Bức ảnh chụp tên nhà ga có chữ Trung Quốc phía trên tiếng Việt được lan truyền trên mạng. Ban quản lý đường sắt Bộ GTVT nói đã yêu cầu nhà thầu Trung Quốc dỡ bỏ các biển hiệu này. |
Các biển báo có
tiếng Trung Quốc ở một nhà ga trên tuyến đường sắt nội đô đầu tiên của Việt Nam
do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đã bị gỡ bỏ sau những phản ánh của người dân,
theo truyền thông trong nước.
Một bức ảnh được
lưu truyền trên mạng trong những ngày qua cho thấy một biển báo tên nhà ga
Phùng Khoang trên nền màu xanh với dòng chữ Trung Quốc ở phía trên tiếng Việt
và có kích cỡ lớn hơn. Nhà ga này nằm trong tuyến đường sắt trên cao Cát
Linh-Hà Đông dài 13km đi qua ba quận nội thành của thủ đô Việt Nam.
Theo ZingNews, sau
khi tấm ảnh chụp biển nhà ga Phùng Khoang xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều
người bức xúc và đặt câu hỏi tại sao công trình đường sắt của Việt Nam lại gắn
biển tên có phần chữ Trung Quốc chiếm quá nửa diện tích.
Tiền Phong cũng cho
biết việc xuất hiện những biển hiệu tên nhà ga bằng song ngữ Trung-Việt ở một
số ga thuộc dự án Cát Linh-Hà Đông cũng được người dân phản ánh.
Ngày 7/8, ban quản
lý dự án đường sắt của Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu tổng thầu gỡ toàn bộ
các biển thông tin trên và yêu cầu không tái diễn việc tự ý gắn biển thông tin
sử dụng song ngữ tại dự án, theo Tiền Phong.
Phó giám đốc phụ
trách ban quản lý Vũ Hồng Phương nói với VietnamFinance hôm 8/8 rằng “đây là
biển tạm thời do đơn vị thi công tự ý gắn lên giúp người của đơn vị thi công
(Tổng thầu EPC Trung Quốc) dễ nhận biết trong quá trình làm việc”. Ban quản lý
dự án cho biết sẽ có văn bản “chấn chỉnh Tổng thầu về vấn đề trên và không để
xảy ra việc tự ý gắn, đề biển sử dụng song ngữ Trung-Việt không phù hợp tại dự
án.”
Về quy chuẩn, tất
cả các biển báo trên tuyến đường sắt sẽ sử dụng tiếng Việt và tiếng Anh theo
quy chuẩn quốc tế hiện nay, ông Phương cho Tiền Phong biết.
Dự án đường sắt
trên cao Cát Linh-Hà Đông là tâm điểm chú ý trong dư luận trong những năm qua
do nhà thầu vài lần trì hoãn việc hoàn thành và vốn bị đội lên gần gấp đôi.
Tuyến đường sắt ban
đầu được nhà thầu Trung Quốc tuyên bố sẽ hoàn thành trong năm 2013 nhưng sau đó
bị hoãn tới năm 2015 và tới năm 2016 vẫn chưa được hoàn tất như họ hứa hẹn.
Tân Hoa Xã cho
biết, tuyến đường sắt đang được vận hành thử từ tháng 7 và sẽ được đưa vào khai
thác thương mại vào tháng 10.
Việc đội vốn của dự
án cũng làm người dân trong nước phẫn nộ khi lúc đầu nhà thầu Trung Quốc tính
toán chi phí thực hiện là 553 triệu USD nhưng sau đó đội lên 868 triệu USD,
trong đó có 670 triệu USD vốn vay từ Trung Quốc, theo Economic Times.