Xuân Dương : " Pháp luật chỉ có thể được tôn trọng khi quan chức “không muốn, không thể và không dám tham nhũng”.
Trong ba yếu tố đó “không muốn” là quan trọng nhất bởi một khi người ta đã “muốn tham nhũng” thì người ta có thể tìm nhiều cách, kể cả khi biết rằng sẽ bị trừng trị.
Để cán bộ, công chức không thể tham nhũng thì cần hoàn thiện pháp luật và minh bạch trong mọi hoạt động, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến tiền bạc, chức tước.
Còn để người ta “không dám tham nhũng” thì hình thức răn đe phải đủ nghiêm khắc, cán bộ phải bị xử lý nặng hơn dân thường. "
(GDVN) - Pháp luật được thượng tôn sẽ tránh cho những vị từng là lãnh đạo cao cấp không phải rơi nước mắt xin lỗi nhân dân, đó chính là những gì mà người Việt mong đợi.
Năm 2017, khi đất nước đạt những thành tựu ấn tượng về kinh tế, thể thao,… thì cũng là lúc mức độ “tăng trưởng” về chức vụ của cán bộ bị kỷ luật, bị xử lý hình sự có sự gia tăng đột biến.
Chưa bao giờ số lượng cán bộ cao cấp đương chức hoặc đã nghỉ hưu từ Bí thư, Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý nhiều như thời kỳ này.
Nhiều cán bộ cao cấp bị xử lý không phải do những người này mới mắc sai phạm mà do một thời gian dài buông lỏng quản lý, do cách thức chống tham nhũng trước đây chỉ mới “từ vai trở xuống”.
Một trong những nguyên nhân chính là việc pháp luật chưa được tôn trọng, có thời điểm xuất hiện tổ chức gọi là “Liên ngành tư pháp” mà ý kiến, ý định của tổ chức này khiến cả Công an, Kiểm sát và Tòa án đều phải tuân theo.
Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (Vov.vn) ngày 1/2/2018 trong một bài viết đặt vấn đề:
“Để xây dựng Chính phủ kiến tạo thì phải kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện phá hoại sự tôn nghiêm của pháp luật, làm hư hỏng bộ máy công chức”. [1]
Thực ra, những biểu hiện phá hoại sự tôn nghiêm của pháp luật không chỉ tìm thấy ở “bộ máy công chức hư hỏng” mà cũng còn tìm thấy ở những thành phần khác như viên chức, doanh nhân và người dân bình thường.
Tuy nhiên việc tập trung vào “bộ máy công chức” không phải là không có lý do.
Bởi “bộ máy công chức” chính là những cá nhân, tập thể được nhà nước giao trách nhiệm bảo vệ pháp luật. |
Người dân phải hối lộ quan chức để được việc cũng chính là “phá hoại sự tôn nghiêm của pháp luật” song đây là sự “cực chẳng đã”, nằm ngoài ý muốn nếu không gọi là bị bắt buộc.
Nói đến sự tôn nghiêm của pháp luật, người dân thường liên tưởng đến ba cơ quan là Công an, Kiểm sát và Tòa án, tuy nhiên đó chưa phải là toàn bộ các bộ phận cấu thành nhà nước.
Đa số người dân nhìn vào thái độ thực thi công vụ của cán bộ trong cơ quan công quyền, của Công an, Kiểm sát khi khởi tố điều tra, khởi tố vụ án, của các Thẩm phán khi xét xử để xem pháp luật có được tôn trọng hay không.
Điều này đúng nhưng chưa bao quát toàn diện, chưa đi đến tận cùng vấn đề.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính xác khi cho rằng:
“Chính phủ xác định phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực thi pháp luật, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. [1]
Việc đầu tiên và quan trọng nhất như khẳng định của Thủ tướng là “tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”.
Nói cụ thể hơn là phải bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh, không chậm trễ những điều đã được ghi trong Hiến pháp và các bộ luật đã có hiệu lực thi hành.
