J.B
Nguyễn Hữu Vinh
Kể từ những ngày bắt đầu đón các nguyên thủ quốc gia đến tham dự
APEC, dân Việt bàn tán nhiều về các vấn đề liên quan đến việc Tổng thống Mỹ đến
Việt Nam với đầy đủ mọi góc cạnh của nó từ những điều nhỏ nhất là cách ăn mặc,
phương tiện, hành động và lời nói như thế nào. Những điều đó vẫn luôn mới, lạ
và hút khách với những độc giả Việt Nam như chiêm ngưỡng một nhân vật đến từ
một hành tinh xa xôi nào đó.
Chuyện lạ hút khách?
Đơn giản
chỉ vì nó xa lạ với người dân Việt Nam, vốn luôn luôn “vững bước theo
con đường mà Bác và Đảng đã chọn” mà hình tượng là con lừa bị che mắt
cả hai bên để chỉ nhìn thấy bó cỏ treo phía trước mà kéo xe. Còn cái bó cỏ xanh
non – thiên đường XHCN – thì mãi không thấy. Thậm chí cho đến lúc TBT Nguyễn
Phú Trọng tuyên bố thẳng thừng là cái bó cỏ “Thiên đường XHCN” còn là xa vời
lắm, đến cuối thế kỷ vẫn chưa thấy đâu. Vậy nhưng bầy cừu nhiễm độc niềm tin
vẫn cứ cắm cúi kéo xe phục vụ Đảng ngồi chễm chệ trên lưng.
Họ thấy lạ là phải.
Những tờ báo quốc doanh chăm chú vào chiếc chuyên cơ chở Tổng
thống Mỹ ra sao, đoàn tùy tùng bao nhiêu người, họ được đảm bảo an ninh như thế
nào, được chiêu đãi món gì… Tất cả được khai thác như để chứng minh một điều:
Chuyện quan chức cộng sản Việt Nam ra đường thì còi hụ dẫn đường, công an, cảnh
sát đông như ruồi, xe cộ chạy tán loạn từng đoàn dài là chuyện bình thường,
chưa nhằm nhò gì với Tổng thống Mỹ. Hoặc quan chức đi chỗ nọ, chỗ kia chỉ chăm
chăm việc ăn gì, uống gì và ngủ ở đâu… chứ nội dung làm gì đâu quan trọng như
quan chức Việt Nam.
Tuy nhiên, đem điều đó ra so sánh thì chỉ là chuyện so vôi với
phấn.
Những hình ảnh mà người dân chứng kiến ở các nguyên thủ quốc gia
đến Việt Nam là một thủ tướng Canada trẻ trung, mạnh khỏe và hết sức bình dân,
ngồi trà đá vỉa hè với người dân như thường mà không sợ bị ám sát, không sợ bẩn
hoặc sợ bị đánh giá thấp đi như quan chức cộng sản Việt Nam.
Nhưng…
Có lẽ một trong những điều được người dân Việt Nam quan tâm chia
sẻ nhiều nhất là bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donal Trumph tại Diễn đàn APEC
đang diễn ra tại Đà Nẵng.
Người ta chú ý không chỉ ở phong thái đĩnh đạc phát biểu hết sức
tự nhiên một bài dài dằng dặc vậy mà không phải chúi mũi gằm mặt vào tờ giấy
nhàu nát đút túi như giấy lau nồi của các lãnh đạo Việt Nam khi gặp các lãnh
đạo nước ngoài.
Người ta cũng chú ý không chỉ ở lượng người thả những biểu tượng
yêu thích rợp cả màn hình khi được live stream trực tiếp qua mạng xã hội ngược
hẳn với những hình ảnh cảm xúc giận dữ, chế nhạo khi Tập Cận Bình phát biểu.
Điều mà người ta chú ý là những nội dung mà Tổng thống Mỹ Donal
Trumph đã nói. Qua bài phát biểu chúng ta thấy gì?
Đó là sự phát biểu hết sức thẳng thắn về tình hình thế giới,
tình hình nước Mỹ với những con số, hiện tượng đáng tự hào.
