Xuân Dương
Bây giờ ông hãy mạnh dạn chỉ tên những “cây gậy chống
lưng” chứ không cần chờ sau lần “nhắc nhở” thứ 3.
Hình ảnh những chiếc xe tải chở đầy phế liệu, cát xây
dựng chạy trên các phố nội đô Hà Nội vào giờ cấm không hiếm trên mặt báo. Thậm
chí, Báo Nhân Dân điện tử còn phải chạy tít “Xử lý xe tải “lộng hành” giờ cấm,
phố cấm”.
Nếu hỏi người dân về chuyện “chống lưng” của người/cơ
quan chức năng cho các hoạt động kinh doanh trái phép, có lẽ ít người dám công
khai khẳng định, nhưng ai cũng biết thực trạng là thế nào.
Sáng 4/3/2017, tại hội nghị "Quán triệt, triển
khai kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị" của Ban
chỉ đạo 197 thành phố, ông Nguyễn Đức Chung,
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu:
“Thời tôi là Giám đốc (Công an thành phố Hà Nội),
thống kê hơn 180 quán bia ở vỉa hè, có trên 150 quán bia có công an đứng đằng
sau”. [1]
|
Căn cứ vào lời nguyên Giám đốc Công an thành phố, tỷ
lệ “công an đứng đằng sau” - mà dân gian gọi là “chống lưng” hay “bảo kê”
- chiếm 83,4% số quán bia vỉa hè Hà Nội.
Phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung sau đó được
Tienphong.vn đăng lại với đôi chút cải chính:
“Thời
còn là Giám đốc Công an, thành phố đã tiến hành điều tra, khảo sát tại gần 200
quán bia kinh doanh trên vỉa hè thì trên 150 quán đều có người “chống lưng”.
Những người này không chỉ là lãnh đạo các quận, huyện
từ khối chính quyền đến cả lực lượng công an mà còn xuất hiện những cán bộ là
của các cơ quan bộ, ngành”. [2]
Liệu ông Chung có gì mâu thuẫn với với chính mình bởi
ông từng có câu nói nổi tiếng: “nguyên
tắc của tôi là không bao giờ đổ lỗi cho thế hệ trước”.
Mới đọc tưởng như phát biểu của ông Chung có gì đó
dường như mâu thuẫn với chính mình bởi “thời tôi làm giám đốc” chính là “thế hệ
trước”.
Nghĩ kỹ mới thấy không mâu thuẫn bởi ông không nói đến
người khác, ông chỉ nói đến chính mình. Một sự thừa nhận muộn màng nhưng dũng
cảm và có pha chút hối tiếc?
Đọc kỹ tường thuật buổi họp trên Tienphong.vn, [1]
chợt thấy điều gì đó giống như “lực bất tòng tâm”, giống như “cá chậu, chim
lồng” mà dẫu có là tướng công an ông Chung cũng khó “xoay sở”.
Những người ngang hàng với ông Chung khi ông còn làm
Giám đốc sở (lãnh đạo quận, huyện, sở) thậm chí còn có cả người của “cơ quan
bộ, ngành” tham gia “chống lưng” cho sai phạm không phải ông không biết, biết
nhưng ông đành để bụng, kể cả bây giờ cũng chưa thể công khai!
Trên 150 quán bia được ai “chống lưng” chắc ông Chung
đều có danh sách, nhưng có phải động đến 150 quán là động đến vài trăm “gậy
chống” là động đến “tổ kiến”, đến “nhóm này, nhóm nọ” nên dù muốn ông cũng đành
chịu?
|
Câu hỏi: “các
điểm đỗ xe (vi phạm) quanh bến xe Mỹ Đình có những ai ở đấy? Quê ở đâu? Các
đồng chí cứ lôi lên xem có phải quê ở Bắc Ninh không?"
[1] mà ông Chung nêu tại hội nghị thật đáng để suy ngẫm.
Vì sao trong câu hỏi này lại là “quê ở Bắc Ninh” chứ
không phải là một tỉnh nào khác, dựa vào đâu mà những người “quê ở Bắc Ninh”
lại trở thành “anh chị” ở khu vực bến xe Mỹ Đình - Hà Nội?
Trả lời được câu hỏi này cũng chính là giải tỏa nỗi
bức xúc dồn nén trong lòng vị Chủ tịch thành phố, rằng vì sao thời ông làm Giám
đốc Công an với quân hàm Thiếu tướng, biết 83,4% quán bia có “chống lưng”, biết
đích danh nhân thân những người “quê ở đâu” độc chiếm việc trông giữ xe khu vực
Mỹ Đình mà không làm gì được.
