MÊNH MÔNG THẾ SỰĐỂ GIÓ CUỐN ĐI SỐ 50
Tương Lai
Trằn trọc khó ngủ, nằm nghe nhạc Trịnh,
nghe đi nghe lại “Nước mắt quê hương”
mà quặn lòng, cùng nhòe nước mắt với người đã từng rơi “giọt nước măt không tên, xin để lại quê hương” khi người nhạc sĩ ấy
vĩnh viễn nằm xuống : “Ôi giòng nước mắt
chảy hoài,…giòng nước mắt trong tim, chảy lai láng vào hồn, nửa đêm gọi đến
mình”.
Giai điệu bản nhạc “dân mình phận long đong” mà “nửa
đêm gọi đến mình” ấy đã giục giã ngồi
dậy viết ra những dằn vặt phẫn nộ vì cái đám quyền lực mất gốc đã không chỉ đàn
áp, thóa mạ dân mà còn vu khống để bịt miệng dân, trói tay dân.
Cái luận điệu vu vạ những người xuống đường
biểu tình phản đối dự thảo đạo luật bán từng phần đất nước nằm tại các địa điểm
hiểm yếu của ba đặc khu để dâng cho Tàu là “những
phần tử bất hảo”! Không dừng lại đẩy, sự vu vạ được đẩy thêm một bước nữa
là “bọn chích xì ke, nghiện ma túy”, “bọn
sống ảo, thích thể hiện mình” được được thuê đi biểu tình. Vậy thì mỗi suất
thuê theo các nhà chức trách tính ra, thì số tiến vu vạ Will Nguyễn mang theo
được cánh “dư luận viên” bơm lên để thuê người biểu tinh, là có dụng ý.
Những vu vạ để dằn mặt, để trấn áp, để bao vây ngăn chặn…những
hành xử với người dân còn tệ hơn với súc vật
khi mà cuộc sống của dân, trước hết là dân nghèo nông thôn và đô thị
đang bị tả tơi bởi thảm họa của thiên
tai bão tố, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…suốt từ vùng núi phía bắc, chạy
dài suốt các tỉnh duyên hải của khúc ruột miền Trung, lan khắp các tỉnh đồng bằng
sông Cửu Long. Đừng quên rằng cảnh báo thảm họa nước biển dâng đã từng từ lâu
chỉ rõ Việt Nam là một trong những vùng sẽ bị tai họa nước biển dâng và hệ lụy
môi trường bị tàn phá nặng nhất. Ngặt một nỗi, bao nhiều sức lực và đầu óc của
giới quyền lực chóp bu đã dồn cho cuộc quyết đấu nhằm thanh toán đối thủ chính
trị thì còn khoản nào để mà trù tính vạch kế hoạch dài hạn đối phó với thảm họa
quốc gia.
Rồi bộ đội lại được huy động để dầm mưa, nai lưng
khuân vác dọn dẹp đất đá, cây đổ, nhà sập để cứu dân. Nhìn thật kỹ những ai
đang có mặt tại những nơi thập phần nguy nan ấy? Lại những người nông dân mặc
áo lính từng trằn lưng, phơi mặt nơi đồng chua nước mặn hay vùng sâu vùng xa vốn
quen với chân lấm tay bùn! Đương nhiên, cũng phải công bằng mà nói, hình ảnh những
quan chức chỉ huy cứu nạn tại thiên tai cũng phần nào làm vơi bớt đi những phản
cảm của cũng những gương mặt ấy tại chốn công đường. Có lẽ những công việc cứu
nạn khẩn cấp đã gọi dậy trong họ những nét nhân bản truyền thống của họ mạc, cộng
đồng chưa phôi pha hết những vất vả của thế hệ từng chiến đấu bảo vệ quê hương
đất nước. “Ở bầu thì dài, ở ống thì tròn”,
điều ấy đang thấp thoáng trong hành động và lòng nhân ái mà sự tha hóa của quyền
lực từng bào mòn làm thui chột và ruỗng nát phẩm tính làm người hình như đã
đánh thức phần còn lại trong ai đó chút nghĩa đồng bào từ cơn hoạn nạn. Là nói
vậy cho khách quan và sòng phẳng!
