(GDVN) - Những kẻ xấu tự nhận mình là xấu được
gọi là “chân tiểu nhân”, kẻ xấu che đậy cái xấu của mình bằng lời hoa mỹ bị
người đời gọi là “ngụy quân tử”.
Việc cắt nhãn “Made in China” để khâu nhãn “khaisilk made in Vietnam” được chính ông chủ hãng Khaisilk thừa nhận. (Ảnh trên Tienphong.vn) |
Báo chí viết: “Phương châm kinh doanh của Chủ tịch
tập đoàn Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ là làm ăn chân chính, tạo công ăn việc làm
chính đáng cho người lao động, mang lại những hạnh phúc căn bản nhất cho con
người”.
Bản thân ông Phật tử
này cho hay:
“Ông thường xuyên ăn chay để kiềm chế
tâm mình, bớt dục vọng, bớt dần những ý niệm không tốt trong tâm, phần khác
cũng là thanh lọc cơ thể, là cách để thể hiện lòng từ bi đối với tất cả chúng
sinh”.
Thế rồi người ta lại
nghe ông Vũ nói:
“Nếu nhìn thấy Hòa Phát (Tập đoàn Hòa
Phát) quý vừa rồi lời đến 2.000 tỉ đồng từ thép mang lại thì “ngu gì không
làm, ngu gì không đầu tư”(!). [1]
Người ta cũng nghe rất
nhiều “lời có cánh” của doanh nhân Hoàng Khải (Khaisilk) chẳng hạn:
“Tôi kinh doanh với một tấm lòng trung
thực và theo suy nghĩ của riêng tôi thì lòng đố kỵ sẽ phải gục ngã trước sự
trung thực”;
“Đừng dạy đời hãy để đời dạy”
hoặc “Thà nghèo sang còn hơn
giàu hèn”,… [2]
Thế rồi người tiêu
dùng bỗng “ngã ngửa” khi con người “kinh doanh với một tấm lòng trung thực” này
cúi đầu thừa nhận 30 năm nay đã lừa dối đồng bào mình theo kiểu “treo hàng
Việt, bán hàng Tàu”.
Thừa nhận 50% khăn lụa
(và còn gì nữa) mà Khaisilk bán là hàng nhập từ Trung Quốc, nhưng lại ngụy biện
việc cắt nhãn “Made in China” để khâu nhãn “khaisilk made in Vietnam” là do lỗi
của thợ may?
Hành động này không
chỉ phá hoại ngành lụa tơ tằm của Việt Nam, đánh cắp niềm tin của người tiêu
dùng mà còn làm xấu đi hình ảnh đất nước khi những sản phẩm này được sử dụng
làm quà tặng cho bạn bè quốc tế.
Mua hàng Trung Quốc
gắn nhãn hàng Việt Nam để kinh doanh ở Việt Nam không chỉ là sự lừa đảo của
thương hiệu Khaisilk.
Bởi ngoài việc khiến
mặt hàng lụa của người Việt bị mất thị phần ngay trên quê hương mình, đó còn là
sự lừa đảo niềm tin của nhiều người khi đọc những lời hoa mỹ trên mạng xã hội
của doanh nhân này.
Khi doanh nghiệp làm
ăn vô đạo đức, cơ quan quản lý buông lỏng thì hậu quả tất yếu là kẻ gian đầy
túi còn nền sản xuất trong nước bị phá hoại.
Hành động của Khaisilk
về bản chất không khác gì hành động buôn thuốc H-Capital của
Nguyễn Minh Hùng.
Đó đều là hành động
lừa đảo đồng bào mình, coi thường kỷ cương phép nước nhằm trục lợi cho bản
thân.
Cổ nhân có câu “Sinh ư
nghệ, tử ư nghệ” (Sống bằng nghề nào thì chết cũng vì nghề đó; hoặc sống được
nhờ nghề và khổ sở khốn đốn cũng vì nghề).
Giàu có phất lên từ
lụa, đánh mất thanh danh cũng vì lụa, cái giá quá đắt đó tại sao không làm
những người giàu có như chủ thương hiệu Khaisilk tỉnh ngộ?
Nhà nước đã phải mất
nhiều công sức, tiền của và thời gian để thương hiệu hàng Việt Nam chiếm lĩnh
niềm tin của người Việt.
Cuộc vận động “Người
Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ năm 2009 đến nay
đã gần chục năm.
Ngày 3/7/2014, Bộ Công
thương đã tiến hành tổng kết cuộc vận động này, số liệu công bố cho thấy:
Để động viên các hoạt
động xúc tiến thương mại ưu tiên dùng hàng Việt Nam, ngân sách đã phải chi tới
357,75 tỷ đồng cho các đề án thuộc lĩnh vực này.
Chiều 10/4/2017 tại Hà
Nội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, khi đó là Chủ tịch Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận
động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã chủ trì hội nghị
đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm
2017.
Có thể thấy cả hệ
thống chính trị vào cuộc để người Việt có niềm tin vào những hàng hóa gắn mác
“Made in Vietnam”.