Đó là việc phát biểu ca ngợi những thành công của Singapore với
những bước tiến kỳ diệu từ chỗ thu nhập đầu người chỉ 500 đô la nay đã trở
thành một trong những nước văn minh, hiện đại công dân có thu nhập cao nhất thế
giới.
Không
chỉ có thế, Tổng thống Trumph còn không quên khen câu này: “Sự biến
chuyển này đã thành hiện thực nhờ tầm nhìn của Chính phủ Lý Quang Diệu, một
chính phủ được quản lý trung thực và tuân theo pháp luật”. Không rõ các nhà
lãnh đạo Việt Nam ngồi dưới nghe câu này có biết xấu hổ mà giật mình?
Những bài học lịch sử cần nhắc lại
Điều mà
nhiều người nhận thấy trong các chuyến gặp gỡ quan chức Cộng sản Việt Nam, các
đời Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lẩy
Kiều luôn dùng để nhắc nhở, nói chuyện là các đề tài về lịch sử và văn hóa Việt
Nam. Báo chí Việt Nam không hoặc giả vờ không hiểu những ẩn ý của họ, ngược lại
họ chỉ ôm mối “tự sướng” rằng thì là Truyện Kiều là nhất, là
đi khắp thế giới…
Nhưng điều hài hước là các quan chức Việt Nam dù luôn tự hào là
trí tuệ của Đảng vẫn á khẩu khi được nghe các câu Kiều từ miệng nguyên thủ
ngoại quốc, kể cả Nguyễn Phú Trọng vốn tốt nghiệp khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp
Hà Nội.
Nhưng, lần này, Tổng thống Donal Trumph với tính cách ngang
tàng, thẳng thắn đã không thèm “đàn gảy tai trâu” chi cho mệt ông thẳng ruột
ngựa nhắc cho lãnh đạo Việt Nam rằng:
“Ở Mỹ –
cũng giống như mọi quốc gia đã chiến thắng và bảo vệ chủ quyền của mình, chúng
tôi hiểu rằng không có gì quý giá như quyền lợi đương nhiên của công dân, sự
độc lập quý giá và sự tự do.
Lý tưởng
đó đã dẫn dắt chúng tôi trong lịch sử nước Mỹ. Lý tưởng đó đã thôi thúc chúng
tôi hy sinh và đổi mới. Và đó là lý do tại sao ngày nay, hàng trăm năm sau
chiến thắng của chúng tôi trong Cách mạng Mỹ, chúng ta vẫn nhớ đến lời của lời
nhà lập quốc và là Tổng thống thứ hai của nước Mỹ John Adams. Trước khi từ giã
cõi đời, người yêu nước vĩ đại này được yêu cầu đưa ra suy nghĩ trong dịp kỷ
niệm 50 năm tự do của Mỹ. Câu trả lời của ông là “độc lập vĩnh viễn”.
Và ông nhắc lại cho nhớ về lịch sử Việt Nam:
“Đó là
tinh thần cháy bỏng trong lòng người yêu nước và mọi quốc gia. Nước chủ nhà
Việt Nam không chỉ có tinh thần đó trong 200 năm mà là trong gần 2000 năm. Vào
khoảng năm 40, Hai Bà Trưng đã đánh thức tinh thần của người dân vùng đất này.
Đó là lần đầu tiên người dân Việt Nam đứng lên đấu tranh cho sự độc lập và niềm
tự hào của các bạn.
Vì vậy,
vì gia đình, vì đất nước, tự do, lịch sử và vì Chúa, hãy bảo vệ tổ quốc của các
bạn, hiện giờ và mãi mãi về sau”.
Tôi không có điều kiện để chứng kiến xem các gương mặt lãnh đạo
Việt Nam khi nghe những lời này sẽ đỏ lên, hay tái đi? Hay làn da vẫn cứ bì bì
như da trâu?
Nhưng, tôi nghĩ rằng nếu là người có lòng tự trọng, tự tôn dân
tộc thì có lẽ chính họ sẽ chui xuống đất sau những lời đó.
