18 mars 2017

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: ‘Không thể tiếp nhận tràn lan vốn FDI từ Trung Quốc’


Hoài Phong

 
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 do tổng thầu là Tập đoàn Điện khí Thượng Hải bị người dân phản đối vì ô nhiễm môi trường


Vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm, vượt Hàn Quốc, Nhật Bản. Trước “làn sóng” này, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có cách tiếp nhận chọn lọc và khôn ngoan.



Vốn FDI tăng “chóng mặt”
 

Theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Việt Nam đã đạt hơn 721 triệu USD.

Trong tổng số 163 dự án có liên quan đến vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam, các nhà đầu tư Trung Quốc đang đẩy mạnh mua vốn cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam khi lên sàn với 123 dự án (chiếm 75%) số dự án, chỉ có hơn 35 dự án đầu tư trực tiếp vào cấp mới, tăng thêm vốn và 5 dự án đầu tư tăng vốn.

Với số vốn 721 triệu USD, so với hai tháng cùng kỳ năm 2016, vốn của các nhà đầu tư Trung Quốc đã vượt gấp 4 lần, tốc độ chuyển vốn khá nhanh so với các đối tác đầu tư khác tại Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, Malaysia...

Về lĩnh vực đầu tư, hiện vốn đầu tư FDI của Trung Quốc đổ vào Việt Nam tập trung phần lớn vào các ngành như: dệt may, da giày, bất động sản, xây dựng, dây và cáp điện, nhiệt điện và khai khoáng...

Với những điều tiếng trong các dự án đầu tư của mình, việc vốn FDI từ Trung Quốc tăng mạnh khiến nhiều người lo ngại. Các chuyên gia cho rằng cần phải cẩn trọng và thẩm định kỹ đối với dòng vốn từ quốc gia này và chỉ nhận “vốn sạch”, có công nghệ cao, đảm bảo các yếu tố môi trường. 



PGS-TS Đinh Trọng Thịnh



Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Kinh tế (Học viện Tài chính) cho biết, vốn Trung Quốc vào Việt Nam nhiều bởi Việt Nam có các hiệp ước song phương và đa phương với nhiều quốc gia trên thế giới. Các nhà đầu tư Trung Quốc muốn vào Việt Nam để hưởng những ưu đãi mà Việt Nam đã ký.

“Bên cạnh đó, hàng hóa Trung Quốc cũng có những điều tiếng không tốt trên thế giới nên họ cũng muốn thay đổi tên tuổi của hàng hóa. Đây cũng là một trong những lý do họ đầu tư vào Việt Nam”, ông Thịnh chia sẻ.

Theo chuyên gia này, một lý do nữa là Trung Quốc đang trong quá trình cải tổ mạnh mẽ nền kinh tế và họ đang dừng các dự án có mức độ ô nhiễm cao, công nghệ thấp ở trong nước để thay đổi công nghệ. Nhân dịp này, các doanh nghiệp Trung Quốc đang muốn đẩy những công nghệ cũ đó đến nước khác. Ông Thịnh cũng chia sẻ, kinh tế Trung Quốc thời gian qua cũng gặp nhiều vấn đề, nhất là việc đồng nhân dân tệ mất giá. Do đó, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Trung Quốc đưa tài sản ra nước ngoài một cách “được giá” nhất.

“Việc dự trữ ngoại tệ chỉ để đáp ứng nhu cầu phòng ngừa rủi ro cho nền kinh tế, còn nếu dự trữ nhiều thì tính chất sinh lời không lớn. Hiện Trung Quốc đang đẩy một phần dự trữ ngoại tệ ra nước ngoài. Lượng dự trữ này đi đến nhiều nơi trên thế giới, có thể là đầu tư, cho vay vốn ODA, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư Trung Quốc có bàn đạp để đầu tư”, ông Thịnh cho hay.

Thêm nữa, theo chuyên gia này, Trung Quốc cũng muốn khẳng định vị thế của mình đối với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là mục tiêu rất quan trọng mà Trung Quốc đặt ra từ nay đến năm 2050, cạnh tranh với Mỹ ở vị trí số 1. 


