23 mars 2017

Những khối tài sản kếch xù: “Có dấu hiệu bao che!”


Lan Hương


Căn biệt thự được cho là của bà Trần Vũ Quỳnh Anh, tại Khu đô thị Bình Minh, phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa.



Tin tức về tài sản khủng của một số quan chức được truyền thông loan tải và cử tri lên tiếng yêu cầu Nhà nước làm rõ. Liệu sự can thiệp của cơ quan chức năng liệu có thực sự hữu hiệu?




Tài sản hàng chục tỷ đồng 


Ngày 6/3 vừa qua trên báo Thanh Niên có đăng tải một bài viết với tựa đề “Quan lộ thần tốc của hotgirl xứ Thanh”, nói về con đường thăng quan tiến chức nhanh chóng của bà Trần Vũ Quỳnh Anh, sinh năm 1986 tại phường Phú Sơn, Thành phố Thanh Hóa.

Từ năm 2008 – 2015 bà Quỳnh Anh liên tục được bổ nhiệm các chức vụ quan trọng tại tỉnh Thanh Hóa. Đầu tiên bà này làm hợp đồng tại Văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, sau đó được nhận vào làm tại  Trung tâm kiểm định chất lượng của Sở Xây dựng Thanh Hóa mà không cần phải thi tuyển. Một năm sau, năm 2012, bà Quỳnh Anh được đưa về Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản của sở này.

Kê khai tài sản hiện nay là trò hề, không giải quyết được gì hết! Lâu nay có những tài sản khổng lồ, mờ ám nhưng có ai làm cái gì.
- Giáo sư Nguyễn Khắc Mai
Sau 6 tháng nghỉ sinh, bà Quỳnh Anh quay trở lại công tác một thời gian ngắn và được được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, và chỉ 6 tháng sau được bổ nhiệm làm trưởng phòng. Ngoài ra bà này cũng được cho là sở hữu khối tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng, có một căn biệt thự 3 mặt tiền ở Thành phố Thanh Hóa và đi chiếc xe sang trọng Cadillac Escalade trị giá nhiều tỷ đồng và có biển số độc, trùng với ngày tháng năm sinh của bà này.

Giới báo chí và người dân liên lạc với cơ quan quản lý và phụ trách của bà Quỳnh Anh cho biết tất cả đều có thái độ né tránh hoặc im lặng. Đến ngày 1/3 vừa qua, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa mới có quyết định thanh tra quy trình bổ nhiệm của bà này, nhưng lại giao việc này cho Ban thanh tra của tỉnh. Quyết định này gây ra các ý kiến trái chiều trong dư luận vì nhiều người dân e rằng nếu tin đồn bà Quỳnh Anh là bồ nhí của một lãnh đạo tỉnh, thì việc giao cho Thanh tra tỉnh điều tra là thiếu khách quan, công bằng.

Vụ việc này chưa được sáng tỏ thì mấy ngày nay thông tin ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch Thành phố Đà Nẵng sở hữu khối tài sản khủng lại tràn ngập trên các mặt báo. Tin cho biết hiện ông Thơ sở hữu căn nhà có diện tích xây dựng 300 m2 cùng 4 mảnh đất tại nhiều vị trí đẹp ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Ngoài ra, ông Thơ còn góp vốn 3ha đất trồng rừng và sở hữu 1,5ha đất nuôi tôm, góp vốn ở 4 cơ sở sản xuất kinh doanh với giá trị kê khai 2,5 tỷ đồng. Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng cũng mua cổ phiếu công ty Dana - Ý trị giá 500 triệu đồng.


Dấu hiệu bao che


Đáp lại yêu cầu minh bạch tài sản của dư luận, ngày 15/3 Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng ra thông báo cho biết ông Thơ đã thực hiện kê khai tài sản trước đó theo đúng nguyên tắc. Thông báo này cũng chỉ nói rằng việc thẩm tra, xác minh kê khai (nếu có), sẽ do cơ quan trung ương chỉ đạo thực hiện.

Trước cách xử lý của cơ quan chức năng trong 2 vụ việc vừa trình bày, tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà báo công dân, nhà phân tích độc lập từ Sài Gòn cho chúng tôi biết nhận xét của cá nhân ông:

Cách hành xử của chính quyền địa phương trong 2 vụ việc này cũng tương tự như nhau và cũng gần tương tự với cách hành xử của một số bộ ngành, chính quyền trung ương ở một số vụ trước đây chẳng hạn như vụ Trịnh Xuân Thanh, Lê Trung Dũng, Vũ Huy Hoàng, Vũ Quang  Hải,… Hầu hết đều có dấu hiệu bao che, che chắn.