Bởi không ngượng làm sao được, khi mà cả cái Đảng Cộng sản từ
TBT cho đến Bộ trưởng Quốc phòng đều cúi rạp mình trước các thế lực phương Bắc,
mặc cho Tổ quốc bị xâm lăng, mặc cho đất nước bị chiếm đóng, mặc cho dân mình
bị sát hại ngay trên lãnh thổ, lãnh hải của mình.
Mà cũng có thể là không, bởi cha ông có nói rằng “cùi không sợ
lở”. Nếu họ biết ngượng, thì chính họ đã không ra mặt đàn áp, bắt bớ những
người dân vô tội vốn giàu lòng yêu nước. Mà chính lòng yêu nước của họ đã có
thời bị lạm dụng và khai thác triệt để cho cuộc chiến tương tàn Nam – Bắc.
Mà cũng rất có thể chưa chắc các lãnh đạo Việt Nam đã biết đến
lịch sử dân tộc, đất nước mình. Hầu như họ chỉ biết lịch sử Đảng là chính.
Lời phát biểu của Tổng thống Mỹ Donal Trumph trên lãnh thổ Việt
Nam, trước mặt quan chức, người dân Việt Nam về việc phải yêu Tổ quốc, đất nước
của mình như một cú giáng thẳng thắn vào thói nô lệ và coi nhẹ sự độc lập,
quyền lợi của Tổ Quốc mình trước ngoại bang mà đảng đang theo đuổi và thể hiện
bấy lâu nay.
Không rõ đám an ninh và dư luận viên của Đảng có còn gào lên là
“âm mưu của Đế quốc Mỹ xâm lược” nữa hay không?
Nước Mỹ sẽ không làm thay
Cũng những ngày APEC sắp họp, nhiều người hy vọng rằng trong
cuộc họp này, những vấn đề về nhân quyền, về sự có mặt của các nguyên thủ quốc
gia ở các nước tiến bộ đến Việt Nam sẽ lên tiếng bảo vệ quyền con người ở Việt
Nam. Thậm chí, còn có người hy vọng rằng phu nhân Tổng thống Mỹ sẽ can thiệp
cho trường hợp nọ, trường hợp kia như họ mong muốn.
Điều này cũng tương tự như những tư tưởng vẫn thường có trong
dân chúng rằng Mỹ sẽ làm tất cả cho trật tự thế giới, ngăn chặn việc xâm lấn
của Trung Cộng với các nước láng giềng…
Và họ cứ ngồi chờ đợi để rồi thất vọng.
Thế rồi,
ngay tại Đà Nẵng, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố như sau: “Từ hôm nay trở
đi, chúng ta sẽ cạnh tranh một cách công bằng và bình đẳng. Chúng tôi sẽ không
để nước Mỹ bị lợi dụng thêm nữa. Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu, như cách
mà tôi mong muốn tất cả các bạn trong hội trường này đưa tổ quốc mình lên trên
hết…”
Và: “Thay
vào đó, chúng tôi sẽ thương thảo trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
Chúng tôi sẽ tôn trọng độc lập và chủ quyền của các bạn. Chúng tôi muốn các bạn
mạnh mẽ, thịnh vượng và tự tin, giữ vững bản sắc lịch sử và vươn tới tương lai”.
Có vẻ như nghe những lời này, Tổng thống Mỹ đang nói về kinh tế,
thương mại. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, quan điểm này không chỉ riêng vấn đề
thương mại hoặc kinh tế của Mỹ mà cả các lĩnh vực chính trị, xã hội khác cũng
tương tự.
Tất cả đặt lợi ích quốc gia của Mỹ lên hàng đầu, đơn giản vậy
thôi.
Tư duy trông chờ và ỉ lại
Trong cuộc sống xã hội Việt Nam, ngày càng chứng minh một điều
không thể chối cãi: Đảng Cộng sản đang là lực cản lớn nhất, nguy cơ lớn nhất
cho dân tộc, cho đất nước trong tất cả mọi lĩnh vực đời sống từ kinh tế, xã
hội, đạo đức cho đến việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ…
Trước đây, nhiều người bị hệ thống tuyên truyền làm cho ngộ độc
nặng nề đến mức khiếp sợ và không dám mở miệng ngay cả khi chính mình là nạn
nhân trực tiếp. Thế rồi thời đại công nghệ thông tin phát triển đến mức mọi ngõ
ngách cuộc sống được phơi bày đầy đủ trước mắt họ và họ đã hiểu ra.