Ý kiến của ông Nguyễn Đức Chung khiến người ta nhớ đến
câu nói của một Thiếu tướng Công an khác - ông Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công
an Thành phố Hồ Chí Minh - đăng trên báo Infonet.vn ngày 9/3/2016:
“Tôi
nói thật là hiện nay có một số vụ án mà Công an thành phố đã được ý kiến của
Thường trực Thành ủy để tiếp cận bản kê khai tài sản của một số cán bộ, nhưng
cho tới nay Công an thành phố không tiếp cận được. Thế thì bản kê khai để trong
hộc bàn đó không có ý nghĩa gì cả”. [3]
Hai vị lãnh đạo công an hai thành phố quan trọng nhất
ở hai đầu đất nước đã có những phát biểu thẳng thắn, không né tránh và đó không
phải là “hiện tượng cá biệt”.
Báo điện tử Vietnamnet.vn trong bài “Ăn cơm bụi nhưng
phong bì ngàn đô” đăng 4/3/2016 dẫn ý kiến Cục trưởng Cục Phòng chống tham
nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt (vốn cũng là Sĩ quan cao cấp
Công an):
“Tham
nhũng là những người có chức vụ quyền hạn, chống lại cơ chế xin
cho. Chúng tôi chống lại có khi “chết” trước”.
[4]
Dưới sự chỉ đạo của Trung ương đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,
cuộc chiến chống tham nhũng đã chuyển từ “một bộ phận không nhỏ”
sang xem xét những người, những việc cụ thể như các ông Vũ Huy Hoàng, Võ Kim Cự, bà Hồ Thị Kim Thoa…,
không còn chung chung theo kiểu “chúng ta” mà không ít người đinh ninh là
“trừ mình ra”.
|
Và có phải chính từ sự hậu thuẫn đó, không ít tướng tá
ngành công an đã không ngại nói lên sự thật?
Lời tuyên chiến với “giặc nội xâm” của
lãnh đạo cấp cao đã được cụ thể hóa bởi hoạt động của các ban ngành bên Đảng,
Chính phủ, của ban lãnh đạo Hà Nội mà Chủ tịch Nguyễn Đức Chung là người chịu
trách nhiệm cao nhất về mặt chính quyền.
Tuy nhiên, “tuyên chiến” là một chuyện, thắng trong
cuộc chiến lại là chuyện khác.
Không có vị vua anh minh nào, không có vị tướng lỗi
lạc nào có thể thắng trong cuộc chiến nếu không có lực lượng hùng mạnh kết hợp
với sự ủng hộ của dân chúng.
Sự quyết tâm, sáng suốt của lãnh đạo mới là điều kiện
cần, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - trong đó có sự ủng hộ của dân
chúng mới điều kiện đủ.
Vì sao ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngay sau khi đoàn công
tác của Phó Chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc
Hải đi qua, vỉa hè lại bị lấn chiếm?
Đó là vì chính quyền cấp cơ sở (phường, xã) chưa quan
tâm đúng mức đến việc thực thi pháp luật nếu không nói là còn có trường hợp
tiếp tay, chống lưng cho sai phạm cũng như tại Hà Nội.
Sự “chống lưng” của không ít chính quyền phường xã cho
các sai phạm là do có sự hậu thuẫn của cấp cao hơn, nói cách khác sau lưng họ
lại có những “cây gậy chống” khác.
Vậy cây gậy to nhất, vững chắc nhất, đứng ở vị trí
cuối cùng hình thành nên cái gọi là bức “Thiên lý trường gậy” này là gì?
Việc Bí thư Đinh La Thăng khó
khăn thế nào khi yêu cầu cách chức Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện
Hóc Môn (do không hoàn thành nhiệm vụ) phần nào giúp hình dung bức “Thiên lý
trường gậy” đang tồn tại trong xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 21.
Có lẽ ông Nguyễn Đức Chung đã hình dung khó khăn
đó thế nào khi phát biểu: “Trưởng công an phường tham gia cấp ủy, về ngành dọc chúng tôi hoàn toàn
có thể cách chức về mặt Đảng, chứ không phải chờ ý kiến anh Khương (Giám đốc
Công an thành phố Hà Nội)”. [5]
|
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng
không thể trực tiếp cách chức trưởng phòng cấp huyện, Chủ tịch thành phố Hà Nội
Nguyễn Đức Chung không thể trực tiếp cách chức Trưởng công an phường, liệu có
vấn đề gì về nguyên tắc tổ chức hay thể chế cần phải xem xét?
Lâu nay chúng ta tập trung nói đến “nhóm lợi ích
thượng tầng” tức là nhóm lợi ích “độc quyền kinh tế kết hợp với
độc quyền chính trị” - như lời Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - mà chưa quan
tâm đúng mức đến “nhóm lợi ích hạ tầng”.
“Nhóm lợi ích hạ tầng” là sự cấu kết của một bộ phận
cư dân với một bộ phận quan chức cấp thấp, nhóm này tạo nên tình trạng “tham
nhũng vặt”.
Có thể nêu vô số ví dụ về “Nhóm lợi ích hạ tầng” như
kinh doanh trên vỉa hè, liên kết dạy ngoại ngữ trong
trường học, khai thác cát trên sông hay buôn bán thực phẩm bẩn…
Câu ngạn ngữ “mưa dầm thấm lâu” cho thấy “tham
nhũng vặt” xảy ra ở bất kỳ ngõ ngách nào có thể miễn là quan và bộ phận cư dân
trong nhóm cùng nhau hưởng lợi.
