Việc quản lý bằng hộ
khẩu đã quá lỗi thời và không còn phù hợp với sự phát triển không ngừng của xã
hội hiện nay, không những thế, hộ khẩu còn đang tạo ra những hàng rào kỹ
thuật phức tạp cho các hoạt động của người dân.
Vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã bãi bỏ văn bản liên quan đến hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng công chức, viên chức. Có thể nói, đây được xem là một bước tiến đáng hoan nghênh. Theo luật sư Trần Thu Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội, việc làm của TP Hồ Chí Minh đã tháo rào cản trong vấn đề tuyển dụng, tạo cơ hội việc làm cho nhiều người, đặc biệt là người tài.
Có thể nói, từ trước đến nay, hộ khẩu chi phối quá nhiều lĩnh vực của đời sống dân sinh như: Mua nhà, mua xe, học hành, cơ hội việc làm... Trước đây, hộ khẩu ra đời với mục đích là quản lý nhà nước, quản lý dân cư. Song theo luật sư Nam, cho đến thời điểm này, việc quản lý bằng hộ khẩu đã bộc lộ nhiều bất cập.
Luật sư Nam lấy ví dụ về việc mua nhà, đã một thời dài, chúng ta tranh cãi về việc có hộ khẩu Hà Nội thì mới mua được nhà Hà Nội, hay có nhà Hà Nội thì mới nhập được hộ khẩu Hà Nội. Chính vì rào cản hộ khẩu mà nhiều người đã mua bán nhà theo hình thức ủy quyền, có nghĩa là dùng tên người khác để mua bán và trong trường hợp xảy ra tranh chấp sẽ gây ra rất nhiều rủi ro.
Bỏ hộ khẩu - Tại sao không?
Đa số các nước trên thế giới không dùng hộ khẩu mà thay vào đó là thẻ căn cước. Mỗi người sẽ có một mã số định danh với đầy đủ thông tin được tra cứu nhanh chóng thông qua hệ thống hiện đại.
"Hiện tại, Việt Nam đã có luật căn cước công dân và tôi thấy việc quản lý dân cư bằng căn cước công dân là một bước tiến", luật sư Nam nói. Mọi thông tin về một người dân đều đã được thể hiện thông qua thẻ căn cước công dân này và nó sẽ thay thế cả chứng minh thư và sổ hộ khẩu.
Hơn nữa theo luật sư Nam, hiện nay, chính phủ đang đề ra các lộ trình để cắt giảm biên chế, tinh giản bộ máy thì việc bỏ quy định về hộ khẩu cũng sẽ giúp giảm biên chế. "Tại sao chúng ta lại phải giữ một bộ máy cồng kềnh phục vụ cho việc làm hộ khẩu trong khi hộ khẩu lại chỉ mang lại phiền toái cho người dân, kéo lùi sự phát triển của xã hội", luật sư Nam thẳng thắn.
Cũng theo luật sư Nam, khi hộ khẩu đã không phát huy được vai trò thì nên bỏ, tuy nhiên đối với những cái đã mang tính lịch sử và liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống như hộ khẩu thì việc bỏ ngay lập tức sẽ gây ra những xáo trộn lớn. Vì vậy luật sư Nam đề xuất chúng ta nên bỏ dần dần việc quản lý hộ khẩu, từ một thành phố mở rộng ra nhiều địa phương, từ một lĩnh vực mở rộng dần ra những lĩnh vực khác.
Dung Hà