03 janvier 2017

VĂN CHƯƠNG 2016, MỘT GÓC NHÌN



Bùi Công Thuấn



Năm 2016 đã trôi vào dĩ vãng. Sẽ còn lại gì cho mùa sau?

Niềm vui, nỗi buồn và sự chờ đợi…vẫn ngổn ngang.

Tôi là người đứng ở một góc sân nhìn cuộc chơi, thành ra góc nhìn rất hẹp. Vẫn biết là phiến diện. Nhưng lại biết rằng, ở mỗi góc nhìn, người quan sát có thể nhận ra những cái riêng mà ở góc khác không thấy, và đối với một ngòi viết, cái riêng là cái cần có. Chỉ khi người nghệ sĩ nhiếp ảnh chọn được một góc riêng thì mới chụp được ảnh đẹp. Nghĩ thế nên tôi mạo muội ghi lại cảm nghĩ của mình trước tất cả phôi pha…





CUỐI NĂM, NHỮNG TIN KHÔNG VUI


1.Trong bản tin trên Tuổi Trẻ ngày 17.12.2016 nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Hội Nhà văn thiếu kinh phí trầm trọng.

Thông thường mỗi nhiệm kỳ 5 năm, các Hội Văn học nghệ thuật được nhận khoảng 400 tỉ đồng tiền hỗ trợ sáng tác từ ngân sách Nhà nước, trong đó riêng Hội Nhà văn Việt Nam mỗi năm được nhận 4,8 tỉ đồng. Nhưng năm nay Hội Nhà văn chỉ nhận được một nửa số tiền là 2,4 tỉ đồng và đã phải chi ra 2/3 số tiền đó để trả nợ cho báo Văn Nghệ, tạp chí Thơ, Hồn Việt... (mỗi số ra của mỗi đầu báo, Hội Nhà văn đặt mua 1.000 tờ cho khoảng 1.000 hội viên của mình).

Vì chưa đủ tiền nên hiện Hội Nhà văn vẫn còn nợ lại một số đơn vị tiền mua báo từ đầu năm đến nay.

Nếu kỳ họp vừa rồi mà Quốc hội nhấn nút thông qua Luật về hội thì không biết chúng ta sẽ khốn đốn thế nào bởi khi đó Hội Nhà văn cũng như các hội khác sẽ không có trụ sở, không biên chế, không được cấp kinh phí. Vậy thì còn gì để hoạt động nữa?

Nếu chúng ta không được cấp kinh phí, không có trụ sở, tự đóng góp hội phí mà nuôi nhau thì Hội Nhà văn sẽ chỉ còn con đường tan rã mà thôi. Vì số tiền hội phí thu từ 1.000 người trong Hội Nhà văn mỗi năm chưa được 6 triệu đồng, chưa đủ đi thăm viếng một số đám ma!”[1]


Tôi nghĩ rằng, các Hội VHNT đã quen được bao cấp, giờ là lúc phải tự thân vận động. Vì đất nước đã chuyển sang cơ chế thị trường từ lâu rồi. Thiên tài luôn tự biết tìm lấy con đường đi dưới chân mình. Giai đoạn 1930-1945 đâu có Hội Nhà văn, nhưng bầu trời văn chương Việt Nam rất nhiều ánh sao lạ. Chỉ vài nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn cũng có những đóng góp đáng trân trọng cho sự phát triển của văn chương Việt Nam, và phong trào Thơ Mới (có trường thơ Loạn, Xuân Thu Nhã Tập) với nhiều tài năng và tác phẩm, đến nay vẫn còn ảnh hưởng đối với thơ đương đại. Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay có trên 1000 hội viên, đa phần là các tác giả phong trào (các tác giả xuất thân và hoạt động trong các phong trào). Những nhà văn, nhà thơ thực sự tài năng, có đóng góp cho sự phát triển của văn chương Việt Nam đương đại, những người đem đến cho văn chương một kiểu tư duy nghệ thuật mới, một cách viết mới và những giá trị mới thì không nhiều. Hội Nhà Văn chỉ cần là một tổ chức hành chính làm chức năng quản lý Nhà nước. Nếu có luật lệ rõ ràng, có những giải thưởng giá trị, sẽ có những tác phẩm lớn xuất hiện, và những tài năng trẻ xuất hiện. Cách làm của Hội Nhà văn như thời gian qua là cách làm từ thời kháng chiến, rồi thời bao cấp, vừa tốn kinh phí vừa không hiệu quả (vì đến nay vẫn chưa thấy tác phẩm đỉnh cao). 


