Bản đồ Hoàng Sa phiên bản Trung Quốc |
Bản tin của Reuters bình luận rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa trên Bán đảo Triều Tiên hồi gần đây cùng với Ðại hội đảng hoành tráng ở Bắc Kinh đã thu hút hết sự chú ý của thế giới khiến cho vấn đề Biển Đông bị sao lãng trong mấy tháng qua.
Nhưng chưa một vấn đề tranh chấp căng thẳng thẳng nào trong khu vực được giải quyết và các hình ảnh vệ tinh mà Reuters xem được cho thấy Trung Quốc tiếp tục xây dựng các cơ sở trên Đảo Bắc và Đảo Cây thuộc quần đảo Hòang Sa, mà các chuyên gia gọi là một thủy lộ thương mại trọng yếu vẫn đang là một điểm nóng tranh chấp trên trên thế giới.
Một số chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ đáp chiến đấu cơ xuống các đường băng được xây dựng trên quần đảo Hòang Sa trong đợt triển khai đầu tiên chỉ nội trong vài tháng tới, trong khi các giới chức quân sự trong khu vực nói rằng Bắc Kinh đã đang sử dụng các cơ sở mới này để mở rộng hoạt động của hải quân và tuần dương Trung Quốc sâu xuống Ðông Nam Á.
Ông Bonnie Glaser, một chuyên gia về an ninh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, nhận định: “Trong lúc Bắc Kinh xây dựng các cơ sở kiên cố này, cả các chuyên gia của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc lẫn các chuyên gia dân sự luôn nói rõ rằng khi thời điểm chiến lược thích hợp đến, họ sẽ khai thác sử dụng hết chức năng các cơ sở đó.”
Ông Glaser nói với Reuters rằng theo ông thì câu hỏi đặt ra là “khi nào, chứ không phải liệu, Trung Quốc sẽ bắt đầu khẳng định các lợi ích của họ trên Biển Đông một cách mạnh mẽ hơn.”
Ành vệ tinh cho đấy đối thủ Việt Nam của Trung Quốc cũng đang hoàn thiện bồi đắp đảo và nối dài một đường băng ở căn cứ của họ trong quần đảo Trường Sa.
Khoảng lặng sau cơn bão
Việc xây dựng trên quần đảo Trường Sa thể hiện sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông trong nhiệm kỳ thứ nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình, và sự quả quyết đó được nêu bật trong phát biểu của ông tại Đại hội Ðảng Cộng sản Trung Quốc hồi trước đây trong trong tháng.
Chủ tịch Tập phát biểu: “Xây dựng trên các đảo và bãi cạn trên Biển Nam Trung Hoa tiến triển đều đặn.”
Ông Michael Cavey, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói: “Chúng tôi tiếp tục lo ngại về những căng thẳng trên Biển Đông, đặc biệt là những mâu thuẫn do hoạt động bồi đắp đảo và quân sự hóa những địa điểm tranh chấp và hành động của một số nước sẵn sàng dùng sức mạnh cưỡng bức để khẳng định chủ quyền.”
“Chúng tôi luôn kêu gọi Trung Quốc cũng như các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo khác cố gắng kiềm chế và ngưng các hoạt động bồi đắp biển đảo, hay xây dựng thêm các cơ sở mới và quân sự hóa những địa điể m tranh chấp.”
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường mới đây tái khẳng định rằng các hải đảo đó là lãnh thổ không thể nào tranh cãi được của Trung Quốc, trong trả lời với các phóng viên báo chí.
Ông Nhậm nói: “Không ai có thể nói việc xây dựng trên các đảo và bãi cạn trên Biển Nam Trung Hoa và việc xây dựng cá cơ sở quốc phòng cần thiết là hoạt động mở rộng triển khai quân sự.”
“Chúng tôi tin rằng hiện trạng của Biển Nam Trung Hoa nhìn chung là tốt, và tất cả các bên liên quan phải tích cực làm việc với nhau để bảo vệ hòa bình và ổn định trên Biển Nam Trung Hoa.”
Đại sứ Trung Quốc tại Washington, ông Thôi Thiên Khải, hôm thứ Hai 30/10, nói rằng Hoa Kỳ chớ nên “can thiệp vào những nỗ lực trong khu vực nhằm giải quyết những tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa.”
Trong một phát biểu tại Singapore trước đây trong tháng này, giới chức quân sự cao cấp nhất của Mỹ trong khu vực nói rằng cho dù Washington kêu gọi Trung Quốc giúp trong vấn đề Bắc Hàn, Mỹ vẫn buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về những hành động đi ngược với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói: “Chúng tôi cũng muốn Bắc Kinh phải làm nhiều hơn nữa để chấm dứt các hành động gây hấn trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đang phát triển sức mạnh tác chiến và lấn chiếm các vị trí trong nỗ lực khẳng định chủ quyền thực tế đối với các vùng lãnh hải đang trong vòng tranh chấp.”
Chiến thuật chứ không phải sách lược
Một nghiên cứu mới đây của tổ chức RAND Corp có liên hệ với chính phủ Mỹ cân nhắc rủi to của một cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đưa Biển Đông lên hàng đầu trong danh sách các điểm nóng tiềm năng.
Biển Đông được đẩy lên cao hơn cả Ðài Loan, nhưng thấp hơn Bán đảo Triều Tiên. Nghiên cứu ghi nhận rằng hải lộ này đã “trở thành một điểm chú ý ngoài dự đoán trong những mâu thuẫn Mỹ-Trung.”
Mặc dù Ngũ giác đài tiếp tục các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông thường xuyên, gọi tắt là FONOPS, để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, một số nhà phân tích tin rằng Mỹ đang chật vật đối phó với thế áp đảo đang mở rộng dần của Trung Quốc trong khu vực.
Ông Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông ở Viện nghiên cứu Yosof Ishak của Singapore, nói: “Trung Quốc hình như đang theo đuổi chiến lược dài hạn và có suy tính kỹ lưỡng để giành quyền thống trị trên Biển Đông, trong khi Mỹ đáp lại bằng những cuộc tuần tra chiến thuật tức thời.”
“FONOS chỉ là hoạt động chiến thuật không phải là chiến lược, và các hoạt động đó không làm Trung Quốc mảy may xem xét lại kế hoạch của họ ở Biển Đông.”
Ông Ni Lexiong một chuyên gia về hải quân đang giảng dạy môn khoa học chính trị và luật tại Đại học Thượng Hải, nói rằng Trung Quốc hiện có rất ít nhu cầu phải tăng triển khai quân sự đáng kể, nhưng phần lớn tùy thuộc vào hành động của các nước khác.
Ông nói tiếp: “Miễn là các nước khác không cố tình có những hành động và khiêu khích, thì mọi sự đều ổn thỏa. Vấn đề là một số nước, như Mỹ lại đến đó khuấy động tình hình.”