[Vũ Thạch]
Sau những vụ "đốt củi" rất thành công, đặc
biệt phá tan 2 tụ điểm quyền lực tại TP/HCM và Đà Nẵng, nhiều chuyên gia trong
và ngoài nước tiên đoán rằng ở mức tối thiểu
tại HN7 phe ông Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ
loại hẳn Chủ tịch nước Trần Đại Quang ra khỏi bàn cờ và điền khuyết 2 hoặc 3 ghế
trống tại Bộ Chính trị để đặt nền nhân sự cho Đại Hội Đảng 13. Đây là thời cơ
thuận lợi và thời điểm xung yếu nếu ông Trọng muốn bãi bỏ giới
hạn nhiệm kỳ và thống nhất quyền lực về một mối như lãnh tụ Tập Cận Bình tại đại hội tới.
Thực tế đã không diễn ra như vậy.
Ông Trần Đại Quang không chấp nhận ra đi dễ dàng như ông Đinh Thế Huynh. Sự cố gắng trở về từ nơi chữa bệnh
và góp mặt, góp tiếng của ông Quang tại Hội Nghị 7 đã phát ra
một làn sóng năng lực đáng kể và trở thành lớp keo liên kết các phe phái không
theo ông Trọng.
Hệ quả là tuy không mếu máo như ở cuối Hội Nghị 6 năm 2012, khi không kỷ luật được ông Nguyễn Tấn Dũng,
nhưng lần này ông Trọng vẫn để lộ khá rõ các dự tính củng cố quyền lực của ông đã thất bại,
không đạt được cả chỉ tiêu tối thiểu.
Người ta có thể thấy gì qua diễn
văn kết thúc Hội Nghị 7 của TBT Nguyễn Phú Trọng ngày 12/5/2018 ?
Trước hết, về mặt ý nghĩa,
tư tưởng nội dung, bản văn này hầu như chẳng có gì đáng
bàn, vì chỉ dày đặc những câu chữ quá cổ điển, các ý niệm quá lỗi thời từ nửa đầu
thế kỷ 20 và thế kỷ 19; các nhận định cũng
quá lạt lẽo vì cứ theo đúng một công thức: "đã đạt một số tiến triển nhưng
còn giới hạn, bất cập"; và đầy rẫy các mâu thuẫn ngay cả trong cùng một
câu.
Có lẽ thí dụ điển hình nhất về mức độ sáo ngữ là trong
đoạn tóm tắt tình hình, ông Trọng nhắc đến cả "biến đổi khí hậu, nước biển
dâng" nhưng lại không nhớ gì tới tình trạng môi sinh đang bị hủy hoại khắp
nơi trên cả nước và không thấy gì đáng kể
đang diễn ra trên Biển Đông.
Có thể nói toàn bộ diễn văn kết thúc chỉ để trang điểm
hoặc tạo bối cảnh cho một quan tâm duy nhất. Đó là làm sao củng cố hàng ngũ
nhân sự trung thành, qua 3 chủ điểm: Nhân sự trung ương, tăng lương cán bộ, và
hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH).
Nhân sự Trung ương
Đây là lần đầu tiên người dân nghe đến tên gọi và con số 600 "cán bộ cấp chiến lược".
Nhưng có lẽ cũng chẳng ai hiểu tại sao lại gọi như thế. Dàn cán bộ đó chắc chắn
không soạn thảo ra chiến lược cho quốc gia. Bộ Chính trị chưa hề chia sẻ trách
nhiệm đó với ai cả. Hơn thế nữa, ngay cả trong nội bộ Bộ Chính trị, thực tế cho
thấy thường chỉ vài người quanh Tổng Bí Thư thực sự quyết định và biết toàn bộ
chiến lược mà thôi. Đơn giản vì trong mọi khóa Bộ Chính trị suốt từ ngày đầu luôn có
những phe cánh kình nhau, và luôn có những ủy viên đang bị canh chừng và sắp bị
thanh trừng, như Nguyễn Cơ Thạch, Trần Xuân
Bách, Nguyễn Hà Phan, Đinh La Thăng, ...