Nhưng xin lưu ý điều này, tập hợp quần chúng, giác ngộ cho họ, đặt họ vào cuộc chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện nhiệm vụ Cách mạng, đó là phương thức hoạt động của Đảng. Hội Nhà văn Việt Nam và các hội VHNT các tỉnh chính là tổ chức quần chúng của Đảng, có nhiệm vụ “phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu ''dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” (Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị). Hội Nhà văn Việt Nam không phải là một đơn vị kinh tế có nhiệm vụ kinh doanh. Một năm Hội nhận được 4,8 tỷ đồng cho hoạt động của hơn 1000 hội viên thì có nghĩa gì so với số tiền thất thoát, thua lỗ của các công ty Nhà nước? Thí dụ, trước đây, Thanh tra Chính Phủ cho biết, chỉ một công ty Vinashin, đã thua lỗ, thâm hụt gần 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ Nhà nước và mắc nợ trên 96.000 tỷ đồng. Số tiền này tương đương với kinh phí 20.000 năm hoạt động của Hội Nhà văn!


2. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, trên trang trannhuong.com than thở về Sự Im Lặng của Nhà Văn. Sau khi trình bày quan điểm văn chương hiện thực và nhận ra sự im lặng của nhà văn trước những vấn đế “nóng” hiện nay, tác giả đặt vấn đề: “có thể nói đất nước chúng ta đang đứng trước những nguy cơ tiềm tàng thù trong, giặc ngoài. Văn học có những gì trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng này và nhà văn chúng ta đang đứng ở đâu?”

Và tác giả lý giải:

“…Tôi gọi thẳng ra chúng ta im lặng bởi chúng ta sợ hãi. Khi anh không dám mở miệng, anh im lặng vì sợ liên lụy, sợ mất đi bổng lộc thì đừng nói đến tác phẩm làm gì. Nhà văn đang đứng bên lề cuộc sống... Tôi nói những điều này nhưng thực chất cũng như tâm sự với chính mình. Sự sợ hãi đã khiến nhà văn chúng ta im lặng. Đúng là thế.”[2]


Tôi không tin rằng nhà văn Việt Nam im lặng vì sợ liên lụy, sợ mất bổng lộc”, vì thế “đừng nói đến tác phẩm làm gì” (nghĩa là không có tác phẩm, sợ nên không dám viết). Tôi thấy nhiều nhà văn đã lên tiếng và bằng cả hành động bày tỏ thái độ, song tiếng nói của họ tan vào quãng không, có người còn phải trả giá cho thái độ của mình.

Có thể hiểu thế này, Hội Nhà Văn Việt Nam là một tổ chức chính trị -nghề nghiệp của nhà văn, sự lên tiếng trước các vấn đề của hiện thực là thẩm quyền của Hội. Đảng và Nhà nước đã trình bày quan điểm, đường lối chính sách. Nhà văn (hội viên - hành chính, đã được học chính trị) nếu có lên tiếng cũng là nói theo quan điểm của Đảng và Nhà nước. Có lẽ vì thế nhà văn thấy không cần nói gì thêm nữa (?)

Còn việc sáng tác bám sát hiện thực, làm nhiệm vụ chính trị trực tiếp như giai đoạn trước kia, bây giờ quan điểm của Đảng đã khác (Nghị quyết 23 của Bộ chính trị). Báo chí, tuyên truyền làm việc này tốt hơn văn chương. Nhà văn đã có kinh nghiệm. Nếu bám sát hiện thực thì văn chương không bao giờ theo kịp hiện thực, và khi hiện thực qua đi, tác phẩm trở thành lỗi thời (các tác phẩm viết về phong trào Hợp tác xã những năm 1960 ở miền Bắc là một thí dụ). Không viết được tác phẩm hay, không có tác phẩm có giá trị là do nhà văn thiếu tài năng, chứ không phải do nhà văn sợ mất bổng lộc


HOẠT ĐỘNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT KHẮP NƠI VẪN SÔI NỔI


Bản tin Văn nghệ trên trang vanvn.net phản ánh khá đầy đủ các hoạt động văn học nghệ thuật diễn ra sôi nổi khắp nơi. Các hoạt động này đã thành nề nếp chung. Vì đã thành “bổn cũ soạn lại”, “đến hẹn lại lên” nên không gây được sự chú ý chăng? Chẳng hạn, Ngày Thơ Việt Nam đã mất sức hấp dẫn. Các trại sáng tác được tổ chức rôm rả, nhưng tác phẩm của trại viên, sau khi kết thúc trại, thường được cất vào kho. Các sinh hoạt giới thiệu tác giả, tác phẩm chỉ còn là một hình thức quảng cáo. Những hội thảo về tác giả đã quá cố thường được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh (Thí dụ, Ngày 7/12/2016, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Hội VHNT Quảng Ngãi đã tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm sinh Bích Khê)…. Vấn đề là, ngoài ý nghĩa chính trị, việc tổ chức những hoạt động ấy đem lại hiệu quả gì cho sáng tạo văn chương? 