“Dân
mình phận long đong”, oái oăm thay, lại là điệp khúc liên miên trong giai
điệu cuộc sống của cái thể chế chính trị quyết không chịu thay đổi, đang áp đặt
trên diện mạo đất nước hôm nay. Một màu xám phủ lên gương mặt xã hội, để rồi bỗng
chốc lại ào lên một trận cuồng phong phẫn nộ của trời đất, của lòng người. Chẳng
thế mà ông tướng vừa được điều về trấn giữ trận địa truyền thông đã chỉ đạo rằng
tin xấu chỉ được chiếm 20% mặt báo hàng
ngày. Cứ cho là có nhã ý muốn làm giảm bớt sự căng thẳng của đôi mắt người
dân ngày ngày, giờ giờ, phút phút cứ lật trang báo, bật màn hình thì chỉ nhận
được tin tù đày, giam cầm, cướp giật, bạo hành, trọng tội, trọng án bên cạnh sự
lì lợm, vô sỉ của những bản mặt đã bão hòa với sự chán chường trong cảm nhận của
mọi tầng lớp nhân dân, để mà tìm thấy chút hợp lý trong sự chỉ đạo của một ngài
bộ trưởng trẻ trung mới xuất xưởng.
Nhưng liệu làm con đà điểu rúc đầu vào
cát thì có khiến cho những thảm trạng u tối đang trùm lấp cuộc sống được không
nhỉ? Đấy là chưa nói đến nỗi hàm oan của hình tượng con đà điểu trở thành một
thành ngữ xuất phát từ sự miêu tả
của triết gia Gaius Plinius Secundus cách đây ngót
nghét 2000 năm! Triết gia này vốn đã dành nhiều thời gian để quan sát, nghiên cứu
và ghi chép lại những hành động, tập tính của động vật tự nhiên và môi trường
xung quanh trong điều kiện thiết bị quan sát thời ấy đã tạo ảo giác quang học về
hình ảnh con đà điểu, vốn to xác nhưng đầu lại rất bé, nên khi nằm sát mặt đất
cứ như rúc đầu vào cát. Nếu một sinh vật khi gặp nguy hiểm mà làm đúng như
thành ngữ kia thì loài đà điểu đã bị tuyệt diệt từ lâu rồi vì kẻ thù của nó sẽ
chẳng từ bỏ thân hình to xác đang phơi ra không chống cự vì đầu vốn nhỏ lại đã
vùi trong cát kia để mà không xơi sạch! Có chăng chỉ có con người, loại người
vô sỉ mà các cụ ta rủa là “đồ mất giống” thì có thể đê hèn lẩn tránh sự đối đầu
trực diện với kẻ thù, cố tình bịt mắt che tai nhằm “tránh đụng độ” để giữ lấy
cái mạng sống của thân phận chư hầu để còn làm “minh quân” mà “thế thiên hành đạo”!
Thế rồi thật trớ trêu, tôi bị hụt hẫng một
cách thảm hại khi cách đây mấy tuần, trong “mênh
mông thế sự để gió cuốn đi” số 48 tôi hí hửng đăng bài nói của ông tướng
Hùng này thêm lời bình với mấy ông bạn thân quanh ấm trà nóng: “Mừng quá, với cách tư duy này mà hắn lọt được
vào TƯ thì tôi dám nói rằng hắn sẽ là bộ óc khá nhất trong TƯ, và kiểu tư duy
này mà lọt được vào BCT thì hắn cũng sẽ không còn là đầu gỗ, đầu đất đâu mà
sáng giá nhất trong mười mấy “tinh hoa của tinh hoa dân tộc”cũng nên”! Tôi
hào hứng dẫn ra những lời có cánh của một “nhà” cứ tạm gọi là “kỹ trị” đó như
chép dưới đây:
“Cách mạng 4.0 đột phá về việc học: Chung qui
chỉ có một chữ là LÀM NGƯỢC. Cách mạng 4.0 mở ra một cơ hội về sự làm ngược
nhưng mang lại kết quả bất ngờ, cơ hội của các đột phá, cơ hội cho những người
đi sau, nhưng không phải những người đi sau mong muốn giống người đi trước, đi
theo cách này thì mãi mãi là người đi sau.
Đi sau, nhưng làm khác
người đi trước, các công cụ 4.0 chủ yếu hỗ trợ cho sự làm khác, làm ngược, bằng
cách này chúng ta sẽ đi trước một cách vượt trội các nước đi trước chúng ta.
4.0 đi liền với từ Distructive, tức là phá huỷ, đột phá. Gọi là sự sáng tạo
mang tính phá huỷ.
