Trung Quốc ‘phải bắt nhịp lại với cải cách’ để duy trì phép màu kinh tế |
Sự lo ngại
ngày càng gia tăng khiến những người Trung Quốc giàu có tìm cách mua nhà và
định cư ở nước ngoài – nhưng đối với một số người, điều này đã trở thành cơn ác
mộng
Tầng lớp trung lưu của Trung Quốc vốn được biết đến
với quy mô rộng lớn và sức mạnh kinh tế tiềm ẩn. Những người lạc quan tin rằng
một tầng lớp trung lưu lớn và đang phát triển có khả năng đưa Trung Quốc và
thậm chí cả thế giới trở nên thịnh vượng hơn, trong khi những người bi quan lại
nhìn thấy một nhóm người ngày càng gây áp lực nặng nề khiến nền kinh tế trì trệ
và thậm chí dẫn đến hỗn loạn chính trị.
Những công dân Trung Quốc như Xin Piao, Raymond Zhang
và Wendy Wang vẫn là những người xa lạ với nhau cho đến tháng Tám vừa rồi, khi
họ tham gia một nhóm trên WeChat dành riêng cho “hoàn trả tiền nhà ở Úc”.
Giống như những thành viên khác trong nhóm gồm hơn 300
người này, họ lo lắng về nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc và cố gắng bảo vệ
tài sản của mình bằng cách mua bất động sản ở Úc.
Nhưng ý tưởng có vẻ thông minh này đã biến thành một
cơn ác mộng – tiền của họ đã biến mất do những sai trái của một nhà tư vấn đầu
tư nổi tiếng về bất động sản và môi giới thế chấp ở Úc chuyên hỗ trợ các nhà
đầu tư giàu có của Trung Quốc.
Theo tờ South China Morning Post, ở Trung Quốc, 17 văn
phòng cao cấp của công ty môi giới bất động sản Ausin China đó đột nhiên bị
đóng cửa vào tháng Tám. Việc này để lại hậu quả vô cùng nặng nề với các khoản
tiền gửi biến mất và các thương vụ mua bán thất bại trị giá hơn 70 triệu đô la
Úc (49,6 triệu đô la Mỹ) từ khoảng 200 người mua của Trung Quốc tại 15 dự án
chung cư và nhà ở chưa được xây dựng ở Úc.
Trải nghiệm mất mát này chính là câu chuyện cảnh báo
mới nhất về những rủi ro ngày càng tăng khi nhu cầu từ tầng lớp giàu có và
trung lưu muốn đầu tư ở nước ngoài trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Một số
lượng lớn người Trung Quốc nôn nóng để có được thị thực dài hạn hoặc sở hữu
được tài sản ở những nước thân thiện như một chính sách bảo hiểm chống lại xu
hướng ngày một xấu đi của điều kiện trong nước. Do không có nhiều các lựa chọn
đầu tư tại nước nhà và do chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận
Bình, những người có tài sản lớn đang tìm kiếm cách chuyển tiền ra nước ngoài,
bằng phương tiện pháp lý hoặc bằng các cách khác.
Sợ hãi và thất vọng
Công dân của các nước phát triển và nhiều nước đang
phát triển luân chuyển đồng tiền trên toàn thế giới để tận dụng các cơ hội đầu
tư. Quyết định của họ được xác định bởi sự lựa chọn cá nhân về rủi ro và giá
trị đổi lại, hiếm khi do các yếu tố chính trị trong nước. Cũng không hẳn là do
họ bị phong toả hay cấm đoán về mặt tài chính, họ được phép tự do chuyển tiền
ra khỏi đất nước của họ và ngược lại.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều người dân Trung Quốc đã
tiến hành đầu tư ra nước ngoài do sợ hãi và thất vọng. Họ sợ rằng chất lượng
cuộc sống của họ đang xấu đi và thất vọng vì có rất ít cơ hội đầu tư tại quê
hương. Họ muốn tiền của họ được bảo quản tại đất nước mà họ cảm thấy “an toàn”
và nơi họ có thể có một cuộc sống dễ chịu hơn cho bản thân và gia đình của
mình.
Vấn đề lớn nhất đối với những công dân tầng lớp thượng
lưu này là chính phủ hạn chế khắt khe dòng vốn chảy ra khỏi đất nước. Bắc Kinh
muốn tiền kiếm được ở Trung Quốc phải ở lại Trung Quốc để góp phần phát triển
đất nước hơn nữa, bất chấp hậu quả tài chính có thể xảy ra với các cá nhân.