Không phải ngẫu nhiên nhiều phiên họp Quốc hội, các đại biểu đã chất vấn chính phủ về việc hoãn trình dự thảo Luật Biểu tình, Luật về Hội,…
Mười ba năm trước, ngày 24/5/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 48-NQ/TW xác định cụ thể những quan điểm chỉ đạo, các định hướng lớn và những giải pháp cơ bản cho hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Điều 2 Nghị quyết nêu rõ:
“Xây dựng các đạo luật về lập hội, biểu tình nhằm xác định rõ quyền, trách nhiệm của công dân trong việc thực thi quyền dân chủ và trách nhiệm của Nhà nước trong việc duy trì, bảo đảm kỷ cương, trật tự công cộng”. |
Điều này cho thấy không chỉ các nghị quyết mang tính chỉ đạo của Bộ Chính trị mà các nghị quyết của Quốc hội - văn bản có tính pháp lý bắt buộc các cơ quan nhà nước phải thực hiện - cũng chưa được tuân thủ nghiêm túc.
Phải chăng đây mới chính là những vấn đề cốt lõi liên quan đến “sự tôn nghiêm của pháp luật”?
Học thuyết về Nhà nước của Chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định:
Nhà nước là bộ máy do giai cấp thống trị về kinh tế - chính trị thiết lập ra nhằm hợp pháp hóa và củng cố quyền cai trị (của giai cấp thống trị) đối với các giai cấp, tầng lớp khác.
Nói cụ thể hơn, giai cấp thống trị sử dụng bộ máy nhà nước để ban hành các đạo luật và không ít trường hợp, luật pháp được sử dụng như là công cụ đàn áp, cưỡng bức các giai cấp khác nhằm phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị bên cạnh việc dùng nó (luật pháp) để quản lý xã hội.
Giữ gìn sự tôn nghiêm của pháp luật, về bản chất chính là giữ gìn quyền thống trị của một giai cấp hoặc một liên minh các giai tầng đối với các thành phần còn lại của xã hội.
Trong một quốc gia mà quyền lực cao nhất thuộc về nhân dân, nhà nước được xây dựng trên nguyên tắc “của dân, do dân và vì dân” thì quyền thống trị thuộc về nhân dân, điều này có đồng nghĩa với việc không còn sự phân biệt giai cấp lãnh đạo hay bị lãnh đạo? |
Khoản 2, điều 2 Hiến pháp 2013 nêu:
“Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
Công nhân, nông dân, trí thức liên minh thành lực lượng nòng cốt nắm quyền lãnh đạo.
Các tầng lớp khác như tiểu thương, giới biểu diễn (showbiz), doanh nhân,… vì đều là “Nhân dân” nên cũng có vai trò nào đó, nhưng không phải là “nền tảng” trong “quyền lực nhà nước” như Hiến pháp đã chỉ rõ.
Vấn đề là tất cả các thành phần tạo thành “Nhân dân” đó có trực tiếp tham gia quản lý nhà nước hay không?
Câu trả lời có thể tìm thấy chính trong Nghị quyết 48-NQ/TW:
“Hoàn thiện pháp luật về quyền giám sát của các cơ quan dân cử, quyền trực tiếp giám sát, kiểm tra của công dân đối với các hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức;
Mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước; ban hành Luật về trưng cầu ý dân”.
Cho đến nay chưa có một đạo luật riêng về “quyền trực tiếp giám sát, kiểm tra của công dân” mà chỉ có quy định về “giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội đối với cơ quan hành chính nhà nước”.
Nhân dân ủy thác quyền lực cho Quốc hội, Quốc hội thay mặt Nhân dân ban hành các đạo luật và lực lượng cán bộ, công chức chịu trách nhiệm thực thi những gì mà pháp luật quy định.
Khi chưa có Luật Biểu tình, Luật về thành lập Hội thì việc người dân biểu thị nguyện vọng của mình không thể nói là không có những khó khăn nhất định.
Bản thân việc đặt vấn đề “phải kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện phá hoại sự tôn nghiêm của pháp luật” chỉ là cảnh báo một nguy cơ có thể thành hiện thực hay cho thấy trên thực tế pháp luật chưa được tôn trọng - nghĩa là quyền của nhân dân chưa được tôn trọng?
Hãy xem xét qua một sự việc vừa xảy ra, Công an Phú Quốc - Kiên Giang bêu tên người mua, bán dâm tại nơi công cộng.
Xin trích dẫn ý kiến trong bài báo “Công an Phú Quốc bêu tên người mua bán dâm: Hệ lụy khủng khiếp” trên Vov.vn:
“Quy định của pháp luật hiện nay cho thấy mua bán dâm không phải là tội phạm, nó chỉ là vấn đề tệ nạn xã hội.