Người có quá nhiều quá
khứ hoành tráng, có quá nhiều hạ tầng 1.0, 2.0, 3.0 sẽ không có đủ can đảm phá
huỷ, chỉ có những ai đang không có gì hay có rất ít thứ trong tay. Chúng ta
đang có mọi thứ để thắng vì chúng ta không có gì trong tay, không có gì để mất”…
- Trước đây: Học để
làm cái đã học, cái mọi người đã làm. Bây giờ: Học để làm cái chưa ai làm; tức
là sáng tạo.
- Trước đây: Học sự
tiệm cận, học sự tiến hoá, tốt lên từng ngày. Bây giờ: Học để đột phá, cuộc CM
4.0 sẽ tạo ra những đột phá, cái mới thay thế cái cũ. Để phá huỷ thay vì tiến
hoá…
Nghe thật khoái cái lỗ nhĩ!
Tuy vậy, cũng phải sòng phẳng mà rằng, những điều ông
Hùng nói thì người ta cũng biết từ lâu, từ thời chưa có “cách mang 4.0” rồi cơ,
chỉ là dưới dang những luận giải triết học. Chỉ nói hết sức hạn hẹp trong tầm
hiểu biết của người đang viết những dòng này, thì trong tủ sách của tôi đang
còn giữ tập bản thảo “Phạm trù người”
viết tháng 2.1983 của Hồ Ngọc Đại, bạn tôi.
Đây là một tiểu luận khoa học về một chủ đề triết học
được trình bày một cách hệ thống với đúng 400 trang đánh máy [vào thời điểm ấy
chúng tôi chưa biết đến máy vi tính] gồm cả 9 trang mục lục và sách tham khảo,
Đại đưa tôi đọc để tính chuyện xuất bản. Sẽ là vô duyên nếu lải nhải thuật lại
nội dung một luận văn triêt học, tôi chỉ điểm môt hai ý có liên quan đến những
ý tưởng sáng giá của ông tướng tôi vừa trích ở trên. Chẳng hạn như “Vượt qua nguy hiểm bằng cách tạo ra nguy
hiểm”, hoặc “Đi theo đội hình hình
thoi…2 trong 110 tiêu đề của luận văn ây. Trong “Phạm trù người”, tôi hiểu được ý của bạn tôi theo tầm hạn hẹp của
mình, vắn tắt như sau :
Bước khởi đầu là phá vỡ sự đồng nhất giữa loài và cá
thể nhằm thực hiện sự thống nhất trên một cơ sở khác theo nguyên tắc “vectơ đường chéo hình bình hành” với
nghĩa rằng lịch sử là một sự vận động trong thế giữa nhiều lực lượng tìm ra một vectơ đường chéo hình bình hành,
vạch ra con đường đi của nó. Ngay từ đầu và cho đến bây giờ và mãi mãi, những
lực lượng ấy, vectơ đường chéo ấy vẫn do
các cá nhân hiện thực tạo ra nhưng không hề phụ thuộc vào cá nhân họ. Chỉ
có cái vectơ đường chéo kia mới đích thực
là lịch sử hiện thực được phản ánh bằng triết học (cả về chiều dài lẫn độ
lớn tuyệt đối). Một khi sai lầm trong thực tế được khắc phục, biến nó thành
hành vi cư xư đúng trong đời sống số đông, thì hành vi ấy lập tức mất hết khả
năng hấp dẫn, trở thành sai lầm triết học.
Cái gọi là sai lầm triết học ấy chính là lịch sử hiện thực, là thành tựu đích thực
của phạm trù người. Phạm trù người sẽ
từ bỏ nó bằng cách đi tìm một sai lầm mới, rồi cứ như thế. Lịch sử không
sai lầm. Không có một thời đại nào gọi là sai lầm. Muốn có được năng lực …sai
lầm, thì cá thể phải ở ngay “đầu mút” phía trước [hãy hình dung đầu mút của một
chiếc gậy có hai đầu], nơi tiếp giáp ở ranh giới sai lầm triết học [tức là
những thành tựu lịch sử đã được khẳng đinh] và sai lầm thực tiễn [tức là những
khả năng sai lầm đang đặt ra cho các cá thể]. Cũng có nghĩa là số đông không
còn năng lực sai lầm nữa. Những gì đã trôi vào quá khứ là đã thuộc về quá khứ,
không trở lại một lần thứ hai. Trong tiến trình thời gian, lịch sử không thể
làm lại những việc đã trôi vào quá khứ, không thể “sửa chữa sai lầm”, cố lắm là chỉ có thể tiếp tục làm tiếp mà thôi như vừa nói. Bởi vậy
mới có thể lập luận ngược đời: chính
những sai lầm [và khắc phục nó] đã
đẩy lịch sự đi tới, mà đương nhiên phải đi tới trong đội hình hình thoi chứ không thể “dàn hàng ngang” mà cùng tiến
được! Làm thui chột hay tước bỏ vai trò của bộ phận tinh hoa ở mũi nhọn hình
thoi ấy thì đất nước sẽ tan hoang, bung bét như hôm nay! Đó là chuyện dễ hiểu!