Khi hầu hết hàng ngũ 600 "cán bộ cấp chiến lược" này không được biết toàn bộ chiến lược thì họ cũng
chẳng khác gì các cán bộ không nằm trong danh sách này về mặt thực hiện chiến lược, chỉ đơn thuần bảo đâu đánh đó, tức chẳng khác gì tình
hình hiện nay. Nếu xét về mặt huấn lưyện, đầu
tư đào tạo đặc biệt cho 600 "cán bộ
cấp chiến lược", người ta cũng không thấy ông Trọng đưa ra điều gì khác với
cách đào tạo hiện nay, nghĩa là vẫn quay quanh "tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch HCM" và một số sáo ngữ.
Do đó, "cán bộ cấp chiến lược" chỉ đơn thuần
là tên gọi mới cho dàn cán bộ thượng tầng đang nắm giữ các ghế
Trung ương đảng, các ghế cao nhất trong mọi ban bộ thuộc hệ thống đảng và chính
phủ cấp trung ương, và các ghế đầu tỉnh và thành phố, mà xưa nay gọi chung là
dàn "cán bộ trung ương". Vì thế, thông điệp của ông Trọng vừa mang tính quảng
cáo tìm cán bộ đầu quân dưới trướng của ông sẽ được liệt vào vòng 600 cán bộ
chiến lược để leo vào Trung Ương Đảng kỳ
tới và giữ các ghế cao nhất; vừa mang tính hăm dọa đối với những cán bộ đang là
ủy viên Trung Ương. Nếu họ không đầu quân theo ông Trọng sẽ không được ghi vào
danh sách 600 và không thể tiếp tục ngồi các ghế cao nhất hiện nay.
Khi phải công khai dựng bảng tìm thuộc hạ thế này, khá
rõ phe ông Trọng đã chấp nhận để lộ chứng cớ cho thấy họ chưa nắm được đa số ủy
viên Trung Ương Đảng và còn cảm thấy
bấp bênh trên con đường tiến tới Đại Hội Đảng 13. Các nỗ lực "hăm dọa"
bằng lò củi trước HN7, các nỗ lực "thuyết
phục" trong NH7 đều không đạt kết quả mong muốn và nay đành phải tiếp tục
bằng quảng cáo hậu HN7. Con số "600" cũng mang tính tiếp thị, đủ lớn
để tạo nhiều hy vọng cho các cán bộ xin đầu quân.
Tăng lương cán bộ
Bên cạnh các từ ngữ mang tính hoa lá cành như mức lương tối thiểu cho nhân dân theo thông lệ quốc
tế, v.v. trọng tâm chính của phần này trong bài diễn văn kết thúc HN7 là lời hứa
tăng lương cho hàng ngũ cán bộ, với chủ
đích để mua sự trung thành của họ với cá nhân và phe phái ông Trọng.
Điều cần chỉ ra đầu tiên là trong tình trạng kinh tế
khó khăn tứ bề hiện nay, để tăng lương cho toàn thể cán bộ, ông Trọng chỉ có thể
ra lệnh in thêm tiền. Với một nền kinh tế không gia tăng GDP, hệ quả lập tức
sau tiếng vỗ tay hồ hởi là mức gia tăng lạm phát vùn vụt, đủ để xóa sạch tác động
của việc tăng lương. Nói một cách dễ hiểu là nếu lương tăng mà số lượng thực phẩm, hàng hóa vẫn vậy, người ta sẽ tranh nhau
trả giá cao hơn để mua số thực phẩm, hàng hóa đó tới mức giá cả ngang hàng với
số lương mới tăng. Như thế thì số thực phẩm và hàng hóa mỗi gia đình cán bộ có được
trong tay vẫn như cũ. Đó là chưa kể đến tình cảnh
của người dân thường (không phải cán bộ,
không được tăng lương) nhìn giá cả hàng hóa tăng và số thực phẩm của gia đình
teo lại.
Hơn thế nữa, tập thể cán bộ, kể cả
ông Trọng, đều biết trong thực tế tình hình hiện nay, một người CSGT đã có thể kiếm thu nhập gấp mười lần lương chính thức, dài lên đến hàng bí thư tỉnh thành đang thu nhập
gấp trăm lần tiền lương chính thức. Do đó, cho dù ông Trọng có tăng lương gấp
đôi (200%) đi nữa cũng chẳng hấp dẫn gì mấy đối với các cán bộ đang nắm thực quyền, tức đang
nắm các mối lợi béo bở.
