Dương Văn
Ni
Dù muốn đánh đổi cái gì đi nữa thì cũng đừng đánh đổi sự sống còn. Bởi sự chọn lựa này là không có cơ hội để sửa sai! Ảnh: Huỳnh Công Bá |
(TBKTSG
Xuan AL) - Nếu buộc phải chọn lựa giữa sống còn và phát triển, thì
chắc ai cũng phải chọn sống còn. Ấy vậy, mà với những gì đã và đang xảy ra
ở đồng bằng sông Cửu Long, thì sự chọn lựa đó đôi khi là ngược lại!
Sau bữa
ăn sáng, người chồng nói phải đi họp, người vợ thì đi chợ và đứa con thì đi
thi. Tuy nhiên những người hàng xóm thì thấy họ chẳng đi đâu cả trong ngày
hôm đó. Vậy có phải là họ đã dời hay hủy kế hoạch của từng người hay không?
Thật ra thì mỗi người trong gia đình đó đã hoàn thành kế hoạch trong ngày
của mình, bởi vì người chồng thì tham gia một buổi họp trực tuyến, người vợ
thì đi chợ qua mạng và đứa con thì đang theo học chương trình giáo dục từ
xa.
Đang
ngồi uống cà phê với bác nông dân từ Cà Mau mới lên Cần Thơ thì nghe điện
thoại của bác kêu bíp bíp, rồi bác mở ra bấm bấm... Thì ra bác đang “bơm”
nước mặn vào các ao nuôi tôm. Nhờ hệ thống điều khiển từ xa, nên khi độ mặn
trong ao nuôi tôm bị giảm, tức thì tín hiệu được chuyển đến cho bác, dù ở
đâu bác cũng có thể “ra lệnh” cho hệ thống ở nhà bơm nước biển bổ sung vào
ao nuôi.
Nói như
vậy để thấy là ngày nay sự phát triển đã làm thay đổi hoàn toàn những hiểu
biết vốn có của chúng ta. Ví như “đi chợ” mà không cần phải ra khỏi nhà,
“đi họp” mà không cần đến phòng ốc, “đi thi” mà chẳng có giám thị phát đề
thi và canh gác, ngồi uống cà phê ở Cần Thơ mà vẫn “bơm nước” ở tận Cà Mau!
Nhìn
rộng ra cho toàn xã hội chúng ta còn bắt gặp những thứ thay đổi đã làm xáo
trộn cả những hiểu biết thông thường hiện nay như trồng trọt không cần đất
đai; tưới tiêu thì không cần tưới cho cả khu ruộng mà có thể tưới theo nhu
cầu nước cho từng cây; kinh doanh taxi thì không cần mua xe, không cần thuê
mướn tài xế...
Tất cả
những thay đổi này là do sự phát triển của ngành công nghệ thông tin, mà
mọi người hay nói là cuộc “cách mạng 4.0”. Cách mạng 4.0 kết nối chúng ta ở
mỗi nơi mỗi lúc, thỏa mãn nhu cầu ngày càng nhiều của con người, tạo ra cơ
hội bình đẳng hơn cho sự cạnh tranh của từng cá nhân trong xã hội. Chắc là
sau 4.0 sẽ có 5.0, 6.0 hay 7.0 tiếp theo. Sự phát triển này sẽ còn làm đảo
lộn những hiểu biết thông thường của chúng ta hiện nay.
Tuy
nhiên, dù có “đi chợ” kiểu nào đi nữa thì hàng hóa mà người thật hay người
máy (robot) mang đến tận nhà cũng là thịt cá, rau củ, muối đường. Trong đó
muối thì phải mặn, đường phải ngọt, cà chua thì phải chua và khổ qua thì
phải đắng. Hóa ra những thứ cần cho nhu cầu sống thì không thay đổi bao
nhiêu. Dù trái cà chua có vuông tròn, to nhỏ, đỏ vàng thay đổi đến đâu thì
nó vẫn phải có mùi vị của cà chua mà không thể là một loại trái nào khác.
Vì vậy
dù phát triển làm cho mọi thứ có thể thay đổi từ “thật” sang “ảo”, như
người thật thì không đẹp nhưng khi “lên mạng” thì hóa thành hoa hậu dễ
dàng, ngoài đời thì lao động vất vả vậy mà nhóm “bạn bè ảo” vẫn luôn gọi
“đại gia” mỗi ngày. Tuy nhiên dù có “ảo” đến đâu nhưng những thứ cần cho
nhu cầu sống thì không thể nào “ảo” được, đó là cần không khí để thở, nước
để uống, cơm cá thịt rau để ăn và nhà cửa để ở.
Trong đó
nếu có tiền thì có thể mua được nhà đẹp, mua được thức ăn ngon và hợp vệ
sinh, nhưng không thể nào mua được một bầu không khí trong lành. Và ai ai
cũng biết là con người có thể nhịn ăn vài ngày, nhịn uống vài giờ, nhưng
chỉ “nhịn thở” được có vài phút!
Ấy vậy
mà khi nhìn xung quanh chúng ta thì không khí là thứ tài nguyên rẻ nhất, ít
ai quan tâm nhất. Người ta sẵn sàng đốn trụi một khu rừng tự nhiên để làm
thủy điện vì lý do cần điện cho phát triển. Luật lệ để kiểm soát việc xả
chất thải ô nhiễm xuống đất xuống sông thì xây dựng rất chặt chẽ, nhưng nếu
xả “lên trời” thì khá dễ dàng.
Đồng
bằng sông Cửu Long là vùng đất trù phú, là nơi sản xuất chính các mặt hàng
thiết yếu cho sự sống như lúa gạo, cá tôm, heo gà, rau màu, cây ăn trái,
thì lại mọc lên hàng chục nhà máy nhiệt điện than, nhà máy tái chế giấy phế
liệu, nhà máy hóa chất với cùng một lý do là phục vụ cho sự phát triển. Mỗi
năm lại có hàng triệu tấn hóa chất độc hại đổ thẳng vào đồng ruộng, ao
chuồng, sông rạch cũng được biện minh là do nhu cầu sản xuất. Làm sao để có
thể thuyết phục được người tiêu dùng ở trong nước và trên thế giới là hàng
hóa nông sản của chúng ta sạch và an toàn?
Để rồi
người dân sống ở một nơi có nguồn nước mặt dồi dào nhất thế giới thì lại
phải xài nước ngầm vì nguồn nước mặt đã bị ô nhiễm. Ai cũng biết là nguồn
nước ngầm này có hạn và càng hút lên sử dụng thì mặt đất càng lún sụt, ngập
lụt càng gia tăng.
Quan
trọng hơn là còn lại nước mưa, một nguồn nước trời cho đã giúp những người
tiên phong khai khẩn vùng duyên hải của đồng bằng sông Cửu Long tồn tại
hàng trăm năm qua, cũng đang có nguy cơ bị ô nhiễm do các nhà máy nhả khói
ngày đêm lên trời.
Vậy mà
nhiều người vẫn ráng biện minh là muốn phát triển thì bắt buộc phải đánh
đổi. Nhưng dù muốn đánh đổi cái gì đi nữa thì cũng đừng đánh đổi sự sống
còn. Bởi sự chọn lựa này là không có cơ hội để sửa sai!