Nói đến đội hình
hình thoi thì một bản thảo về phương pháp luận tư duy trước đó, nhân trao
đổi một đề tài về đạo đức học gắn với mỹ
học, Hồ Ngọc Đại đã viết ra 445 trang đánh máy để tranh cãi với luận điểm
của tôi về nghiên cứu đạo đức học, tôi dẫn ra đây 3 trong 67 tiểu mục mà nếu
đọc kỹ có thể lần ra những mệnh đề mà nội dung của nó cũng na ná như ý tưởng
của tướng Hùng nói tại Đại học Công nghiệp Hà Nội tháng 2.2018 vừa qua: “Các chân lý khoa học luôn luôn ngược đời”,
phải chăng đây cũng chính là cái “làm
ngược” mà ông tướng nọ nói. Hoặc “ Hoàn
thiện để vứt bỏ”, e cũng là một dòng
tư duy về phá huỷ thay vì tiến hoá,
hay “Cái tài là lõi thép cho cái đức bám
vào…ở đây, Hồ Ngọc Đại sổ toẹt những lời rao giảng mùi mẩn về đạo đức mà
đưa ra cái tiêu chuẩn để lột trần thói đạo đức giả. Cái tiêu chuẩn đó là việc làm! Cái mà ông tướng Hùng nói “Làm trước học sau; trải nghiệm trước học sau
thì vào hơn. Đại học cần cho các em làm nhiều hơn, làm trước khi học” chắc
cũng là cái “việc làm” này đây.
Việc làm là nền tảng của tất cả mối quan hệ, không có ngoại
lệ. Bạn tôi lập luận : “Chân lý ấy chưa
bao giờ bị nghi ngờ. Và chỉ vì tính nghiêm ngặt sắt thép của nó mà người khôn
khéo tìm cách bọc nó bằng nhung để đỡ xây xát cho người đời hoặc sơn lên nó một
màu tươi mát, che đi cái thô lỗ sắt thép. Nhưng dù là bọc bằng nụ cười, bằng sự
khiêm nhường, hay sơn bằng những cử chỉ lịch thiệp, thì cái lõi thép vẫn cứ
nguyên một độ cứng rắn của thép…Lịch sử trụ được là nhờ cái lõi thép đó”!
Dẫn ra vài dòng nói trên không nhằm phủ nhận chuyện
ông tướng Hùng đã làm được một việc đáng nể là nói lên điều ấy chứ không ngậm miệng ăn tiền, một thói quen khó bỏ
của kẻ mon men trèo vào cái ghế quyền lực để còn leo lên cao dần! Chỉ riêng một
ý : “Trước đây: Nghe theo là quan trọng,
học thuộc là quan trọng. Bây giờ: Tư duy phản biện là quan trọng, critical
thinking” cũng đáng đóng khung trang trọng treo lên trước mũi của phòng làm
việc của các ông kễnh, nhất là những người “có lý luận” đang ra sức hàng ngày,
hàng giờ “soi đường chỉ lối” để trị cái
trọng bệnh “tự diễn biến, tự chuyển hóa”
cực kỳ nguy biến cho “đảng ta” !
Nhưng rồi tôi như cầu thủ việt vị bị thổi còi với
tuyên bố của ông thiếu tướng vừa ngồi vào ghế bộ trưởng là: trên mặt báo chỉ nên chiếm 10% tin xấu thôi.
Theo ông ta, nếu cái xấu xuất hiện với tỉ lệ 30% trên mặt báo nghĩa là cái xấu trở thành cái chính của xã hội.