Trong vài năm qua, các nhà đầu tư trung lưu đã tạo
dựng tài sản của mình nhờ vào thị trường bất động sản đang bùng nổ của đại lục
– đây cũng là lựa chọn đầu tư tốt nhất cho hầu hết người Trung Quốc – đã cảm
thấy mất an toàn về mặt tài chính và nỗi lo bong bóng bất động sản.
Ngoài ra, ô nhiễm không khí nặng, an toàn thực phẩm và
các vụ bê bối vắc-xin, một hệ thống giáo dục cứng nhắc và sự cai trị ngày càng
độc đoán càng khiến những người có đủ tiềm lực tìm cách ra nước ngoài.
Khi mới 40 tuổi, Zhang đã nói rằng anh và 14 người
khác từ khắp Trung Quốc đã trả tiền để tham gia một chuyến du lịch đầu tư của
Ausin tới Úc vào tháng Năm với suy nghĩ rằng “chả có gì to tát cả, chỉ là đi
tham quan các dự án thôi”.
Anh Zhang nói: “Chúng tôi đã được đưa đi tham quan
khoảng chục dự án bất động sản ở Melbourne, Sydney và Brisbane, bao gồm các căn
hộ, biệt thự và nhà. Tôi yêu nước Úc ngay khi đặt chân đến. Giá bất động sản và
chi phí sinh hoạt khá phù hợp với chúng tôi, chưa kể đến không khí trong lành,
hệ thống pháp luật và giáo dục tốt cho gia đình tôi”.
Trong các quảng cáo ở Trung Quốc, Ausin nói với các
nhà đầu tư rằng chuyến đi là miễn phí nhưng lại yêu cầu đóng một khoản tiền đặt
cọc trị giá 200.000 nhân dân tệ (29.000 USD). Công ty hứa sẽ trả lại khoản tiền
này 35 ngày sau khi các nhà đầu tư quay trở lại Trung Quốc, nhưng Zhang cho
biết những người tham gia chuyến đi đều chưa nhận lại được tiền của mình.
Cô Wang, người vừa bán một trong hai căn hộ của mình ở
Thượng Hải để có tiền mua một căn hộ hai phòng ngủ ở Melbourne trị giá khoảng
900.000 USD cho biết: “Tôi thực sự không giàu có đến nỗi có thể mua tài sản ở
New York hoặc London, nhưng tôi rất quan tâm đến việc mua một căn hộ ở nước
ngoài để con tôi có thể du học hoặc định cư trong tương lai”.
Liệu có còn cơ hội?
Cánh cửa cho người Trung Quốc chuyển tài sản ra nước
ngoài dường như đang đóng lại. Ở Trung Quốc, chính quyền đang ngày càng quyết
liệt hơn trong việc trừng phạt chuyển ngoại tệ bất hợp pháp ra nước ngoài. Cơ
quan quản lý ngoại hối nhà nước (SAFE) đã tăng cường thanh tra các trường hợp
nghi ngờ và “bêu tên và sỉ nhục” các cá nhân liên quan nhằm nỗ lực cảnh báo
tầng lớp trung lưu của các cơ quan chức năng.
Trong một tuyên bố vào cuối tháng Tám, SAFE tiết lộ 23
trường hợp như vậy, năm trong số đó liên quan đến các cá nhân Trung Quốc đang
cố gắng mua bất động sản ở nước ngoài. Một người tên là Wang ở Chiết Giang đã
bị phạt 1,45 triệu nhân dân tệ do sử dụng “ngân hàng ngầm” để chuyển 15 triệu
nhân dân tệ ra nước ngoài mua tài sản; một cá nhân khác có tên là Sun bị phạt
1,37 triệu nhân dân tệ do đã chuyển 5,74 triệu đôla Mỹ bằng cách vay hạn ngạch
ngoại tệ hàng năm của người khác. Bắc Kinh cấp cho mỗi cá nhân một hạn ngạch
ngoại tệ 50.000 đô la Mỹ hàng năm và việc mua vượt quá hạn ngạch đó cần phải có
sự chấp thuận đặc biệt từ SAFE.
Người mua bất động sản từ Trung Quốc cũng gây tác động
đến nền kinh tế địa phương và chính trị, khiến các nước từ Úc đến Hoa Kỳ ngày
càng không ủng hộ việc người Trung Quốc sang mua nhà tại những quốc gia này.
Úc là một trong số ngày càng nhiều quốc gia thắt chặt
các quy định đầu tư nước ngoài để đáp ứng với tình trạng nguồn vốn đầu tư của
Trung Quốc vào những nước này đang tăng kỷ lục trong những năm gần đây. Kể từ
tháng 8 năm 2016, chính phủ đã cấm bốn ngân hàng lớn của mình cho vay mua bất
động sản đối với người nước ngoài không có thu nhập trong nước.
