Ảnh phá tan rừng
pơ mu cổ thụ và các loài gỗ quý ở Yên Bái mà PV LĐ từng chứng kiến trong những
năm qua.
|
Trong năm
qua và nhiều năm gần đây, nếu có một bảng phong thần buồn bã về một tỉnh rừng
núi bị thảm họa thiên nhiên nhiều và thảm khốc nhất Việt Nam, chắc chắn TOP đầu
không thể nào thiếu cái tên: Yên Bái.
Rất nhiều người, trong nhiều năm đã đặt các câu hỏi vì sao và vì sao? Nhắm mắt cũng biết, thảm họa đến từ lối ứng xử tàn độc của con người với thiên nhiên, rừng bị phá, núi đồi bị xẻ thịt xuẩn ngốc, sông suối bị ngăn bít bởi các công trình vô lối và tham lam. Rừng là tấm áo giáp bảo bọc, là bộ khiên che chắn, là nơi giữ nước và ngăn mưa lũ gây họa. Người ta đã phá rừng ở đâu?
Câu trả lời là: Chắc chắn họ phá rừng, dù không biết phá ở những đâu và những chỗ từng tai tiếng bị phá giờ còn tái diễn điều xấu xa ngày cũ hay không? Chỉ biết rằng, trong bụng dòng nước ngầu bọt và hung hãn tràn về khi thảm sát nhiều lương dân vô tội kia, chứa rất nhiều gỗ.
Nhóm phóng viên Báo Lao Động từng đi đến tận cùng nhiều vụ phá rừng rất lớn ở Yên Bái. Có thể nói là lớn nhất từng được biết đến. Người dân bức xúc đã kỳ vọng rất nhiều. Nhưng, sự “chấn động”, sự kỷ luật, cảnh cáo vài cán bộ hư, chỉ khuấy lên làm vì trong ít ngày, rồi đâu lại vào đó.
Những cây pơ mu đường kính gần hai mét ở đỉnh cao bậc nhất của dãy Hoàng Liên Sơn trên địa phận vùng rốn lũ quét, lũ bùn, lũ ống, sạt lở như Trạm Tấu, Văn Chấn bị xẻ thịt. Ở đó, gỗ có khi được bày bán công khai như cái chợ trời đỉnh núi. Mặc cả, xẻ gỗ, vác gỗ, dọa dẫm chửi bới nhau, truy sát nhà báo khi nghi ngờ có sự hóa trang xâm nhập.
Những cây gỗ cả nghìn năm tuổi, báu vật của dãy núi cao nhất Việt Nam, hùng vĩ nhất Đông Dương vẫn bị xẻ thịt vô tư. Người ta ăn ngủ đốt lửa, dựng lều lán, cưa xẻ như thổ phỉ trong rừng. Có cả làng phá rừng pơ mu với những kẻ phá sơn lâm nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, chết cả loạt.
Những cây gỗ thơm lựng hương pơ mu bị xẻ, nhà báo lọt thỏm vào trận địa gỗ đã xẻ, tấm nào cũng to cả mét bề ngang, chợt ai đó thốt lên: Thơm ma quái như mùi nhang khói tống tiễn các cánh rừng vậy. Nếu không có lực lượng kiểm lâm Sơn La vác súng AK và giắt K59 đi cùng, chắc chắn chúng tôi không có được những bức ảnh kèm theo bài viết này về thực trạng phá rừng ở Trạm Tấu.
Bây giờ, có người bảo, pơ mu sắp hết rồi, chỉ còn vài chỏm trên đỉnh thôi. Còn đám lâm tặc thời a còng thì khôn như chuột. Chúng lẩn lút như chuột trong rừng sâu và cán bộ cỡ nào xâm nhập vào thì cũng bị cú vọ theo dõi, tẩu tán tang vật, có giời mà “mục sở thị” cảnh tàn sát thiên nhiên như xưa nữa. Cho dù thảm cảnh vẫn diễn ra. Âm thầm mà dữ dội, theo cái lối chuột chũi ăn rừng, láu cá gặm từng miếng rồi lẩn mất, năm này qua năm khác.
