22 octobre 2017

Cấm dạy ngoài sách giáo khoa là phản giáo dục


LĐO

 
Học sinh không thể tự học mà thiếu sự hướng dẫn của giáo viên. Ảnh minh họa, nguồn: Kênh tuyển sinh.



“Không dạy nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy nội dung ngoài sách giáo khoa”.

Đó là quy định trong công văn của Bộ GDĐT về hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018. 



Sự học là vô cùng, bể học là mênh mông, kiến thức nhân loại là vô tận. Cho nên, bất cứ quy định nào đưa ra nhằm hạn chế mở rộng sách tham khảo cho một chương trình học đều là phản giáo dục.

Bộ GDĐT đưa ra quy định này với mục đích giảm tải chương trình học của học sinh. Giảm tải là đúng, là bỏ đi những kiến thức quá cũ, không cần thiết, nhưng không có nghĩa là cấm tham khảo những kiến thức mới. 

Chưa kể, bộ sách giáo khoa hiện nay đã lạc hậu, không thể đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận kiến thức của học sinh. Thay vì khuyến khích giáo viên tham khảo sách vở, bổ sung kiến thức mới đưa vào bài giảng, thì Bộ GDĐT lại cấm.

Trong thời đại Internet, học sinh tiếp cận công nghệ, chủ động tra cứu kiến thức từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Học sinh có thể so sánh, đối chiếu và hỏi giáo viên những kiến thức mới, phản bác những kiến thức đã cũ trong sách giáo khoa hiện hành, được như vậy quả là phúc lớn cho đất nước. Bao nhiêu năm nay, chúng ta bắt con cái mình học theo lối giáo dục thủ tiêu sáng tạo chưa đủ hay sao?

Áp dụng phương pháp dạy và học không áp đặt một chiều, tiến đến xóa bỏ một bộ sách giáo khoa biên soạn độc quyền là ước mơ của những người muốn xây dựng một nền giáo dục khai phóng, nhưng Bộ GDĐT đã đi ngược lại với tư duy giáo dục tiến bộ đó.

Đúng ra, Bộ GDĐT chỉ cung cấp một khung chương trình, xã hội hóa bằng cách cho các nhóm tác giả biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa để học sinh, giáo viên lựa chọn. Các bộ sách đó được sử dụng để giảng dạy và để tham khảo, thị trường sẽ quyết định sự tồn tại của những bộ sách có chất lượng cao nhất. Giáo viên được tự do sáng tạo trong cách dạy, học sinh có điều kiện mở rộng tri thức vì tiếp cận được nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Điều này không có gì mới, thậm chí quá cũ vì các nước có nền giáo dục tiên tiến đã thực hiện từ lâu.

Mặc dù Bộ GDĐT đã lên tiếng về “việc diễn đạt như trên chỉ là hiểu lầm” thì cũng khó chấp nhận bởi những gì liên quan đến SGK cần chuẩn mực về ngữ nghĩa và diễn đạt. Bộ GDĐT cần thu hồi ngay công văn phản giáo dục nêu trên.


LÊ THANH PHONG