Nguyễn Văn Tung
Theo nguồn tin của Tổng cục 5, Thanh tra Chính phủ vừa đệ trình dự thảo kết luận vụ thanh tra toàn diện Mobifone mua AVG theo hướng: “đúng quy trình, giá hợp lý, không có sai phạm, chỉ nhắc nhở và phê bình” lên Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng nhưng không được cả ba vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước chấp nhận. Điều đó cho thấy quyết tâm của Tổng bí thư, Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng không để “con voi lọt qua lỗ kim”, không để vụ đại án này bị chìm xuồng, quyết tâm xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm, thu hồi đủ số tiền bị tham nhũng về cho Nhà nước. Lê Nam Trà và Phạm Nhật Vũ hiện đang tiếp tục dồn tiền, chạy vạy các cửa, đặc biệt là các lãnh đạo Bộ Công an, để không bị khởi tố.
1) Tình hình tài chính, hiện trạng cơ sở vật chất, tình hình kinh doanh của AVG vào thời điểm bán cho Mobifone:
Vốn điều lệ của AVG là 3.000 tỷ đồng. Ở thời điểm ký kết hợp đồng mua bán 95% cổ phần AVG giữa Phạm Nhật Vũ và Mobifone vào tháng 12/2015, số lỗ cộng dồn của AVG đã lên đến 1.800 tỷ đồng. Mức lỗ trong năm 2014 của AVG là 300 tỷ đồng và trong năm 2015 là 300 tỷ đồng. Như vậy, tại thời điểm mua bán, AVG đã bị lỗ hơn 50% vốn điều lệ.
Trong tổng tài sản trị giá 3.000 tỷ đồng của AVG tại thời điểm mua bán, giá trị tài sản cố định của mảng truyền hình (giá trị còn lại, sau khi trừ khấu hao) chỉ vỏn vẹn là 600 tỷ đồng. Trong khi đó, Phạm Nhật Vũ bán 95% cổ phần AVG cho Mobifone ở mức giá 8.900 tỷ đồng, cao gấp 15 lần giá trị tài sản thực tế của mảng kinh doanh cốt lõi là truyền hình và giá trị tài sản đầu tư dài hạn của AVG vào hai công ty con lên đến 2.400 tỷ đồng.
Đặc biệt, đối với khoản đầu tư dài hạn 2.400 tỷ đồng AVG vào hai công ty con, Phạm Nhật Vũ bỏ ra 1.800 tỷ đồng để mua 30% cổ phần của Công ty khoáng sản An Viên BP (giá mua cao gấp 12 lần mệnh giá) và bỏ ra 600 tỷ đồng để mua 90% cổ phần của Công ty cổ phần giống tằm tơ Mai Lĩnh (giá mua cao gấp 17 lần mệnh giá). Như vậy, giá trị thực tế của AVG đầu tư vào hai công ty con này chỉ là 185 tỷ trong khi AVG phải trả ra là 2.400 tỷ đồng. Có thể thấy ngay, Phạm Nhật Vũ đã rút ruột AVG số tiền 2.215 tỷ đồng một cách tinh vi. Hiện nay, hai công ty con này đều làm ăn thua lỗ bết bát và giá trị cổ phần đều chưa đến một “chấm” trên cả hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP.HCM. Khoản đầu tư dài hạn 2.400 tỷ của AVG vào hai công ty con Mai Lĩnh và An Viên BP vô hình treo vào cổ Mobifone khoản thua lỗ trên 2.000 tỷ. Điều này giống như một tình tiết trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan: Lê Nam Trà dùng nón úp lên đống cứt nhưng vẫn báo cáo lên cấp trên là trong nón có chim phượng hoàng.
