31 mars 2018

Thế cờ và cá tính của hai lãnh tụ trước: Cuộc họp Donald Trump – Kim Jong Un


Nguyễn Thanh Trang


Ngày 8/3/18 sau khi hội kiến lãnh tụ Kim Jong Un tại Bắc Hàn, ông Chung Eui-Young, giám đốc an ninh Nam Hàn tuyên bố Kim Jong-Un đã nhờ ông trao thư mời Tổng thống Mỹ Donald Trump phó hội với ông. Bắc Hàn cam kết sẽ ngưng thử nghiệm tên lửa đạn đạo và phát triển vũ khí nguyên tử. Hai ngày sau phái đoàn Nam Hàn đã bay sang Hoa Kỳ để chuyển bức thư đó đến T.T. Trump. Trước khi rời Tòa Bạch Ốc, trưởng phái đoàn Chung Eui-Young loan báo  T.T. Trump đã nhận lời mời của Kim Jong-Un. Theo dự kiến, cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn sẽ diễn ra vào cuối tháng 5/2018.



Thế giới hết sức ngạc nhiên và không ngờ trước tin quan trọng đó vì trong suốt năm vừa qua hai vị lãnh tụ đó đã nhiều lần khẩu chiến và chữi bới nhau thậm tệ. Quyết định của T.T. Trump quá vội vàng và chưa tham khảo với một cố vấn nào, kể cả Ngoại Trưởng Rex Tillerson.

Trong ba tuần qua đã có nhiều bình luận gia quốc tế bàn về  biến cố trọng đại đó. Trong bài nầy, chúng tôi chỉ nêu lên một số dữ kiện liên quan đến thế cờ và cá tính của Chủ tịch Bắc Hàn và Tổng thống Mỹ để từ đó quý độc giả thử suy đoán hội nghị thượng đỉnh sẽ đi về đâu.

Năm ngoái tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, T.T Donald Trump đã cực lực lên án hành vi ngoan cố của Bắc Hàn.  Ông tuyên bố nếu Bắc Hàn cứ tiếp tục phát triển vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo, đe dọa nền an ninh của Hoa Kỳ, ông sẽ cho tấn công vũ bão như chưa từng thấy. Trước sự đe dọa đó, Kim Jong-Un đã trả lời “chó sũa mặc chó”.

Từ trước đến nay chưa hề có một vị Tổng Thống Mỹ nào đang nhậm chức đã họp với lãnh tụ Bắc Hàn. Không những thế, Donald Trump và Kim Jong-Un đã nhiều lần có lời qua tiếng lại, chưỡi bới nhau thậm tệ. Nhưng nay họ đã nhanh chóng làm lành và đồng ý gặp nhau. Lý do tại sao?

Thế Cờ của Kim Jong-Un và Donald Trump

Có rất nhiều lý do phức tạp, nhưng theo thiển ý của chúng tôi, sau đây là những lý do quan trọng nhất:

Thứ nhất, sau nhiều năm bị Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ trừng phạt kinh tế, Bắc Hàn đã bị cô lập hoàn toàn. Đời sống của đa số dân chúng ngày càng trở nên khốn khổ hơn. Vì vậy, đã có nhiều mầm mống bất mãn với chế độ. Dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-Un, trong sáu năm qua Bắc Hàn đã 6 lần thử nghiệm vũ khí nguyên tử thành công. Lần cuối cùng vào tháng 9-2017 với quả bom nguyên tử chừng 100-150 kilotons, lớn gấp 7 đến 10 lần quả bom mà trong đệ nhị thế chiến Hoa Kỳ đã thả xuống Hiroshima của Nhật Bản. Bắc Hàn đã có nhiều vũ khí hạt nhân và hỏa tiển liên lục địa. Đó là một kho vũ khí nguyên tử quan trọng nên bây giờ Kim Young-Un rất tự tin, không sợ thế lực nào bắt nạt và đe dọa. Vì vậy, ông ta mới muốn đàm phán về hạn chế vũ khí nguyên tử với Trump để tháo gỡ tình trạng cô lập của Bắc Hàn.