Ở mức độ thấp hơn, khi lượng tin bài về “cái xấu” chiếm 20% thì đó là báo hiệu
“cái xấu có xu hướng trở thành cái chính
trong xã hội”. Ấy, thế thì chết, các lực lượng thù địch bấu vào đó mà thổi
thêm lên để chống chế độ ưu việt của chúng ta. Đâu được. Cho nên, ở mức độ 10% mặt báo nói về “cái xấu”
cũng là đủ sức răn đe để sửa lại mình chứ
không là cái chính của xã hội. Vì
rằng có mà điên để vạch áo cho người xem lưng!
Có lẽ hơn nửa thế kỷ trước, trùm phát xit Adolf Hitler chỉ đạo: “Nếu nói dối đủ lớn và cứ
tiếp tục lặp đi lặp lại lời dối trá của mình, quần chúng rồi sẽ tin vào lời dối
đó”. Cánh tay đắc lực của y là Joseph
Goebbels, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền thực hiện một cách rất “đột phá và sáng
tạo” ý tưởng của ông trùm “Bằng tuyên truyền
khôn ngoan và dai dẳng, người ta có thể khiến cho quần chúng nghĩ rằng thiên
đường là địa ngục, địa ngục là thiên đường”. Bọn ấy kém kiến thức toán học, hay nói như ông tướng nọ : Trước đây: Toán không
quan trọng, có vẻ như ít tạo ra giá trị. Bây giờ: Toán là quan trọng nhất. Xử
lý dữ liệu là quan trọng nhát. Mà chỉ có toán, thuật toán mới xử lý dữ liệu để
mang lại giá trị. Thuật toán hiệu quả hơn sẽ mang lại nhiều giá trị hơn” cho nên không tính ra được tỷ lệ nói dối bao nhiêu là vừa, lặp
đi lặp lạisự lừa bịp với tần suất của loa tuyên truyền mở hết cỡ là 30% ,
20%, hay 50%, 100% thì sẽ biến địa ngục
là thiên đường nên nhà nước của Đức Quốc xã
của Đức Quốc xã đã sụp đổ tan tành!
Ngài thiếu tướng chắc đủ kiến thức để hiểu điều ấy, mềm
dẻo và cao thủ hơn, ngài tân bộ trưởng đang vận dụng cái luận đề ông từng dõng
dạc cao đàm khoát luận trên một “đột phá
sáng tạo” mới toanh : “Trước đây: Thực
là quan trong, dạy cái thực là chính. Bây giờ: Mọi cái thực đã được ảo hoá, vậy
ảo là quan trọng; dậy cái ảo là chính, dạy sống và làm việc trong môi trường ảo.
Dạy sáng tạo trên môi trường ảo”.
Chắc là bằng lời chỉ đạo này thì thực trạng tồi tệ đang diễn ra chỉ là “cái ảo” hiểu theo nghĩa bình dân, chỉ bằng
một nghiêm lệnh không được lột trần nó ra, phơi bày giữa bàn dân thiên hạ thì cái ảo đó sẽ biến mất!
Vậy thì cái “why” thần kỳ mà ông tướng nọ đùng đoàng huấn thị sẽ phải là cái “why” này:“Tệ nạn tham nhũng, cán bộ hư hỏng có cả nhưng
nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không? [Lời vàng ngọc của ông Nguyễn Phú Trọng tại xã
Phật tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, Vietnamnet đưa tin ngày 13.11.2016]. Đấng
minh chủ đã hạ chiếu phải nhìn sự vật biện chứng như vậy thì “Trước đây học What, học How là quan trọng.
Bây giờ học Why là quan trọng. Biết tại sao thì mới dám thay đổi”. Chẳng những
thế, “Trước đây: Cạnh tranh là làm giống
người khác và làm tốt hơn. Bây giờ: Cạnh tranh là khác biệt, là làm khác người
khác”, thì chẳng phải là “đảng ta” đang làm khác với thế giới là gì. Thành
tựu của văn minh của nhân loại nhằm hạn chế bớt đi thói quen độc đoán của quyền
lực bằng nguyên lý tam quyền phân lập thì
cái “đột phá sáng tạo”, của “đảng ta” là vứt bỏ và thậm chí ai dám vương vấn đến
cái đó là thoái hóa đạo đức, suy thoái tư tưởng! Chính vì thế, những đùng đoàng
trong cao đàm khoát lộng về distructive ,
về critical thinking cứ ầm ầm như đại
bác bỗng…tịt ngòi.