Ở thời điểm cuối năm 2015, AVG đã hoàn toàn mất hết vốn và mất khả năng thanh khoản. Do vậy, AVG phải đi vay 1.700 tỷ đồng để trang trải hoạt động (vay dài hạn 900 tỷ đồng, vay ngắn hạn 800 tỷ đồng). Đối với khoản vay ngắn hạn 800 tỷ đồng thì vào tháng 6/2016, Mobifone đã phải bảo lãnh để AVG vay lại số tiền 800 tỷ đồng từ Phạm Nhật Vũ. Số tiền 800 tỷ đồng mà Phạm Nhật Vũ cho AVG vay lại này chính là nằm trong tổng số tiền Mobifone đã chuyển trả Phạm Nhật Vũ trong 5 tháng đầu năm 2016. Đúng là “mỡ nó rán nó”.
Cao tay hơn, Phạm Nhật Vũ còn thành lập một công ty liên doanh của riêng cá nhân Phạm Nhật Vũ để sản xuất nội dung chương trình độc quyền cho AVG. Công ty này luôn tính chi phí sản xuất chương trình với AVG ở mức rất cao. Giá vốn sản xuất nội dung chương trình của AVG trong năm 2014 chiếm đến 97% tổng chi phí nên hàng năm AVG làm ra bao nhiêu tiền thì cũng bị Phạm Nhật Vũ “chén” hết thông qua công ty con sản xuất nội dung này.
Vào cuối năm 2015, tổng số thuê bao truyền hình trả tiền của AVG là 700 nghìn, chiếm khoảng 7% thị phần. Trong đó, chỉ có 400 nghìn là thuê bao thực, còn lại 300 nghìn thuê bao là thuê bao ảo được phát triển do được khuyến mại cước phí nên hầu như không phát sinh doanh thu trong thời gian dài. Lĩnh vực truyền hình trả tiền là lĩnh vực kinh doanh xương xẩu, hai công ty truyền hình cáp là VTV Cab và SCTV đã chiếm trên 80% thị phần trên cả nước, hai công ty truyền hình số vệ tinh và mặt đất (K+ và AVG) đều đang bị lỗ ở mức khoảng 1.800 tỷ đồng/mỗi công ty. Những nhược điểm chính của truyền hình số vệ tinh và mặt đất do AVG cung cấp là: vùng phủ sóng hẹp do số lượng trạm phát ít, chất lượng thu phát không ổn định khi gặp thời tiết xấu, giá bộ đầu thu cao (trong khi VTV Cab và SCTV lại luôn miễn phí đầu thu cho khách hàng), nội dung chương trình không phong phú và không có nội dung đặc sắc độc quyền… Do vậy, thuê bao truyền hình AVG chủ yếu ở vùng nông thôn và APRU (doanh thu/1 thuê bao) ở mức rất thấp!
Có thể thấy, vào thời điểm Mobifone mua AVG (cuối năm 2015), AVG đã bị mất toàn bộ vốn, đã lỗ quá nửa số vốn điều lệ, lại bị Phạm Nhật Vũ rút ruột 2.215 tỷ đồng thông qua việc mua cổ phần của hai công ty con. Tình hình kinh doanh rất khó khăn do không có lợi thế so với truyền hình cáp. Giá trị tài sản cố định thực tế của mảng truyền hình của AVG chỉ là 600 tỷ đồng nhưng đã bị Phạm Nhật Vũ và Lê Nam Trà thông đồng và đẩy mức giá mua bán lên 8.900 tỷ đồng. Với tình hình tài chính thảm hại, mất hết vốn điều lệ và kinh doanh bết bát như vậy, giá trị của AVG bán cho Mobifone không thể cao hơn giá trị mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng (lưu ý là Mobifone dùng tiền Nhà nước đi mua tài sản của tư nhân).
2) Mobifone đã định giá AVG như thế nào?
