18 mars 2018

VNTB - Bài thơ của cô giáo Lam đã đi vào giảng đường đại học


Kiều Phong (VNTB) 

Năm học 2016-2017, bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của cô giáo Trần Thị Lam được giới thiệu chính thức cho sinh viên năm thứ hai, ngành văn học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.







Trong hai trường đào tạo khối ngành xã hội- nhân văn lớn nhất cả nước là Đại học KHXH-NV TP.HCM và Đại học KHXH-NV Hà Nội, thì đại học KHXH-NV ở Sài Gòn là trường được cho là có được tự do học thuật cởi mở hơn. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi đây là trường có giảng viên sớm đưa bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” của cô giáo Trần Thị Lam- chuyên văn Hà Tĩnh vào chương trình giảng dạy, sớm hơn đại học KHXH-NV Hà Nội, nếu không muốn nói là trường sớm nhất cả nước đưa tác phẩm nổi tiếng ra thảo luận ở giảng đường.




Một chuyên gia hàng không, đồng thời cũng là một nhà báo độc lập nổi tiếng, ông Nguyễn Đình Ấm cho biết, ông có một đứa con gái và cho vào học ở trường ĐH KHXH-NV TP.HCM. Nhà ở Hà Nội, và nếu cho con gái học ĐH KHXH-NV Hà Nội thì ông Ấm tiết kiệm được rất nhiều chi phí đường đi và ăn ở học xa cho con gái mỗi tháng. Tuy nhiên, ĐH KHXH-NV Hà Nội, theo ông cho biết, thì sinh viên chạy tiền để được điểm cao và điểm vớt các môn, bê bối này làm ông không thích. Thế rồi ông quyết định cho cô con gái vào học tại Sài Gòn.



Nhờ sự tự do học thuật được nới rộng hơn ở miền Nam, bởi chính từ lứa giảng viên trẻ trong nhà trường, nhiều tư tưởng tiến bộ được thầy trò đem ra thảo luận ngay trong nhà trường. Nhiều vấn đề quan trọng của đất nước được đặt ra cho những sinh viên đang độ tuổi mười chín, hai mươi, những người trong thời kỳ sung sức nhất và có năng lực hành động nếu được xác định con đường đúng đắn. Các tư tưởng Đông- Tây được đưa ra cho sinh viên lựa chọn thoải mái hơn những nơi khác. Bạn Đặng Trà My, một ký giả trẻ viết: “Mình thấy các bạn sinh viên miền Nam có một môi trường tốt hơn miền Trung để năng động, nhiệt huyết, đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều điều, làm được nhiều việc có ích. Sinh viên miền Trung nếu không thay đổi thì khó lòng bì kịp. Kiến thức ở trường học không quan trọng bằng vốn sống, sự trải nghiệm và tự tìm tòi học hỏi và tự kinh nghiệm lấy mình.

Phải thay đổi.”



Ngày 07 tháng 03 năm 2018, tổ Văn của trường Trung học phổ thông chuyên Lào Cai- tỉnh Lào Cai đã đưa nguyên vẹn bài thơ của cô giáo Lam để làm tư liệu cho một đề thi. Như vậy, ở cả hai miền Bắc và Nam đều đã có trường cho học sinh-sinh viên tiếp xúc và thể hiện nhận định về bài thơ này. Thời điểm ra đời của bài thơ là sau khi đất nước được hay tin thảm họa từ nhà máy Formosa, một bài thơ như vậy làm nức lòng người dân cả nước, thậm chí đã được phổ nhạc và hát ở nhiều nơi, trong nước và hải ngoại. Mục đích của giảng viên và thầy giáo, không gì khác là thúc đẩy cho sinh viên và học sinh suy nghĩ, về vai trò và trách nhiệm đối với quê hương, đất nước. Từ tư tưởng sinh ra hành động, chính những mầm non này trong tương lai có thể xuất hiện một tỉ lệ nhỏ có khả năng thay đổi tình hình Việt Nam.



Xét theo khía cạnh pháp lý, không có gì ngăn cấm nhà trường cho phép lấy bài thơ của cô giáo Lam ra để dạy học hay sử dụng làm đề thi. Bản thân cô giáo Lam sau khi sáng tác bài thơ vẫn được dạy ở THPT chuyên Hà Tĩnh, bài thơ cũng không bị bất kỳ bộ ngành nào cấm lưu hành. Chính vì những tiền đề thuận lợi như vậy, ở nhiều nơi, trường học đã nhắc đến bài thơ của cô giáo Lam mà không gặp sự cản trở công khai nào từ phía các cơ quan công quyền.