũ. Hãy nhích một bước, đứng ngoài các giá trị
được và mất của các nhà đầu tư và điều hành, sự kiện đáng nói ở đây, liên quan
đến các sinh viên của trường Hoa Sen.
Tóm tắt sự kiện ngắn gọn như sau, ngày 11
tháng 11, khi biết tin Hội đồng quản trị mới đến làm việc ở trường Hoa Sen,
hàng chục sinh viên đã làm biểu ngữ, biểu tình… yêu cầu Hội đồng quản trị mới
đi theo khuynh hướng phi lợi nhuận. Việc bày tỏ thái độ rất bình thường trong
một xã hội dân chủ, thế nhưng được một hệ thống phối hợp tổ chức đưa tin như
một âm mưu làm loạn.
Sài Gòn trước năm 1975 có vô số các hội
đoàn sinh viên, trong đó có một Tổng hội Sinh viên, nay là Nhà văn hóa Thanh
Niên, với hàng ngàn người luôn xuống đường cho các vấn đề xã hội. Ấy vậy mà mới
mấy mươi sinh viên bày tỏ ý kiến trong khuôn viên trường của mình, đã bị coi
như là một “thế lực thù địch”.
Khác với cách hành xử của Viện đại học
Virginia, Hội đồng Quản trị mới không tìm một không gian đối thoại hay giải
thích một cách tử tế. Ai đó trong các vị có quyền lực của Hội đồng Quản trị mới
đã gọi điện cho các nhân viên công an văn hóa mật PA83 chạy đến như một cách
trấn áp, ngay trong buổi ghé đến đại học Hoa Sen lần đầu tiên. Ai đã kinh qua
trường đại học ở Sài Gòn trước 1975, đều biết rằng không thể có chuyện
công an được gọi xồng xộc chạy vào như thế. Đại học là một khuôn viên riêng, là
một thánh đường của trí thức.
Nhiều ngày, đọc các bản tin trên báo, các
dòng tin trên facebook… cứ nhắc đi nhắc lại việc sinh viên bị “xúi giục, kích
động”… thật không thể không thảng thốt và buồn nôn. Tinh thần đại học độc lập
và giá trị biểu kiến của giới trẻ chưa gì đã bị dán cho những nhãn quan mập mờ
đe dọa về chính trị. Đáng tiếc hơn, đôi khi chính những vị là nhà giáo dục,
luật sư… cũng có một thói quen cất tiếng, giới thiệu lối tư duy tăm tối của
mình để áp đặt cho một không khí sinh hoạt xã hội dân sự bình thường. Chính quý
vị trí thức ấy cũng đã góp phần bóp chết tinh thần đại học của Sài Gòn, của
giới trẻ là vậy.
Nói trên báo Giáo dục Việt Nam, một luật
sư tên Lê Xuân Lộc cứ nhấn đi nhấn lại là việc điều hành là của “người lớn”,
sinh viên chỉ có một việc là “học”. Thậm chí tay luật sư này còn đe dọa bằng
việc viện dẫn chuyện biểu tình của sinh viên có thể bị ghép vào tội hình sự.
“Pháp luật hoàn toàn không cho phép việc tụ tập la ó, giơ các bảng biểu ngữ như
các bạn sinh viên Trường Đại học Hoa Sen đã làm vào chiều ngày 11/11 vừa qua”,
luật sư Lê Xuân Lộc nói như vậy.
Nếu đây là người đại diện luật pháp cho
Hội đồng quản trị mới, đó là một người đại diện tồi, vì ông ta không thể học
thuộc nổi một đoạn Hiến pháp Việt Nam đã đặt nền tảng cho quyền con người. Dùng
luật pháp như một con dao để vung lên dọa tứ tung trong đám đông, hơn nữa lại
mang đầy tư duy ngu dốt về thế hệ trẻ trong nền giáo dục đại học, làm sao ông
ta có thể thuyết phục giới trẻ nắm tay giúp lôi ông đi vào tương lai?
Chúng ta hay nói và mơ một ngày nào đó,
đất nước mình cũng có những thế hệ như sinh viên Hồng Kông bản lĩnh, về những
sinh viên đầy tinh thần độc lập như Viện Đại học Virginia, nhưng nếu chúng ta
chấp nhận im lặng và thỏa hiệp với những tư duy giáo dục đớn hèn, trẻ con hóa
sinh viên, thì làm sao dựng được thế hệ của hy vọng?
Tham khảo thêm