Liệu sau vụ Khaisilk
người Việt có yên lòng khi nhìn thấy dòng chữ ấy trên các sản phẩm, kể cả bày
trong siêu thị?
Và người Việt giờ đây
liệu có đặt niềm tin vào những ông chủ doanh nghiệp “nói như rồng leo, làm như
mèo mửa” kiểu Khaisilk hay Tôn lợp nhà?
Chiếc khăn lụa mác
Khaisilk chắc chắn không phải là trường hợp duy nhất trên thị trường hàng hóa
Việt, cũng không phải chỉ là sản phẩm của các doanh nhân gốc Việt.
Hành vi gian dối chất
lượng và nguồn gốc xuất xứ có thể nhận thấy trong những chai nước giải khát bên
trong có ruồi, trong miếng thịt chảy mủ lẫn trong lô thịt 153kg do siêu thị
Aeon (Long Biên - Hà Nội) cung cấp cho bếp ăn trường Đoàn Thị Điểm - khu đô thị
Ecopark Hưng Yên, …
Bao nhiêu doanh nghiệp
tham gia kinh doanh tại các dự án BOT giao thông làm
ăn trung thực?
Bao nhiêu doanh nghiệp
đóng tàu vỏ thép cho ngư dân theo Nghị định 67
làm ăn trung thực?
Bao nhiêu cán bộ, công
chức kê khai tài sản “trung thực”
kiểu như ông Phạm Sỹ Quý, cựu Giám đốc Sở Tài
Nguyên và Môi trường Yên Bái?
Sự việc công ty Coca
Cola Việt Nam kinh doanh 20 năm không đóng 1 xu thuế thu nhập doanh nghiệp chưa
phải là đỉnh điểm của hành vi gian lận thương mại trong kinh doanh trên thị
trường Việt.
Bởi doanh nghiệp
Khaisilk còn có bề dày 30 năm kinh doanh lụa Trung Quốc và 50% sản phẩm bán ra
có nguồn gốc từ quốc gia này.
Bao nhiêu phần trăm
trong số 50% đó gắn mác hàng Việt Nam?
Bộ trưởng Công thương
Trần Tuấn Anh khẳng định:
“Đó là hành vi vi phạm pháp luật và
cũng là làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng và cũng là tổn
hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt, có doanh nghiệp.
Nhưng quan
trọng hơn nó làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt
Nam chúng ta”. [3]
Câu hỏi đặt ra là
Khaisilk “vi phạm pháp luật” ở điểm nào?
Thứ nhất là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó “Tổ chức, cá
nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng
thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ,
sai lệch, không chính xác …” là hành vi bị cấm.
Thứ hai, bằng cách cắt nhãn Trung Quốc gắn nhãn Việt Nam,
Khaisilk đã lừa đảo khách hàng, hoàn toàn có thể gắn vào tội lừa đảo chiếm đoạt
tài sản.
Bởi lừa đảo chiếm đoạt
tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản
(tiền) tin tưởng giao tài sản (tiền) cho người lừa đảo để chiếm đoạt một phần
hoặc toàn bộ tài sản đó.
Thứ ba, nếu Khaisilk đã đăng ký nhãn mác hàng hóa và thương
hiệu độc quyền tại Cục Sở hữu Trí tuệ thì doanh nghiệp này cũng vi phạm một số
điều trong Luật Sở hữu Trí tuệ.
Một khi chính Bộ
trưởng khẳng định đó là “hành vi vi phạm pháp luật” thì bước tiếp theo sẽ là xử
lý hành chính hay xử lý hình sự - tức là đưa ra tòa xử theo pháp luật?
Cứ cho là xử theo pháp
luật thì pháp luật cũng chỉ xử lý hành vi gian lận thương mại, còn hành vi “làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự
tôn dân tộc của người Việt Nam chúng ta” thì xét xử như thế nào?
Những kẻ xấu tự nhận
mình là xấu được gọi là “chân tiểu nhân”, kẻ xấu che đậy cái xấu của mình bằng
lời hoa mỹ bị người đời gọi là “ngụy quân tử”.
Những ai là “ngụy quân
tử” trong hàng ngũ doanh nhân Việt sớm muộn cũng phơi bày cái xấu của mình.
Có thể có những kẻ
tiềm lực quá mạnh, tạo được những nhóm lợi ích có thể thao túng chính sách, tạm
thời chưa bị lộ diện, chưa bị dư luận phanh phui nhưng không có nghĩa là người
dân không biết.
Có kẻ tuyên bố: “có những thứ không mua được bằng tiền
thì có thể mua bằng rất nhiều tiền”.
Thực ra họ không biết
hay giả vờ không biết, rằng trên đời này “có
nhiều thứ không thể mua được bằng tiền”.
Một trong những thứ
không thể mua được bằng tiền là danh tiếng để lại cho con cháu, dòng tộc.
Liệu có kẻ nào dám
tuyên bố: “Có thể mua danh
dự để dành cho vợ con, cháu chắt”?
Và liệu những kẻ đang
tâm lừa đảo đồng bào mình có nên coi là “củi”?
Tài liệu
tham khảo:
Xuân
Dương
Nguồn: Theo GDVN