Đã từ lâu rồi hình thành một nếp nghĩ rằng, dự trại sáng tác chỉ là dịp gặp gỡ, “vui là chính”, miễn là có tác phẩm đem nộp cho ban tổ chức là được. Vì ai cũng biết điều này, phải sống thật lâu, thật gắn bó với một nơi nào đó thì mới có thể viết về nơi ấy, còn “đi tham quan” để sáng tác, chỉ là để giúp nhà văn thư giãn. Tôi hình dung ra chuyến đi trại sáng tác từ ngày 1 đến ngày 15-4-2016 của 14 tác giả Yên Bái. Đoàn đã “hành quân” từ Bắc vào Nam, đã giao lưu với Hội liên hiệp VHNT tỉnh Hà Tĩnh; giao lưu với anh chị em phục vụ Nhà sáng tác Nha Trang; thăm phòng tranh của họa sỹ Chế Kim Trung, người dân tộc Chăm, tham quan nhiều di tích văn hóa Chăm ở tỉnh Ninh Thuận, và… dừng để sáng tác ở Nhà sáng tác Vũng Tàu. Chắc chắn là chuyến đi rất thú vị. Còn tác phẩm văn chương, xin gửi sau.


Trong năm 2016 diễn ra hai hội nghị đặc biệt: Hội nghị Lý luận phê bình lần thứ IV (24-27.6) tại Tam Đảo và Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX (27-29.9) tại Hà Nội do Hội Nhà Văn tổ chức. Hai hội nghị này có ý nghĩa quan trọng về chính trị và văn học, góp phần tích cực vào sự phát triển văn học. Các hội nghị này tập trung lực lượng, thống nhất quan điểm, cách nhìn nhận, xem xét các vấn đề của văn học đương đại và chuẩn bị cho tương lai.


Hội nghị Lý luận phê bình lần thứ IV tập trung vào chủ đề “Văn học 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển 1986-2016”. Tổng kết hội nghị, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà Văn nói về những việc sắp tới sẽ làm là:


1.Đẩy mạnh quá trình kết tinh tác phẩm. So với văn học hiện thực và Thơ Mới, quá trình kết tinh tác phẩm của ta chậm.

2.Lo âu lớn nhất hiện nay là vấn đề suy thoái đạo đức. Chúng ta ăn không ngon, ngủ không yên

3.Hội Nhà văn đặt hàng nhà Lý luận Phê bình viết về đề tài: bản chất của đổi mới văn học là gì? Mối quan hệ cùa Cái Mới, Cái Hay, cái Truyền thống là gì?

4. Tọa đàm báo chí đã chỉ ra Phê bình báo chí có vấn đề.

6. Xin phép tổ chức một cuộc hòa hợp dân tộc. Nhạc sĩ Phạm Duy đã về rồi...Sao nhà văn lại không được hội nhập. Nhà văn nào trở về với đất nước, mình cũng phải sẵn sàng. Nhà văn nào tác phẩm có lợi cho dân tộc thì ghi nhận. Lợi ích của dân tộc là tối cao.

7.Không để lọt tác phẩm có giá trị.

8.Cải tiến phương pháp đầu tư.

9.Xử lý những vấn đề trong tác phẩm phải vô cùng hiểu biết. Ban chấp hành phải tham mưu được cho Đảng.

10.Vấn đề văn học dịch.

11.Tác giả có tác phẩm muốn PR thì phải tự giới thiệu bằng cách tóm tắt tác phẩm. Hội Nhà văn sẽ đưa lên websdite của Hội. Cát cứ văn học thì nguy hiểm vô cùng.

12. Ban Chấp hành Hội Nhà văn phải có tiếng nói với Ban Cán sự Chính phủ về việc trao giải Nhà nước.

13.Thay đổi cách thẩm định tác phẩm. Về thông tin và truyến thông (nhà xuất bản Hội Nhà văn, tuần báo Văn nghệ. 1 báo điện tử...

14. Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn (2017)

Bản thân tôi tham dự hội nghị này thấy rằng nhiều vấn đề vẫn còn đó:

Nếu chỉ nói đến Văn học 30 năm đổi mới (1986-2016) thì văn học 10 năm trước đó (1976-1986) đặt vào đâu? Không thể bỏ qua 10 năm này, vì văn học dân tộc là dòng chảy liên tục.

Chủ đề của hội thảo là “Văn học-30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển”, nhưng trong hội nghị, người ta vẫn đặt lại vấn đề: Thế nào là đổi mới? và câu trả lời là không thống nhất. Không ai chỉ ra những thành tựu và những giá trị của văn học 1986-2016. Những tác phẩm, tác giả nào là tiêu biểu nhất cho thành tựu và giá trị của giai đoạn văn học này? Văn học này được định vị bằng những đặc điểm gì về tư tưởng, thi pháp và phong cách? Người ta cũng nói nhiều đến cách tân, nhưng không tham luận nào nói được giá trị của những “cách tân” trong văn học 30 năm đổi mới.

