16 décembre 2016

Trung Quốc bố trí hỏa lực phòng không ở đảo nhân tạo phi pháp ngoài Biển Đông

 

Hồng Thủy
 

(GDVN) - Các nhà phân tích tin rằng đây chỉ là "khúc dạo đầu" cho việc triển khai máy bay chiến đấu phản lực ra đảo nhân tạo.

The Straits Times ngày 15/12 đưa tin, quân đội Trung Quốc đang xây dựng hệ thống hỏa lực phòng không trên các đảo nhân tạo nước này bồi lấp bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Hình ảnh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở đá Xu Bi, vị trí đánh dấu bằng ô vuông là nơi Trung Quốc bố trí hỏa lực phòng không. Nguồn: CSIS / VOA.
 
 

Các nhà phân tích tin rằng đây chỉ là "khúc dạo đầu" cho việc triển khai máy bay chiến đấu phản lực ra đảo nhân tạo. Học giả Gregory Polling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á, CSIS nói:

"Đây là bằng chứng nữa cho thấy cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Barack Obama năm ngoái rằng, Trung Quốc sẽ không quân sự hóa Biển Đông, chỉ là lời đầu môi chót lưỡi.

Đó là sự chuẩn bị rõ ràng để tiến đến trang bị cho các đảo nhân tạo (đầy đủ vũ khí) trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột vũ trang.
Chúng ta có thể thấy rằng, đây là những ụ súng phòng không, nếu nòng súng đủ dài, chúng ta có thể nhìn thấy chúng từ không gian, nó khá lớn.

Nếu bạn tưởng tượng rằng, bạn có tên lửa phòng không là có thể bắn hạ bất kỳ tên lửa hành trình nào tấn công bạn, bất kỳ cái gì tiến về phía bạn cũng sẽ phải đối mặt với hệ thống vũ khí phòng thủ này.

Đây không phải là thứ họ xây dựng để chơi mà không có ý định bảo vệ các đảo nhân tạo.

Thậm chí hầu hết các đảo vẫn chưa xây dựng xong các công trình lớn. Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bị đang được biến thành căn cứ không quân, nhưng vẫn còn nhiều chỗ trống và họ đang tiếp tục xây dựng.

Những gì chúng ta đang thấy là các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng nhất để phòng thủ, liên quan đến phòng không.

Từ lâu tôi đã nghi ngờ, chúng ta sẽ sớm nhìn thấy các máy bay chiến đấu phản lực được bố trí ở đây. Chúng tôi đã nhìn thấy tên lửa phòng không HQ-9 được Trung Quốc kéo ra đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) bố trí (bất hợp pháp) năm ngoái.

Fox News cũng vừa đưa tin, hệ thống tên lửa tương tự SAM đã được phát hiện bố trí tại căn cứ không quân Yết Dương tỉnh Quảng Đông có thể dành cho Biển Đông.

Tôi nghĩ rằng, đó là bằng chứng chống lại những người Mỹ ở những nơi khác đã phớt lờ những căn cứ này.

Vào thời điểm chúng tôi xác định được một cái gì đó từ hình ảnh (vệ tinh) thương mại, cộng đồng tình báo ở đây (Hoa Kỳ) và trong khu vực có lẽ đã nhận thức được nó trước". [1]

Trong một động thái có liên quan, tờ Independent của Anh ngày 15/12 cho hay, Mỹ sẽ bắt đầu bố trí máy bay chiến đấu tàng hình F-22 tại các căn cứ ở Australia trong bối cảnh gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris đã tiết lộ điều này tại Viện Lowy. Euan Graham, một nhà nghiên cứu an ninh quốc tế cho rằng, động thái này thể hiện thông điệp cứng rắn khá cao đối với Trung Quốc.

Việc triển khai F-22 đến Australia sẽ được bắt đầu vào năm tới. F-22 được chế tạo bởi tập đoàn Lockheed Martin với sự hỗ trợ từ Boeing và các công ty khác. [2]

Còn The New York Times ngày 14/12 đưa tin, Đô đốc Harry Harris khẳng định rằng, cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục được giữ vững khi Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền, người phản đối hoạt động quân sự hóa Biển Đông.

Ông Harry Harris từ chối suy đoán về chính sách đối ngoại của Mỹ có thay đổi như thế nào khi ông Trump vào Nhà Trắng, nhưng chắc chắn rằng lợi ích của Mỹ ở khu vực là lâu dài, và liên minh với Australia quan trọng hơn bao giờ hết. [3]

Tài liệu tham khảo:





Hồng Thủy

Nguồn: Theo GDVN