Những hành vi mua bán dâm trên chỉ đáng bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013…
Việc làm của Công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc là hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác”. [2]
Liệu việc làm của Công An Phú Quốc có phải là “phá hoại sự tôn nghiêm của pháp luật” hay các quy định trong luật và các văn bản dưới luật không rõ ràng khiến người thực thi công vụ khó áp dụng?
Hiện tượng kết bè kéo cánh, hiện tượng “vua con” tại các địa phương, hiện tượng mua quan bán chức mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các văn kiên của Đảng đã đề cập là do cán bộ, công chức “phá hoại sự tôn nghiêm của pháp luật” hay do chế tài xử lý không mang tính răn đe khiến người ta không sợ?
Thực tế cho thấy tại bất kỳ quốc gia nào, từ xưa đến nay, sự tôn nghiêm của pháp luật luôn mang tính tương đối, vấn đề chỉ là ở chỗ pháp luật bị lợi dụng, bị bẻ cong ít hay nhiều và người dân có hiểu biết thấu đáo những quyền hiến định của mình hay không?
Một thể chế chính trị dung túng cho nhân viên công quyền phá hoại sự tôn nghiêm của pháp luật chắc chắn không phải là thể chế mạnh.
Một lãnh đạo biết mười mươi nhân viên dưới quyền tham nhũng, hối lộ, mua quan, bán chức nhưng lại vờ như không biết, dung túng bao che cho cấp dưới làm trái pháp luật chắc chắn không phải là người có uy tín.
Chỉ khi nhìn vào cách đối xử của đồng liêu, của cấp dưới khi người đó rời xa chính trường là đủ biết thực tế đó là người thế nào.
Luôn tồn tại mâu thuẫn giữa giữ ổn định chính trị để phát triển kinh tế với đòi hỏi đổi mới thể chế theo quy luật biện chứng của sự phát triển.
Sự thay đổi về lượng chắc chắn sẽ dẫn tới sự thay đổi về chất, đó là một trong ba quy luật quan trọng nhất của triết học Mác - Lênin.
Trở thành một nước có thu nhập trung bình, dân số đạt gần 100 triệu người, dự trữ vàng và ngoại tệ trong dân đạt con số ấn tượng khoảng 500 tấn vàng và nhiều tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt trên 6% một năm đã làm biến đổi cơ bản tiềm lực kinh tế đất nước.
Quá trình tích tụ của cải vật chất của quốc gia, nâng cao thu nhập từng cá nhân chính là sự thay đổi về lượng.
Sự thay đổi về lượng rất dễ nhận thấy, sự thay đổi về chất - tức là thể chế chính trị rất khó dự báo bởi theo quy luật nó là một bước nhảy vọt, diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Nhìn chung người Việt không muốn những diễn biến kiểu “Cách mạng màu” hay “Mùa xuân Ả rập”, vấn đề là không thể không có những thay đổi về chất cách thức quản lý đất nước.
Pháp luật chỉ có thể được tôn trọng khi quan chức “không muốn, không thể và không dám tham nhũng”.
Trong ba yếu tố đó “không muốn” là quan trọng nhất bởi một khi người ta đã “muốn tham nhũng” thì người ta có thể tìm nhiều cách, kể cả khi biết rằng sẽ bị trừng trị.
Để cán bộ, công chức không thể tham nhũng thì cần hoàn thiện pháp luật và minh bạch trong mọi hoạt động, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến tiền bạc, chức tước.
Còn để người ta “không dám tham nhũng” thì hình thức răn đe phải đủ nghiêm khắc, cán bộ phải bị xử lý nặng hơn dân thường.
Pháp luật được thượng tôn sẽ tránh cho nhiều người - từ dân thường đến cựu Ủy viên Bộ Chính trị - không phải khóc trước tòa vì tự cho là mình oan sai hay vì hối hận.
Pháp luật được thượng tôn cũng sẽ tránh cho những vị lãnh đạo cao cấp không phải rơi nước mắt xin lỗi nhân dân, đó chính xác là những gì mà người Việt mong đợi lúc này.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vov.vn/xa-hoi/cong-an-phu-quoc-beu-ten-nguoi-mua-ban-dam-he-luy-khung-khiep-726060.vov
[2] http://vov.vn/chinh-tri/kien-quyet-loai-bo-moi-bieu-hien-pha-hoai-su-ton-nghiem-cua-phap-luat-725716.vov
Xuân Dương
http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Ho-da-cung-nhau-pha-hoai-su-ton-nghiem-cua-phap-luat-post183584.gd