Không ai nhận ra văn chương Việt Nam hiện nay có 3 dòng là Văn chương cách mạng và kháng chiến, Văn chương Nhân văn và dân chủ và dòng văn chương thị trường. Người ta cho tất cả vào một rọ và gọi chung đó là thành tựu văn học đổi mới. Vì thế, giới lý luận phê bình đã bế tắc trong việc viết lịch sử văn học 40 năm qua (1975-2015). Vì giá trị của ba giòng văn học này rất khác nhau.[3]

Khi nói về sự đổi mới văn học như là quy luật nội tại, Hội nghị đã bỏ qua những yếu tố tư tưởng cơ bản thúc đẩy sự đổi mới văn học (1986-2016). Đó là Nghị quyết trung ương 5, về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, và nghị quyết 23 của Bộ chính trị về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới". Nhiều vấn đề Lý luận và phê bình văn học đã được mở ra, tác động đến sự phát triển của văn học.

Theo tôi, văn học 1986-2016 có nhiều thành tựu,đổi khác chứ không đổi mới. Văn học Việt Nam 1986-2016 vẫn “phản ánh hiện thực” như các giai đoạn văn học trước đó. Ngay cả dòng văn chương Nhân văn và dân chủ )được gọi là đổi mới) cũng chỉ phản ánh phần hiện thực mà văn học cách mạng và kháng chiến không nói đến (Thời của Thánh thần, Ba người khác, Mảnh vỡ của mảnh vỡ…). Những tác phẩm viết theo những bút pháp khác như Siêu thực, Hiện thực huyền ảo, Hậu hiện đại cũng đã là cũ so với thế giới. Thanh Thảo hay Nguyễn Quang Thiều có viết Siêu thực thì cũng đã đi sau rất xa so với trường thơ LoạnXuân Thu Nhã tập, Thanh Tâm Tuyền trước kia.

Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX cũng đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Đây là một nỗ lực rất lớn của Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam. Xin đọc một tổng kết: “…hơn 100 đại biểu được chọn lựa đều là những gương mặt văn chương có nhiều thành tích tốt, có số lượng sách đã xuất bản khá đồng đều (có người đã in 20 đầu sách); Hội nghị đã tập hợp, bồi dưỡng, định hướng sáng tác cho những người viết trẻ trên khắp mọi miền tổ quốc; tạo cơ hội để người viết trẻ đóng góp những tiếng nói tâm huyết vào dòng chảy văn học Việt Nam, thể hiện được tâm nguyện, khát vọng cống hiến tài năng và công sức cho công việc sáng tạo; có sự chia sẻ, học hỏi, liên thông giữa các thế hệ sáng tác và lí luận phê bình; tổ chức những hoạt động phong phú, thiết thực, tập trung vào chuyên môn; gây được những cảm xúc tốt đẹp và ấn tượng sâu sắc đối với mỗi người tham gia...”[4]

Tổng kết tọa đàm: Thơ trẻ-Truyền thống và cách tân, nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu: “Phải có tác phẩm hay mới trở thành những con đại bàng hay mãnh sư đủ sức đi một mình. Nhà thơ không có chất liệu gì ngoài tâm hồn. Thơ là những bông hoa nảy nở từ tâm hồn. Nếu không phả tâm hồn của mình vào câu chữ thì mọi cách tân đều vô nghĩa. Thơ hiện đại, thơ trẻ đang bung phá và trở thành bộ phận tìm kiếm năng động nhất của văn học. Thơ là bộ phận tiên phong của nền văn học, nhà thơ được ủy thác quyền phát ngôn của lương tâm. Các bạn trẻ hãy thể hiện sao cho trọn vẹn cái tôi của mình, phải chú ý đến dấu ấn cá nhân trong sáng tác. Chỉ có như vậy mới đạt tới những giá trị bổ sung chứ không phải tạo ra giá trị thay thế. Những chân trời khác nhau đã xuất hiện...”[5]

