Chiều 12/11
vừa qua tại Nhà Văn hóa quận Raszyn, Vacsava đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề
“MỘT SỐ NGHIÊN CỨU VỀ VĂN HÓA VN VÀ SỰ HỘI NHẬP CỦA NGƯỜI VIỆT TẠI BA LAN”,
giữa 3 “cô Tây” yêu văn hóa Việt và chừng 100 người Việt tại Ba Lan. Báo cáo
của Thạc sĩ Tâm lý học Ewa Grabowska cho thấy người Việt chịu áp lực khá nặng
nề từ nhiều mối quan hệ, điều đó cũng gây căng thẳng trong quá trình hội nhập,
nhất là với giới trẻ... Tôi có phát biểu trao đổi ngắn, về xác định mối quan hệ
huyết thống, kinh tế, chính trị, văn hóa như thế nào? Sau đó có bạn trẻ muốn
được chia sẻ rõ thêm về các mối quan hệ này.
Ở bình diện
cá nhân, có thể nói, mỗi con người là một tiêu điểm của các mối quan hệ. Nếu nhận rõ bản chất của từng
mối quan hệ để xử lý sẽ bớt căng thẳng và hiệu quả. Chung quy lại, có mấy mối
quan hệ chủ yếu.
- Quan hệ
HUYẾT THỐNG là mối liên hệ giữa những người có chung tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nó
tiềm ẩn, đôi khi không hiện ra cấp thiết, nhưng vô cùng bền chặt trong tâm thức
mỗi con người. Ai đó dù đi đâu, ở đâu rồi cũng có nhu cầu tìm về nguồn cội.
“Con người có tổ có tông/ Như cây có gốc, như sông có nguồn”, từ tấm bé người
Việt thường đã thuộc những lời ru như thế. Không chỉ người Việt, mà nhiều dân
tộc khác cũng có nhu cầu tâm linh gắn kết với tổ tiên, nguồn cội rất sâu sắc.
Tôi là người họ Mạc, đã chứng kiến, hơn 50 họ khác nhau, với hàng triệu con
người, đã tha thiết, bền bỉ, mãnh liệt tìm bằng được về tổ tiên gốc Mạc, sau
hơn 400 năm ly tán, với bao nỗi niềm xúc động không kể xiết. Quan hệ huyết
thống gắn liền với văn hóa tâm linh thờ phụng tổ tiên, nên càng được củng cố
gắn kết gia đình, dòng họ. Sự gắn kết đó cũng tạo nên sức mạnh bền vững của
cộng đồng. Tất nhiên cái gì cũng có mặt trái của nó, Ewa Grabowska đã nêu: Vì
quan niệm: “Sống vì mồ vì mả/ Không sống vì cả bát cơm” nên người Việt đua nhau
xây mồ mả rất hoành tráng, lãng phí... Cần nói thêm, quan niệm “Một người làm
quan, cả họ được nhờ” đã xảy ra những tiêu cực trắng trợn, tệ hại, trong môi
trường thiếu dân chủ, bị “lợi ích nhóm” gia đình, họ hàng chi phối...
- Quan hệ
VĂN HÓA cũng vô cùng bền vững, ghi dấu ấn lên mỗi cá nhân, cho biết mình là ai,
không “giấu” đi đâu được. Văn hóa rất rộng, từ những điều cụ thể như: ăn uống,
cung cách lao động, học hành, nói, cười, đi đứng, cử chỉ giao tiếp, hành vi ứng
xử với môi trường, với thú vật, sử dụng ngôn ngữ, nếp sống cá nhân, quan hệ gia
đình, đối xử với hàng xóm... cho đến những giá trị tinh thần trừu tượng: quan
niệm về tự nhiên, xã hội, về sự sống và cái chết; niềm tin, lý tưởng, nhu cầu,
hứng thú thị hiếu; ý thức về bản ngã, về tự do, dân chủ, nhân quyền ... Tất cả
những cái đó ghi dấu vào mỗi con người sống trong môi trường tương đối định
hình. Khi con người từ nền văn hóa này tiếp xúc, hội nhập với nền văn hóa khác
nếu tìm cách đối lập nhau, sẽ gây những căng thẳng, xung đột; nếu biết rằng:
“Con người không gì là không phải học và phải học suốt đời” để thích ứng, hòa
nhập với xã hội ta đang sống, thì sẽ biết tự điều chỉnh, chọn lọc, giữ lại
những gì là đặc sắc, độc đáo và tiếp thu những gì mới mẻ, tốt đẹp, ích lợi...