Bằng chứng là phục ở chân núi thì vẫn thấy pơ mu và các loại gỗ quý tuồn ra. Bằng chứng là bỏ tiền ra mua thì vẫn có cả núi gỗ thồ đến điểm hẹn để bán. Và khi mưa lũ về, gỗ vẫn ùn ùn, đầy tú hụ trong bụng bùn nước, tạo nên sức công phá khủng khiếp để giết chóc con người, hủy diệt tài sản cũng như không gian sống của họ. Các bức ảnh núi gỗ ùa về nhà dân, ùa về các thung lũng sau cơn lũ lịch sử tháng 10.2017 ở Văn Chấn là câu trả lời sinh động nhất.
Sau một thời gian thuyết phục, cũng là sau vài năm liên tiếp buốt lòng chứng kiến bà con mình chết bất đắc kỳ tử, núi đồi sông suối bị tan hoang nham nhở vì mưa, lũ, sạt lở, nhiều người dường như đã tỉnh ngộ. Bà con và cả cán bộ nữa, họ đã đồng ý bí mật dẫn chúng tôi đi chứng kiến “bí ẩn” xót xa phía sau các triền núi hiểm trở quê hương họ.
Với họ, bảo vệ rừng giờ đây là cái đức họ muốn để lại cho con cháu. Một cán bộ xã bảo: Thậm chí, hàng trăm héc-ta rừng quý ở quê anh, đến giờ, họp lãnh đạo huyện, vẫn có ý kiến kêu trời là... không biết huyện Văn Chấn hay huyện bên kia đang quản lý chúng. Đã có thời gian dài, người ta giao rừng cho một đơn vị quản lý, “các anh” này nhận tiền trông coi phát triển rừng rồi mặc kệ dân phá.
Một anh bạn trẻ tâm huyết chỉ cho chúng tôi đi thực tế “làm ví dụ” ở một vài cánh rừng quê anh: Xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Xã vùng sâu. Núi cao ngất, đường chân trời bị án ngữ vút tầm mắt. Đúng là “sáng thức dậy núi đã đầy trong mắt”. Nhưng, núi thắm đang nhạt phai từng ngày.
“Phá rừng thời công nghệ” thật khủng khiếp và tai quái. Anh ta bảo, tôi quá bức xúc. Cán bộ huyện đã đưa ra các hội nghị, bày tỏ về sự tàn phá rừng quê tôi, nguyên nhân gây thảm họa cho đồng bào mình. Huyện “tiếp thu”, hứa chấn chỉnh (nhiều cán bộ địa phương tham gia các cuộc họp - xin giấu tên - đã xác nhận với chúng tôi điều này), nhưng thời gian trôi qua đằng đẵng mà rừng vẫn liên tục bị phá.
Có điều gì uẩn khúc ở đây? Trạm kiểm lâm to đùng ngoài đầu xã, tổ bảo vệ rừng ăn lương rất đông. Việc phá rừng diễn ra trước mắt, xe máy chở gỗ gào rú đinh tai nhức óc. Xưởng bóc gỗ ở thôn Noong Tài vẫn mở cửa đón các xe gỗ từ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn quan trọng vào. Và tất cả hóa thành... ván mỏng hết.
Dân thôn, Bí thư chi bộ, trưởng thôn đều biết hết. Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La, khi trả lời PV Lao Động cũng thừa nhận hẳn hoi: Chuyện chúng tôi vừa kể ở trên là có thật, xã bức xúc và đã kiến nghị nhưng... Lại “nhưng”... và vẫn cứ “nhưng”. Xã tỏ ra bất lực và uất ức. Cấp trên của xã có gì uẩn khúc không?
Rừng vẫn bị phá đều đặn và khốc liệt. Có khi mức độ tàn khốc với những cây gỗ to và gỗ quý bị xẻ thịt nó đang giảm đi; nhưng nó giảm đi chỉ vì hết gỗ quý gỗ to rồi. Chứ mọi việc bao năm qua vẫn đâu đóng đấy. Trăm con voi vẫn chui lọt lỗ kim giữa thanh thiên bạch nhật. Lỗ kim ở đây là lỗ hổng đạo đức công vụ, lỗ hổng trong sự tử tế của con người với thiên nhiên đang bảo bọc mình và sẽ bảo bọc các thế hệ sau.
