13/03/2018 14:35 GMT+7
TTO - Chiếc xuồng rách nát vá chằng vá đụp chở tiểu đội cảm tử xuất phát từ Cô
Lin thẳng hướng Gạc Ma. Ở đó, giữa lởm chởm san hô là la liệt người kiệt sức vì
bị thương và thi thể những người hi sinh. Máu nhuộm đỏ cả một vùng san hô và
nước!
Có hai người bị thương rất nặng, khi
chúng tôi đưa về đến đảo Sinh Tồn thì hi sinh, trong đó có anh Doan - thuyền
phó tàu 605. Người còn lại là công binh xây đảo của tàu 604, bị cụt hai chân do
mất nhiều máu quá không cầm được. Anh Doan bỏng nặng khi tàu 605 bị bắn cháy.
Anh Doan còn trẻ, rất giỏi, là trung úy, học ở Bulgaria bảy năm về, chưa có vợ
Từ
đảo Cô Lin, quan sát qua ống nhòm thấy tại Gạc Ma đang đỏ lửa đạn từ tàu Trung
Quốc bắn ra.
Dù
con tàu HQ 505 đang bị cháy vì đạn của Trung Quốc và chưa nhận được lệnh từ Sở
Chỉ huy trong đất liền về việc đi cứu đồng đội nhưng cấp ủy, chỉ huy tàu đã chỉ
đạo quyết đoán: bằng mọi giá phải cứu vớt toàn bộ anh em còn sống và cả những
người hi sinh trên đảo Gạc Ma đưa về tàu HQ 505.
Hạ
xuồng cứu sinh
"Thuyền
trưởng Vũ Huy Lễ ra lệnh khẩn cấp hạ xuồng cứu sinh số 1, tổ chức một tiểu đội
cảm tử đi sang Gạc Ma tìm kiếm và cứu đồng đội, những người đang trôi dạt trên
biển và cả những người đã hi sinh" - cựu pháo thủ tàu HQ 505 Đoàn Tất Hồng
nhớ lại.
Lúc
đó không ai biết chắc quân Trung Quốc còn quay lại tấn công nữa hay không. Ngay
thời điểm đó, việc đi cứu thương binh rất nguy hiểm. Sang Gạc Ma lúc này là
chuyến đi giữa sống và chết.
Ai
sẽ là người đi sang Gạc Ma? Câu hỏi vang lên và sáu sĩ quan, chiến sĩ đã dũng cảm
xung phong.
Đó
là trung úy Dương Hải Nam - chỉ huy xuồng, thượng úy Nguyễn Văn Đỉnh - lái xuồng,
trung sĩ Nguyễn Văn Thành, tiểu đội phó Lê Tiến Dũng, pháo thủ Đoàn Tất Hồng và
chiến sĩ cơ điện Ngô Sĩ Hữu.
Khi
hạ xuồng cứu sinh mới hay chiếc xuồng đã bị nhiều mảnh đạn pháo Trung Quốc bắn
thủng, thân xuồng vỡ, có những vết rách dài. Máy vẫn còn hoạt động được nhưng
chạy giữa biển sẽ rất nguy hiểm.
"Lúc
đầu chúng tôi định không đi nữa nhưng tính mạng của đồng đội là trên hết. Chúng
tôi cứ nghĩ nhỡ có ai bị thương đang trôi dạt trên biển cần có sự hỗ trợ mà
mình không đến kịp, sẽ hi sinh.
Nghĩ
đến đó là quyết đi cho được, không nghĩ đến tính mạng của mình nữa. Mọi người
xúm lại dùng các nút chống chìm bịt các lỗ thủng trên xuồng" - cựu binh
Đoàn Tất Hồng nhớ lại.
Chiếc
xuồng rách nát vá chằng vá đụp chở tiểu đội cảm tử xuất phát từ Cô Lin thẳng về
hướng Gạc Ma. Trong khi đó trên tàu 505, một tổ cứu thương đã chuẩn bị mọi thuốc
men, sẵn sàng cứu chữa khi đồng đội được đưa về.
"Tôi
vẫn còn nhớ câu nói của thuyền trưởng khi giao nhiệm vụ: Anh em phải sẵn sàng
hi sinh để thực hiện nhiệm vụ. Bằng mọi giá phải cấp cứu đồng đội đưa về tàu HQ
505. Cả xuồng chỉ có ba khẩu AK 47 mang theo phòng thân.
Mang
theo phòng vậy thôi chứ nếu gặp tàu chiến Trung Quốc câu đạn pháo vào thì cũng
hi sinh hết!", cựu pháo thủ Đoàn Tất Hồng kể.
