Người nuôi tôm vẫn thua lỗ vì
tôm chết, giá thấp
|
Lại
là chuyện phát ngôn của quan chức, nhưng lần này liên quan đến hàng triệu nông
dân.
"Trên thị trường thế giới, nhu cầu tiêu thụ
thủy sản tăng 5 - 7% mỗi năm. Chúng ta lựa chọn 2 con điển hình là tôm và
cá tra. Riêng tôm, thế giới có 7 tỉ người, mỗi người ăn một cân tôm là 7 triệu
tấn. Trong khi nguồn cung mới có 5 triệu tấn, rõ ràng chỗ này còn rất lớn”, đó
là phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, tại phiên họp
Quốc hội hôm qua, 1.11.
Cách tính của ông Cường, nông dân hay gọi là
tính “rợ”. Tức cứ tính nhẩm sơ như vậy, không cần tính đến các yếu tố chi phối
bên ngoài. Nôm na, cứ nuôi con gà, tốn 100.000 đồng tiền thức ăn, mà nó đẻ được
số trứng bán được 100.000 đồng là đã lời… cả con gà. Còn chuyện nó có đẻ hay
không, hoặc bán không được, hay chính con gà mái… nó chết, giá thức ăn lên…
tính sau!
Vì sao nói ông Bộ trưởng tính “rợ”? Đơn giản,
tạm cho tiêu chí mỗi người ăn 1 cân tôm/năm của ông là chấp nhận được, nhưng
căn cứ nào nói rằng, nếu họ ăn thiếu thì phải mua tôm của Việt Nam? Trong khi
Ấn Độ, Bangladesh, Ecuador, Thái Lan… vẫn là những đối thủ cạnh tranh.
Đành rằng, Việt Nam hiện đã chiếm 45% thị phần
xuất khẩu tôm của thế giới, nhưng đó chỉ là tỉ lệ nhất thời. Như trong 6
tháng đầu năm 2017, ngành tôm đối diện với thách thức từ thị trường Australia,
đó là lệnh cấm nhập khẩu tôm chưa nấu chín từ Việt Nam. Điều này làm cho nhiều
doanh nghiệp xuất khẩu tôm gặp khó khăn, giảm kim ngạch xuất khẩu, làm ảnh
hưởng đến cả ngành tôm. May mà cuối tháng 6, lệnh cấm này được dỡ bỏ. Khó khăn
luôn ở phía trước! Rồi còn thuế nhập khẩu vào Mỹ...
Hiện nay, ngành nông nghiệp vẫn chưa kiểm soát tốt chất lượng con tôm |
Ngay trong nước, tình trạng tôm bơm tạp chất,
nhiễm kháng sinh, dùng thuốc tăng trọng… trong quá trình nuôi… mà chính Bộ
NN&PTNT vẫn chưa ngăn chặn được, thì đừng nên lạc quan quá như thế! Ngay cả
biến đổi khí hậu cũng khiến người nuôi tôm lao đao, mà ngành nông nghiệp thực
tế cũng chưa có giải pháp thiết thực nào hỗ trợ.
Nghe phát biểu của Bộ trưởng, nhà văn Từ Kế
Tường viết trên Facebook của mình: “Ngay như quê tôi là xứ Bến Tre, nông dân đã
phá ruộng, phá vườn thậm chí phá cả đất giồng (khu đất cao toàn đất pha cát, xa
nguồn nước biển) để nuôi tôm thẻ chân trắng, cầm sổ đỏ nhà đất vay nợ ngân hàng
làm vốn nuôi, mua chịu thức ăn. Trông đến 2 tháng thu hoạch tôm trả nợ mà 2 vụ
thắng 1 vụ thua thì coi như huề. Còn 1 vụ thua 1 vụ thắng thì coi như thua
trắng.
Hiện người nuôi tôm còn cố gượng nuôi là chỉ
mong đủ vốn, lời chút chút để có tiền đóng lãi ngân hàng nhưng rồi cũng bỏ cuộc
dần, nhiều người đã bỏ xứ, trốn nợ đi tha phương cầu thực. Nhiều khu nuôi tôm
công nghiêp đã “rã bành tô”, chỉ còn người nuôi tôm tự phát kiểu hên xui thì
lấy đâu ra con số để hy vọng tăng cho những năm tới theo chỉ đạo định hướng về
con tôm của ông?”.
Ở góc độ Bộ trưởng ngành, đừng nên tính rợ như
người nông dân, khi “nhất cử nhất động” của mình đều được người dân cả nước chú
ý. Đưa ra cái hướng lạc quan quá cho con tôm, nông dân lao theo, phá tan hoang
những mảnh vườn, ruộng lúa, phá vỡ quy hoạch, thì khổ.
Thà chậm mà chắc, thà bán ít mà lời nhiều, kiểm
soát chất lượng, môi trường không bị phá hoại, làm sao để các nước khi cần mua
tôm là nghĩ đến Việt Nam trước tiên. Đó mới là chuyện cần làm của ngành
nông nghiệp. Nông dân tin cán bộ, chạy theo phong trào “cây - con” được bơm
thổi lên mây, rồi rớt đài phải xin “giải cứu”… biết bao năm rồi, nên chắc họ
cũng sợ lắm, hết tin rồi!
Hồ Hùng