21 mars 2017

Đà Nẵng: Hàng loạt công trình sai phép và câu hỏi về hiệu lực của chính quyền



Công trình xây dựng không phép trên bán đảo Sơn Trà- Ảnh: Lê Đình Dũng.




Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh khẳng định: “Không ai được đến Đà Nẵng chặt phá cây nào cả, dù là ai đi nữa thì vẫn phải xử lý nếu vi phạm. Chặt một cái cây phải trả giá”.
Tuyên bố ngon là thế, nhưng ai đang tàn phá bán đảo Sơn Trà hiện nay? 

Hàng chục xe ủi đất, hàng trăm tấn bê tông đã đập vào mắt dân, thế mắt của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, chủ tịch UBND Huỳnh Đức Thọ đang nhìn vào đâu mà không thấy?

Hãy nhìn xem, rồi chính quyền Đà Nẵng s tìm cách "hợp đúng quy trình hóa" món tham nhũng béo bở này! 


.





TP.Đà Nẵng đang nóng lên với câu chuyện bán đảo Sơn Trà bị doanh nghiệp đào xới nham nhở để làm khách sạn.
 

Còn nhớ, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng từng tuyên bố ai đến thành phố này ‘chặt một cái cây phải trả giá’.

Cụ thể, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 2 HĐND TP.Đà Nẵng khóa 9 sáng 11.8.2016, liên quan đến trách nhiệm giữ rừng của Sở NN-PTNT, Bí thư Xuân Anh nhấn mạnh: “Không ai được đến Đà Nẵng chặt phá cây nào cả, dù là ai đi nữa thì vẫn phải xử lý nếu vi phạm. Mình còn mấy cánh rừng thôi, mà toàn rừng đặc dụng phải bảo vệ nghiêm ngặt. Là lá phổi của thành phố, những khu vực nói trên đều không cho phép bất cứ tổ chức, cá nhân nào được vào mà chặt phá rừng. Chặt một cái cây phải trả giá, mà anh Ban (ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng) giữ không được cái này (rừng) thì anh Ban phải trả giá”.


Bán đảo Sơn Trà là lá phổi đó. Vậy mà những ngày này, ‘lá phổi’ bị đâm ngoáy đau nhói với hàng chục khối bê tông không phép để làm khu biệt thự. Ban đầu dân tình xôn xao, chụp hình tung facebook hỏi nhau là cái gì đây. Ban đầu chính quyền bảo chưa nắm rõ rồi hối hả vào cuộc đi tìm hiểu thì mới biết đây là tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng với quy mô hơn 100 phòng do Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa làm chủ đầu tư.

Mọi việc rất đúng quy trình. Lãnh đạo thành phố cho biết dự án đã được phê duyệt, khu vực xây dựng là ‘đất khác’, nghĩa là đất không thuộc diện rừng phòng hộ có thể xây dựng. Lãnh đạo thành phố cũng rất quyết liệt khi chỉ đạo tạm đình chỉ thi công và tiến hành xử phạt hành chính về vi phạm xây dựng không phép. Nhưng cửa sinh vẫn mở ra, Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện mọi thủ tục về giấy phép, đánh giá tác động môi trường để…thi công tiếp.

‘Sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng’, người ta tếu táo nôm na vậy. Bán đảo Sơn Trà cũng nhỏ lắm, mà cứ duyệt vài công trình thế này vào thì sẽ ra sao, chắc người Đà Nẵng biết rõ.

Báo chí có dẫn lời ông Chủ tịch Đà Nẵng bình luận về việc chủ đầu tư đào xới bán đảo Sơn Trà xây dựng công trình khi chưa được cấp phép: “Đây là tâm lý chủ quan của nhà đầu tư. Tôi ví dụ ở nhà quê mình xây nhà, mình làm hồ sơ thiết kế đầy đủ trình lên Sở Xây dựng thì mình chờ lấy giấy phép thôi nên ở nhà mở móng làm. Đây tôi cho rằng họ không phải làm điều gì bậy bạ mà do tâm lý nôn nóng và chủ quan”.

Lời của ông chủ tịch xem ra rất đáng quan ngại bởi vì ở Đà Nẵng gần đây có quá nhiều nhà đầu tư ‘nôn nóng và chủ quan’.

Có thể bắt đầu bằng công trình Khu phức hợp trung tâm thương mại (TTTM) và căn hộ cao cấp do Công ty Cổ phần địa ốc Vũ Châu Long (tại lô đất 4 mặt tiền từ số A1-12 đến A1-17 đường Như Nguyệt, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng).

Dù chưa có giấy phép nhưng công trình này vẫn tiến hành xây dựng từ năm 2011 đến nay. Khi công trình đã lên đến tầng thứ 3, dư luận lên tiếng thì Thanh tra Sở Xây dựng mới quyết liệt vào cuộc, đình chỉ thi công do không có giấy phép xây dựng.

Đầu tháng 3.2017, một công trình không giấy phép xây dựng chui có quy mô mang tên "Trung tâm giới thiệu trà và đặc sản Việt Nam" tại quận Cẩm Lệ bị phát giác khi sắp hoàn thiện. Sự việc bị phát hiện cùng với sự xuất hiện của 5 người Trung Quốc và Đài Loan tại hiện trường khiến người dân bàn tán. Theo quy trình, chính quyền lại tiến hành đình chỉ, mời chủ đầu tư là Công ty TNHH Liên hợp Thế Duy (địa chỉ số 67 Ngô Thì Nhậm, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) lên làm việc và chờ hoàn thiện thủ tục, giấy phép.

Mô tip lặp lại khi một tòa nhà 10 tầng ‘bỗng dưng’ mọc lên tại đường Võ Nguyên Giáp-Nguyễn Hữu Tước (P.Phước Mỹ, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) mới đây. Cụ thể, tổ hợp Khách sạn-căn hộ cao cấp Central Coast do Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch và thương mại Minh Đông làm chủ đầu tư có quy mô 33 tầng, không hề có giấy phép nhưng vẫn làm lên đến tầng thứ 10 dù chính quyền đã có vài lần ngăn cản và xử phạt.

Hỏi chính quyền và ngành liên quan tại sao nó lại mọc lên được 10 tầng thì người ta lại lý giải rất ‘đúng quy trình’. Này nhé, xử phạt có; công văn tới tấp từ cấp sở, cấp quận có. Nói chung cấp nào cũng vào cuộc quyết liệt nhưng tại sao tòa nhà vẫn mọc lên 10 tầng không phép thì chỉ có…chủ đầu tư mới biết được.

Như vậy, một loạt công trình lớn bé được phát hiện ở Đà Nẵng đều vi phạm khi không có phép mà vẫn ngang nhiên mọc lên. Lý giải kiểu gì thì cũng rất khó lọt tai người dân khi họ cho rằng chỉ cần xây cái gì đó ở nhà họ là đội Quy tắc phường, quận đều biết tuốt.

Hay cứ công trình lớn là người ta có quyền làm như vậy, chịu phạt dăm ba chục triệu cho sự sai phạm của mình rồi chạy đi hoàn thiện thủ tục, cứ thế rung đùi mà làm tiếp. Mà nếu vậy, tính nghiêm minh của luật pháp đang bị các kiểu công trình dạng này làm lung lay; những người được giao quyền quản lý ở cấp cơ sở như đang tiếp tay mà không hề bị xử lý mạnh mẽ. 


Lê Đình Dũng