Trở lại với câu chuyện anh bạn trẻ đồng ý dẫn chúng tôi đi xem phá rừng ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Cuối tháng 10.2017. Lũ ác vẫn chưa khắc phục được hậu quả, mồ của mấy chục người chết vì lũ khu vực Sơn La - Yên Bái này vẫn chưa xanh cỏ. Trạm kiểm lâm vẫn hoạt động, đội bảo vệ rừng vẫn lĩnh lương đều đặn và đặc biệt, các ban ngành của xã vẫn báo cáo là mình đang thực hiện chức năng nhà nước và nhân dân giao phó tốt.
Vậy mà giữa ban ngày ban mặt, chúng tôi chứng kiến rừng bị phá. Xe gỗ chở trước mắt lương dân. Xưởng cưa há mồm ngoạm gỗ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, nhưng ai hỏi thì bảo đó là gỗ rừng trồng.
Lời bà Thoan, người phụ nữ cả đời gắn bó với rừng thôn Noong Tài, xã Thượng Bằng La, cứ như xoáy vào nỗi ám ảnh của chúng tôi. Bà bảo, lâu nay, ngày nào cũng chịu tra tấn bởi tiếng máy cưa gỗ, nó cứ oong oong. Nó như xoáy vào óc bà, không tài nào ngủ được. Bà biết, thế là rừng sắp hết, nguồn nước trong vắt và ngọt lành từ trên rừng chảy về thôn bản đang cạn dần. Lấy gì phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu, bà và con cháu người Noong Tài rồi sẽ đi về đâu?
Dân các thôn, chắc sắp vào cuộc chiến tranh giành nguồn nước. Mưa lũ sẽ ập về khốc hại. “Tôi sống ở Noong Tài này, đến nay cũng sắp hết một đời người rồi. Trước đây chỉ có vài người vào xẻ gỗ về làm nhà, nó là việc bình thường, không đáng kể. Còn gần đây, người ta chặt gỗ còn để bán cho mấy xưởng làm gỗ. Xẻ vô tội vạ.
Cứ ban ngày họ mang cưa lên chặt gỗ, tối lại đánh xe máy vào chở gỗ về xưởng cho nó bóc đem bán. Hôm nào có đoàn kiểm tra thì họ trốn, họ tắt tiếng máy cưa đi. Đoàn đi thì họ lại tiếp tục phá. Nói chung, người ta bảo vệ rừng không hiệu quả tí nào”, bà Thoan quả quyết.
Anh Dược là một người năng động, yêu rừng và hiểu rõ rừng đang nắm giữ bí mật về sự bình yên của cả khu vực. Anh bảo, bằng mắt thường nhìn lên rừng, cũng biết là rừng bị phá đến cả nửa diện tích rồi. Thôn đi bắt lâm tặc, bắt được cũng chỉ biết bàn giao “tang vật” cho xã, cho kiểm lâm. Mà cũng chỉ biết nhắc nhở hay phạt hành chính thôi. Chứ thôn không có quyền xử phạt nặng hoặc xử lý hình sự, vì thế lâm tặc càng lộng hành.
Tổ bảo vệ rừng của thôn không có lương, đôi khi anh em cũng nản, chỉ biết ngồi trong nhà sàn uống rượu và nghe tiếng cưa máy rên rỉ ngoài núi xa. Có khi thấy tiếng cưa máy góc rừng A, chạy lên kiểm tra thì họ đã trốn sang cánh rừng B và cưa tiếp.
Dân thôn có bảo vệ được rừng của mình không? Có, nếu họ muốn. Họ có quyền bảo vệ không? Về nguyên tắc là có. Nhưng cũng khó, vì họ không có quyền bắt giữ hay xử phạt lâm tặc. Chưa kể, nhiệm vụ này do xã, do hạt kiểm lâm Văn Chấn phụ trách. Hạt thuê cả Đội bảo vệ rừng, trả lương tiền triệu hẳn hoi. Bà con bao năm bảo vệ rừng, có tiền, giờ bị cắt, họ đưa người nơi khác về nhận nhiệm vụ này. Nhưng, nước xa làm sao cứu được lửa gần.