Trong quý II và quý III năm 2015, Mobifone đã cấp tốc thuê 4 công ty tài chính bao gồm: VCBS, Hanoi Value, ASC, MAXX để định giá AVG. Điểm đáng chú ý là các số liệu đầu vào mà Mobifone cung cấp cho 4 công ty tài chính nói trên chủ yếu là số liệu từ Kế hoạch kinh doanh AVG giai đoạn 2016-2020 do Lê Nam Trà chỉ đạo các tổ công tác trong nội bộ Mobifone “nặn” ra. Tại kế hoạch kinh doanh nói trên, các số liệu dự báo mức tăng trưởng thuê bao, doanh thu, lợi nhuận của AVG đều ở mức rất cao, rất lạc quan, vô căn cứ trong khi kinh doanh truyền hình số vệ tinh và truyền hình số mặt đất của AVG hoàn toàn thất thế so với truyền hình cáp. Đặc biệt kế hoạch kinh doanh này dự báo một con số rất viễn vông là doanh thu và lợi nhuận của AVG tăng gấp 2 lần từ năm 2018 trở đi, dẫn đến mức định giá AVG của các công ty tài chính nói trên đều ở mức trên trời.
Bốn công ty tài chính nói trên dùng phương pháp tài sản và phương pháp thu nhập để xác định giá trị AVG. Trong phương pháp tài sản, giá trị tài sản vô hình của AVG được xác định ở mức rất cao, chiếm đến 83% tổng giá trị doanh nghiệp. Giá trị vô hình này lại chủ yếu được xác định từ số liệu phát triển kinh doanh được vẽ cao vống lên tại Kế hoạch kinh doanh 5 năm của AVG do Mobifone xây dựng và giá trị của 4 băng tần 700 Mhz. Việc đưa giá trị 4 băng tần Mhz vào giá trị tài sản vô hình của AVG là rất vô lý vì đây là tài nguyên quốc gia và AVG phải trả lại 4 băng tần 700 Mhz này cho Nhà nước vào năm 2017 do nằm trong quy hoạch tần số của mạng 4G như quy định tại Luật Tần số vô tuyến điện.
Cuối cùng, giá trị của AVG được 4 công ty tài chính định giá ở mức “trên trời” so với giá trị thực tế: từ 19.000 tỷ đồng đến 33.000 tỷ đồng. Cũng cần nói thêm là số liệu dự báo giá trị AVG do 4 công ty tài chính đưa ra chỉ là để Mobifone tham khảo trong việc ra quyết định mua AVG, với vai trò là chủ đầu tư dự án thì Mobifone phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc xác định giá mua bán.
Để kết lại phần này, chúng ta vẫn phải nhắc lại các con số biết nói: Mobifone đã mua 95% cổ phần AVG ở mức giá 8.900 tỷ đồng, cao gấp 15 lần so với giá trị tài sản cố định 600 tỷ đồng của mảng truyền hình thuộc AVG. Trong khi đó, Bản Việt định giá Mobifone, công ty Viễn thông kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam, ở mức 45.000 tỷ đồng, chỉ cao gấp 3 lần vốn điều lệ. Vậy là một bên đã bán đắt tài sản cho Nhà nước còn một bên muốn mua rẻ tài sản từ Nhà nước?
3) Các sai phạm lớn của Lê Nam Trà trong đại án tham nhũng AVG:
Chúng tôi đã nêu rõ các sai phạm của Lê Nam Trà trong đại án tham nhũng này tại các bài viết trước, tại bài viết này, chúng tôi xin nêu rõ lại như sau:
– Cố tình tham mưu sai cho Bộ Thông tin Truyền thông đóng dấu “mật” lên hồ sơ dự án mua AVG trong khi dự án mua AVG không phải là công trình an ninh-quốc phòng. Bản chất của việc đóng dấu “mật” là để che đậy việc mua bán khuất tất, để Lê Nam Trà có đủ thời gian chuyển 8.500 tỷ đồng của Mobifone cho Phạm Nhật Vũ trong 5 tháng đầu năm 2016.
– Cố tình không đánh giá đầy đủ, khách quan, trung thực về tình hình tài chính của AVG, đặc biệt là bỏ qua việc đánh giá khoản đầu tư dài hạn 2.400 tỷ đồng của AVG vào hai công ty con. Các báo cáo giải trình luôn viết theo hướng lạc quan cho AVG (kiểu “viết lấy được”) và là yếu tố quan trọng dẫn đến việc định giá AVG cao hơn nhiều so với giá trị thực tế.