"Từ
Cô Lin sang Gạc Ma gần 6km. Những lỗ thủng dù được bịt lại nhưng nước biển vẫn
tràn vào. Chúng tôi vừa đi vừa múc nước ra chống chìm" - cựu binh Lê Tiến
Dũng cho biết.
"Các
nút bịt bị bung ra. Chúng tôi cởi áo bịt lỗ hổng. Anh em vẫn quyết tâm tiếp cận
Gạc Ma. Có một tình huống nghẹt thở nữa là đang chạy giữa biển thì xuồng bị chết
máy. Cọc bình bị lỏng, đề máy không nổ".
"Lúc
đó nguy cơ bị tàu Trung Quốc bắt rất cao. Ba tàu chiến Trung Quốc cách chúng
tôi chỉ 5 - 6 hải lý. Xuồng bị trôi một đoạn khá xa. Chúng tôi vẫn bình tĩnh động
viên nhau cố gắng khắc phục sự cố", anh Dũng kể.
Trung sĩ Đoàn Tất Hồng, cựu pháo thủ tàu HQ 505, kể lại chuyện 30 năm trước - Ảnh: MY LĂNG |
Tình
đồng đội
Ở
Gạc Ma lúc này thủy triều đã rút xuống thấp. Mặt đảo lô nhô nền san hô. Một chiếc
xuồng nhôm của tàu HQ 604 bị đứt dây trôi ra xa đảo. Một chiếc xuồng khác vướng
vào san hô, mắc cạn nằm đó.
Đó
là hai chiếc xuồng nhôm lúc sáng đã chở công binh hải quân vào đảo.
Giữa
lởm chởm san hô là la liệt những người còn sống đang kiệt sức vì bị thương và
thi thể những người đã hi sinh. Máu nhuộm đỏ cả một vùng san hô và nước!
Anh
Đoàn Tất Hồng xúc động nhớ lại: "Chưa chạm vào đảo, chúng tôi đã nhảy xuống
lội vào cứu đồng đội, gom thi thể những anh em đã hi sinh. Có người máu vẫn chảy
ra. Nhiều anh em khát nước, không còn sức nằm thoi thóp.
Cảm
giác lúc đó không có từ ngữ nào tả nổi. Không ai cầm lòng được. Ai cũng khóc.
Lúc đó tình đồng đội còn hơn cả tình ruột thịt. Suy nghĩ đầu tiên là phải cứu
những người còn sống ngay, càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt trước khi
quân Trung Quốc quay lại.
Sáu
anh em thu gom, vớt những phần thi thể chân, tay bị rơi rụng ra, những phần thịt
bị nát. Nhiều thân thể không nguyên vẹn. Chúng tôi cố gắng vớt bằng hết, còn
cái gì vớt cái đó, cả người sống và người chết. Lúc đó mọi người không còn quan
tâm đến quân Trung Quốc nữa".
Hơn
40 cán bộ chiến sĩ, trong đó có thương binh và cả thi thể đã được xếp lên chiếc
xuồng nhôm và được cột dây để xuồng cứu sinh kéo về Cô Lin. Khi phát hiện chiếc
xuồng đang chạy về hướng Cô Lin, các tàu chiến Trung Quốc tức tốc quay lại.
"Chúng
tôi vừa chạy vừa tiếp tục chống chìm và kéo đồng đội về. Ngoảnh lại thấy bốn
tàu khu trục của Trung Quốc đang đuổi theo. Hồi sáng sau khi bắn xong, chúng
rút ra xa. Nó nhìn qua ống nhòm thấy chúng tôi nên đuổi theo. Nhưng khi chúng đuổi
gần đến thì chúng tôi đã về đến tàu HQ 505", anh Đoàn Tất Hồng kể.
Tôi cứ hi vọng, nhưng…
Đã 30 năm trôi qua, thượng tá Võ Tá Du (khi đó là
thuyền phó chính trị tàu HQ 505) vẫn không thể quên cảnh tượng khi chiếc xuồng
chở 45 thương binh, liệt sĩ về đến Cô Lin:
"Chúng tôi ra tận mép đảo đón. Tất cả nằm
trong xuồng. Nước biển và máu đỏ lòm, lênh láng trong xuồng. Anh Lanh bị thương
rất nặng, nằm thở thoi thóp. Trong xuồng còn có thi thể anh Phương. Nhìn cảnh
tượng lúc đó không ai kìm được nước mắt...
Tôi cứ hi vọng sẽ gặp lại những đồng chí, đồng
đội thân thiết. Nhưng sau trận chiến đó, không ai về nữa...".
********************
MY LĂNG