Cho tới bây giờ, gần như chưa có bất kỳ vụ nào được lôi ra ánh sáng và xử lý một cách nghiêm minh, cho dù dư luận đã đặt ra vấn đề rất nhiều.

Cái việc đóng cửa bảo nhau, giao cho một cơ quan lại thuộc thẩm quyền của nhân vật đương sự như vậy thanh tra thì sẽ không dẫn tới đâu cả.

Căn biệt thự hoành tráng gây chú ý dư luận của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền tại Bến Tre. Courtesy of vietbao




Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh Triết đánh giá cách hành xử của ban lãnh đạo là kết quả của việc hành pháp lỏng lẻo, tùy tiện:

Bây giờ phải đặt lại vấn đề như thế này, Nhà nước này có tính pháp quyền hay không. Bởi vì luật lệ, hiến pháp của nước này người ta tùy tiện lắm. Thích thì áp dụng không thích thì thôi.

Nếu nhà nước này có tính chất pháp quyền rõ ràng, rành mạch, tôn trọng 3 quyền: xử phân lập, lập pháp, tư pháp độc lập, hành pháp rõ ràng thì mới điều tra được.

Công an bây giờ điều tra dưới sự lãnh đạo của Đảng thì làm sao điều tra tử tế được. Vì thế cho nên nó bùng nhùng, chả đâu vào đâu hết cả.

Trước đó trả lời báo chí, ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định những tài sản ông có đều được kê khai minh bạch từ nhiều năm trước, và nhấn mạnh  rằng ông "không có gì phải áy náy. Người tốt thì có bỏ cối giã cũng tốt". Ông Thơ cũng giải thích rằng những lô đất ông sở hữu toàn nằm ở vùng sâu vùng xa, còn cổ phần ở công ty là của vợ ông.

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhận xét về chính sách kê khai tài sản hiện nay:

Kê khai tài sản hiện nay là trò hề, không giải quyết được gì hết! Lâu nay có những tài sản khổng lồ, mờ ám nhưng có ai làm cái gì.

Anh Thơ ở trong Đà Nẵng tôi thấy kinh khủng quá. Tại sao lại có một khối tài sản khủng khiếp như vậy. Tôi là người lăn lộn, tù đày, bao nhiêu năm tích cực tham gia, lao động mà 100 triệu tôi không có nổi chứ đừng nói là bạc tỷ như vậy. Chuyện hết sức phi lý như vậy thì phải làm rõ thì dân người ta mới tin, chứ không người ta sao tin được. 


Chỉ  là mị dân!


Chỉ  nội trong mấy năm gần đây, hàng loạt các vụ tham nhũng, bất minh bạch trong bổ nhiệm bị phanh phui. Tuy nhiên từ khi truyền thông lên tiếng đến khi các vụ án này được giải quyết là cả một chặng đường dài và đôi khi không được giải quyết thỏa đáng; thậm chí bị tảng lờ lắng dần vào quên lãng.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đưa ra một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó:

Cái việc đóng cửa bảo nhau, giao cho một cơ quan lại thuộc thẩm quyền của nhân vật đương sự như vậy thanh tra thì sẽ không dẫn tới đâu cả.
- Tiến sĩ Phạm Chí Dũng
Tất nhiên chúng ta đấu tranh chống tham nhũng thì cần phải quyết liệt và cứ chống tham nhũng là hoan nghênh. Nhưng cũng cần phân biệt rạch ròi rằng có những hành động chống tham nhũng là thực chất, nhưng số đó rất hiếm ở Việt Nam; còn đa số còn lại là chống tham nhũng một cách giả tạo, thậm chí là mị dân, dối trá chỉ phục vụ cho quyền lực và lợi ích nhóm mà thôi.

Những vụ dậy sóng như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng báo chí, dân chúng lôi ra đấu tố đến như vậy mà cho tới giờ cũng chưa đâu vào đâu cả thì làm sao người dân có một niềm tin dù là hết sức nhỏ nhoi vào chế độ cầm quyền?

Hôm 7/3 vừa qua Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International) ra thông báo cho thấy tỷ lệ tham nhũng ở Việt Nam là 65%. Cuối năm ngoái, các quan chức Việt Nam cũng đưa ra số liệu tiết lộ trong 10 năm qua các vụ tham nhũng đã làm thiệt hại gần 60 ngàn tỉ đồng của Nhà nước.


Nguồn: Theo RFA