Đúng là con đà điểu đã bị hàm oan là rúc đầu
vào để lẩn tránh kẻ thù do sự hạn chế của công nghệ quan trắc cách nay 2000
năm, nhưng con người thì “xuất sắc” hơn con đà điểu là giữa thế kỷ XXI đang biến
đổi với cách mạng 4.0, vẫn quyết rúc đầu vào cát. Để làm gì? Để tiến lên nấc
cao hơn trong bậc thang quyền lực và danh vọng! Thế mới biết cái ghế quyền lực
đã làm thui chột và băng hoại trí tuệ, bản lĩnh làm người khủng khiếp quá. Khái
quát của Lord Acton thế kỷ XIX xem ra chưa đủ với sự tiến triển của thể chế quyền
lực toàn trị và ham hố một cách quái đản như hiện nay “Quyền lực có xu hướng tham nhũng. Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng
cũng tuyệt đối”!
Cái tuyệt đối ấy trở nên khủng khiếp hơn,
nhày nhụa hơn khi người ta dám công nhiên bác bỏ tam quyền phân lập, ai nhắc đến điều đó là biêu hiện của thoái hóa về đạo đưc, suy thoái về chính trị
như ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu ở Vĩnh Phúc dạo nào đã nói ở trên và rồi điều
ấy được đưa thành nguyên tắc của đảng trong Quy định số 102-QĐ/TW! Ngài Acton
chưa hiểu được giữa thế kỷ XXI mà ông Trọng và cái đảng của ông ấy vẫn khăng
khăng bác bỏ nhà nước pháp quyền đích thực
với nguyên lý tam quyền phân lập. Chế độ toàn trị phản dân chủ đã vận dụng
luật rừng với công dân của mình. Hơn thế nữa, còn xuất khẩu cái đó ra nước
ngoài để nhận được danh hiệu “Việt Nam là
tâm điểm của tội phạm có tổ chức”, “Quốc
gia này đã trở thành nguy cơ an ninh hàng đầu” như lời tuyên bố của cựu Bộ
trưởng Ngoại giao Czech Lubomír Zaorálek! Chẳng lẽ cái đuôi XHCN gắn vào nhà nước
pháp quyền của ông Trọng chính là cái này sao?
Hãy chi dẫn ra một sự kiện vừa bị công luận
phẫn nộ lên án : Tối 15/8/2018, rất đông công an TPHCM cùng nhân viên
liên ngành và những phần tử không rõ chức trách đã xông vào buổi trình diễn ca
nhạc của ca sĩ Nguyễn Tín tại một quán giải khát nhỏ. Lấy cớ kiểm tra giấy phép
biểu diễn và kiểm tra giấy tờ những người tham dự, họ đã xử sự rất thô bạo với
những người có mặt, kể cả người già, phụ nữ; bắt bớ, đánh đập dã man một số
người. Ca sĩ biểu diễn Nguyễn Tín và người quản lý biểu diễn Nguyễn Đại sau đó
đã bị bắt đưa đi thẩm vấn, rồi trùm đầu đưa ra vứt giữa rừng cao su xa thành
phố trong đêm khuya. Đặc biệt một khán giả là nhà báo nữ Phạm Đoan Trang đã bị
đánh hội đồng với hung khí, phải vào bệnh viện cấp cứu với những triệu chứng
chấn thương sọ não [dẫn theo tuyên bố của nhóm “Lão mà chưa an cùng với các
thân hữu”].
Những hành động nói trên không là luật rừng thì là
luật gì, hay phải diễn đạt là “luật ông Trọng” cho sang. Nếu vậy thì theo ông
tướng Hùng vừa ngồi vào ghế Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, chỉ được đưa
10% cái xấu lên mặt báo thì, những ông Tổng Biên tập quyết cung cúc tận tụy với
cấp trên trực tiếp để còn giữ cái cần câu cơm và khát vọng thăng tiến cao hơn
trong quan
lộ
phải chọn những gì đây. Thôi thì chỉ một hình ảnh đánh đập nữ nhà báo Phạm Đoan
Trang bằng những chiêu ra đòn có nghề của bọn cao thủ chuyên nghiệp bạo hành
với dân, mà trên mạng đang phơi ra, chắc cũng vừa vặn 10%. Phần còn lại thì
biếu không ngài tân bộ trưởng để lưu vào hồ sơ, sẽ hữu dụng sau này khi cần
chứng minh là mình kiên định lập trường chống bọn thù địch, không mị dân theo
đuôi làm vừa lòng công chúng.