Đặc biệt vô lý hơn, là việc tỉnh quyết định giao 95ha rừng quý (chiếm 1/4 diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn của toàn thôn) cho một công ty tư nhân nuôi cá tầm suốt nhiều năm qua. Cả lãnh đạo thôn, xã và bà con đều biết và xác nhận với chúng tôi điều này: Làm sao nuôi ít cá tầm, đang liên tục lỗ tơi bời khói lửa thế, mà cần tới gần 100 héc-ta rừng?
Chúng tôi có mặt, chứng kiến vài cái bể nuôi toen hoẻn, gỉ sét, tù đọng, rêu phong, nhìn mãi chả thấy cá đâu. Trong khuôn viên bé xíu quây rào dây thép của mình, còn la liệt đất trống, vậy đơn vị nuôi cá tầm kia cần tới 100ha rừng làm gì?
Trong rừng xanh thắm, có suối treo mơ màng như áng tóc trữ tình “buông lơi” từ trên thiên đình xuống. Rừng nơi đây rất đẹp và có vai trò không thể thay thế trong giữ nguồn nước, bảo đảm sự an lành cho bà con. Ai cũng hiểu điều đó, song không ai hiểu, vì sao nuôi cá tầm cần tới 95ha rừng.
Họ chiếm dụng nhằm mục đích gì, vì sao tỉnh lại giao rừng kiểu đó? Có người giải thích là: Cá tầm cần nước trong, cần bảo vệ rừng đầu nguồn để có làn nước tuyệt mỹ cho giống cá quý đẻ ra vàng thoi bạc nén. Nhưng lại có người bảo, thuyết phục hơn: Bao năm qua, công ty nuôi cá tầm được giao rừng và bỏ bẵng báu vật rừng cho kẻ xấu phá hoại, chúng nó đẵn gần hết rừng rồi, mà phía công ty kia họ có tiếc rừng hay muốn bảo vệ thiên nhiên trong lành để giữ nước sạch và đủ cho cá sinh sống và sinh sản đâu?
Vậy đâu là bản chất vấn đề? Chúng tôi đi bộ một ngày ròng, trời mưa tầm tã. Những cây gỗ lớn bị xẻ thịt còn tươi rói. Những cánh rừng đầu nguồn tan hoang. Người dân vác gỗ, giấu gỗ, gùi gỗ và đinh tai nhức óc gào rú cưa máy rồi vê ga xoắn côn xe cơ giới chở gỗ ra khỏi rừng.
Người dẫn đường sợ hãi: “Nó phá thế này thì chúng em ở dưới sắp chết đến nơi!”. Khi chúng tôi bị nghi ngờ, những chiếc điện thoại di động của lâm tặc hoạt động hết công suất. Họ khoác dây thừng lững thững tay không ra khỏi rừng. Họ dắt xe máy về, sau xe buộc vài cây chuối rừng về thái cho lợn ăn. Đợi trời tối, xe ô tô của “những kẻ nghi là nhà báo hoặc công an, kiểm lâm” đi khỏi.
Toàn bộ số người chúng tôi có đều lốc nhốc rút đi. Chỉ một người trà trộn ở lại trong căn nhà hoang phục kích. Máy quay tầm xa chĩa vào lối mòn ven rừng. Một cái chợ gỗ tấp nập ngay lập tức nhộn nhịp hoạt động. Xe chở gỗ rèo rèo. Các xưởng cưa khi thấy người lạ thì nhớn nhác, theo dõi và phòng bị.
Ông Hoàng Đình Mưu, Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La thở dài: Họ toàn chở gỗ vào xưởng cưa, xưởng bóc gỗ lúc trời tối. Sáng ra, chúng tôi vào kiểm tra thì chỉ có gỗ bóc trắng toát, thơm, tấm nào cũng như tấm nào, có trời phân biệt gỗ rừng trồng và gỗ rừng phòng hộ đầu nguồn. Ông Mưu cung cấp thêm tin mới: Tỉnh Yên Bái đang tiến hành thanh tra các xưởng cưa kia, để xử lý nghiêm minh.