Đọc những bài tường trình các cuộc thảo luận, các tham luận và tác phẩm của các tác giả trẻ được giới thiệu [6], tôi chia sẻ được nhiều điều. Rất vui vì thấy được một đội ngũ người viết trẻ hùng hậu đang tiến về phía trước trong hành trình các thế hệ nhà văn Việt Nam, dù biết rằng sẽ có nhiều người bỏ cuộc. Tôi cũng chia sẻ những trăn trở, khó khăn của họ. Điều khó nhất là làm sao có được tác phẩm hay, có giá trị. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng “Những bài thơ hay muôn đời vẫn là điều bí ẩn của sáng tạo.” Nhà thơ Hữu Thỉnh thì nói đến ước vọng văn chương trẻ Việt Nam có những con đại bàng hay mãnh sư đủ sức đi một mình…(Có lẽ Hữu Thỉnh mượn chữ của nhà văn lão thành A. Xê-ra-phi-mô-vich gọi nhà văn Sô- lô-khốp là: con đại bang non tung cánh trên bầu trời văn học), ông cũng nói đến dấu ấn cá nhân trong sáng tác. Các tác giả trẻ cũng đặt ra nhiều vấn đề của thời đại mình. Vấn đề làm sao đưa được thơ đến với công chúng? Vấn đề “văn học Việt Nam vẫn mang nặng tâm lý coi văn chương thị trường và chức năng giải trí là cái gì thấp kém, dễ dãi”, vấn đề đội ngũ phê bình trẻ, tuy có được đào tạo bài bản song vẫn đang thiếu và yếu; chất lượng phê bình nhìn chung chưa cao (Hà Thị Vinh Tâm)…Văn học trẻ, dù đã có những thành tựu, song trong đại hội lần này ít có những khuôn mặt sáng giá như trong các đại hội lần trước như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Đỗ Bích Thúy, Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Vĩnh Tiến

Ai cũng biết rằng Đại hội là dịp để những người viết văn gặp gỡ, chia sẻ, bầu bạn. Việc sáng tác là việc riêng của mỗi người. Đó là một hành trình đơn độc và gian nan. Nhà thơ nhà văn hôm nay càng đơn độc hơn lúc nào. Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa nói: “Đêm dạ hội thơ Bản hòa âm tháng 9 tối 28-9 không mấy độc giả quan tâm và đến thưởng thức. Phần lớn là chúng ta viết và tự đọc thơ, trình diễn thơ cho nhau nghe - dự báo của nhà thơ Xuân Diệu giờ đã là sự thật. Cứ đà này rồi đến lúc nhà thơ viết nhà thơ tự đọc” -.(Văn học trẻ: Chức năng giải trí của văn học ở đâu V.V.Tuân- Đ. Triết)


VĂN ĐÀN VẪN YÊN Ả


Giòng sông có khúc vơi khúc đầy, có khúc ghềnh thác vực xoáy, có khúc yên ả phẳng lặng. Dòng chảy văn chương Việt Nam 2016 vẫn là dòng chảy yên ả. Tuy không mênh mang nhưng sông vẫn bồi đắp phù sa và tích chứa những nguồn mạch cho mai sau. Tôi tạm hình dung như vậy.

Những tác giả sung sức của dòng chủ lưu vẫn in tác phẩm và thể nghiệm những thể lọai mới, đề tái mới, cách viết mới. Nhiều tác giả tác phẩm được giới thiệu. Các hoạt động phong trào vẫn sôi nổi, những giải thưởng văn học…Và có những điều đáng ghi nhận như, tác giả Đỗ Quyên từ Vancouver giới thiệu 200 nhà phê bình thơ người Việt hậu đổi mới. Bàn tròn văn học: Từ văn học thời chiến rực rỡ đến văn học chiến tranh với các nhà thơ nhà văn: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trí Huân Lê Minh Khuê, Nguyễn Văn Thọ, Văn Chinh, Lê Thành Nghị [7] có cái nhìn sâu sắc về viết về chiến tranh. Nguyễn Hiệp trong bài “Thử giải mã ba nhà văn khó đọc ba miền” viết về ba nhà văn Nguyễn Bình Phương, Nhật Chiêu, Ngô Phan Lưu, có nhiều khám phá giúp người đọc nhận ra sự độc đáo văn chương Việt Nam đương đại.

Tuy vậy không có tác phẩm, tác giả nào nổi bật ghi dấu ấn của năm. Có điều tôi chưa rõ năm 2016 Hội Nhà văn và Liên hiệp các Hội VHNT sẽ trao giải thưởng cho tác phẩm nào.