Vả chăng, vị tướng trẻ trung và đầy rẫy tri thức khoa
học cập nhật này chỉ mới dính sơ qua chút bùn bẩn trên Cánh Đồng Sênh ở xã Đồng
Tâm khi Viettel định câu kết với đám tham nhũng địa phương để cướp ngon mảnh
đất ông cha để lại của những người nông dân thôn Hoành mà tôi đã có dịp neu lên
trong Mênh mông thế sự chủ đề Đồng Tâm dạo ấy, chứ chưa nhơ nhớp như vị cựu bộ
trưởng Thông tin & Truyền thông bị lột chức, một cánh tay đắc lực của ông
Trọng, vừa là Bộ trưởng vừa là Phó Ban Tuyên giáo, nắm quyền sinh quyền sát
trên trận địa tư tưởng và đời sống tinh thần của xã hội vừa bị phơi mặt là kẻ
tham nhũng một cách hung hãn và trơ trẽn.
Của đáng tội, chuyện
đưa cái xấu lên mặt báo thế nào, để không đầu độc bầu không khí xã hội vốn đã
quá nhiều cái xấu đập vào mắt, giội vào tai, chen vào bữa cơm gia đình của số
đông đang đạm bạc và thiếu thốn, nhất là khi đang phải trằn lưng đối phó với dồn
dập thảm họa môi trường, những cơn thịnh nộ của thiên tai thì việc quy định
10%, 20% hay bao nhiêu phần trăm đi nữa cũng là điều mà người quản lý thông
minh phải cẩn trọng và trung thực cân nhắc, suy nghĩ. Xã hội nào rồi cũng phải tính đến chuyện đó
thôi. Chỉ có điều, mọi cái phải công khai minh bạch. Ác một nỗi, thể chế toàn
trị phản dân chủ không cho phép tự do tranh luận để đưa ra những giải pháp tối
ưu.
Tất cả đều quy về cái đầu toàn trị, phản
dân chủ, đối lập với dân bằng mọi thủ đoạn. Một cái thể chế hủ lậu mà từ đầu thế
kỷ XX “Cáo hủ lậu văn” của các cụ
trong Đông Kinh Nghĩa thục đã phẫn nộ lên án e vẫn có điểm tương đồng: “Mắt
dòm chính, họcchưa ra, Lại chê người bá mà nhà ta vương…Tiếc thay sách hủ giữ
bền, Khác nào như mọt nghiến bên mình người”.
Trớ trên thay, sự hủ lậu ấy lại đang chiếm giữ cái ngai thống trị. Tụng niệm
những giáo điều cũ rích mà thiên hạ đã vứt bỏ, dựng dậy cái mô hình đã từng đưa
Liên Xô và hệ thống XHCN Đông Âu sụp đổ, rồi theo cái thể chế nhiễm sâu tập
quán phong kiến của ngàn đời chưa tẩy rửa được vì cái lõi thép quá yếu, cái mà
xã hội dựa vào đó mà tồn tại và phát triển, như phân tích ở trên, đã bị han rỉ và héo mòn vì sự húy kỵ trí
thức và người tài, lo sợ phản biện vì quen thói mệnh lệnh áp đặt, lấy đâu
ra tri thức mà tranh biện.
Nếu
nói sâu xa hơn thì đấy chính là cái ảo tưởng bỏ qua chủ nghĩa tư bản để tiến
thẳng lên chủ nghĩa xã hội khiến đất nước “trở nên bệ rạc và què quặt từ suốt gần nửa thế kỷ” như
đã dẫn ra trong bài trước. Với những gì đang được rao giảng đối chiếu với thực
trạng đau đớn của đất nước càng thấm thía hơn với kiến giải của K. Marx : “Chúng ta đau khổ không phải vì sự phát triển
của chủ nghĩa tư bản, mà đau khổ vì sự phát triển chưa đầy đủ của nó. Ngoài những
tai họa của thời đại hiện nay ra, chúng ta còn phải chịu đựng cả một loạt những
tai họa kế thừa do chỗ các phương thức sản xuất cổ xưa lỗi thời vẫn tiếp tục sống
dai dẳng với những quan hệ chính trị và xã hội trái mùa do chúng đẻ ra”. Thật
đau đớn phải chịu đựng cả một loạt tai họa
kế thừa thể hiện trong sự yếu kém và lạc hậu về kinh tế, về văn hóa, về
khoa học và công nghệ, hệ lụy trực tiếp của của những “quan hệ chính trị và xã hội trái mùa” như một thây ma đã thối rữa
nhưng không chịu chôn.