Thứ hai, thế vận hội Mùa Đông năm 2017 được tổ chức tại Nam Hàn là một cơ hội tốt để Bắc và Nam Hàn gặp gỡ sau một thời gian khá dài hai bên đã cắt đứt mọi liên lạc. Nhờ đó, họ đã thỏa thuận Nam và Bắc Hàn sẽ cùng tham dự thế vận hội như một phái đoàn dưới lá cờ của nước Triều Tiên thống nhất trước khi bị chia đôi. Nhân dịp đó, Kim Young-Un đã mời Nam Hàn cử một phái đoàn sang Bắc Hàn để thảo luận các vấn đề lợi ích hổ tương cho cả hai miền. Sau khi hai bên đã đồng ý nối lại quan hệ bình thường, lãnh tụ Bắc Hàn đã yêu cầu phái đoàn Nam Hàn chuyển đến Tổng thống Mỹ bức thư mời gặp gỡ Kim Young-Un. Nam Hàn đã đáp ứng đề nghị của Bắc Hàn và cử ngay một phái đoàn cao cấp bay sang Hoa Kỳ để trao thư và thuyết phục T.T. Trump.

Thứ ba, về phía Hoa Kỳ, T.T. Trump đang gặp nhiều khó khăn nội bộ. Hầu hết các phụ tá cao cấp của Trump, và ngay cả Đổng lý văn phòng tại Tòa bach ốc cũng chỉ làm việc được vài tháng là từ nhiệm hoặc bị cách chức. Một số viên chức cao cấp tại các bộ và hai cơ quan an ninh đầu não như FBI và CIA, đã có nhiều bất hòa với T.T. Trump nên đã sớm từ chức hoặc bị ông cách chức. Ngoài ra, T.T. Trump còn điên đầu với Ủy Ban đặc nhiệm Mueller đang tiến hành cuộc điều tra thật hư như thề nào về âm mưu của Nga muốn hạ uy tín bà Hillary Clinton của đảng Dân Chủ, giúp Donald Trump thắng cử. Ủy ban cũng xét xem có sự toa rập giữa Putin và các phụ tá của Trump hay không. Nếu cuộc họp thượng đỉnh được tiến hành và đạt được kết quả tốt đẹp thì đó sẽ là một thắng lợi lớn và cũng là cơ hội cứu nguy cho T. T. Trump. Vì vậy ông ta đã vội vàng nhận lời, không cần tham khảo ý kiến của bất kỳ ai.

Thứ tư, trước quyết tâm phát triển võ khí nguyên tử của Bắc Hàn, bất chấp sự trừng phạt của thế giới và những răng đe của Trump, chiến tranh nguyên tử có thể xẩy ra bất cứ lúc nào vì T.T. Trump là một lãnh tụ rất khác thường. Thêm váo đó, tính tình ông rất nóng nãy và lắm lúc đã hành động táo bạo khó lường! Đó là lý do tại sao hầu hết các  nước như Anh, Pháp, Nga, Đức và Trung Cộng đều hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh tay đôi Donald Trump - Kim Young-Un.

Cá tính của Kim Young-Un và của Donald Trump

Cố lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-il có ba người con trai, nhưng ông đã chọn Kim Young-Un, là người nhỏ tuổi nhất, vì ông đã đánh giá cậu út là nhân vật có bản lãnh và là người xứng đáng nhất để lên thay cha lãnh đạo Bắc Hàn khi ông trăm tuổi. Từ lúc mới được 11 tuổi, Kim Young-Un đã được phong chức Đại tướng 4 sao, có chương trình dạy kèm và huấn luyện bí mật nhằm giúp cậu sớm phát triển tinh thần độc lập, tự tin và am tường kỷ năng lãnh đạo. Sau khi học xong bậc trung học, ông đã được đưa sang Thụy Sĩ du học trong hơn hai năm dưới một tên khác và như một thường dân Bắc Hàn . Sau đó, dù chưa tốt nghiệp đại học ông đã hồi hương để phụ giúp thân phụ. Trong khi đó, các cơ quan tuyên truyền của Bắc Hàn đã có kế hoạch lăng xê Kim Joung-Un như một thiên tài xuất chúng. 