Lý luận và phê bình văn học cũng bình lặng, ngay cả trước và sau Hội nghị LLPB VH lần thứ IV tại Tam Đảo. Tôi nhận ra điều này, Nghị quyết trung ương 5, và nghị quyết 23 của Bộ chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" đã mở rộng cánh cửa cho mọi tìm tòi sáng tạo, thể nghiệm, cách tân. Và sau một thời gian quyết liệt phủ định Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa, người ta ào ạt tiếp nhận những lý thuyết văn học và các phương pháp phê bình mới, đến nay tình hình đã bão hòa (?). Người ta nhận ra các lý thuyết văn học phương Tây là viết cho văn chương phương Tây, cần có một nền lý luận và phê bình văn học Việt Nam cho văn chương Việt Nam. Các nhà văn, nhà thơ (nhất là người viết trẻ) sau những bứt phá thi pháp cũ để dấn thân phiêu lưu vào cách viết mới, vẫn không tạo ra được một dòng văn học mới có tính chất chủ lưu (như Thơ Mới 1930-1945). Từ đây, mọi lý luận đều quy về một vấn đề, đó là tài năng. Không có tài năng sáng tạo cái mới thì văn chương sẽ vẫn như cũ… Mọi cách tân chỉ là thủ pháp. Nhà thơ Hữu Thỉnh khi tổng kết tọa đàm “Thơ trẻ: truyền thống và cách tân” trong Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX nói rằng: “Thơ là những bông hoa nảy nở từ tâm hồn. Nếu không phả tâm hồn của mình vào câu chữ thì mọi cách tân đều vô nghĩa.”

Sự yên ả trên diễn đàn của lý luận phê bình văn chương có thể còn là kết quả của các đợt tập huấn về Lý luận và phê bình VHNT do Hội đồng Lý luận và phê bình VHNT trung ương tổ chức. Từ 2009 đến nay, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã mở nhiều lớp tập huấn, với các chuyên đề như: "Quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật và hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật”, “Mấy vấn đề về lý luận và thời sự trong đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay”, “…những quan điểm cơ bản về văn hóa, văn học, nghệ thuật trong Hiến pháp 2013 và Nghị quyết 33-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 khóa XIkỹ năng viết bài phê bình văn học, nghệ thuật”…Thông qua các đợt tập huấn này, các nhà văn, nhà báo, những người làm công tác VHNT, các cơ quan quản lý VHNT thống nhất được quan điểm, cập nhật những quan điểm mới của Đảng về VHNT, nhìn rõ thực trạng của đời sống VHNT đương đại, thấy rõ hơn trách nhiệm trên mặt trận văn hóa tư tưởng…thành ra ít còn những tranh cãi như trước kia. Cũng cần nói đến các diễn đàn văn học trên mạng Internet. Từ khi Nhà nước quản lý bằng pháp luật việc sử dụng các mạng xã hội thì mọi ồn ào, lộn xộn trong đời sống văn học (mà có lúc làm người đọc mất phương hướng, loạn tiêu chí, tình trạng suy đồi đạo đức phê bình…) đã được lập lại trật tự. Sinh hoạt văn chương yên ả hơn…

Có điều bây giờ nhiều người kêu ca quá, rằng văn chương không còn là ngôi đền thiêng, rằng Thơ bây giờ nhiều quá. Nhà thơ Trần Hoàng Vy phải lên tiếng trong bài “Tản mạn thơ…Ai cứu thơ: Bây giờ... tỏ tình chẳng ai thèm đọc thơ, bắt chước thơ. Gặp nhau nhậu nhẹt, ai muốn đọc thơ phải bỏ tiền ra trả...”nhuận nghe” cho người nghe. Thơ bị xô đẩy, hắt hủi như con... ghẻ./ Ôi ! Cái thời hoàng kim, oanh liệt của thơ nay còn đâu? Ai sẽ thay mặt văn đàn và thi ca cả nước trả lời đúng cho độc giả, cứu vớt cho Thơ khỏi bị hàm oan. Hội đồng Thơ ơi hãy cứu lấy thơ?...”[8]

Nhà văn Tạ Duy Anh than thở:”Có tới cả năm trời tôi chỉ cứ loanh quanh bởi câu hỏi: Viết nữa hay không viết nữa? Không viết hay là viết? Viết hay thôi? Thôi hay viết?... Cứ thế tôi chỉ làm mỗi một việc cầm bút lên lại đặt xuống. Đặt xuống lại cầm lên vẫn cái bút ấy. Cầm lên ngắm nghía chán lại đặt xuống, đúng cái chỗ ấy... đến nỗi có lần bắt gặp, vợ tôi tỏ ra thông cảm bảo:“Không viết thì đứng lên, việc gì cứ phải ngồi như tù tội vậy?”. Thế là tôi đứng lên để cuối cùng lại ngồi xuống. Ngồi xuống chán lại đứng lên. Đứng lâu lâu lại ngồi, vẫn cái chỗ ấy. Từ đúng chỗ ấy lại đứng lên.

