18 mars 2018

TUYÊN BỐ VỀ CÁC TRẠM THU PHÍ BOT


Kính thưa quý tổ chức và cá nhân, nếu quý vị đồng ý tuyên bố này, đề nghị quý vị ghi họ tên, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ (Tp hoặc Tỉnh, Quốc gia (nếu không ở VN), gởi vào hộp thư  Tuyenbobot@gmail.com cho chúng tôi, để chúng tôi tổng hợp và công bố, hạn cuối cùng tổng hợp là ngày 30-3-2018.



Sự việc



Trong đa số dự án BOT cầu đường đều có sự cấu kết bất minh giữa các nhà đầu tư và một số quan chức chính quyền, cả địa phương lẫn trung ương, trong việc móc túi người dân bằng các thủ đoạn tinh vi như đặt trạm thu phí sai vị trí, đặt liên tiếp nhiều trạm thu phí liền kề trên cùng tuyến quốc lộ, và thậm chí tạo ra các tuyến đường tránh không cần thiết buộc xe cộ phải đi vào để thu phí. Thủ đoạn đó khiến người dân cảm thấy mình phải “trả tiền mãi lộ” mới được sử dụng đường sá mà lẽ ra chỉ cần nộp thuế là đủ. 





Nhiều nhà đầu tư chỉ tập trung vung tiền cho quan chức tham nhũng để chạy xin chủ trương và giấy phép thực hiện dự án BOT, sau đó nâng khống vốn đầu tư xây dựng để tạo cơ sở vay nhiều tiền từ ngân hàng và tăng mức phí thu khi đưa công trình vào khai thác. Số vốn ban đầu dành cho những công việc như thế thường rất thấp so với tổng vốn đầu tư xây dựng thật sự, nên đầu tư dưới hình thức BOT trở nên một hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao và thu hồi vốn (thật) nhanh.



Hành động cấu kết để trục lợi của các nhóm lợi ích và quan chức đã khiến người dân phẫn nộ. Đỉnh điểm là sự kiện bắt đầu từ đầu tháng 11/2017, kéo dài cho đến nay, khi các tài xế biểu thị sự bất bình của mình bằng cách dùng tiền lẻ (mệnh giá nhỏ 200 đồng, 500 đồng, cả tiền xu) để trả lệ phíqua đường, gây ách tắc giao thông tại một số tuyến quốc lộ. Cách phản kháng khôn khéo, phi bạo động và hợp pháp này của người dân đã nhanh chóng lan rộng thành phong trào phản kháng BOTtoàn quốc, đặc biệt nổi bật và kéo dài nhất là ở trạm thu phí BOT đặt tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.



Ngày 4/12/2017 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định yêu cầu trạm thu phí BOT Cai Lậy tạm dừng thu phí một tháng trong khi chờ tìm phương án giải quyết của Chính phủ. Cùng lúc, nhiều nơi khác đã diễn ra tình trạng giằng co kéo dài giữa người dân với chính quyền địa phương, thậm chí nhiều cuộc biểu tình đã xảy ra để phản đối, như trường hợp ở trạm thu phí BOT Biên Cương, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, trong hai ngày 21 và 22/2/2018, gây ách tắc giao thông kéo dài.



Nguyên nhân



Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tái khẳng định hình thức Hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu. Đây cũng là quy định pháp luật bấy lâu nay về Hợp đồng BOT và dự án BOT, nhưng đã bị các quan chức tham nhũng phớt lờ hoặc tìm cách lách.



Thông tin về các dự án cơ sở hạ tầng cần kêu gọi vốn đầu tư tư nhân còn nằm trong sự thao túng của các nhóm lợi ích. Việc lập, công bố, phê duyệt danh mục các dự án BOT, quy trình và thủ tục lập hồ sơ dự án, thẩm tra dự án, công bố điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án, điều kiện thắng thầu khi thực hiện đấu thầu rộng rãi chưa công khai và minh bạch. Chính vì vậy đây là nguyên nhân của nhiều vấn nạn trong các dự án BOT trên cả nước. 



Người dân lẽ ra có quyền được biết chi tiết bằng cách nào lệ phí áp dụng đối với một trạm BOT nhất định được tính nhằm đạt đến một số tiền cụ thể, vì trên nguyên tắc họ chính là người bỏ tiền rađể hoàn trả vốn đầu tư xây dựng cho nhà đầu tư, hầu tránh tình trạng độc quyền trong thu phí, giúp có thể giám sát doanh thu của các trạm để bảo đảm sự công khai và minh bạch trong hoạt động thu phí của từng trạm. Điều này, đáng tiếc, cho đến nay vẫn là một vùng tối mặc cho các nhóm lợi ích và quan chức tự tung, tự tác.