Vào tháng 12/2011 Kim Jong-il qua đời ở tuổi 70, quốc hội Bắc Hàn đã bầu Kim Young-Un, 27 tuổi, vào chức vụ Chủ Tịch nước, kiêm chủ tịch Đảng CS Bắc Hàn. Trong bài diễn văn nhậm chức, Kim Young-Un đã nhấn mạnh ông sẽ tiếp tục chính sách của thân phụ là “Quân Sự trên hết”, sau đó mới lo phát triển kinh tế và canh tân xứ sở.

Lúc đầu nhiều người đã tiên đoán chế độ Kim Young-Un sẽ không thể tồn tại được lâu, vì tuổi của ông ta quá trẻ và Bắc Hàn cũng có nhiều chính trị gia và tướng lãnh đầy quyền lực và tham vọng. Theo họ, chế độ rất dễ bị sụp đổ vì phản loạn hay đảo chánh. Nhưng trong lịch sử đã có những rường hợp tài không đợi tuổi. Ví dụ ngày xưa A Lịch Sơn đại đế, Khổng Minh và vua Quang Trung đều là những nhân tài kiệt xuất trên dưới 30 tuổi. Đặc biệt, Kim Young-Un cũng thâm trầm, mưu lược và sắt máu. Trong số các bằng chứng cụ thể, nổi bậc nhất là việc ông đã ra lệnh bắt giam và xử tử ông Dượng, người đã từng được cha ông gởi gắm và nhờ giúp đỡ trong thời gian đầu vì sợ con ông chưa có kinh nghiệm mưu toan những việc quốc gia đại sự. Nhưng sau khi ông đã thạo việc và nhận thấy ông dượng có quá nhiều quyền lực và đôi khi lấn lướt ông, nên Kim Young-Un đã ra lệnh bắt giam và hành quyết và ông nầy đã bị kết tội chống Đảng và phản quốc! Tương tự như thế, ông đã bí mật cho người ra ngoại quốc theo dõi để ám sát ông anh cả Kim Jong-Nam bằng khí độc, vì có lẽ ông muốn đề phòng hậu hoạn. Ngoài ra, ông đã bỏ tù và xử án nhiều viên chức cao cấp và tướng lãnh vì tội tham nhũng hay lộng quyền và qua mặt ông.

Dưới sự lãnh đạo của Kim Young-Un, Bắc Hàn không hề có biến động và đã tiến xa trong lãnh vực chế tạo vũ khí nguyên tử. Trước đó thân phụ ông chỉ mới thử nghiệm được hai quả bom. Nhưng sau một năm lên thay thân phụ, ông đã thử nghiệm thành công quả bom thứ ba. Đến nay sau sáu năm cầm quyền, Kim Young-Un đã thử nghiệm 6 quả bom nguyên tử và chế tạo được 90 hỏa tiển liên lục địa. Trong số đó, hỏa tiển mang đầu đạn nguyên tử mới nhất của Bắc Hàn có thể bay đến bất kỳ thành phố nào xa nhất của Hoa Kỳ.

Về mặt giáo dục, Bắc Hàn đã gởi hàng ngàn sinh viên ưu tú du học tại Nga Sô, Trung Cộng và nhiều nước tại Âu Châu và Ấn Độ. Trong số đó, có những sinh viên cao hoc và tiến sĩ chuyên ngành nguyên tử và hỏa tiển. Đa số các khoa học gia đang phục vụ tại các trung tâm nghiên cứu nguyên tử Bắc Hàn là những sinh viên đã được chính quyền cấp học bổng và gởi nhờ Trung Cộng và Nga Sô đặc biệt huấn luyện. Về kinh tế, ông đã đẩy mạnh chương trình xuất cảng lao động ra hải ngoại với hàng vạn công nhân để góp phần đem về hàng trăm triệu Mỹ Kim cho ngân sách quốc gia hàng năm. Ngoài ra, kể từ năm 2015, Bắc Hàn đã cho phép dân chúng mua bán trong phạm vi địa phương được tư nhân hóa, nên đời sống dân chúng tương đối khá hơn trước.