Nếu dân thường còn thấy được
thực tế đó thì khó mà ông Trọng và các cố vấn của ông không biết. Chính vì vậy
mà biện pháp tăng lương, mua chuộc các cán bộ còn phải sống dựa vào tiền lương chính thức, tức các cán bộ cấp thấp và không có
thực quyền, cho thấy mức độ thu hút của cánh ông Trọng không cao như các chuyên
gia bên ngoài Việt Nam nhận định.
Hệ thống BHXH
Cũng vậy, bên cạnh các câu chữ mang tính hoa lá cành về
thông lệ quốc tế hay ngay cả cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà chính ông Trọng
cũng chưa chắc hiểu, người ta có thể nhận
ra đối tượng của đoạn này trong bài diễn văn không phải là quảng đại quần chúng.
Lý do đơn giản ai cũng biết tại VN không có cái gọi là
"quĩ" BHXH, tức không có chính sách giữ một khoản tiền lớn đầu tư kiếm
lãi với mức rủi ro thật thấp, để lo cho các công dân bị tai nạn, mất sức lao động,
và lo cho thế hệ đến tuổi hưu. Chính sách trong nhiều năm qua là thu được bao
nhiêu tiền BHXH sử dụng hết bấy nhiêu cho các chuyện khác. Còn khâu xuất ra lo
cho những người đã đóng
BHXH lại dựa vào cái máy in tiền mới của nhà nước và khả năng lật lọng của dàn cán bộ BHXH. Hệ quả là vô số người dân dở
khóc dở cười khi biết mình mất trắng số tiền BHXH đã đóng suốt nhiều năm, hay
chỉ còn được lãnh số tiền đáng vài tô phở mỗi tháng.
Nếu đã biết chủ đề BHXH là vết thương nhức nhối lâu năm của đại khối người dân mà nhà nước không thể giải
quyết thì ông Trọng cố tình nhấn mạnh trong diễn đàn kết thúc HN7 để làm gì? Câu trả
lời thỏa đáng duy nhất là vì khối đối tượng cán bộ đã nghỉ hưu.
Cho đến nay, lương hưu của cán bộ, đảng viên khác hẳn
lương hưu cho công nhân viên thường và dân chúng.
Ông Trọng hẳn muốn nhắc nhở giới cán bộ, đảng viên lớn tuổi về sự ràng buộc giữa
cuốn sổ hưu và lòng trung thành với chế độ, tức trung thành với người đang đứng đầu chế độ.
Rất tiếc cho ông Trọng, thông điệp nhắm vào khối cán bộ
đã nghỉ hưu này cũng không để lại ấn tượng
gì lớn theo hướng ông muốn, nhưng lại càng để
lộ mức vội vã, quính quáng của phe ông.
------
Câu hỏi bật lên trong đầu nhiều người là tại sao cánh
ông Trọng đang có vẻ lên như diều, "đốt củi gì cũng
cháy", lại bỗng dưng khựng lại ở Hội Nghị 7, và chuyển
qua thái độ "khẩn khoản quơ cào" hậu hội nghị như thế?
Xem ra tình hình mở rộng hàng ngũ dưới trướng ông Trọng không mấy khả quan. Các vụ đốt lò thay vì
tăng tính thu hút với sự hứa hẹn "sẽ được bảo vệ nếu thờ chủ mới" có
vẻ như đang tạo tác động ngược trong hàng ngũ cán bộ đang có tài sản lớn, dù
đang tại chức hay vừa hạ cánh an toàn. Họ không tin vào các hứa hẹn nhưng lo sợ nhiều hơn về khả năng bị lừa vào bẫy để xẻ
thịt. Trường hợp ông Đinh La Thăng được kéo vào Bộ Chính trị và trao cho ghế Bí
thư TP/HCM trước khi bị lôi đi xẻ thịt là thí dụ cực lớn.
Với thực tế đó, ông Trọng khó có chọn lựa nào khác
ngoài việc gia tăng nỗ lực "lôi lò đốt đi khắp miền Nam" để giành lại
từng ghế cho phe mình. Liệu cách làm chậm chạp đó có kịp để dàn xếp nhân sự cho
Đại Hội Đảng 13 không, và nhất là liệu các phe cánh đang nắm quyền tại các bộ,
đặc biệt Bộ Công An, và các tỉnh thành có tiếp tục ngoan ngoãn xếp hàng đi vào
lò không?
Có vẻ như lúc này chỉ ông Trần Đại Quang
biết câu trả lời.