“Trong bốn năm, Tập
Cận Bình củng cố thế lực nhanh hơn người tiền nhiệm”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh chụp tại Bắc Kinh ngày 03/3/2017.REUTERS/Jason Lee |
Sau bốn năm cầm quyền, hàng loạt
các chương trình cải tổ được ông Tập Cận Bình đề xuất để đưa Trung Quốc thành
một nền kinh tế tự do, tôn trọng luật chơi của thị trường vẫn dậm chân tại chỗ.
Mọi người còn chờ đợi những biện pháp cụ thể chẳng hạn như hứa hẹn cải tổ các
doanh nghiệp Nhà nước. Chính bản thân chủ tịch Trung Quốc đã “giảm tốc độ” cải
cách vì sợ bất ổn.
Trên đây là nhận định của một số
các chuyên gia được nhật báo Le Figaro số ra ngày cuối tuần (04/03/2017) trích
dẫn.
Khai mạc Đại Hội Đại Biểu Nhân
Dân Toàn Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo trước những nguy cơ Trung Quốc
phải “đối mặt với tình hình phức tạp và khó khăn” và Bắc Kinh cần tiếp tục đẩy
mạnh cải tổ trong bối cảnh “các xu hướng bảo hộ và chống toàn cầu hóa” ngày
càng lan rộng. Trước đó một ngày, lãnh đạo số 1 ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình
trong khuôn khổ Hội Nghị Chính Hiệp đã khẳng định là “Trung Quốc nỗ lực cải tổ
về chất lượng và tính hiệu quả của nền kinh tế nước nhà, đẩy mạnh các biện pháp
cải tổ về cơ cấu từ phía các doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của
nhiều chuyên gia về Trung Quốc, dường như ông Tập Cận Bình chỉ chú trọng vào
việc củng cố quyền lực và thiếu thiện chí trước mục tiêu cải cách kinh tế. Điển
hình là từ 2013 tới nay, hàng loạt các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc làm ăn
thua lỗ, sản xuất dư thừa vẫn sống sót nhờ được trợ cấp chủa chính phủ.
Giáo sư Jean-Pierre Cabestan,
giảng dậy tại đại học Hồng Kông, thậm chí còn cho rằng chính ông Tập Cận Bình
đã “ hãm phanh” những biện pháp cải tổ mà ông không còn muốn thực hiện. Bắc
Kinh không dám đóng cửa những nhà máy quốc doanh thua lỗ, mà giới chuyên gia
thường gọi là những con “vịt què” của guồng máy sản xuất nước này.
Cũng ông Tập không thực sự mở cửa
thị trường Trung Quốc cho các công ty ngoại quốc như những gì ông từng mạnh mẽ
cam kết trên các diễn đàn quốc tế.
Trong mắt giáo sư Cabestan, mục
tiêu của chủ tịch Trung Quốc vẫn là “bảo vệ Đảng Cộng Sản và vai trò độc quyền”
của tổ chức này trong nhiều lĩnh vực chiến lược, từ tài chính ngân hàng đến
năng lượng.
Chuyên gia về chính trị học, Lâm
Hòa Lập (Willy Lam), cũng thuộc đại học Hồng Kông, lưu ý rằng, dưới nhãn quan
của Tập Cận Bình chế độ “Liên Xô sở dĩ đã sụp đổ do các hoạt động kinh tế vượt
khỏi tầm kiểm soát của Đảng”. Ông Tập Cận Bình sợ rằng, khai tử các doanh
nghiệp Nhà nước, hàng trăm triệu cán bộ công nhân viên bị thất nghiệp, làm dấy
lên nguy cơ bất ổn trong xã hội.
“Trong bốn năm, Tập
Cận Bình củng cố thế lực nhanh hơn người tiền nhiệm”
Lo sợ bất ổn trong xã hội và
chính trị của chủ tịch Tập Cận Bình lớn đến nỗi, gần như đã trở thành một “ ám
ảnh ”. Cuối tháng 1/2017 Bắc Kinh đã ra lệnh đóng cửa trang mạng internet của
nhóm chuyên gia đặt dưới sự điều hành của giáo sư kinh tế rất có uy tín trên
thế giới, Mao Vu Thức (Mao Yushi). Nhà trí thức này đã mạnh dạn ví von : một
chế độ độc đảng là “con mối đục khoét tài sản quốc gia”. Toàn bộ tài khoản
internet, trang mạng xã hội cá nhân với 2,7 triệu “follower” của giáo sư họ Mao
bị đóng cửa.
Một dấu ấn khác của ông Tập Cận
Bình trong bốn năm cầm quyền vừa qua được nhà sử học độc lập của Trung Quốc,
Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) ghi nhận đó là trong vỏn vẹn 4 năm, ông đã thực
sự gây dựng được một đội ngũ trung thành, mà tác giả họ Chương gọi là “quân
lính của ông Tập”. Trong 4 năm, Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực nhanh hơn cả
những gì mà người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào đã làm trong suốt 10 năm lãnh đạo đất
nước.
Từ 2013 tới nay chủ tịch Trung
Quốc đã gài người thân tín vào những chức vị then chốt trong guồng máy lãnh đạo
ở mọi cấp, mọi lĩnh vực. Chỉ riêng về kinh tế, thì từ cơ quan đặc trách về
chính sách kế hoạch hóa ở thành phố Hạ Môn cho đến bộ Thương Mại đều trong tay
những cộng tác viên cũ của ông Tập Cận Bình.
Có điều, như kết
luận của phóng viên báo Le Figaro Cyrille Pluyette tại Bắc Kinh, chiến lược gài
người thân tín vào những tổ chức then chốt trong chính quyền, thanh trừng tất
cả những tiếng nói đối lập để chuẩn bị cho Đại Hội Đảng lần thứ 19 vào năm tới
mà Tập Cận Bình miệt mài theo đuổi chứng tỏ rằng, có lẽ Đảng Cộng Sản Trung
Quốc lo sợ trước uy tín của phong trào cải tổ hơn là dưới thời ông Hồ Cẩm Đào.
Đó là một trong những yếu tố giải thích vì sao, những hứa hẹn cải tổ được đưa
ra từ năm 2013 tới nay vẫn còn bế tắc.
Nguồn: Theo RFI