– Cố tình đưa ra các mức dự báo rất lạc quan, không có căn cứ trong Kế hoạch kinh doanh 5 năm 2016-2020 của AVG dẫn đến việc các công ty tài chính đưa ra mức giá trị của AVG ở mức rất cao và là yếu tố trọng yếu dẫn đến mức giá Mobifone mua AVG lên đến 8.900 tỷ đồng (cao gấp 15 lần so với giá trị tài sản cố định của mảng truyền hình của AVG).
– Cố tình gấp gáp chuyển 8.500 tỷ đồng tiền mua AVG từ Mobifone cho Phạm Nhật Vũ trong 5 tháng đầu năm 2016 mặc dù đã có cảnh báo từ một vài cơ quan chức năng về việc cần dừng việc chuyển tiền để làm rõ vụ việc.
– Ngay sau khi mua AVG, cố tình chỉ đạo Mobifone vội vã xóa thương hiệu dịch vụ truyền hình AVG để thay bằng thương hiệu MobiTV vào tháng 7/2016, gây thất thoát lớn trong việc mất thương hiệu AVG trên thị trường truyền hình. Trong khi thương hiệu AVG được định giá hàng nghìn tỷ đồng trong tài sản vô hình của AVG.
– Cố tình bù chéo lợi nhuận của mảng dịch vụ giá trị gia tăng của Mobifone, thực chất là chuyển lợi nhuận của Mobifone (và đây là tiền của Nhà nước) sang bù lỗ cho AVG. Điều này nhằm giúp Lê Nam Trà báo cáo sai sự thật về tình hình kinh doanh của AVG trong 9 tháng đầu năm 2016 (năm 2014 và năm 2015 thì AVG đều lỗ 300 tỷ đồng/năm, do đó, việc Lê Nam Trà công bố AVG có lãi 40 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2016 thì chắc chắn là con số “phù phép”).
Với các sai phạm lớn và rõ ràng như vậy, đã có chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thường trực Ban Bí thư cũng như dư luận cả nước rất bức xúc, vậy tại sao Thanh tra Chính phủ và Bộ Công An lại vẫn lần chần chưa khởi tố và tiếp tục để “tham nhũng nhảy múa trên lưỡi gươm của pháp luật”?
4) Các thiệt hại đối với Nhà nước và yếu tố lợi ích nhóm:
Mobifone mua 95% cổ phần của AVG với mức giá 8.900 tỷ đồng trong khi giá trị thực tế của AVG chắc chắn không vượt quá mức 900 tỷ đồng (giá trị tài sản cố định và giá trị thực tế 2 công ty con). Như vậy, Lê Nam Trà đã câu kết với Phạm Nhật Vũ rút tiền của Nhà nước ít nhất là 8.000 tỷ đồng để chia nhau.
Ngoài ra, với việc Mobifone phải bỏ ra số tiền 8.900 tỷ đồng, tương đương với 60% vốn điều lệ, để mua AVG (một công ty đang lỗ 300 tỷ đồng/năm) thì Mobifone đã phải đi vay ngân hàng khoảng 70% số tiền này, khoảng 5.000 tỷ đồng. Do việc phải đi vay dài hạn số tiền 5.000 tỷ đồng nói trên, lợi nhuận của Mobifone giảm khoảng 2.500 tỷ đồng và nộp ngân sách giảm khoảng 1.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020.
Ngoài ra, Mobifone phải trả số tiền lãi vay cho khoản bảo lãnh 800 tỷ đồng, số tiền mà Phạm Nhật Vũ cho AVG vay vào tháng 6/2016. Tiếp theo đó là thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng từ việc Mobifone xóa thương hiệu dịch vụ AVG vào tháng 7/2016 cũng như dồn lợi nhuận của mảng dịch vụ giá trị gia tăng của Mobifone (bản chất là tiền nhà nước) trị giá hàng trăm tỷ đồng cho AVG trong năm 2016. Những con số nói trên chỉ ra rằng Nhà nước đã thiệt hại hơn 10.000 tỷ đồng khi Mobifone dùng tiền Nhà nước để mua AVG từ Phạm Nhật Vũ.