Số tiền “một cục” thu được từ các dự án, các vụ đấu
thầu,… không biết nhiều thế nào nhưng mỗi tháng vài chục “phong bì nhỏ” chắc
chắn là không ít.
Đó là nguyên nhân vì sao không ít quan chức phường xã,
cán bộ công an giàu có chẳng kém gì ông nọ, bà kia.
Nếu chống lại “nhóm lợi ích thượng tầng” không thể
“làm cái rụp” là xong, theo kiểu “đánh rắn đánh dập đầu” thì chống lại “nhóm
lợi ích hạ tầng” càng khó khăn gấp bội bởi động chạm đến “bát cơm, manh áo” của
một bộ phận người lao động.
Hà Nội cũng như Thành phố Hồ Chí Minh không thể chỉ
dựa vào vài đợt ra quân mỗi năm để có được thành phố văn minh nếu nhận thức của
người dân chưa chuyển biến và cán bộ cơ sở chỉ chăm chăm “thu hồ” chứ không
phải thực thi công vụ.
Kinh doanh hợp pháp trên vỉa hè tại nước ngoài (Ảnh đăng trên Danviet.vn) |
Khắp thế giới, kinh doanh trên vỉa hè là
chuyện bình thường và người ta còn đánh giá rất cao nền “ẩm thực vỉa hè”.
Những vị “Tây ba lô” luôn tỏ ra thích thú các quán bia
vỉa hè Hà Nội, đó là một thực tế và đó cũng là một trong nhiều cách thu hút
khách nước ngoài đến Việt Nam.
Thay vì dẹp bỏ, có nên học tập các nước tổ chức cho
kinh doanh trên vỉa hè theo hướng văn minh, lịch sự, không gây cản trở giao
thông và đương nhiên không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân sở tại.
Thành công của một chủ trương phải dựa trên hai yếu
tố: phù hợp với nguyện vọng dân chúng và phát huy sức mạnh tập thể.
Hai vấn đề mà ông Chung nêu lên, “loa phường” và “quy hoạch băm nát thủ đô”
được dư luận rất đồng tình, ủng hộ. Báo Dantri.com.vn làm cuộc khảo sát cho
thấy 87,47% người được thăm dò đồng ý bỏ loa phường, 12,53% không đồng ý bỏ.
Thế nhưng đồng tình với 12,53% ấy lại có cả lãnh
đạo cấp sở Hà Nội hiện tại, còn về quy hoạch băm nát thủ đô, có lẽ không cần
nhắc lại ý kiến của vị Giám đốc sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố.
|
Phát biểu ý kiến cá nhân là quyền của công dân, nhưng
có nên xem lại khi tự đặt mình vào vị trí đối lập với gần 90% dân
chúng?
Chỉ rõ vùng tối lâu nay vẫn bị bao phủ bởi hào quang
“quy trình”, vạch trần sự dối trá của không ít cán bộ tham gia “chống lưng” qua
câu nói: “không chỉ là lãnh
đạo các quận, huyện từ khối chính quyền đến cả lực lượng công an mà còn xuất
hiện những cán bộ là của các cơ quan bộ, ngành”,
liệu Chủ tịch Chung đã lường hết những khó khăn sẽ đến trong quá trình phá bỏ
bức “thiên lý trường gậy” đã được dựng lên mấy chục năm qua?
Người dân Hà Nội đã được nghe ý kiến của Chủ tịch
thành phố, người dân cũng muốn được nghe sự ủng hộ của Thành ủy, Hội đồng nhân
dân, Mặt trận Tổ quốc thành phố với những gì mà chính quyền đã và đang làm,
không biết dân sẽ còn phải chờ bao lâu nữa?
Thiết nghĩ điều ông Chung nên làm không phải chỉ là
“quyết liệt vỉa hè” mà cần hơn là hình thành một chủ trương, một quy tắc ràng
buộc khiến công chức, viên chức Thủ đô không thể tham nhũng, không
dám tham nhũng, khiến không cần “ra quân” mà dân vẫn tự giác chấp hành.
Muốn thế ngay từ bây giờ ông hãy mạnh dạn chỉ tên
những “cây gậy chống lưng” chứ không cần chờ sau lần “nhắc nhở” thứ 3.
Và một khi đã quyết liệt thì cũng nên “quyết liệt cho
trót”, cũng nên chỉ đích danh những ai đã làm quy hoạch “băm nát thủ đô”, đã
biến mình thành “gậy chống lưng” cho sai phạm, đã khiến Thủ đô phần nào mất đi
tiếng thơm “Tràng An thanh lịch” trong con mắt người Việt và bạn bè quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.tienphong.vn/xa-hoi/chu-tich-ha-noi-co-cong-an-dung-dang-sau-quan-bia-via-he-1126851.tpo
Xuân
Dương
Nguồn: Theo GDVN