Viết thì khổ, không viết còn khổ hơn. Nhưng viết ra liệu có ai đọc. Có người, sách in chưa ráo mực, đã chẳng còn ai biết. Có người chưa hết hoan hỉ sau khi kính cẩn tặng bạn bè, ông nọ bà kia để rồi vài hôm đã thấy sách của mình ở quầy bán giấy vụn. Có người lần nào đặt bút cũng hy vọng cuốn này phải biết, phải biết. Nhưng kể cả nhờ hàng trăm cuộc rượu, người tung, kẻ hứng cuối cùng sách của anh ta chỉ tốt ở chỗ dùng để tự vệ!...”[9]

Tôi nghĩ, đó là bi kịch của nhà thơ nhà văn trong nền kinh tế thị trường. Nhà văn Việt Nam đã sống và viết cho những mục đích cao cả của dân tộc. Cách nghĩ, cách viết của giai đoạn trước đã thành nếp. Văn chương được giao nhiệm vụ gánh vác trọng trách trong sự nghiệp Cách mạng. Nay chuyển sang kinh tế thị trường, văn chương trở thành một loại hàng hóa, chi phối bởi luật cung cầu, phải đáp ứng nhu cầu của các khách hàng (là “thượng đế”), mà “thượng đế” bây giờ chỉ thích các chương trình giải trí nghe nhìn trên các phương tiện truyền thông, thích văn chương giải trí, nhẹ nhàng, lãng mạn (tiểu thuyết ngôn tình lên ngôi là vậy), thành ra họ thờ ơ với thơ văn làm nhiệm vụ chính trị. Lưu ý rằng, giải trí cũng là một nhu cầu tinh thần, và văn học không thể bỏ ngoài nhiệm vụ “đáp ứng nhu cầu văn hoá - tinh thần ngày càng cao của nhân dân.”(Nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị). Điều này nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là có thành tựu. (Xin đọc bài: “Nguyễn Nhật Ánh hút hàng ngàn bạn đọc tới phố Đinh Lễ”: Báo Tuổi Trẻ online đưa tin: “Từ 8g ngày 28-2-2016, hàng nghìn độc giả đã xếp hàng dài kín phố Đinh Lễ, Hà Nội để mua tập truyện dài mang tên Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng và xin chữ ký nhà văn Nguyễn Nhật Ánh”[10]

Văn chương 2016 yên ả vì đã vơi bớt những chuyện lùm xùm (so với những năm trước). Nhưng cũng còn vài chuyện con con. Hà Yên đặt vấn đề Lã Nguyên đạo văn [11], báo chí cũng đặt vấn đề hai Tác phẩm “Chim ưng và chàng đan sọt” của Bùi Việt Sỹ và “Sương mù tháng giêng” của Uông Triều “cuốn nào đạo cuốn nào”[12] vụ tranh chấp bản quyền bài thơ Đừng tưởng giữa Ông Trần Văn Sỹ và ông Hà Sỹ Liêm[13]…các sự việc trên không gây ra hậu quả gì đáng tiếc.

Tuy nhiên bản quyền cuốn sách "Quà cho con" được 550 triệu đồng thì gây xôn xao dư luận. Đây là cuốn sách của tác giả Nguyễn Huy Hoàng, người đang công tác tại Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, là thư ký của Thứ trưởng Vương Duy Biên. Người ta lên tiếng vì giá trị nghệ thuật của cuốn sách này. “họ cho rằng đây không phải là thơ, thậm chí còn không xứng là vần vè, ngây ngô, ngọng nghịu, buồn cười,…” [14]. Nhà văn Khôi Vũ viết trên trang Facebook cá nhân rằng: Mình đọc được tin cuốn sách "Quà cho con" của một quan chức cấp Bộ được trả bản quyền đến 550 triệu đồng. Ngồi nhẩm, mình đã in trên 50 cuốn sách, nếu tính bình quân nhuận bút mỗi cuốn là 5 triệu thì tất cả công sức viết trong hơn 40 năm của mình cũng chỉ bằng một nửa số tiền trên!/ Mà lạ là ngoài vị thứ trưởng là thủ trưởng trực tiếp của tác giả quan chức trên, có khá đông nhà báo, nhà đài viết bài ca ngợi cuốn sách, lại cả đến một chức sắc của Hội Nhà văn VN cũng lên tiếng khen cuốn sách với tư cách một "tập thơ"! TS Nguyễn Thanh Tâm, Viện Nghiên cứu Văn học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cũng đã phải thốt lên rằng:… “Đêm nằm nghĩ mãi không ra...” đó là: Tại sao một ấn phẩm không đạt về mọi mặt như thế lại có thể được mua với giá trên trời, được các vị chức sắc, cao nhân lên tiếng bảo trợ, được in với số lượng lớn, được giới thiệu, ra mắt, giao lưu rầm rộ như thế?...[15]

Nhân chuyện Quà cho con, nhìn vào Hội sách thành phố Hồ Chí Minh năm 2016, ta thấy gì về sách văn chương? về các tác giả viết văn “truyền thống”? Vanvn.net đưa tin [14]” Hội sách năm 2016 có 710 gian hàng, tăng khoảng gần 40% so với Hội sách lần VIII-2014; với sự tham gia của 172 Nhà xuất bản, các công ty phát hành và truyền thông văn hoá trên cả nước, cùng 36 Nhà xuất bản nước ngoài, 300.000 tựa sách với hơn 30 triệu bản in được trưng bày. / Số lượt người đến với Hội sách: hơn 1 triệu lượt, tăng hơn 20% so với Hội sách lần VIII.”

