25 octobre 2017

Chủ nghĩa liên bang là gì?


Nguồn:What is federalism?”, The Economist, 13/06/2017

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp



Nghị trình của Emmanuel Macron về củng cố Liên minh châu Âu đã làm sống lại cuộc thảo luận về một “Liên bang châu Âu”. Tham vọng của tổng thống Pháp sẽ dễ dàng đạt được hơn nếu không có nước Anh: quốc gia này có xu hướng đi theo đường lối của Margaret Thatcher, người vào năm 1990 đã nói rằng việc đưa ra đồng euro có thể dẫn tới “một liên bang châu Âu, điều mà chúng tôi hoàn toàn và dứt khoát từ chối.” Ba năm trước đó, đồng minh về ý thức hệ của bà Thatcher, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, đã ủng hộ chủ nghĩa liên bang ở Hoa Kỳ bằng một sắc lệnh hành pháp tuyên bố thiết lập lại “các nguyên tắc liên bang được đưa ra bởi các nhà soạn thảo [hiến pháp Hoa Kỳ]” khi trao bớt quyền lực từ Washington cho các tiểu bang. 

Reagan tuyên bố “Chủ nghĩa liên bang bắt nguồn từ nhận thức rằng tự do chính trị của chúng ta được đảm bảo tốt nhất bằng cách hạn chế quy mô và phạm vi của chính quyền trung ương”. Người đọc sẽ nhận thấy rằng “chủ nghĩa liên bang” có hai ý nghĩa đối nghịch ở đây, trong trường hợp thứ nhất nó mang nghĩa là một chính quyền trung ương mạnh mẽ hơn, và trong trường hợp thứ hai là một chính quyền trung ương yếu hơn. Tại sao lại như vậy?

Câu trả lời ngắn gọn là: đấy là do lỗi của Richard Nixon. Câu trả lời dài hơn bắt đầu với Hội nghị Lập hiến Hoa Kỳ năm 1787, nơi thuật ngữ “chủ nghĩa liên bang” đã được đặt ra. Những người ủng hộ một chính quyền trung ương nhiều quyền lực, bao gồm Alexander Hamilton và James Madison (những người cuối cùng trở thành người chắp bút chính của bản hiến pháp), đã chọn tên gọi “các nhà chủ nghĩa liên bang” (federalists). Những người muốn các chính phủ tiểu bang mạnh và một chính phủ trung ương yếu trở thành “những người chống chủ nghĩa liên bang” (anti-federalists). Tập Tiểu luận Liên bang (Federalist Papers), một loạt các bài viết về hiến pháp mới được viết bởi Hamilton và Madison, thừa nhận sự cần thiết phải cân bằng quyền lực giữa tiểu bang và liên bang, nhưng họ chủ yếu ủng hộ chính phủ trung ương (mạnh). Sau khi hiến pháp được thông qua, những người ủng hộ chính quyền trung ương mạnh (chủ yếu từ các bang miền Bắc) đã kết hợp với nhau thành Đảng Liên bang (Federalist Party). Khi hệ thống sụp đổ trong cuộc nội chiến vào thập niên 1860 vì vấn đề chế độ nô lệ, chiến thắng của miền Bắc đã tăng cường sức mạnh của Washington. Quyền lực của chính phủ trung ương càng được củng cố hơn nữa bởi các chương trình kinh tế và xã hội mở rộng thời kỳ Chính sách Kinh tế mới (New Deal), tới mức mà vào những năm 1950, khó có thể nói rõ ràng rằng Hoa Kỳ là một nhà nước liên bang hay thực tế là một nước cộng hòa đơn nhất.

Trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhiều quốc gia mới khác có sự chia rẽ nội bộ đáng kể cũng đã đón nhận khái niệm liên bang, bao gồm Brazil, Canada, Mexico và Thụy Sĩ. Trong Thế chiến II, một ý tưởng đã bám rễ cho rằng một Liên bang châu Âu, với một chính phủ châu Âu bao trùm chia sẻ quyền lực với các quốc gia, có thể là chìa khóa để chấm dứt các cuộc chiến tranh dai dẳng của lục địa này. Ở Ý, Altiero Spinelli thành lập Liên minh Liên bang châu Âu (European Federalist Union) vào năm 1943. Vào năm 1946, Winston Churchill kêu gọi thành lập “một kiểu Hợp chúng quốc châu Âu”. Bởi vì các quốc gia châu Âu bắt đầu mà không có bất cứ liên bang chung nào, “chủ nghĩa liên bang” ở châu Âu hiển nhiên có nghĩa là ủng hộ một chính quyền trung ương mạnh hơn. Điều này tiếp tục được ghi nhận khi Cộng đồng Than Thép Châu Âu phát triển trở thành Cộng đồng Kinh tế Châu Âu, và được xác nhận bởi ngôn ngữ của Hiệp ước Roma năm 1957, kêu gọi tiến tới một “liên minh ngày càng gần gũi hơn”. Khi người ta gọi các chính trị gia châu Âu hiện nay như Martin Schulz hay Guy Verhofstadt là “các nhà chủ nghĩa liên bang” có nghĩa là họ ủng hộ một EU mạnh hơn với quyền lực lớn hơn cho Brussels.

Tuy nhiên, tại Mỹ, mọi thứ đã thay đổi. Vào những năm 1960, khi đối mặt với Đạo luật Dân quyền của chính phủ liên bang, những người mang tư tưởng da trắng thượng đẳng một lần nữa tập trung lại để kêu gọi gia tăng quyền cho các tiểu bang. Trong khi đó, những người bảo thủ và các nhóm lợi ích kinh tế đã chuyển sang bất bình trước các quy định điều tiết và các chương trình phúc lợi của liên bang, cảm thấy rằng khía cạnh phân quyền của chủ nghĩa liên bang đã bị phản bội. Tổng thống Nixon đã lợi dụng những bất bình này. Năm 1969, ông đề xuất “một Chủ nghĩa liên bang Mới, trong đó quyền lực, công quỹ và trách nhiệm sẽ chuyển từ Washington sang các tiểu bang và người dân.” Rất ít trong số những điều này trở thành hiện thực, nhưng ý thức rằng chủ nghĩa liên bang chủ yếu có nghĩa là hạn chế bớt quyền lực của chính quyền trung ương đã trở nên bắt rễ trong đảng Cộng hòa. Kết cục là ngày nay, khi người châu Âu nói về “chủ nghĩa liên bang”, họ muốn nói đến việc trao cho Brussels nhiều quyền lực hơn, ngược lại khi người Mỹ nói về “chủ nghĩa liên bang” thì họ muốn giảm quyền lực của Washington D.C..


http://nghiencuuquocte.org/2017/10/16/chu-nghia-lien-bang-la-gi/#more-22093