14 mars 2017

Từ dự án thép Cà Ná: suy nghĩ về thép, cá, sân bay


Lê Học Lãnh Vân
 
Vùng biển Cà Ná



  Các nguy cơ gây ô nhiễm rất lớn, gây tổn hại nền kinh tế và sự phát triển các tỉnh có liên quan, những mất mát, thiệt hại của dân chúng trong vùng… Và hướng Chính phủ giải quyết vấn đề theo yêu cầu phát triển lâu dài trong khi không thỏa hiệp với ý chí bảo vệ tài nguyên đất nước và quyền lợi dân chúng.



Đầu năm nay tôi viết bài Tàn Năm Xông Lại Lò Hương Nhớ (Một Thế Giới, 21/3/2017), trong đó gởi gắm nhiều hy vọng rằng các việc thuận lòng mong mỏi của đa số dân chúng sẽ được chính phủ thực thi.

Từ ngày chính phủ mới được thành lập, tới nay trong vòng chưa tới một năm, đã có nhiều việc đáng hoan nghênh:
1) Bãi bỏ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
2) Bầu không khí của một “chính phủ kiến tạo phát triển” và “liêm chính” đã được khơi lên
3) Quyết định không thành lập “siêu bộ” quản lý vốn
4) Tỏ quyết tâm thúc đẩy cổ phần hóa các công ty nhà nước nhanh hơn theo yêu cầu của nền kinh tế quốc gia
5) Có những bước đi độc lập có tính toán nâng cao sức mạnh quân sự và thế đứng ngoại giao, tinh thần tự chủ của đất nước.

Người viết thông cảm rằng chính phủ mới phải tiếp nhận các khó khăn rất lớn, rằng việc thu xếp chúng ổn định lại trong chiều hướng phát triển lâu dài và thuận lòng dân là rất tế nhị và khó khăn. Do đó, các thành quả như kể trên đáng được hoan nghênh.

Từ các quan sát đó, người viết nhận định rằng: “về đại dự án thép đang được chuẩn bị tại Cà Ná, rất hy vọng Chính phủ sẽ có quyết định phù hợp với tương lai phát triển bền vững của đất nước và với ý muốn của đa số”.

Hôm nay Tuoitre Online, ngày 10/03/2017, loan tin chính thức “Thủ tướng chưa quyết dự án thép Cá Ná”.

Theo bản tin trên, chưa quyết vì Thủ tướng đã yêu cầu “Bộ Công thương báo cáo đánh giá kỹ về quy hoạch, tính khả thi, hiệu quả dự án”, “Bộ Khoa học - công nghệ có báo cáo, đánh giá về công nghệ vận hành dự án”, “Bộ Tài nguyên - môi trường có đánh giá, báo cáo tác động môi trường”.

Ngoài ra, còn yêu cầu trả lời cụ thể về kinh doanh: “sản phẩm có phù hợp với cung cầu thị trường hay không?”, “có cạnh tranh được với Trung Quốc hay không? Nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào ở đâu?”

Tôi tin rằng để đáp ứng một cách thực chất các yêu cầu cụ thể đó của Thủ tướng thì phần rất lớn của “chưa quyết” nghĩa là “không quyết”!

Nếu sự việc xảy ra trong chiều hướng của lập luận trên, có cơ sở để hy vọng rằng sự việc Formosa cũng sẽ được thu xếp trong cùng chiều hướng. Các nguy cơ gây ô nhiễm rất lớn, gây tổn hại nền kinh tế và sự phát triển các tỉnh có liên quan, các mất mát, thiệt hại của dân chúng trong vùng… rồi cũng hướng chính phủ giải quyết vấn đề theo yêu cầu phát triển lâu dài trong khi không thỏa hiệp với ý chí bảo vệ tài nguyên đất nước và quyền lợi dân chúng.

Các động thái của chính phủ về sân bay Tân Sân Nhất cũng cho tôi cảm nhận tích cực. Các biến chuyển về tình trạng quá tải của sân bay cho thấy nhu cầu thực của dân chúng và đất nước đối với sân bay có số lượng hành khách lớn nhất nước này. Đó là mở rộng, nâng cấp để đưa sân bay đủ năng suất trước mắt phục vụ 40 triệu hành khách/năm, và sau đó tăng thêm.

Nhiều tiếng nói yêu cầu trả diện tích sân golf cho sân bay đã cất lên trên báo chính thức. Nếu chính phủ giải quyết thành công việc này, đem sân golf về cho sân bay, việc đổ số tiền khủng đầu tư sân bay Long Thành có thể dời lại một thời gian, các giải pháp tài chánh sẽ đưa nguồn lực đất nước về nơi sinh lợi tức thì.

Khi nói chuyện với bạn bè quan tâm, một số người cho hy vọng trên là hão hay mơ hồ.

Người viết lại tin vào điều mình nghĩ, vì hy vọng đó không đặt trên một cá nhân, một nhóm nhỏ nào, mà trên chiều hướng của thời thế, thời thế quốc gia, khu vực và quốc tế.

(ngày 10 tháng 3 năm 2017)
 

Lê Học Lãnh Vân