- Nguỵ Kinh Sinh
Lê Minh Nguyên dịch
Lê Minh Nguyên dịch
Các sự kiện xảy ra, từ việc khởi thủy có hơi do dự của Tổng thống Trump
trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, cho đến bài phát biểu gần đây
của Phó Tổng thống Pence, cho thấy người Mỹ đã thực sự bắt đầu thức dậy. Như
Phó Tổng thống Pence nói, hầu hết người Mỹ đã có những mong muốn đầy thiện chí
trong quá khứ, nghĩ rằng giúp TQ phát triển nền kinh tế của họ có thể đồng thời
thúc đẩy TQ tiến tới dân chủ tự do. Nhưng bây giờ thực tế thì ngược lại. Không
chỉ chế độ CSTQ không cho dân nuớc họ được tự do, mà còn gây nguy hiểm nghiêm
trọng cho hệ thống dân chủ tự do và kinh tế của Hoa Kỳ.
Ở đây đơn giản không phải là vấn đề thâm hụt mậu dịch mà là câu chuyện ngụ
ngôn về nguời nông dân và con rắn của ông Aesop (nguời nông dân thấy con rắn bị
đóng băng nên cứu nó, bỏ vào túi cho nó ấm, khi nó sống lại nó cắn chết người
nông dân). Sự phát triển kinh tế của chế độ CSTQ không làm cho người dân TQ có
tự do và thịnh vượng, mà còn làm xói mòn sự tự do và thịnh vượng của Hoa Kỳ, và
đã lấn tiến hơn nữa để can thiệp vào chính trị HK trong nỗ lực kiểm soát chính
sách của HK. Đây thực sự là cuộc chiến tranh lạnh, là nơi ý thức hệ xác định
mối tuơng quan thù địch giữa hai bên. Nó vẫn luôn là như thế.
Về mặt này, thì Đảng CSTQ luôn nói lên sự thật. Mục tiêu cuối cùng của họ
là để đánh bại chế độ dân chủ tự do của phương Tây và thiết lập chế độ độc tài
toàn cầu. Cuộc xung đột của họ với dân chủ tự do là xung đột có tính cách sống
chết. Ngay cả chiến lược của Đặng Tiểu Bình về "ẩn mình che giấu khả năng
và giả vờ yếu đuối" cũng là một sự lừa bịp tạm thời. Ẩn ý của tuyên bố này
là cuối cùng phải đánh bại người khác.
Hiện thời, hai câu chuyện rất phổ biến ở phương Tây là 'Sự đụng độ giữa các
nền văn minh' (Clash of Civilizations) của Samuel Huntington và bẫy Thucydides
Trap (chiến tranh giữa Sparta và Athens. Sparta ngự trị, Athens trừng lên. Sự
nghi ngờ và lo sợ đưa đến chiến tranh). Clash of Civilizations thì quá hàn lâm
(academic), có tính trung dung và cân đối vì các học giả không muốn xúc phạm
người khác. Thucydides Trap không thực sự làm rõ vấn đề, mà chỉ nói lên hiện
tượng bề mặt. Trong thực tế, mâu thuẩn thực sự là do tranh chấp giữa các hệ
thống xã hội, tranh chấp giữa các ý thức hệ, tranh chấp quyền lực cá nhân.
Ở khía cạnh này, lịch sử phương Tây không phải là điển hình. Vì vậy, khi
người phương Tây nói về nó như là sự đụng độ giữa các nền văn minh, thì đã đi
vào chiều sâu của câu chuyện. Trong thực tế, tranh luận về sự đụng độ giữa các
nền văn minh và thuyết Thucydides Trap, tất cả huớng về kết quả chứ không phải
huớng về nguyên nhân. Lịch sử tiền nhà Tần ở Trung Quốc, hay lịch sử về sự hình
thành dân tộc Hán ở Trung Quốc, điển hình cho thấy các tranh chấp hệ thống xã
hội được xác định bởi ý thức hệ mới là nguyên nhân gốc rễ để quyết định lịch
sử.
Ba ngàn năm trước ở Trung Quốc, người Hoa Hạ (Huaxia) là các sắc dân thiểu
số với các hệ thống chính trị khác nhau đến từ phương Tây và bị bao quanh bởi
một sắc dân đa số và hùng mạnh được gọi là văn hóa Di. Trái ngược với lý thuyết
phổ biến trong giới học giả phương Tây gồm cả Karl Marx, cho rằng nền tảng kinh
tế xác định hệ thống chính trị (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến
trúc), về mặt kinh tế và công nghệ thì các nuớc Hoa Hạ không có lợi thế mà hoàn
toàn bất lợi, đặc biệt là trong nhiều công nghệ quan trọng.
Tuy nhiên, vì hệ thống chính trị của họ mang tính nhân đạo và thuận lợi hơn
cho sự thống nhất nội bộ của họ, trong đó bao gồm sự bình đẳng và tự do hơn cho
những nguời nô lệ mà họ bắt được, họ dần dần mở rộng ra trong cuộc đấu tranh
với những người man rợ xung quanh và cuối cùng họ hình thành người Hán, nhóm
dân tộc lớn nhất thế giới. Người Hán hấp thụ và hòa nhập những kỹ năng và trí
tuệ của tất cả các nền văn minh khác, gồm cả tài năng con người, và do đó đã
phát triển trong hơn hai nghìn năm. Lịch sử này rất giống với nước Mỹ hiện nay.
Hệ thống giá trị của lòng nhân từ, sự công bình, lịch sự, trí tuệ và uy tín
được tóm luợc bởi Khổng Tử, gọi là giá trị phổ quát ngày nay. Giá trị phổ quát
này rất phù hợp với nhân loại nên là lý do cơ bản cho quốc gia Hoa Hạ phát
triển từ nhỏ ra to. Đây cũng là lý do cơ bản cho sự phát triển của hệ thống dân
chủ Mỹ từ nhỏ đến lớn. Kinh tế, quân sự và văn hóa v.v.. chỉ là các sản phẩm
phụ của sự phát triển hệ thống chính trị.
Nhưng, ý thức hệ và hệ thống chính trị của Đảng CSTQ lại là hệ thống giá
trị và chế độ nô lệ mà từ lâu người phương Tây đã loại bỏ. Người Mỹ thì có thể
rộng luợng để cho nó tồn tại (ở TQ), nhưng Đảng CS thì không tha thứ cho sự tồn
tại của dân chủ và tự do. Chế độ CSTQ đã chính xác thấy sự xung đột cơ bản giữa
hai nền văn minh. Họ không rộng luợng cho dân chủ và tự do ở TQ, nên họ cũng không
rộng lượng cho dân chủ và tự do quốc tế.
Sự không khoan dung này là vì cái thế giới do hệ thống chính trị nhân đạo
hơn tạo ra sẽ là mối đe dọa cơ bản cho hệ thống nô lệ. Sự hấp dẫn của các giá
trị phổ quát là động lực thuờng trực cho nô lệ trốn thoát và tìm kiếm tự do.
Những giá trị này đã là mối đe dọa cơ bản cho hệ thống nô lệ kể từ thời cổ đại.
Người nông dân tốt bụng cuối cùng cũng nhận ra bản chất của con rắn. Đó là
sự khởi đầu không để cho bị rắn cắn trong tương lai. Người Mỹ cuối cùng cũng đã
nhận ra rằng một hệ thống nô lệ không thể cùng tồn tại với dân chủ và tự do.
Cảm ơn Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence vì đã nói với người dân Mỹ về
bản chất của những con rắn.