Đề nghị



Hiện nay đang có sự đối đầu quyết liệt giữa người dân với nhà đầu tư và các chính quyền địa phương trên toàn quốc, mà phần lẽ phải chắc chắn thuộc về phía những người đang đóng thuế nuôi cả bộ máy nhà nước. Nếu không nhanh chóng giải quyết dứt khoát một cách toàn diện, thay vì chỉ đối phó nhất thời, sẽ gây nên tình trạng căng thẳng bất ổn kéo dài về kinh tế, chính trị và và xã hội.  Cùng với những nỗi bất mãn dồn nén vốn có sẵn bấy lâu nay về bất công xã hội, tình trạng chiếm đoạt đất đai, nạn tham nhũng tràn lan, v.v…, sẽ có khả năng lớn dẫn đến những hậu quả tệ hại khó lường trước được hoặc sẽ vô phương cứu chữa.



Vì lẽ đó, CHÚNG TÔI, các cá nhân và các tổ chức xã hội dân sự, tuyên bố như sau liên quan về vấn đề nóng bỏng BOT:



1. Cần công khai minh bạch các dự án BOT để người dân biết và chủ động lựa chọn, nhờ đó người dân sẽ nhận thấy việc đặt trạm thu phí nơi nào là hợp lý và hợp với nhu cầu lưu thông thật sự, thì họ sẽ đồng thuận, sẵn sàng nộp phí.



2. Nhà nước phải nhanh chóng tổ chức thanh tra ngay một số dự án BOT tiêu biểu nghi ngờ có sự câu kết tiêu cực giữa phía nhà đầu tư với quan chức tham nhũng. Nếu phát hiện có hiện tượng tiêu cực phải kiên quyết trừng trị thẳng tay bằng luật pháp, không thiên vị bất kỳ ai, góp phần ổn định tâm lý người dân đang bất mãn cực độ về nhiều thứ, và đẩy mạnh thêm nữa công cuộc chống tham nhũng đang được triển khai.



3. Về lâu dài và phải bắt đầu ngay từ bây giờ, cần có chính sách phát triển hệ thống giao thông đường thủy và đường tàu hỏa, đường hàng không, để giảm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ, giảm phí vận tải ảnh hưởng xấu chung cho nền kinh tế và cho quyền lợi trực tiếp của người dân trong nhu cầu di chuyển hàng ngày. 



4. Việc đấu tranh chống các dự án và trạm thu phí BOT vừa qua cho thấy người dân Việt Nam nay đã ý thức được đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, đã phát hiện được những chỗ bất cập hoặc thậm chí nghi ngờ có sự thỏa hiệp bất minh để trục lợi giữa các nhóm lợi ích là nhà đầu tư với một số viên chức chính quyền địa phương và trung ương. Điều đó một lần nữa khẳng định rằng cuộc đấu tranh bất bạo động và hợp pháp của người dân trong thời gian qua là hoàn toàn chính đáng, cần được khuyến khích và ủng hộ.    

                                                     

Lập tại Sài Gòn-TPHCM ngày… tháng… năm 2018



DANH DÁCH KÝ TÊN



A Tổ chức: 

1. CLB Lê Hiếu Đằng do ông Lê Thân đại diện 











B Cá nhân:

1.    Đào Công Tiến, PGS, TS, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cư trú tại TPHCM

2.    Lê Thân, Cựu tù chính trị Côn Đảo, Nha Trang.

3. Vũ Trọng Khải, TS, nguyên Hiệu trưởng Trường Quản lý Cán bộ Bộ NN&PTNN, cư trútại TPHCM.

4. Võ Văn Thôn, LS, nguyên GĐ Sở Tư pháp TPHCM, CLB LHĐ, cư trú tạiTPHCM

5 .Lê Phú Khải, Nhà báo, TV CLB LHĐ, cư trútại TPHCM

6.Phạm Đình Trọng, Nhà văn, cựu Thượng tá QĐNDVN, CLB LHĐ, cư trútại TPHCM

7. Kha Lương Ngãi , nguyên Phó TBT báo SGGP, CLB LHĐ, cư trú tạiTPHCM

8 .Đào Tiến Thi, Ths, cựu Hội viên Hội Ngôn ngữ VN, cư trú tại Hà Nội 

9. Nguyễn Đăng Quang, Nhà văn, cựu Đại tá CA, cư trú tại Hà Nội 

10. Dương Hồng Lam, CB hưu trí, CLB LHĐ, cư trú tạiTPHCM

11. Lê Công Định,LS, cựu Tù nhân Lương tâm, cư trú tạiTPHCM.

12. Trần Văn Bang, KS, cựu binh chống TC, cư trú tạiTPHCM.

13. Lê Khánh Luận, TS Toán, Đại học Kinh tế TPHCM, TV CLB LHĐ, cư trú tạiTPHCM.

14. Hoàng Hưng, nhà thơ, TPHCM.

15. Hạ Đình Nguyên, Nhà báo Tự do, CLB LHĐ, TPHCM

….



Kính thưa quý tổ chức và cá nhân, nếu quý vị đồng ý tuyên bố này, đề nghị quý vị ghi họ tên, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ (Tp hoặc Tỉnh, Quốc gia (nếu không ở VN), gởi vào hộp thư  Tuyenbobot@gmail.com cho chúng tôi, để chúng tôi tổng hợp và công bố, hạn cuối cùng tổng hợp là ngày 30-3-2018.