Cần giúp cho lớp trẻ tiếp biến văn hóa, tích hợp văn hóa, trở thành con người
đa văn hóa, thành công dân toàn cầu trong thế giới phẳng, nhưng vẫn giữ được
bản sắc văn hóa Việt. Cụ Hồ là một mẫu người đến với nhiều nền văn hóa, ở đâu
cũng hòa nhập và tích hợp giỏi, thành con người đa văn hóa mà vẫn giữ được cốt
cách văn hóa Việt, trở nên độc đáo, đặc sắc ...
- Mối quan
hệ KINH TẾ có tác động lớn, nhưng không bền vững như 2 mối quan hệ trên. Nó chi
phối người ta rất mạnh, nhất là khi con người ở hoàn cảnh nghèo đói, chỉ mong
sao được no cơm, ấm áo, “Ai nuôi, người ấy dùng”...Nhưng cũng có nhiều người đã
giàu vẫn bị “mua bằng tiền hoặc bằng rất nhiều tiền” để làm những việc trái đạo
lý; thực ra đó cũng chỉ là những nhân cách thấp kém. Chúng ta đã chứng kiến
nhiều tấm gương nghĩa khí, vì dân, vì nước, thời nào cũng có, mà người xưa gọi
là: “Phú quý bất năng dâm, Bần tiện bất năng di, Uy vũ bất năng khuất” (Giàu
sang không thể cám dỗ, Nghèo khó không thể chuyển lay, Quyền uy không thể khuất
phục). Ngày nay trong nền kinh tế thị trường rộng mở, quan hệ kinh tế không
ràng buộc chết cứng người ta. Không làm nhà nước thì làm tự do; không thích ông
chủ này thì đi làm cho bà khác; không đầu tư vào nước này, đầu tư vào nước
khác...Khi con người được tự do và có năng lực, thì quan hệ kinh tế không bị
ràng buộc nhiều, mà trở thành vấn đề chủ động, chỗ nào mình ưng thì sống.
- Quan hệ
CHÍNH TRỊ thực ra chẳng có gì bền vững, nay vua này, mai vua khác; nay chính
thể này, mai chính thể khác; nay đảng này, mai đảng khác. Khi dân làm chủ thì
dân chọn ra một số người đáng tin cậy để cai quản đất nước; họ làm không tốt,
thì thay ê-kip khác... Hồ Chí Minh từng nói rõ: “Chính phủ cộng hòa dân chủ là
gì? Là đầy tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì
Chính phủ là đầy tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài.
Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng dân dùng đầy
tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải
phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi” [Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4,
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 60]. Quan hệ chính trị như vậy thật
là vô cùng rõ ràng, nhẹ nhàng đối với mỗi người dân.
Vấn đề của
Việt Nam và các nước dưới chế độ cộng sản (CS) nói chung, xã hội bị đảo điên,
rối loạn, là do những người CS đặt “Chính trị là thống soái”, tất cả các quan
hệ kinh tế, huyết thống, văn hóa đều phải phục vụ chính trị.
