Phạm Đoan Trang |
Tôi vốn không phải người “có khiếu” về chính trị và cũng từng không quan
tâm đến chính trị chút nào. Năm 2006, tôi có lần đi thi tuyển vào văn phòng AFP
tại Việt Nam và… trượt chỏng gọng vì không trả lời được câu hỏi “tứ trụ” (tổng
bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội) ở Việt Nam là những ai.
Ngày 13/6/2009, luật sư Lê Công Định bị bắt. Một cậu bạn đồng nghiệp của
tôi ở VNN nhắn tin báo, tôi còn chẳng biết Lê Công Định là ông nào. Cậu này
phải nói rõ: “Chồng hoa hậu Ngọc Khánh ấy”. Lúc đó tôi mới “ừ, à, à thế à” rồi
lục tục phá tường lửa vào BBC Việt ngữ đọc tin về Lê Công Định. Lại phải mất
một thời gian nữa tôi mới lờ mờ biết là trước anh Định vài tuần, có một nhân
vật bí hiểm nữa cũng bị bắt vì tội “chống nhà nước”, người ấy là “ông Trần Huỳnh
Duy Thức, doanh nhân, chủ của blog Trần Đông Chấn”. Ông Thức bị bắt ngày
24/5/2009.
Tôi cũng vẫn không quan tâm đến chính trị, hay nói đúng hơn, không quan tâm
đến giới đấu tranh dân chủ, giới đối kháng, bởi tôi nghĩ rằng họ không liên
quan gì đến tôi hay công việc (làm báo) của tôi. Tuy vậy, chỉ hơn hai tháng sau
khi luật sư Lê Công Định bị bắt, đến lượt tôi xộ khám bất thình lình vào tối
28/8/2009. Không khó để hình dung xem với một phóng viên “lề phải” hoàn toàn
không có va chạm, tiếp xúc gì với chính quyền công an trị, thì việc đùng một
cái bị tống giam 9 ngày là điều khủng khiếp đến mức nào. Song 9 ngày cũng để
lại cho tôi vài trải nghiệm có ích, trong đó, có những ấn tượng đầu tiên về
Trần Huỳnh Duy Thức và một số tù nhân lương tâm khác, qua lời kể của người bị
giam cùng phòng.
Tất nhiên, Yến – người phụ nữ ở chung phòng giam với tôi – cũng chưa bao
giờ có dịp tiếp xúc hay trông thấy anh Trần Huỳnh Duy Thức. Nhưng chị từng ở
cùng thư ký của anh Thức; người thư ký này bị bắt cùng dịp với sếp. Vốn dĩ công
an cộng sản có lối bắt giam đồng thời cả loạt người, thứ nhất để tạo ấn tượng
đây là “băng nhóm có tổ chức”, thứ hai là cứ bắt khai thác thông tin cái đã,
kiểu gì chẳng ra tội, có gì xử lý (thả hoặc giam tiếp) sau.
Chị Yến kể lại những gì chị biết về anh Thức qua lời kể của thư ký, một
cách thành thật và đầy trân trọng. “Nó bảo, chị ạ, em phải thừa nhận với chị là
em làm việc với nhiều sếp rồi, thực sự em chưa thấy ai giỏi như ông Thức. Giỏi
mà tốt. Ông ấy có tầm nhìn, làm gì cũng có tính chiến lược, kinh doanh thành
công. Nhiều việc ông ấy nhìn ra từ sớm, ông ấy đã gửi thư cảnh báo từ rất sớm
rồi. Cái nhà nước này mà nó nghe ông ấy thì đã không lụn bại, thất bại về kinh
tế đâu. (Đó là năm 2009, khi kinh tế Việt Nam đã bắt đầu suy thoái, nhiều người
nói là do ảnh hưởng muộn của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – NV). Mà ông
ấy tốt với em, với nhân viên lắm, rất quan tâm đến mọi người”.
Một tối nọ, đi cung về, cô thư ký ấy ôm mặt khóc, nói với chị Yến rằng: “Em
phản ông ấy rồi, chị ạ. Bọn nó bảo sẽ thả em, nhưng bắt em phải làm nhân chứng
tố cáo ông Thức. Rồi em đọc lời tố cáo, bọn nó ghi âm, quay phim lại. Em còn
con nhỏ, em không thể ngồi tù được. Em phản ông ấy rồi. Em có tội với ông ấy.
Đấy là ông sếp em yêu quý nhất, phục nhất. Thế mà em lại phản ông ấy…”.
Tôi ngồi nghe, ngẩn mặt, vì nhớ lại vụ anh Lê Công Định “nhận tội trên
tivi”, 5 ngày sau khi bị bắt. Lúc ấy, tôi không hề biết công an Việt Nam có
truyền thống làm đủ trò ti tiện, bẩn thỉu nhất để buộc người bị bắt phải thú
tội, xin khoan hồng… để chúng quay phim đưa lên tivi chiếu cho cả nước xem, coi
như đấy là bằng chứng mạnh nhất khép tội người bất đồng chính kiến. Bài này
công an ta học từ quan thầy Bắc Kinh mà ra. Tôi cũng không biết tất cả những
cái đó thật ra chỉ chứng tỏ bộ máy công an lạm quyền, bức cung, vi phạm nhân
quyền trầm trọng, chứ không có bất kỳ giá trị pháp lý nào.
Tôi chỉ thấy thương cho cô thư ký của anh Trần Huỳnh Duy Thức, và thương cả
anh Thức. Vừa thương vừa tiếc xót: Giá như cái nhà nước này biết trọng dụng
thay vì vùi dập nhân tài.
Đó là suy nghĩ của hồi ấy, cách đây 9 năm. Chứ như bây giờ thì tôi chẳng kỳ
vọng, chẳng tiếc nuối bất kỳ điều gì ở nhà nước cộng sản cả; tôi chẳng coi nó
là nhà nước.
Sau này tôi cũng tìm đọc các bài viết của anh Trần Huỳnh Duy Thức. Thú thật
là với đầu óc ngông nghênh của một đứa tốt nghiệp kinh tế tại “Harvard của Việt
Nam” (cách Đại học Ngoại thương tự gọi mình), cộng thêm tinh thần “không bao
giờ sùng bái cá nhân”, tôi không có nhiều ấn tượng từ các bài viết ấy. Nhưng
tôi rất nhớ vẻ mặt thán phục của chị Yến khi nói về anh Thức – dường như chị
cảm nhận và chia sẻ hoàn toàn với người thư ký của anh Thức những tình cảm tốt
đẹp về anh. Không dễ có nhà bất đồng chính kiến nào được yêu mến, nể trọng đến
thế.
Và con người ấy đã chấp nhận ngồi tù gần hai thập niên, kiên quyết không
rời Việt Nam, để đấu tranh cho tự do của dân tộc bằng chính tự do của mình,
trong bối cảnh người người, nhà nhà trốn chạy khỏi Việt Nam (rất tiếc là trong
số này, dân “đấu tranh” khá đông). Chỉ riêng điều ấy thôi đã khiến tôi phải
kính phục anh bội phần.
Mong anh Thức giữ được tính mạng, sức khỏe, tinh
thần, để trở về tự do. Mong lắm thay. Chúng tôi, chúng ta còn mong sẽ có thể
làm phim, viết sách về anh… nhưng ngay cả khi không có bộ phim hay cuốn sách
nào về Trần Huỳnh Duy Thức, thì tên anh cũng đã đi vào lịch sử Việt Nam rồi.