Đầu năm nay, New Zealand cấm hoàn toàn người nước
ngoài mua bất động sản sau khi nhu cầu từ các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là
Trung Quốc, tăng cao đẩy giá bất động sản vượt quá khả năng của nhiều người dân
địa phương. Canada cũng đã chấm dứt Chương trình Nhà đầu tư nhập cư Canada sau
khi nhận được một số lượng lớn các đơn xin xét duyệt từ Trung Quốc và giá nhà
tăng vọt, đặc biệt là ở các thành phố như Vancouver và Toronto.
Vào cuối tháng 8, hàng trăm người Trung Quốc, chủ yếu
là tầng lớp trung lưu, đã mua hoặc đặt cọc vào một dự án bất động sản ở Johor,
Malaysia trở nên hoảng loạn sau khi Thủ tướng Mahathir Mohamad nói rằng chính
phủ sẽ không cho phép người nước ngoài mua nhà tại dự án trị giá 100 tỷ đô la
Mỹ do một công ty Trung Quốc quản lý.
Ông cho biết việc dự án tập trung bán cho người Trung
Quốc đã làm ảnh hưởng đến chủ quyền của Malaysia. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã
bị lôi kéo để mua bất động sản trong dự án bởi vì họ sẽ có thể xin thị thực dài
hạn, không thường trú tại Malaysia dễ dàng hơn.
Theo Reuters, ông Mahathir nói: “Chúng tôi phản đối là
vì dự án này được xây dựng cho người nước ngoài, mà không phải cho người
Malaysia. Hầu hết người Malaysia không thể mua những căn hộ đó”.
Những bình luận này khiến các nhà đầu tư Trung Quốc lo
lắng. Laura Zhang, người đã mua một căn nhà trong dự án nói: “Những gì thủ
tướng Mahathir nói chắc chắn đã gây tác động tiêu cực đến nhu cầu và nguyện
vọng của các nhà đầu tư trung lưu từ Trung Quốc. Chúng tôi cảm thấy chúng tôi
không được chào đón ở đây và ngày càng có nhiều sự không chắc chắn và rủi ro
đối với thị thực và đầu tư dài hạn của chúng tôi”.
Tại Mỹ, nhu cầu về thị thực đầu tư EB-5 của người
Trung Quốc dường như đang giảm đi do những bất ổn cao xung quanh chương trình
này, và luật nhập cư nói chung dưới thời Tổng thống Donald Trump. Việc phê
duyệt thị thực có thể mất đến 10 năm, dẫn đến ngày càng ít sự quan tâm và sự
sụt giảm đáng kể trong dòng đầu tư cá nhân vào Mỹ. Liu Zhenbiao, người đứng đầu
Jixi Group chuyên hỗ trợ người giàu Trung Quốc xuất cảnh và mua bất động sản ở
nước ngoài, cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến các tranh chấp kinh tế ngày
càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc gây ảnh hưởng đến quá trình EB-5 cho người
Trung Quốc, và chính phủ Mỹ cũng kiểm tra kỹ hơn các đơn xin EB-5”
“Một cách dễ dàng”
Trong trường hợp của Ausin China, công ty đã gây quỹ
cho các nhà đầu tư Trung Quốc để mua các dự án đang được phát triển bởi một số
công ty Úc, bao gồm Stockland và Mirvac, kể từ năm 2009. Công ty đã bán được
hơn 8.000 bất động sản của Úc trong thập kỷ qua, và thành lập các chi nhánh
được trang trí sang trọng tại hơn một chục thành phố lớn nhất của Trung Quốc và
cung cấp các tour du lịch đầu tư miễn phí cho những khách hàng giàu có để tìm
hiều mua nhà ở Melbourne, Sydney và Brisbane.
Công ty cũng cam kết hỗ trợ tối đa nhà đầu tư mua
ngoại tệ để thanh toán cho các bất động sản của họ và lợi suất cho thuê hàng
năm là 5% cho 5 năm, Xin và các khách hàng Trung Quốc khác cho biết họ đã đồng
ý đặt cọc và thanh toán cho Ausin China , và tin vào những lời hứa hẹn của
Ausin China sẽ chuyển các khoản này cho đối tác Úc.