Chính vì lẽ đó mà tôi vội vã vui mừng với quan điểm của
ông thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng về sự sáng
tạo mang tính phá huỷ. Cho nên “Trước
đây: Học sự tiệm cận, học sự tiến hoá, tốt lên từng ngày. Bây giờ: Học để đột
phá, cuộc CM 4.0 sẽ tạo ra những đột phá, cái mới thay thế cái cũ. Để phá huỷ
thay vì tiến hoá” . Vì thế mà “Trước
đây: Học trước rồi làm sau. Bây giờ: Làm trước học sau; trải nghiệm trước học
sau thì vào hơn”. Đặc biệt là biết và dám hỏi tại sao.
Ngoài những What, Who và quan trọng
hơn là Why, đã dẫn ra, ông còn nhấn mạnh : Trước
đây: Người thay đổi thế giới là người nói, là người đi khai sáng người khác.
Bây giờ: Người khai sáng người khác, người thay đổi thế giới lại có thể là
người hỏi một câu hỏi”. Những điều nói trên là cực kỳ cần thiết cho cách tư
duy của những người đang gánh trọng trách xã hội. Dám nói lên những điều đó đã
là một cuộc cách mạng trong đầu óc của họ, trừ những cái “đầu gỗ, đầu đất”
không có bộ óc. Khi họ dám đột phá để sáng tạo cái mới thay vì tụng niệm cái cũ
đã ôi thiu thì dân được nhờ, đất nước đỡ buồn tủi, xã hội được khởi sắc. Tôi
vội vã mừng vì đã có một quan chức hiếm hoi dám nói lên những điều dễ động chạm
và kiêng kỵ đó. Nhưng của đáng tội, đó không có gì là bí hiểm cả, nó mới, vì có
người dám nói lên trên chốn quan trường và trên trang báo chính thống. Sòng
phẳng mà nói, người ta đã biết từ lâu, ở những nước văn minh, nơi có tự do tư
tưởng, tự do hoài nghi để đặt ra câu hỏi.Thì chẳng phải Enstein đã từng khẳng
định điều quan trọng là không ngừng đặt
câu hỏi đó sao!Và những gì đã và đang diễn ra khiến tôi thấm thía hơn lời
nói có dáng dấp bông đùa song thấm đẫm vị triết lý : “Chúa Trời rất khó hiểu nhưng không ma mãnh”! Thì đó, đã có người
xào nấu mệnh đề của Eistein “Chính trị
chỉ cho hiện tại, nhưng phương trình là mãi mãi” thành một cái gì đó na ná
đầy sự ma mãnh xuyên tạc: “Chính trị cần
cho hiện tại, nhưng quyền lực và tranh chấp quyền lực là mãi mãi”.
Và vì thế, người ta sẵn sàng thay đổi phương trình, thậm chí lộn
ngược phương trình! Chính sự ma mãnh của những người có hiểu biết, sẽ biến
tri thức thành công cụ lừa bịp để phục vụ cho quyền lực. Hệ lụy của sự ma mãnh
đó trút cả lên vai người dân khốn cùng và những người dám đột phá vào cái thành
lũy của thể chế toàn trị phản dân chủ sặc mùi phong kiến được tân trang.
Vậy thì, giọt nước
mắt thương dân, dân mình phận long đong sẽ chảy đến khi nào thì dừng đây?
Khi “vận nước điêu linh” thì “giọt nước mắt không tên, xin để lại quê
hương” sẽ còn chảy đến bao giờ? Chẳng lẽ cứ để “Giòng nước mắt chảy hoài. Giòng nước mắt đời đời”.
Hãy để cho “giòng
nước mắt trong tim chảy lai láng vào hồn” giục giã con người đặt câu hỏi tại sao có giòng nước mắt đó. Thì như
ông tướng kia trong một cảm xúc thăng hoa bất chợt đã dám tung ra trên mặt báo
chính thống “biết tại sao thì mới dám
thay đổi”! Tại sao dân mình phận long đong? Tại sao vận nước điêu linh? Tại
sao chúng nó có thể tàn nhẫn và hung hãn đến vậy, ai cho phép, ai nặn ra chúng?
Đặt ra câu hỏi chính là đã tìm được cách trả lời.
Ngày 19.8.2018