Gần đây, Thủ tướng vừa tuyên bố mạnh mẽ trước Quốc hội là Chính phủ sẽ không để các vụ đại án bị chìm xuồng. Tại cuộc tiếp xúc cử tri TP.Hà Nội vào ngày 6/12, Tổng Bí thư đã tái khẳng định quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong cuộc chiến chống chống tham nhũng, Tổng Bí thư đã nêu rõ: “lợi ích nhóm là sự câu kết của một nhóm người để bòn rút tiền Nhà nước”. Nếu soi vào vụ đại án tham nhũng Mobifone mua AVG này, chúng ta thấy yếu tố “lợi ích nhóm” rất rõ thể hiện qua sự câu kết giữa 3 bên: Phạm Nhật Vũ, tư bản thân hữu, bên bán – Lê Nam Trà, chủ doanh nghiệp nhà nước, bên mua và một số quan chức nhà nước có vai trò thẩm định và phê duyệt. Họ đã cố tình nâng khống giá trị AVG ít nhất 8.000 tỷ đồng để rút tiền Nhà nước ra để chia nhau. So về quy mô, vụ Mobifone mua AVG còn trầm trọng hơn vụ Vinashin mua ụ nổi rất nhiều.
Gần đây, Lê Nam Trà đã nhận được visa đi Mỹ. Để tránh tình trạng Lê Nam Trà bỏ trốn như các quan tham: Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy và Lê Chung Dũng, đề nghị Tổng Bí thư và Thủ tướng chỉ đạo gấp Bộ Công An áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với Lê Nam Trà và Phạm Nhật Vũ để chuẩn bị phục vụ công tác điều tra.
Những kẻ nào đã đốt hết lợi nhuận tích cóp của Mobifone 20 năm qua trong thương vụ AVG? Lê Nam Trà và Phạm Nhật Vũ phải nhớ rằng tiền từ Mobifone là tiền của Nhà nước và cũng là tiền thuế của nhân dân! Đề nghị Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Thường trực Ban bí thư và Thủ tướng chỉ đạo gấp Thanh tra Chính phủ, Bộ Công An khởi tố ngay vụ đại án tham nhũng Mobifone mua AVG trong tháng 12 này, yêu cầu Phạm Nhật Vũ hoàn lại toàn bộ số tiền tham nhũng AVG cho Mobifone và cho Nhà nước, xử lý nghiêm sai phạm của Lê Nam Trà và các cá nhân liên quan tại Mobifone cũng như Bộ Thông tin Truyền thông trong vụ đại án để mang lại niềm tin cho nhân dân cả nước.
_____
Mời xem lại: Kỳ 1: Lê Nam Trà – Tay trong con gái Thủ tướng phá hoại 20 năm phát triển bền vững của Mobifone — Kỳ 2: Lê Nam Trà và đại án tham nhũng ở Mobifone — Kỳ 3: Sau AVG, Lê Nam Trà và Nguyễn Thanh Phượng đang âm mưu những gì ở Mobifone? — Kỳ 4: Mobifone ngang nhiên thách thức các nỗ lực chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ — Kỳ 5: Việc thanh tra toàn diện vụ tham nhũng AVG ở Mobifone liệu đã bắt đầu? — Kỳ 6: Cuộc điều tra tham nhũng AVG tại Mobifone đã thực sự bắt đầu — Kỳ 7: LÊ NAM TRÀ ĐANG PHÙ PHÉP VỤ AVG NHƯ THẾ NÀO? — Kỳ 8: Đại án 8.900 tỷ tại Mobifone: hồi chuông đã gióng — Kỳ 9: Đại án tham nhũng MobiFone mua AVG: Lê Nam Trà đang lo lót đoàn Thanh tra Chính phủ — Kỳ 10: Đã đủ điều kiện cấu thành một vụ đại án, thưa Tổng Bí thư và Quốc hội! — Kỳ 11: Đại án tham nhũng MobiFone mua AVG: đã quá đủ điều kiện để khởi tố, thưa Tổng Bí thư và Thủ tướng
Nguồn : ABD