Cô Xin trạc 40 tuổi nói: “Lý do chúng tôi đưa tiền cho
Ausin là do rất khó chuyển tiền từ Trung Quốc sang Úc … vì vậy Ausin đã giúp
chúng tôi gửi tiền cho công ty bất động sản”, và cô cùng thừa nhận rằng cô hiểu
rõ những quy định hạn chế chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc.
Cũng như giới hạn mua ngoại tệ hàng năm, Bắc Kinh cũng
hạn chế các khoản rút tiền mặt ở nước ngoài của các cá nhân sử dụng thẻ ngân
hàng Trung Quốc ở mức 100.000 NDT mỗi năm.
Raymond Zhang, người điều hành một công ty kinh doanh
cho biết: “Sau khi nói chuyện với những người mua bị ảnh hưởng khác, tôi nhận
ra chúng tôi đã bị lừa vì chúng tôi quá hăm hở mua nhà, căn hộ hoặc bất cứ tài
sản nào ở Úc. Tôi cảm thấy rằng những rủi ro và bất ổn ở Trung Quốc – cả về
kinh tế lẫn chính trị – đang tăng nhanh chóng. Đã có một sự sụt giảm nghiêm
trọng của thị trường chứng khoán. Lạm phát ngày càng gia tăng, cho thấy sự suy
giảm về giá trị đồng tiền. Doanh số tại thị trường bất động sản ở các thành phố
hạng nhất đã giảm”. Ông Zhang nói thêm rằng vụ bê bối gần đây về vắc-xin cho
trẻ em là “giọt nước tràn ly”, vì vậy ông quyết định chuyển một số tài sản của
mình ra nước ngoài bằng cách mua bất động sản.
Ông nói “Ausin rất được biết đến trong cộng đồng người
Trung Quốc muốn mua bất động sản ở nước ngoài, và văn phòng của họ nằm ở vị trí
tốt nhất ở mọi thành phố. Vì vậy, đó là lựa chọn đáng tin cậy nhất đối với
chúng tôi – những người Trung Quốc bình thường -muốn mua bất động sản ở Úc và
tránh được những hạn chế về chuyển vốn ra khỏi Trung Quốc”.
Wang thừa nhận rằng đó dường như là lựa chọn tốt nhất
của cô. Cô đã ký hợp đồng với công ty vào năm 2015 để mua một căn hộ ở
Melbourne. “Một số bạn bè của tôi đã hoàn tất giao dịch với công ty và sống ở
Úc – đó là lý do tại sao tôi không có bất kỳ nghi ngờ nào và tôi đã trả nốt
phần tiền còn lại trong tháng 7″, cô nói. Tháng trước, Ausin Group (Úc) đã loại
bỏ khỏi trang web của mình tất cả các thông tin về 17 văn phòng ở Trung Quốc và
tuyên bố đã chấm dứt hợp tác với đối tác Trung Quốc. Công ty cho rằng trụ sở
tại Thâm Quyến và nhà điều hành Jin Tianyou đã vi phạm quy trình của công ty và
chiếm đoạt tiền của khách hàng. Ausin Group (Úc) cho biết: “Chúng tôi đã báo
cáo về ông Jin và công ty của ông ấy với chính quyền Trung Quốc và Úc về các
cáo buộc liên quan đến gian lận tài chính. Ausin Group (Úc) đã chấm dứt mối
quan hệ với ông Jin và công ty của ông và đang làm việc với các cơ quan chức
năng để đảm bảo cuộc điều tra được tiến hành sâu sát”.
Bất chấp những khó khăn và rủi ro ngày càng tăng, ngày
càng có nhiều người dân ở tầng lớp trung lưu đang tìm cách để hiện thực hoá ước
mơ sở hữu một bất động sản ở nước ngoài.
Kong Shaoshi, chủ một công ty kinh doanh bất động sản
ở Châu thổ sông Châu Giang cho biết Nam Á đang trở thành điểm đến của nhiều
người Trung Quốc. Kong nói: “Bất động sản ở các thành phố Nam Á đang bùng nổ có
lợi nhuận cao và thiết thực hơn cho người mua ở tầng lớp trung lưu. Chúng tôi
nhận được hàng chục cuộc gọi mỗi ngày từ các nhà đầu tư cá nhân trên khắp vùng
đồng bằng.” Xin, Zhang và Wang đều nói họ dự định kiện cả Ausin China và Ausin
Group (Úc). Và ngay cả khi không thể lấy lại tiền, Zhang vẫn muốn mua tài sản ở
nước ngoài. “Tôi thực sự lo lắng về tình hình kinh tế ngày càng xấu đi trong
nước, vì vậy phải tìm một giải pháp khác để giải quyết chuyện này” ông nói.
Ngân Giang (theo SCMP)