19 novembre 2016

Tàu TQ đâm tàu ngư dân Khánh Hòa: 40 phút sinh tử


(Tin tức thời sự) - “Anh em sợ quá chạy lên phía trước mặc áo phao, chuẩn bị tâm lý có thể gặp chuyện xấu. Tàu Trung Quốc vừa đâm vừa đuổi chúng tôi trong 40 phút”.
Anh Tống Thành Tiến vẫn chưa hết hoảng hốt sau khi bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm va tại ngư trường Hoàng Sa. Ảnh: TPO
 


Đâm va trong 40 phút

Trưa 17/11, trao đổi với Đất Việt, anh Tống Thành Tiến (32 tuổi, tổ dân phố Thủy Đầm phường Ninh Thủy, TX Ninh Hòa, Khánh Hòa) chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá KH 97580 TS vẫn chưa hết hoảng hốt sau khi bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm va tại ngư trường Hoàng Sa.

Anh Tiến cho biết, ngày 12/10, anh cùng 7 thuyền viên và 1 máy trưởng xuất bến để ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt cá.

Sáng 10/11, khi đang đánh bắt cá tại đây, tàu KH 97580 TS đã gặp tàu của Trung Quốc mang số hiệu 45103.

“Họ tiến lại gần rồi húc và đuổi tàu chúng tôi ra khỏi khu vực Hoàng Sa. Khi thấy họ hung hăng quá thì tôi đã quyết định cho thuyền đi ra chỗ khác. Họ bám sát tàu chúng tôi khoảng 3h tiếng. Khi tàu của tôi đã đi cách xa khoảng 20 hải lý thì họ bỏ đi không giám sát nữa. Họ cũng chụp ảnh tàu trước khi rời đi”, anh Tiến kể lại.

Chưa hết hoảng hốt, đến khoảng 21h ngày 13/10, khi đang tiến hành hoạt động thu câu trong khu vực giữa đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn (huyện Hoàng Sa, Đà Nẵng) tàu tiếp tục bị tàu 45103 tìm cách đâm va.

“Họ chạy đến rồi chiếu thẳng đèn pha vào phía chúng tôi. Khi tôi điều khiển tàu di chuyển thì tàu Trung Quốc lui lại phía sau rồi húc thẳng liên tiếp nhiều lần.

Anh em sợ quá chạy lên phía trước mặc áo phao, chuẩn bị tâm lý có thể gặp chuyện xấu. Họ vừa đâm vừa đuổi tàu chúng tôi trong khoảng 40 phút.

Tôi vừa là chủ tàu, vừa là thuyền trường, dù rất sợ hãi nhưng lúc đó tâm lý vẫn phải vững vàng, kêu cứu và chạy về phía trước.

Do tàu Trung Quốc xô mạnh nên dây ăng ten trên tàu bị rớt xuống. Khi gọi điện về cho bộ đội biên phòng cũng như các đài thông tin như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Khánh Hòa không ai nghe được mình nói”, anh Tiến giọng run run kể lại.

Sau khi tàu Trung Quốc bỏ đi, anh Tiến và các thuyền viên quyết định đưa tàu cập bến dù theo kế hoạch còn hơn 10 ngày đánh bắt.

“Lúc đó ai cũng sợ cả, không còn tâm trí nào đánh bắt cả. Tôi điều khiển tàu về phía trước, đến khoảng 6h sáng hôm sau thì mới liên lạc được với bộ đội biên phòng và người thân”, anh Tiến nói.

Nỗi lo trả nợ

Thuyền trưởng tàu cá KH 97580 TS chia sẻ, nhiều năm gắn bó trên biển, đã không ít lần gặp tai nạn hay bị tàu Trung Quốc, tàu lạ va đập. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên, anh đối mặt với nỗi lo sinh tử và bị thiệt hại nặng nề như vậy.

“Tàu này công suất 550 CV tôi mới đóng cách đây không lâu.  Tất cả tiền công, tiền đóng tàu, đồ đạc, thiết bị rơi vào khoảng 2,7 tỷ đồng. Giờ tàu bị đâm hư hỏng nặng, ước tính thiệt hại lên tới khoảng 150 triệu đồng. Chúng tôi đã kiến nghị lên UBND phường, bộ đội biên phòng, hội nghề cá cũng như Chi cục Thủy sản để mong muốn được giúp đỡ”, anh Tiến buồn bã nói.

Dù chưa hết hoảng loạn sau lần đối mặt với tàu Trung Quốc, nhưng anh Tiến vẫn không hề run sợ. Anh cho biết, bản thân cảm thấy may mắn khi tất cả các thuyền viên vẫn an toàn, không ai bị thương hay xây xát gì.

“Thật may mắn là mọi người vẫn bình an. Tôi giờ chỉ mong muốn các cơ quan chức năng, các quỹ tấm lòng vàng giúp đỡ, tạo điều kiện để tiếp tục vươn khơi, bám biển. Nghề đi biển dù nguy hiểm nhưng đây là nghề từ đời cha, đời anh truyền lại. Vì thế khó khăn vất vả thế nào cũng phải vươn khơi, bảo vệ chủ quyền của đất nước cũng như kiếm thêm đời sống kinh tế gia đình”, anh Tiến chia sẻ.

Trong cuộc trò chuyện với Đất Việt, vị thuyền trưởng vẫn đau đáu trong lòng nỗi lo “cơm áo gạo tiền” và khoản nợ ngân hàng chưa trả hết. Theo anh Tiến, dù có khó khăn đến đâu cũng không thể bỏ mặc thuyền viên cũng như thờ ơ với cuộc sống của các gia đình xung quanh.

“Mỗi lần đi biển tốn khoảng 140 triệu nhưng khi đi biển phải đánh được từ 200-300 triệu mới đủ chi phí và trang trải cho các thuyền viên. Nhưng lần này chúng tôi đã mất hết.

Cá nhân tôi, cuộc sống gia đình cũng không khá giả gì. Vợ không đi làm gì cả, ở nhà chăm con, mẹ thì đi bán cá. Trong khi khoản nợ vay ngân hàng và người thân vẫn còn gần 2 tỷ đồng. Tương lai khiến tôi rất lo lắng”, anh Tiến buồn bã nói.



Tìm cách hỗ trợ ngư dân gặp nạn

Trao đổi thêm với Đất Việt về việc này,  ông Nguyễn Trọng Chánh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết đã trực tiếp liên hệ với phía ngư dân Tống Thành Tiến.

“Chúng tôi đã liên hệ được với chủ tàu. Rất may chỉ hư hại tàu thuyền còn người thì không làm sao”, ông Chánh khẳng định.

Ông Chánh cho biết đã động viên ngư dân Tống Thành Tiến sớm khắc phục khó khăn để tiếp tục vươn khơi bám biển.

“Chúng tôi sẽ lập danh sách để gửi lên Hội nghề cá cũng như các cấp để hỗ trợ anh Tiến cùng các thuyền viên. Số tiền thiệt hại ước tính cũng khoảng hơn 100 triệu đồng”, ông Chánh nói.

Theo ông Chánh không chỉ ngư dân Khánh Hòa mà các tỉnh lân cận khi đánh bắt tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đều gặp những khó khăn do bị tàu lạ, tàu Trung Quốc cản trở.

“Vừa qua chúng tôi cũng có phối hợp với Cục Kiểm ngư để tập huấn cho các ngư dân chủ động phòng tránh các sự cố có thể xảy ra trên biển. Việc này cần phải được đẩy mạnh hơn nữa”, ông Chánh nhấn mạnh.

Hà Đông