Top 10 tựa sách bán chạy nhất tại Hội sách:

1. Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (Nguyễn Nhật Ánh-NXB Trẻ)

2. Thương mấy cũng là người dưng

(Anh Khang-NXB Văn hóa Văn nghệ - Công ty Văn hóa Phương Nam)

3. Trên đường băng – Tony buổi sáng (NXB Trẻ)

4. Madam Nhu – Trần Lệ XuânQuyền lực bà rồng

(Monique Brinson Demery –Mai Sơn dịch-NXB Hội nhà văn – Cty Văn hóa Phương Nam)

5. Nhà giả kim (Paulo Coel -NXB Văn học – Công ty Nhã Nam)

6. Sẽ có cách, đừng lo (Tuệ Nghi-NXB Văn học – Công ty Kim Tượng)

  1. 12 cách yêu (Hamlet Trương-NXB Tổng hợp – Công ty Khánh Thủy)
  2. Thỏ bảy màuTimeline của tui có gì

(Huỳnh Thái Ngọc -NXB Thế giới – Công ty Sách Phú Sĩ)

9. Cà phê cùng Tony (NXB VHTT – Công ty Giáo dục trực tuyến)

10.Đắc nhân tâm (Dale Carnegie -NXB Tổng hợp TP – Công ty Sáng tạo Trí Việt)

Dù rằng Hội chợ sách chỉ phản ánh cách đọc sách của một số nhỏ bạn đọc, và cho biết thông tin về một số tác giả có sách best- seller, dù sao đó cũng là một kênh thông tin đáng suy gẫm. Đó là vấn đề Văn chương và thị trường. Cuốn sách Quà cho con là vấn đề thị trường lấn át văn chương?

NIỀM HY VỌNG

Phải chờ hàng thập kỷ, văn chương mới đơm hoa kết trái. Những đợt tập huấn của Hội đồng LLPB VHNT trung ương, những Hội nghị Lý luận phê bình, Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc hôm nay, rồi sẽ gặt được những mùa vàng. Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đình Tú, Uông Triều, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Tiến Thụy, Phong Điệp.. trước kia là những nhà văn trẻ, giờ họ đang trở thành những người gánh vác trọng trách của Văn học Việt Nam…Nghĩ như vậy, tôi có quyền hy vọng.


22 tháng 12 năm 2016

 Bùi Công Thuấn

______________



[3] Đọc thêm: Bùi Công Thuấn-40 năm văn chương Việt Nam, những gì còn với mai sau:

http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=21141


[5] Tọa đàm: Thơ trẻ-truyền thống và cách tân: http://vanvn.net/thoi-su-van-hoc-nghe-thuat/toa-dam-%E2%80%9Ctho-tretruyen-thong-va-cach-tan%E2%80%9D-/680

[6] Nguyễn Bình Phương: Con đường của người viết trẻ:

http://vanvn.net/tac-pham-va-du-luan/con-duong-cua-nguoi-viet-tre-bao-cao-cua-nha-van-nguyen-binh-phuonguy-vien-ban-chap-hanh-hnvtruong-ban-cong-tac-nha-van-tre-/668

Văn trẻ-“Ồn ào và lặng lẽ”: http://vanvn.net/thoi-su-van-hoc-nghe-thuat/van-tre-%E2%80%9Con-ao-va-lang-le%E2%80%9D%E2%80%A6/634

Văn học trẻ: Chức năng giải trí của văn học ở đâu:


Nhà văn trẻ chọn viết ngôn tình hay văn học tinh hoa:


Tọa đàm: Thơ trẻ truyền thống và cách tân:


tan%E2%80%9D-/680

Tham luận của : Văn Thành lê, Hà Thị Vinh Tâm, Lê Vũ Trường Giang, Ngô Thị Thanh Vân, Nông Quốc Lập, Phan Tuấn Anh… (xem trên vanvn.net)

Tác giả: Như Quỳnh De Prelle, Nhật Phi, Dương Liên Trang Nhã, Chu Thủy Anh, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đinh Phương, Cao Nguyệt Nguyên, Lữ Thị Mai, Dương Hằng, Ngô Gia Thiên An, Trần Võ Thành Văn, Thy Lan, Trác Diễm, Lê Quang Trạng



[9] Nhà văn Tạ Duy Anh: Nghĩ về nghề:







[15] http://vanvn.net/tin-tuc/toan-canh-hoi-sach-tphcm-lan-thu-ix-nam-2016/160