Khác xa Kim Young-Un, Donald Trump là con của một nhà tư bản chuyên đầu tư về địa ốc như xây cất cao ốc và các khu chung cư cho giới bình dân tại thành phố New York và các vùng phụ cận. Từ thuở nhỏ, Donald Trump ít chịu đọc sách báo nhưng rất lanh lợi và năng động, vì thế bố ông đã cho ông vào học tại một trường trung học có huấn luyện quân sự, giống như một trường thiếu sinh quân tại Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Kinh tế tại trường danh tiếng Wharton School của đại học University of Pennsylvania, ông về làm việc tại công ty đầu tư địa ốc của thân phụ.

Sau vài năm làm việc và học hỏi kinh nghiệm, Donald Trump đã đi theo con đường của bố là đầu tư và kinh doanh địa ốc. Ông thành lập công ty Trump Organization rồi lần lượt xây cất cao ốc Trump Tower, Grand Hyatt New York, các chung cư bình dân và lập sòng bài tại thành phố Atlantic. Sau đó, ông thiết lập nhiều sân golf và khách sạn sang trọng cho giới thượng lưu tại những khu nghỉ mát ở Hoa Kỳ và rải rác tại nhiều nơi trên thế giới. Ông còn tổ chức thi hoa hậu hoàn vũ Miss Universe và thực hiện show The Appentice rất ăn khách trên đài truyền hình NBC. Đến năm 2015, ông nhảy vào chính trường bằng cách ra tranh cử tổng thống.

Lúc đầu nhiều người đã nghĩ rằng không tài nào ông có thể thắng cử, nhưng ông đã loại bỏ được hơn 10 ứng cử viên nặng ký trong các kỳ sơ bộ của đảng Cộng Hòa để rồi sau đó ông được chính thức đại diện đảng Cộng Hòa ra tranh cử với bà Hillary Clinton thuộc đảng Dân Chủ. Và kết quả ông đã đắc cử trước sự ngỡ ngàng của đa số dân Mỹ và toàn thế giới.

Sau lễ nhậm chức, càng ngày T. T. Trump càng sa lầy. Ông thấy việc kinh doanh và công cuộc vận động tranh cử đều rất vất vả, nhưng công việc điều hành quốc gia quả thật vô cùng phức tạp và khó khăn hơn nhiều. Sau một năm cầm quyền, T.T. Trump chỉ đạt được một thắng lợi quan trọng duy nhất, đó là vào ngày 2-12-18, Quốc Hội đã thông qua luật thuế mới như ứng cử viên Trump đã hứa hẹn với cử tri. Ngoài ra, ông đã gặp rất nhiều khó khăn, cả đối nội lẫn đối ngoại.

Thật vậy, từ ngày lập quốc cho đến nay, nước Mỹ chưa bao giờ có một ông Tổng thống hành xử và lãnh đạo quốc gia như T.T. Trump. Chỉ trong vòng 100 ngày đầu sau khi nhậm chức, nhiều vụ xáo trộn đã liên tiếp xảy ra tại Tòa Bạch Ốc. Trước hết là cựu Trung tướng Michael Flynn đã phải từ chức ngày 13/2/17 vì tội đã nói dối với Phó Tổng Thống Pence về nội dung cuộc gặp gỡ với Đại sứ Nga trước ngày Trump nhậm chức. Sau đó không lâu, chiến lược gia hàng đầu Steven Bannon, cựu chủ tịch Ủy Ban Tranh Cử của Trump cũng đã từ chức vì có sự bất đồng trầm trọng với Tổng thống.

Đến ngày 9/5/17 T.T., Trump đã cách chức James Comey, Phó Giám đốc FBI, trong lúc ông nầy đang đi công tác tại Los Angeles chỉ vì trước đó ông nầy đã không chịu hứa hẹn trung thành với Tổng thống (mà chỉ trung thành với tổ quốc, theo đúng lời thề khi tuyên thệ nhậm chức Giám Đốc FBI).