Chỉ nhận “vốn sạch”
 

Vốn FDI của Trung Quốc từ trước đến nay là có chất lượng thấp, thể hiện ở việc dòng vốn FDI có công nghệ sản xuất không cao, xả thải nhiều, gây ô nhiễm. Hơn nữa, công nghệ của Trung Quốc không cao nên hiệu suất sử dụng không lớn, hiệu quả không nhiều, tiêu tốn nhiên liệu, sản phẩm sản xuất ra chất lượng thấp…

Theo ông Đinh Trong Thịnh, vốn FDI của Trung Quốc chiếm giữ một diện tích đất đai lớn nhưng hiệu quả không cao. Việc kéo dài thời gian sử dụng cũng khiến giảm hiệu quả việc đầu tư, từ đó, đóng góp cho nền kinh tế sở tại không lớn. Hàng loạt dự án có "bàn tay" Trung Quốc đều không hoàn thành đúng kỳ hạn khiến những nhà đầu tư với Trung Quốc lâm vào khó khăn. 

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần chú ý đến công nghệ và môi trường khi tiếp nhận FDI Trung Quốc



“Do đó, chúng ta cần thận trọng đối với dòng vốn từ Trung Quốc. Tất nhiên, chúng ta cũng không thể từ chối họ theo cách phân biệt đối xử. Cho nên, cơ quan nhà nước cần phải lựa chọn các đối tác có công nghệ cao, có khả năng thực hiện đúng kế hoạch và đảm bảo môi trường. Từ trước đến nay việc này chúng ta làm chưa tốt, việc quản lý chất lượng công nghệ trong các luồng vốn FDI còn yếu kém. Cái chúng ta cần là công nghệ cao chứ không thể dùng mãi công nghệ lạc hậu”, ông Thịnh nêu rõ.

Báo cáo kết quả phát triển công nghiệp và chính sách công nghiệp quốc gia 2006-2015 nhận định, nền công nghiệp Việt Nam quá phụ thuộc vào khu vực FDI và khu vực này không có sự kết nối chặt chẽ với khu vực tư nhân trong nước. Hiện nay, FDI chiếm tới 50% sản lượng công nghiệp và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp của Việt Nam, trong đó một số mặt hàng chiếm tới 100% kim ngạch xuất khẩu như điện thoại di động.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam vẫn phải xem dòng vốn FDI là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Muốn có tăng trưởng thì phải có vốn đầu tư, nhưng vốn đầu tư của Việt Nam thì lấy đâu ra? Nhiều chuyên gia nói chúng ta phụ thuộc vào nguồn vốn FDI nhưng nếu không có dòng vốn đó làm sao chúng ta tăng trưởng?

“Nguồn đầu tư của ngân sách thì đang thâm thủng, nợ công quá cao nên không trông chờ gì vào đầu tư công. Còn nguồn vốn cho vay từ ngân hàng thì trong thời gian qua nợ xấu tăng lên nhanh chóng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã hạ được tỷ lệ nợ xấu xuống 3% nhưng thực ra vẫn còn quá lớn, tạo ra điểm nghẽn”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, thời gian vừa qua Chính phủ cũng đã có nhiều biện pháp và ưu đãi cho đầu tư tư nhân nhưng giữa chính sách và thực thi còn quá nhiều khoảng cách, nên không thể làm cho khu vực tư nhân tích cực đầu tư. Hơn nữa, tích lũy trong khu vực tư nhân cũng chưa lớn, phần đầu tư này trong tổng đầu tư xã hội chưa được như mong muốn.

“Tuy nhiên, chúng ta cần phải quyết liệt, chỉ nhận vốn sạch, có công nghệ cao và nghĩ đến lợi ích lâu dài của nền kinh tế chứ không thể tiếp nhận tràn lan vốn FDI từ Trung Quốc”, ông Thịnh nói.

Song song với đó, chuyên gia này cho rằng cần thúc đẩy nhanh tiến trình kết nối doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu, cải thiện chính sách để nuôi dưỡng các ngành công nghiệp tiềm năng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Hoài Phong
Một Thế Giới