+ Để toàn
dân phục tùng chính trị, về KINH TẾ, chính quyền CS công hữu hóa tư liệu sản
xuất, nhà nước quản lý tất cả; mọi người có sức lao động trong xã hội phải lao
động theo phân công, “có làm mới có ăn”; người già trẻ em thì được “Đảng và Nhà
nước nuôi”. Toàn dân, vì miếng cơm, manh áo đều trở thành con tin, thành “nô
lệ” của nhà nước CS. Như thế là quan hệ kinh tế vốn tự do làm ăn sinh sống, trở
thành quan hệ sống còn gắn với chính quyền. (Cắt sổ gạo, tem phiếu là chết,
không làm cho nhà nước, thì không biết làm ở đâu)...
+ Để chỉ có
một niềm tin tuyệt đối vào chủ thuyết chính trị của đảng cầm quyền, chính quyền
CS ra sức tuyên truyền giáo dục “vô thần”, triệt phá các tôn giáo, các trào lưu
tư tưởng khác; làm cách mạng văn hóa hủy diệt các đền miếu, đình chùa, nhà
thờ...CS muốn hủy diệt các giá trị truyền thống VĂN HÓA để xây dựng xã hội mới,
nền văn hóa mới, con người mới theo tiêu chí CS. Tất cả những gì trái ngược
hoặc khác lạ với các tiêu chí của CS đều bị diệt trừ bằng bạo lực.
+ Để chỉ có
một lòng trung thành tuyệt đối với đảng, mọi người, nhất là đảng viên, phải
đoạn tuyệt với tất cả những mối quan hệ nào đảng không ưa, dù là quan hệ HUYẾT
THỐNG. Vì vậy mới có chuyện trong “CCRĐ”, “cải tạo tư sản”, “trừng trị nhóm
chống đảng”, “phản động”... đã xảy ra bao cảnh thương đau: con đấu tố cha mẹ,
vợ đấu tố chồng; anh em, họ hàng đấu tố nhau, từ bỏ nhau; nhiều người phải đoạn
tuyệt với người yêu, họ hàng, tổ tiên để tránh “liên quan” đến “lý lịch xấu”.
Quan hệ huyết thống bị “đào tận gốc, trốc tận rễ”; nhà thờ họ, gia phả, lăng mộ
bị hủy hoại, việc cúng giỗ tổ tiên bị coi là mê tín, dị đoan...
Có lẽ trong
lịch sử loài người, chỉ có chế độ CS mới có sức mạnh kỳ lạ, làm đảo lộn mọi mối
quan hệ về huyết thống, kinh tế, văn hóa để phục vụ “chính trị là thống soái”,
mà thực ra nó chẳng có gì bền vững như quan hệ huyết thống, quan hệ văn hóa hay
quan trọng như kinh tế.
Chính vì những quan hệ gốc rễ như vậy bị hủy hoại, mọi giá trị đảo lộn, nên xã hội rối loạn, con người đảo điên. Đối với lớp trẻ, trong khi tạo điều kiện cho họ hội nhập thành công, cần chú ý quan hệ văn hóa, vì trong đó có mọi thứ.
Chính vì những quan hệ gốc rễ như vậy bị hủy hoại, mọi giá trị đảo lộn, nên xã hội rối loạn, con người đảo điên. Đối với lớp trẻ, trong khi tạo điều kiện cho họ hội nhập thành công, cần chú ý quan hệ văn hóa, vì trong đó có mọi thứ.
Còn với xã
hội, để trở nên lành mạnh, bình thường, thì mọi mối quan hệ phải trở về đúng vị
trí của nó. Đảng cầm quyền, chính quyền không phải đứng trên đầu nhân dân để
cai trị, mà chỉ là “đầy tớ” của dân, được dân chọn ra để phục vụ; hư hỏng thì
đuổi cổ, chọn thuê ê-kip khác có tâm, có tài ra phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ
quốc. Tức là mối quan hệ chính trị của người dân với chính quyền đúng như Chủ
tịch Hồ Chí Minh nói ở trên, được thực thi trong đời sống xã hội.
14/11/2017
MVT