Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, ảnh: Zee News. |
(GDVN) - Tiến sĩ
Mahathir Mohamad được Trung Nam Hải đón tiếp trọng thị, nhưng không vì thế mà
ông né tránh "chuyện nhạy cảm" ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.
Vị Thủ tướng 93 tuổi của Malaysia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại công bằng trước mặt ông Lý Khắc Cường cùng báo giới quốc tế.
Chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới
Tiến sĩ Mahathir Mohamad nói:
"Các bạn không muốn một tình huống trong đó xuất hiện phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân, bởi vì các nước nghèo không thể cạnh tranh với các nước giàu về mặt thương mại tự do, cởi mở.
Đầu tiên phải là thương mại công bằng. Sau đó, tôi ủng hộ thương mại tự do cùng với ngài Lý Khắc Cường, bởi vì tôi nghĩ rằng đây là con đường chung cho cả thế giới."
Trong khi Trung Quốc đang cố gắng củng cố ảnh hưởng của mình trên toàn cầu bằng cách thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ra nước ngoài, Tiến sĩ Mahathir Mohamad đã thúc đẩy ngoại giao đa chiều, không quá phụ thuộc Trung Quốc.
Ngay tại buổi họp báo, ông đã kêu gọi Trung Quốc không nên nhấn mạnh vào lợi ích của riêng mình.
Một số quốc gia Đông Nam Á đang ngày càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, làm gia tăng lo ngại họ có thể chịu ảnh hưởng chính trị từ Bắc Kinh. [1]
Nikkei Asian Review ngày 21/8 bình luận, trong khi Trung Quốc tìm cách tranh thủ Malaysia và các nước láng giềng trong cuộc chiến chống lại Hoa Kỳ, Tiến sĩ Mahathir Mohamad lại chọn tập trung vào thương mại và các lợi ích chung khác.
Trong những tương tác với Thủ tướng Malaysia, ông Lý Khắc Cường luôn luôn nhắc đến trọng tâm của ông là cải thiện quan hệ song phương và thường xuyên nở nụ cười với người đồng cấp 93 tuổi.
Ông Lý Khắc Cường cũng cho biết, Trung Quốc có kế hoạch nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Malaysia nhiều hơn. Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia khéo léo nhắc đến cách xử lý các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng vốn Trung Quốc:
"Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ thông cảm với những vấn đề chúng tôi phải giải quyết, và có lẽ sẽ giúp chúng tôi giải quyết một số vấn đề tài chính nội bộ của mình", trước khi nhắc đến việc thương mại công bằng, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới.
Thủ tướng Trung Quốc đã tránh không đả động gì đến các phát biểu nói trên của ông Mahathir Mohamad.
Thay vào đó, ông Cường nhấn mạnh hai bên đồng ý bảo vệ thương mại tự do, một thông điệp Trung Nam Hải muốn gửi đến Nhà Trắng.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
Thủ tướng Malaysia nói rằng, Malaysia cần phải duy trì quan hệ thân thiện với Trung Quốc. Ông quyết định rút khỏi các dự án hợp tác với Trung Quốc để cắt giảm nợ công cho đất nước mình.
Trước khi lên 1 con tàu cao tốc ở Trung Quốc, Tiến sĩ Mahathir Mohamad nói ông sẽ xem xét lại việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Kuala Lumpur với Singapore, vì hủy bỏ hoàn toàn sẽ khiến Malaysia phải đối mặt với khoản tiền phạt lớn.
Ngoài nhà thầu Trung Quốc, các công ty từ Nhật Bản, châu Âu và Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị tham gia đấu thầu dự án này. Mahathir Mohamad đã đến thăm tuyến đường sắt Kyushu Nhật Bản ngày 7/8. [2]
Trước đó ngày 19/8 tờ South China Morning Post dẫn lời Thủ tướng Malaysia khẳng định, các khoản nợ Trung Quốc để phát triển một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng là do người tiền nhiệm Najib Razak, chứ không phải do Trung Quốc.
Ông sẽ cố gắng đàm phán lại với Bắc Kinh về các điều khoản liên quan đến một số dự án do Bắc Kinh cung cấp tài chính, khoảng hơn 20 tỷ USD.
Để Malaysia rơi vào "bẫy nợ ngoại giao", lỗi không phải là Trung Quốc, mà là chính phủ tiền nhiệm Malaysia:
|
Người Malaysia đã đùa với tiền bạc, thậm chí còn không có nghiên cứu khả thi và thẩm định phủ hợp trước khi quyết định.
Đó là lý do tại sao chúng tôi phải tiếp tục vay mượn những khoản này, và những dự án này trong mọi trường hợp đều sẽ không mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế của chúng tôi.
Có lẽ sau này nó có, nhưng những khoản vay của chính phủ Malaysia, không chỉ vay Trung Quốc đâu mà còn các nguồn khác, là quá lớn, đến nỗi chúng tôi gặp khó khăn khi cố gắng trả nợ.
Chúng tôi không chống lại các công ty Trung Quốc, nhưng chúng tôi chống lại việc vay tiền vô tội vạ từ bên ngoài và chống lại các dự án đầu tư không cần thiết mà rất tốn kém."
Đó là câu trả lời của Tiến sĩ Mahathir Mohamad cho một câu hỏi về tương lai dự án cơ sở hạ tầng Trung Quốc đầu tư tại Malaysia. [3]
Trong cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cả hai nhà lãnh đạo đều đưa ra những mặt tích cực.
Ông Tập Cận Bình mong muốn Malaysia sẽ tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường. Đồng thời, hai bên cần tăng cường "trao đổi chiến lược", chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
Một nguồn tin từ phái đoàn Malaysia cho biết, chuyến thăm Trung Quốc của Tiến sĩ Mahathir Mohamad đatx thành công "vượt ngoài mong đợi".
"Người Trung Quốc rất hào phóng, hiếu khách và bày tỏ lòng biết ơn đối với sự trung thực của Thủ tướng Mahathir Mohamad và chia sẻ thẳng thắn quan điểm của mình." [4]
Nguồn:
[1]https://mainichi.jp/english/articles/20180821/p2g/00m/0in/017000c
[2]https://asia.nikkei.com/Politics/Malaysia-in-transition/China-and-Malaysia-avoid-clash-but-Mahathir-wants-fair-trade
[3]https://www.scmp.com/news/china/article/2160390/it-not-about-chinese-malaysias-mahathir-blames-previous-government-debt
[4]https://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2160469/debt-laden-malaysia-wants-fair-and-free-trade-china
Hồng Thủy
http://giaoduc.net.vn/gdvn-post189091.gd