Từ năm 2016, đã có nhiều bản phúc trình của FBI và CIA nêu lên những bằng chứng khả tín là chính quyền Nga đã có âm mưu loan tin thất thiệt nhằm hạ uy tín của bà Hillary Clinton. Và theo hai cơ quan nầy, âm mưu đó đã được chỉ đạo từ Tổng thống Nga. Quốc hội Mỹ cũng đã thúc đẩy hành pháp gấp rút tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng để tìm hiểu sự thật. Vì vậy, ngày 17/5/18,  Thứ trưởng bộ Tư pháp Rosentein đã ký sắc lệnh bổ nhiệm ông Robert Muller, cựu Giám đốc FBI, cầm đầu một Ủy Ban Đặc nhiệm điều tra âm mưu của Nga phá hoại cuộc bầu cử thổng thống Mỹ và soi sáng nghi vấn về sự toa rập giữa chính quyền Nga và các phụ tá của Donald Trump. Trong khi đó, Trump vẫn thường tuyên bố không hề có sự toa rập giữa các phụ tá của ông với Nga, và ông yêu cầu hãy dẹp ngay vụ điều tra vô ích đó!

Trong tháng 3/2018 đã liên tiếp xảy ra ba vụ khủng hoảng. Trước hết, vào đầu tháng, Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin đã xin từ chức vì có sự bất đồng với T.T. Trump. Đến ngày 16/3/18,  Bộ Trưởng Tư Pháp, do sự thúc đẩy của T.T. Trump, đã cách chức ô. Andrew McCabe, phó Giám đốc FBI trong khi ông nầy đang nghỉ phép và chỉ còn ba ngày nữa sẽ chính thức về hưu. Qua ngày 18/3/18,  Trump lại cách chức Tổng trưởng ngoại giao Rex Tillerson trong lúc ông đang công du tại Phi Châu, buộc ông nầy phải rút ngắn công tác để bay về Mỹ gấp. Những hành động nầy của T.T. Trump đã bị nhiều vị dân cử và báo chí chỉ trích nặng nề.

Về đối ngoại, T.T. Trump chưa đạt được kết quả nào khả quan, mà chỉ toàn làm tổn hại uy thế siêu cường của Hoa Kỳ. Đặc biệt ông đã làm mất thiện cảm của Thủ Tướng Đức, Thú Tướng Anh, Tổng Thống Mexico, và lãnh tụ các quốc gia Hồi giáo tại Phi Châu. Tệ nhất là sau khi Putin tái đắc cử Tổng Thống Nga, ngày 20/3/2018 T.T. Trump đã gởi điện văn chúc mừng, dù trước đó các Cố Vấn đã khuyến cáo ông không nên. Trước hành động đó của Trump, báo chí và nhiều chính khách Cộng Hòa cũng như Dân Chủ đều lên án T.T. Trump, nhưng nặng nề nhất có lẽ là thư phản đối của Thượng Nghị Sĩ John MacCain, cựu ứng viên Tổng Thống của Đảng Cộng Hòa.

Chúng tôi không có tham vọng đưa ra một lời tiên đoán về kết quả hội nghị thượng đỉnh sắp đến, nhưng chỉ nêu lên nhận xét quan trọng sau đây. Dù hội nghị chưa diễn ra, nhưng sau khi T.T. Trump tuyên bố chấp nhận tham dự hội nghị, thì Kim Young-Un đã đạt được một thắng lợi ngoại giao, vì Chủ Tịch Bắc Hàn đã được ngồi ngang hàng với Tổng Thống Hoa Kỳ, siêu cường bậc nhất của thế giới! Hơn nữa, nếu Hội nghị đạt được kết quả là Bắc Hàn sẽ chấm dứt mọi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và hỏa tiển đạn đạo để được Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ chấm dứt các biện pháp trừng phạt kinh tế, thì Bắc Hàn vẫn duy trì được vị thế một quốc gia nguyên tử. Và trong tương lai, khi Nam và Bắc Hàn thống nhất thành nước Triều Tiên như xưa, thì lúc đó, Triều Tiên sẽ là một cường quốc kinh tế (nhờ Nam Hàn) và  nguyên tử (nhờ Bắc Hàn).
Nguyễn Thanh Trang