Gỗ đi vào xưởng. |
Ông Mưu buồn rầu trước tình trạng “công ty nuôi cá tầm” lấy 95ha rừng, được cấp sổ đỏ hẳn hoi rồi, nhưng họ bỏ mặc cho lâm tặc phá rừng tan tành. Dân ùa lên phá theo. Diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn đó, bỗng dưng cấp cho doanh nghiệp rồi - thì quyền và trách nhiệm bảo vệ rừng là của doanh nghiệp và lực lượng chức năng. Bà con, cán bộ thôn muốn “quan tâm” cũng đành chịu.
Công ty nuôi cá tầm có tên “T và T”, một chủ là ông T., nguyên Bí thư huyện ủy Văn Chấn, nguyên Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái (ông này sau đó bị bắn chết trong vụ việc tày đình cách đây chưa lâu). Sau vụ việc, một “ông chủ” quan trọng bậc nhất của dự án không thể tham gia được nữa, công ty “T và T” đổi tên là “Công ty Cá tầm Phương Bắc” đã chuyển giao quyền nuôi cá tầm và bảo vệ 95ha rừng kia cho đơn vị khác.
Theo ông Mưu và một số trí thức địa phương, qua ba bốn lần “thay ngôi đổi chủ”, dự án làm ăn thua lỗ, không có tiền trả cho lực lượng bảo vệ, công ty rút đi dần. Kẻ xấu ùa lên “đục nước béo cò”, phá tuốt. Phá rừng ở khu “cá tầm”, họ phá lan sang các cánh rừng khác thuộc 400ha rừng thôn Noong Tài.
Có khi cán bộ bắt được lâm tặc, “nó” bảo, tôi phá rừng của khu nuôi cá tầm, ông ấy không bắt thì thôi, anh có quyền gì bắt tôi? Có khi, bắt được lâm tặc phá rừng phòng hộ của thôn, nó vẫn cãi là nó “ăn” rừng cá tầm. Làm sao phân định được tại hiện trường? Mà khu vực rừng nào bị phá, trong khi nó là rừng phòng hộ đầu nguồn, thì nỗi đau chẳng như nhau?
Vậy là, rừng bị phá bởi nhiều nhẽ, trên quy mô, tính chất, diện tích rộng, suốt nhiều năm ròng. Giờ vẫn bị phá đều đặn, trước mắt chúng tôi, với những cây gỗ tươi rói, ứa nhựa, nham nhở viết chặt dở, nõn nà gỗ mới, vết cưa máy xẻ gỗ lớn thành súc - sắc ngọt và vuông rìa sắc cạnh. Có khi, rất giản dị, tỉnh huyện giao rừng cho “ông nuôi cá tầm”, rồi họ tuyệt vọng thua lỗ chả thèm quan tâm đến dự án nữa, nhưng cơ quan quản lý vẫn kệ, không thu hồi, chả quyết liệt bảo vệ, mạnh ai nấy phá.
Sự vô cảm, sự quan liêu kỳ lạ này đã dẫn đến một hậu quả kỳ lạ hơn: Đàn cá tầm nuốt chửng cả trăm héc-ta rừng phòng hộ đầu nguồn mà nhiều thế hệ người Thượng Bằng La đã gìn giữ. Bất chấp dân thôn và cán bộ đắng lòng kêu cứu: Cái miệng cá tầm vẫn há ra và ngáp một cái mất mênh mông rừng già.
Rừng bị đối xử vô cảm, thiếu hiểu biết như vậy, rừng không bị phá mới là chuyện lạ. Rừng nắm giữ bí ẩn của bao thảm họa thiên nhiên, rừng bị cạo trọc, loài người không bị giết chóc vì thiên nhiên cuồng nộ “trả vố” mới là chuyện lạ.
Biết làm sao để cán bộ ở Yên Bái tỉnh ngộ rồi thật sự ra quân bảo vệ rừng bây giờ?
Trần Thị Thanh Tâm