Thế nhưng, trong họ vẫn cứ có tư duy ỉ lại, trông chờ vào những
người khác đấu tranh thay họ để rồi “đến một lúc nào đó” tự Đảng CS sụp đổ hoặc
những sự đấu tranh của người khác thành công, họ sẽ được hưởng thành quả của
một xã hội mới với trật tự mới. Còn hiện tại, họ chỉ chăm lo nịnh hót, chạy
chọt, dựa dẫm vào thế lực tham nhũng, chức quyền để kiếm thật nhiều tiền nhằm
vinh thân, phì gia.
Họ say mê với những nhà cửa, xe cộ và mọi thứ thỏa mãn cuộc sống
hiện tại cho họ và gia đình mình, còn những sự việc xã hội khác, họ khoán cho
tất cả những người dấn thân đấu tranh.
Để kết thúc bài viết này, xin kể một câu chuyện có thật như sau:
Sau phiên tòa xử án Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh ngày 22/9/2017
một người bạn gặp tôi hỏi:
- Sao
hôm trước ông không đi phiên tòa xử Ba Sàm?
- Tôi có đi chứ, nhưng vừa đến nơi chúng nó bắt tôi nhốt vào đồn
Yên Hòa cả ngày không ra được.
- Hèn
gì, bọn tôi ngồi cafe cứ bảo nhau những vụ này thì nhất định ông phải đi nhưng
sao không thấy.
Thấy buồn cười, tôi hỏi lại:
- Vậy hôm đó ông đứng ở đâu?
- À, tôi
không đi, tôi bận nhiều thứ làm ăn nên sao đi được.
- Ông không đi được sao tôi lại nhất định phải đi?
- Thì
những người đấu tranh là phải có mặt những vụ như thế chứ, vừa để động viên
tinh thần cho người bị xét xử vô luật pháp, vừa biểu thị tinh thần đấu tranh
bất khuất chứ. Còn như tôi mà ra đó nó đập chết ngay. Cộng sản này nó khốn nạn
và tàn bạo lắm ông ạ, không sụp đổ thì dân còn chết, còn làm nô lệ ông ạ, các
ông cần cố gắng hơn nữa.
- Ông ra nó đập chết, vậy tôi thì nó đập không chết à? Tôi có
phải làm bằng cao su đâu. Mà tại sao không phải tất cả mọi người cùng cố gắng
mà chỉ bọn tôi hay bọn ông? Đây là trách nhiệm của 90 triệu thằng dân chứ đâu
cho bọn nào đâu ông?
- Trách
nhiệm thì chung. Nhưng các ông là những người đấu tranh thì phải thế.
- Vậy có ai khoán việc hay trả tiền cho những người đấu tranh
phải thế để những người khác cứ ngồi theo dõi không? Ông có thuê họ đi đấu
tranh phần của ông không?
- À, tôi
còn bận kiếm tiền nuôi vợ con, gia đình mà ông…
Câu chuyện khá dài, chỉ kết thúc ở đây để hiểu rằng cái tư duy
chỉ ngồi nhìn, nghe rồi yêu sách, trông chờ vẫn còn đang phổ biến tại Việt Nam.
Đó cũng chính là tư duy nô lệ, phụ thuộc và thụ động.
Và đã đến lúc, mọi người cần phải hiểu ra rằng làm trong sạch xã
hội Việt Nam để đất nước tồn tại và phát triển là trách nhiệm của mọi công dân
phải tự gắng sức mình nếu không muốn làm nô lệ.
Không thể trông chờ vào bất cứ một ai ra tay cứu giúp dân tộc,
đất nước mình, kể cả Tổng thống Mỹ.
Ngày
11-11-2017
Kỷ niệm
6 năm ngày bị bắt vào Sở Công an Hà Nội, 6 Quang Trung, Hà Đông
N.H.V.